đào trung đạo

(102)

 

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 68,Kỳ 66, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82, Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87, Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95, Kỳ 96, Kỳ 97, Kỳ 98, Kỳ 99, Kỳ 100, Kỳ 101, Kỳ 102,

 

GIUSEPPE UNGARETTI

Chương II

Thi pháp và Thi ca của Ungaretti

 

Năm 1936 sau khi dự Hội nghị PEN Club ở Buenos Aires do chính phủ Argentine mời Ungaretti được đại học São Paulo, Brezil mời dạy Văn chương Ý cho đến 1942 và tập thơ Il dolore/Khổ đau được sáng tác trong thời gian này. Có thể coi tập thơ Il dolore  khởi đầu cho giai đoạn thứ ba trong lộ trình thi ca của Ungaretti. Một giai đoạn Ungaretti sống như một con vật bị săn đuổi, lẩn trốn để suy niệm về những nỗi khổ đau không thể vượt qua và trên sự tàn bạo của số phận.  Câu chuyện cuộc đời Ungaretti cũng là câu chuyện của tất cả những con người bị ném vào sự tang tóc. Trong giai đoạn này Ungaretti đọc và suy ngẫm tư tưởng của Pascal. Tập thơ như tên gọi ghi dấu những năm tháng sống trong khổ đau qua những năm chiến tranh tai họa 1937-1946: chương thứ nhất mở đầu bằng bài Tutto ho perduto/Tôi đã mất hết (1937) tiếp theo là bài Se tu mio fratello/Nếu ngươi là em ta và hai bài Giorno per giorno/Ngày ngàyIl tempo è muto/Thời gian nín tiếng được Ungaretti viết để kỷ niệm người con trai Antonietto mới 9 tuổi chết vì bệnh ruột dư năm 1939 cùng một số bài thơ khác nói về thời gian Rome bị chiếm đóng và những kỷ niệm khổ đau khác. Mối tương quan giữa thi sĩ với khung cảnh trong những bài thơ trong tập Il dolore khá phức tạp và có những chiều kích bất ngờ: nếu như khung cảnh trong Thời cảm được đóng khung trong chiều kích lịch sử thì khung cảnh trong Il dolore nay lại được nhìn ngắm theo tâm trạng hiện tại bị ám ảnh bởi sự đe dọa của chiến tranh hủy hoại những công trình kiến trúc nghệ thuật cổ xưa. Nói khác đi ngoại cảnh được sử dụng như những phản chiếu vào thế giới nội tâm. Ungaretti trong bài Il tempo è muto/Thời gian câm nín cho thấy có sự kiềm chế cảm nghĩ. Trong Ngày Lại Ngày gồm 17 khổ thơ viết tặng đứa con trai chết yểu Ungaretti cho thấy nỗi lòng rách nát, niềm tuyệt vọng khi đứng trước quang cảnh mênh mông của xứ Brezil. Nhìn chung trong Il dolore Ungaretti đưa toàn bộ chủ đề chiến tranh lên một cấp độ cao hơn tạo hiệu ứng bài ca thành trang trọng với những câu thơ mở rộng và hòa điệu như trong bài Rome bị chiếm đóng. Tuy nhiên khác với Thời cảm trước đây nay Ungaretti “không còn chỉ ngắm cảnh, mà ngược lại ngắm cảnh với nỗi xao xuyến cực độ - bối rối, xao xuyến, kể cả bàng hoàng nữa – về số kiếp con người” như chính Ungaretti đã tâm sự. Phản tư đã khép lại sự thỏa mãn giác quan, màu sắc, say mê quang cảnh.

Giorno per giorno/Ngày lại ngày Ungaretti viết sau cái chết của đứa con trai Antonietto có thể coi là một tuyệt tác. Khổ 9 “Trái đất cuồng nộ, đại dương man rợ/Giữ cha cách xa nấm mồ/Giờ đây thân xác đọa đầy nơi đâu/Để cho tan biến...” gợi lại kinh nghiệm chiến tranh tàn khốc và coi chiến tranh như chướng ngại ngăn cản con người. Tất cả khổ thứ 10 “Cha trở lại với những ngọn đồi, với những quả thông yêu mến,/Và với tiếng nói bản xứ của nhịp điệu của gió thổi/Cha chẳng bao giờ còn được nghe với con/Dù thổi nhẹ cũng xé nát cha...” là những kỷ niệm không thể quên. Toát lên trong các khổ thơ là nỗi tuyệt vọng vây bủa, Trong khổ chót (khổ 17) được Ungaretti viết nhiều năm sau cái chết của đứa con trai kỷ niệm bỗng rực sáng như ẩn dụ về một chỗ dựa để có thể sống tiếp: “Trời dịu mát và rất có thể con đang quanh đây,/Nói: “Có thể mặt trời và khoảng trống mênh mông này/Làm cha yên ả. Trong gió thuần khiết cha có thể/Nghe thấy thời gian lững thững trôi cùng với tiếng nói của con./Và cha cha dần dà tiếp nhận, rồi đóng lại/Sự sôi nổi lặng lẽ của niềm hy vọng của con./Cha là ban mai và ngày tinh khôi cho con.” Khổ 11 là lời kinh tụng: “Chim nhạn bay đi và mùa hè cùng ra đi với nó,/Và cha cũng vậy, cha tự nhủ, cha cũng sẽ ra đi.../Ít ra cũng còn lại, từ tình yêu này, cái tình yêu làm cha tan nát,/Một mảnh khăn tang không là dấu ấn duy nhất/Nếu từ chốn địa ngục cha tới chút an bình..”. Từ “appannamento/mảnh khăn tang” quấn lại hay mở ra gợi ra sự tăm tối cái chết đem lại cho kẻ còn sống. Cụm từ “không chỉ là” là một lời khẩn cầu sẽ có niềm hy vọng về một cái gì đó thường hằng hơn là sự thương tiếc ngắn ngủi hay ký ức. Khổ 15 sự đau khổ của người cha không chỉ vì cái chết của đứa con mà còn vì cảm giác tội lỗi của chính mình đã vội vàng đi vào cuộc sống đối nghịch với điều người cha hiện cảm thấy như thể sự trong sáng bất tử của Antonietto tỏa ra từ cái chết. Khổ chót (khổ 17) : “Trời dịu mát và rất có thể con đang quanh đây,/Nói: “Có thể mặt trời và khoảng trống mênh mông này/Làm cha yên ả. Trong gió thuần khiết cha có thể/Nghe thấy thời gian lững thững trôi cùng với tiếng nói của con./Và cha cha dần dà tiếp nhận, rồi đóng lại/ Sự sôi nổi lặng lẽ của niềm hy vọng của con./Cha là ban mai và ngày tinh khôi cho con” được viết cho kẻ khuất vãng theo thể hendecasyllables đơn giản nhưng tuyệt đẹp. Trong khổ đầu Ungaretti nhớ lại trong những ngày cuối đời Antonietto đã kêu lên “Soffoco” hay “Nessuno, mamma, ha mai sofferto tanto.../Mẹ ơi, không ai lại đau đớn đến thế...” Chi tiết trong câu “Trở lại với những ngọn đồi” gợi lại việc Petrarch xưa kia đến thăm Vaucluse nơi có ngôi mộ của người tình Laura. Một chi tiết khác cần lưu ý: câu thơ “Chẳng bao giờ, chẳng bao giờ ngươi biết được ánh sáng nào” trong khổ 4 từ “voi/ngươi” cho thấy không phải Ungaretti nói với đứa con trai đã chết mà là nói với “chúng ta.”

 

______________________


 

THƠ UNGARETTI trong tập IL DOLORE

TÔI ĐÃ MẤT HÊT (1937)

Tôi hoàn toàn mất tuổi thơ,

Không bao giờ tôi lại có thể

Quên  được mình trong cơn la khóc.

 

Tôi đã chôn kín tuổi thơ

Trong đáy sâu của đêm

Và giờ đây, lưỡi kiếm không thể nhìn thấy,

Cắt tôi khỏi tất cả.

 

Tôi còn nhớ đã hớn hở yêu em,

Giờ đây tôi lạc lõng

Trong sự vô tận của đêm tối.

 

Tuyệt vọng không dứt,

Đời với tôi chẳng còn là gì,

Nghẹn sâu trong cổ họng tôi,

Chỉ còn cục đá của tiếng kêu.

 

 

NGÀY LẠI NGÀY (1940-1946)

 

1.

 

“Mẹ ơi, không ai lại đau đớn đến thế...”

Và khuôn mặt nó đã biến mất

– Nhưng cặp mắt vẫn sống động –

Nó ngảnh tai về phía cửa sổ,

Và những vụn bánh cha trải vung

Để làm cho đứa con trai quên

Làm đầy tổ chim...

 

2.

 

Mai đây cha chỉ còn thể hôn trong mơ

Bàn tay tin cậy của con...

Cha trò chuyện, cha làm việc –

Sao cha có thể thay đổi – cha sợ hãi, cha hút thuốc...

Làm sao cha có thể qua được một đêm như thế?

 

3.

 

 

Rồi năm tháng sẽ tới

Ai biết được còn có những nỗi kinh hoàng nào khác,

Nhưng cha cha cảm thấy con kề bên,

Rồi con sẽ an ủi cha...

 

4.

 

Chẳng bao giờ, chẳng bao giờ ngươi biết được có ánh sáng nào hay

Chỉ là bóng tối bên tôi, e dè

Khi tôi chẳng còn hy vọng...

 

5.

 

Hôm nay ánh sáng đó ở đâu, tiếng nói thơ ngây

Vẳng từ phòng này sang phòng khác,

Làm nhẹ nỗi âu lo của lão già mệt mỏi?...

Trái đất làm tắt âu lo, một quyển truyện

Quá khứ gìn giữ nỗi âu lo...

 

6

 

Mọi tiếng nói khác chỉ là một tiếng vang lịm dần

Khi một tiếng nói kêu gọi tôi

Từ những đỉnh cao trên thời gian...

 

7.

 

Cha kiếm tìm khuôn mặt hạnh phúc của con:

Và có thể trong mắt cha chẳng thấy gì

Khi chính những con mắt, Thượng đế muốn khép chúng lại...

 

8.

 

Ôi tình yêu đuổi bắt để xé rách!

 

9.

 

Trái đất cuồng nộ, đại dương man rợ

Giữ cha cách xa nấm mồ

Giờ đây thân xác đọa đầy nơi đâu

Để cho tan biến...

Nhưng cái này là cái gì? Luôn sáng rực

Cha nghe tiếng nói của linh hồn này

Cha không biết làm thế nào để bảo vệ dưới đó...

Nó cô lập cha, vui vẻ và thân thiết hơn,

Lúc này lúc khác,

Trong sự bí ẩn đơn giản của nó...

 

10.

 

Cha trở lại với những ngọn đồi, với những quả thông yêu mến,

Và với tiếng nói bản xứ của nhịp điệu gió thổi

Cha chẳng bao giờ còn được nghe với con

Dù gió thổi nhẹ cũng xé nát cha...

 

11.

 

Chim nhạn bay đi và mùa hè cùng ra đi với nó,

Và cha cũng vậy, cha tự nhủ, cha cũng sẽ ra đi...

Ít ra cũng còn lại, từ tình yêu này, cái tình yêu làm cha tan nát,

Một mảnh khăn tang không là dấu chỉ duy nhất

Nếu từ chốn địa ngục cha có được chút an bình...

 

12.

 

Dưới lưỡi rìu cành cây hư hoại

Khi rơi xuống có chút than van – ít hơn cả

Chiếc lá dưới luồng gió thổi...

Và hình dáng mềm mại bị vùi dập bởi

Sự cuồng nộ và

Sự săn sóc đáng yêu của tiếng nói nuốt chửng cha...

 

13.

 

Từ nay, chẳng mùa hè nào

Đem tới cho cha sự kích động của nó nữa,

Cũng chẳng có những đợi chờ mùa xuân của mùa hè;

Tàn tạ, thu, nếu con muốn,

Với những bức tượng kỷ niệm ngu xuẩn của mùa thu.

Và cho một sự ham muốn không che đậy, mùa đông,

Mở toang mùa ưa chuộng nhất!

 

14.

 

Sự khô cằn của mùa thu đã

Thấm vào xương cha,

Nhưng, lê thê từ những bóng đổ,

Là sự không ngừng của

Ánh dương chói chang đi tới:

Sự hành hạ dấu kín của

Hoàng hôn lụn tắt...

 

15.

 

Cha sẽ nhớ mãi mà không hối hận

Sự đáng yêu hấp hối của giác quan?

Nghe đây, lão đui mù: “Một linh hồn đã bỏ chúng ta ở lại

Vẫn chưa bị thương hoại bởi tai họa chung...”

 

Phải chăng nó sẽ làm ta ít hoang tàn hơn khi không nghe

Tiếng hò hét nghịch ngợm của sự trong sáng của nó

Hơn là cảm thấy cạn kiệt trong ta

Cơn rùng mình đáng sợ của tội lỗi?

 

16.

 

Từ sự choáng ngập âm thanh của những những tấm gạch lát vuông

Trên tấm khăn trải bàn một tia sáng phản chiếu cắt ngang bóng tối,

Tới ánh lấp lánh biến hiện của một bình nước hiện ra

Những đóa hoa nở rộ nơi hiên nhà, một tên gác cửa

Say rượu, căn nhà trọc trời bốc lửa mây,

Trên cây, những bước chân nhảy nhót của một đứa trẻ...

Thế rồi, tiếng sóng vỗ không mệt mỏi,

Có thể vang tới tận phòng ngủ,

Và vệt ánh sáng xanh lung linh thẳng tắp

Xóa đi một vách ngăn này, rồi một vách khác...

 

17.

 

Trời dịu mát và rất có thể con đang quanh đây,

Nói: “Có thể mặt trời và khoảng trống mênh mông này

Làm cha dịu lòng. Trong gió thuần khiết cha có thể

Nghe thấy thời gian lững thững trôi cùng với tiếng nói của con.

Và cha cha dần dà tiếp nhận, rồi đóng lại

Sự sôi nổi lặng lẽ của niềm hy vọng của con.

Cha là ban mai và ngày tinh khôi cho con.”

 

 

THỜI GIAN CÂM NÍN (1940-1945)

 

Thời gian tự câm nín cùng những cọng cỏ bất động...

 

Cách xa bờ bến một con thuyền trôi xuôi...

Người chèo thuyền kiệt sức và uể oải...Mây

Đã tụ thành những đám khói...

Vươn tỏa vô ích trên bờ ký ức,

Chi bằng rơi xuống...

                                           Hắn tảng lờ

Thế giới và tinh thần cũng chỉ là ảo ảnh,

Trong bí ẩn của những đợt sóng

Mọi tiếng trần gian đắm chìm.

 

(còn tiếp)

đào trung đạo 

http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html 

 

 

© gio-o.com 2018