ĐÀO TRUNG ĐẠO

(127)

Edmond Jabès

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 68,Kỳ 66, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82, Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87, Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95, Kỳ 96, Kỳ 97, Kỳ 98, Kỳ 99, Kỳ 100, Kỳ 101, Kỳ 102, Kỳ 103, Kỳ 104, Kỳ 105, Kỳ 106, Kỳ 107, Kỳ 108, Kỳ 109, Kỳ 110, Kỳ 111, Kỳ 112, Kỳ 113, Kỳ 114, Kỳ 115, Kỳ 116, Kỳ 117, Kỳ 118, Kỳ 119, Kỳ 120, Kỳ 121, Kỳ 122, Kỳ 123, Kỳ 124, Kỳ 125, Kỳ 126, Kỳ 127,

Chương 3

Quyển Sách

Trong cuộc gặp mặt vào ngày cuối cùng của cuộc hội thảo Écrire le livre autour d’Edmond Jabès Hélene Péras đặt câu hỏi với Jabès về mối liên hệ giữa quan niệm về Quyển sách của Jabès với quan niệm về Quyển sách của Stéphane Mallarmé: “Tôi có một câu hỏi thứ nhì, về khái niệm quyển sách, có liên hệ tới tham vọng của quyển sách nơi Mallarmé.” Trước khi nghe câu trả lời của Jabès chúng ta cần tìm hiểu về “Quyển Sách” của Mallarmé.

Như chúng ta đã biết, sinh thời Mallarmé đã không xuất bản một tác phẩm nào có tựa đề “Le Livre”/Quyển sách. Nhưng trong những tài liệu để lại Mallarmé đã viết khá nhiều ghi chú, những bản nháp viết dang dở dùng cho những bài thuyết trình dự định đọc trước một công chúng chọn lọc và trong thư từ trao đổi Mallarmé cũng có nói tới dự án viết quyển sách này. Năm 1957 Jacques Scherer thu tập tất cả những bản viết có liên hệ tới chủ đề Quyển Sách và cho nhà Gallimard xuất bản với bài tựa của Henri Mondor. Jean-Pierre Richard trong quyển L’Univers imaginaire de Mallarmé cho rằng: “Nếu tác phẩm không được thực hiện này, nhưng cũng từ lâu lại được ấp ủ trong tư tưởng, tạo nên đường chân trời của tất cả tác phẩm có thực của Mallarmé, thì chúng ta sẽ cũng phải coi nó như một điểm giới hạn của vũ trụ tưởng tượng của ông ta. Trong tác phẩm này dĩ nhiên hội tụ tất cả những giấc mơ của Mallarmé về bài thơ. Những giấc mơ này trong quyển sách này được đẩy tới tận cực điểm hữu lý nhất: cũng là hữu lý ngay cả khi chúng mở ra trên một thứ mơ sảng. Thật vậy, cái quyến rũ, trong những bản nháp rất không đầy đủ, chính là tính chất thuần túy của lộ trình tưởng tượng nó ghi dấu và tìm kiếm trong tác phẩm này; và đó cũng là nỗ lực, không hề nản chí, ngay cả trước những trở ngại rõ rệt, để phiên dịch giấc mơ này thành một thực tại rất có thực. [...] Nếu như nó hiện hữu, hẳn quyển Sách rất có thể là “tác phẩm chính không được biết tới” của Mallarmé.[67] Ý tưởng trung tâm của Mallarmé trong Le Livre nằm trong những bài thuyết trình: Mallarmé muốn người đọc là một kẻ thao tác (opérateur) dùng một số cố định những tờ sách và từ lần đọc này sang lần đọc khác phải đọc lại cùng một số những trang sách đó nhưng theo một trật tự khác. Mỗi lần đọc sẽ làm hiện ra một ý nghĩa mới và khi kết thúc những lần đọc này người đọc sẽ có được một ý nghĩa tổng thể (signification totale). Đây là một nguyên tắc thẩm mỹ mở lại nhị nguyên (principe de repliement dualiste) Mallarmé đặt ra cho tác phẩm cũng như người đọc. Thật vậy, trong Quyển sách mỗi đơn vị đọc phải đáp ứng một đơn vị đọc đối xứng và phản đề khác: những cặp đôi đọc tuần tự này tạo nên kiến trúc của Quyển sách. Phương cách đọc này nói lên quan niệm về bài thơ của Mallarmé: rằng bài thơ chứa đựng một mâu thuẫn: khi nó được cảm nhận trong một thời đoạn (durée) thì nó cũng phải được nắm bắt trong một không gian tưởng tượng, trương độ ngôn ngữ (étendue verbale) hướng về một hình dung tiêu điểm (fulguration focale) của những ý nghĩa.

Trở lại cuộc vấn đáp giữa Helène Péras và Edmond Jabès: Câu trả lời của Jabès: “Không nên quên rằng dự án của Mallarmé chỉ là một dự án. Đã không có việc thực hiện nào cho dự án này cả. Và tôi tự hỏi một dự án như vậy, thực sự, không nên cứ mãi ở trạng thái dự án.” Hélene Péras cho rằng thực ra dự án này của Mallarmé là một trò tự khôi hài nhưng Jabès không nghĩ vậy và kể lại cuộc trò chuyện với Michel Leiris: Jabès nói với Leiris rằng mình rất ấn tượng về quyển Miroir de la tauromachie của Leiris vì tất cả cái thảm kịch của văn chương được quyển sách hình dung bằng cái chết của tay đấu bò rừng – tức là của nhà văn – cái chết của từ (la mort du mot) – cái chết của con bò rừng, và Leiris đáp lại rằng “Nguy cơ không nằm ở sự kiện viết. Với tôi, nguy cơ là đã kể lại đời tôi trong mọi chi tiết...” Còn về phần Mallarmé thì ông ta đã nói rất nhiều về dự án của ông ta trong thư từ. Jabès nói: Nhưng để kết thúc, ở đây có một chuyên gia vể Mallarmé...Liệu ông có muốn nói chút gì...Chuyên gia đó là Serge Meitinger trả lời: Thật rất khó khoanh vùng dự án của Mallarmé và người ta có thể diễn giải dự án này như một hình thức của sự tuyệt vọng. Sự kiện chỉ nhằm hoàn tất có mỗi một quyển sách chính là một hình thức của tuyệt vọng. Nhưng đôi khi đó cũng là một sự khôi hài. Hơn nữa có vẻ như với Mallarmé đó không hẳn là một dự án duy nhất. Hoặc ít ra, nếu như có một giai đoạn nào đó ở cuối đời một nhà văn đặt ra một dự án nhằm tổng hợp hết thảy trong ý niệm quyển sách. Rồi thì Mallarmé cũng không còn trực tiếp nói về quyển sách nữa và ông ta cũng thành công trong việc làm cho một bài thơ thành im tiếng. Bằng một cách nào đó ông ta đã bắt đầu thực hiện một đoạn của quyển sách.[68]

_______________________________________

[66] Écrire le livre autour d’Edmond Jabès trang 309: J’avais une seconde question, pour la notion du livre, qui concerne l’ambition du livre chez Mallarmé.

[67] Jean-Pierre Richard, L’Univers imaginaire de Mallarmé (nxb Seuil, 1961) trang 565: Si cette œuvre irréalisée, mais si longtemps caressée en pensée, constitue l’horizon de toute l’œuvre réelle de Mallarmé, il nous faudra la considérer aussi comme un point limite de son univers imaginaire. En elles convergeront sans doute toutes les rêves de Mallarmé sur le poème. Elles y seront poussées jusqu’à leur extrémité la plus logique: si logique même qu’elles y déboucheront sur une sorte de délire. Ce qui fascine, en effet, dans ces brouillons si incomplets, c’est la pureté de la démarche imaginaire qui s’y inscrit et qui s’y cherche; et c’est aussi l’effort, jamais découragé, même par les plus évidents obstacles, pour traduire ce rêve en une realité très matérielle. [...] S’il avait existé, le Livre eût peut-être été le “chef d’œuvre inconnu” de Mallarmé.

Michel Foucault trong bài viết tuyệt vời tựa đề Le Mallarmé de J.-P. Richard về quyển L’Univers imaginaire de Mallarmé của Jean-Pierre Richard cho rằng “J.-P. Richard đã đưa ra được, bên ngoài mọi qui chiếu về một khoa nhân học đã được lập nên đâu đó, cái phải là đối tượng đích thực của diễn ngôn phê bình: [đó là] mối quan hệ không phải của một con người với một thế giới, cũng không phải mối quan hệ của một kẻ trưởng thành với những hoang tưởng hay với tuổi thơ của hắn, không phải mối quan hệ của một người làm văn chương với một thứ tiếng , nhưng là mối quan hệ của một chủ thể nói với cái hữu riêng biệt, khó khăn, phức tạp, không rõ ràng một cách sâu xa (bởi nó chỉ định và cung cấp hữu của nó cho mọi hữu khác, kể cả nó) và nó có tên là ngôn ngữ.” (Il a mis au jour, hors de toute référence à une anthropologie constituée aillleurs, ce qui doit être l’objet propre de tout discours critique: le rapport non d’un homme à un monde, non d’un adulte à ses fantasmes ou à son enfance, non d’un litterateur à une langue, mais d’un sujet parlant à cet être singulier, difficile, complexe, profondément ambigu (puisqu’il désigne et donne son être à tous les autres êtres, lui-même compris) et qui s’appelle le langage.” (Dits et Ecrits I, trang 464)

 [68] Écrire le livre autour d’Edmond Jabès trang 309.

(còn tiếp)

ĐÀO TRUNG ĐẠO

http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html

 

© gio-o.com 2019