đào trung đạo

(103)

 

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 68,Kỳ 66, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82, Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87, Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95, Kỳ 96, Kỳ 97, Kỳ 98, Kỳ 99, Kỳ 100, Kỳ 101, Kỳ 102, Kỳ 103,

 

GIUSEPPE UNGARETTI

Chương II

Thi pháp và Thi ca của Ungaretti

 

Ảnh hưởng của Leopardi trong bài thơ Giorno per giorno được Ungaretti trình bày trong bài giảng Bài học Canti (Canti là thi phẩm của Leopardi) trong quyển Hồn Nhiên và Ký Ức. Không những chịu ảnh hưởng mà Ungaretti còn có ý hướng cách tân thi ca dựa trên Leopardi. Trước hết Ungaretti luận giải: “Ngôn ngữ là thiêng liêng nếu nó gắn liền với sự bí ẩn của nguồn gốc chúng ta và nguồn gốc của thế giới; nếu chúng ta cảm nhận được ngôn ngữ tạo nên trách nhiệm của chúng ta trong khi cho con người của chúng ta một định nghĩa phổ quát, có tính chất xã hội và siêu nhiên; nếu chúng ta ý thức được những hậu quả khôn lường, về thiện cũng như ác, do lời nói: lời nói, hành vi chọn lựa thượng thặng, hành vi của chân lý, hành vi này như vậy, về phần con người, sẽ chẳng bao giờ là hành vi vô ý thức hay có tính chất súc vật cả.”[34] Theo Ungaretti lời nói cũng có thể được xem xét một cách khách quan dưới diện mạo kỹ thuật mà chẳng cần một tôn giáo nào. Nghệ thuật ngôn từ giả thiết một ẩn dụ triệt để. Nếu tôi nói “cái cây” thì ai cũng nghĩ là “cái cây.” Thế nhưng hai từ “cái cây” khi được đọc lên lại chẳng có chút “cây” nào cả. Rất có thể ban đầu lời nói là tượng thanh nhưng rồi ẩn dụ lập tức xen vào để giải phóng lời nói khỏi mọi sự bắt chước tự nhiên bằng cách biến nó thành sự biểu đạt của con người, đưa lời nói đến việc chuyêển ngữ những trạng thái tình cảm hay những mối tương quan gần xa với những đối tượng và sự tham dự linh động của chủ thể với những tương quan này. Hơn thế nữa, những cách thế biểu đạt thi ca thật vô tận.[34]

Ungaretti dẫn chứng: Vô tận (L’Infini) là một idillio/idylle [bài thơ/ca điền viên/thôn dã ngắn ca ngợi tình yêu] có giọng điệu khôi hài do đó idillio về vô tận là một tượng trưng cho hữu hạn (représentation du fini). Theo Ungaretti, gọi một bài thơ là idillio/idylle dù có chua chát chăng nữa không phải không có sự khôi hài đi theo. Như thế idylle có nghĩa kép: nghĩa chung của một ảo tưởng và nghĩa ngượ lại của nó là thực tại. Chẳng hạn trong câu thơ Sempre caro mi fu.../Luôn luôn là yêu dấu với tôi... của Leopardi từ Sempre như một idylle mở ra sự thúc dục ký ức xóa bỏ những giới hạn không-thời-gian nhưng nó chỉ thể làm như vậy trong phạm vi của quá khứ, cái đã biến mất, hư vô của nó vốn là phạm vi độc nhất của lời nói, của sự gợi ra (évocation) như trong thơ Petrarch. Nhưng Petrarch đã đưa idylle lên tầm thiêng liêng của lời nói, nên ta thấy có sự mâu thuẫn thiết yếu, là nỗ lực đạt được cái đã bị lãng quên. Trong cụm từ Sempre caro (luôn là yêu dấu) caro có nghĩa nhắc tới những cảm tình (affections) đã ăn sâu nơi chúng ta, chúng được triển khai bởi lề thói như thể chúng ta quên rằng những cảm tình đã có một khởi đầu và rồi ra sẽ không khỏi chấm dứt, nghĩa là chúng không thể thoát khỏi được sự trôi chảy của thời gian dù sự trôi chảy này ngắn hay dài. “Mi fu”[với tôi] trong câu thơ này được viết ở thì quá khứ xác định (passé défini) nhằm đánh thức tình cảm bằng hồi ức. Trong Giorno per giorno Ungaretti học được từ câu thơ “A me quest’ ermo colle è sempre ca ro/ Với tôi quả đồi khô cằn này luôn yêu dấu của Leopardi và viết “Sono tornato ai colli, ai pini amati/ Cha trở lại những ngọn đồi, với những quả thông yêu dấu.” Từ “ermo” (khô cằn, sa mạc) trong câu thơ trên có  gốc gác từ pellegrini (những người hành hương, những kẻ lạ, hiếm hoi) nói lên sự lạ lẫm của âm thanh trầm xuống và như thể phát ra từ nội giới, và từ này đã lâu không được dùng ngoại trừ trong văn chương vốn cho nó một sự oai nghi cao cả. Nó lại được đặt kế bên từ siepe (hàng rào), và khi xem xét những biến thái của từ này ta thấy trước đó Leopardi trước khi dùng từ ermo đã dùng từ roveto (có nghĩa bụi gai), rồi đổi ý dùng từ verde lauro (có nghĩa màu xanh lá cây) rồi sau hết mới dùng từ siepe là từ của người làm vườn thường dùng. Ungaretti nhận xét: đây là một hình thức rất khó thực hành khi xếp liền nhau một từ thật khiêm tốn với một từ đắt giá làm cho cả hai thành ra giản dị, nhưng lại “rất nhã, sang trọng.” Ungaretti còn nói khá nhiều những điều khác về Leopardi để rồi kết luận rằng bài giảng này nhằm  nói về thi ca Ý hôm nay và để nhớ ơn Leopardi, cũng để nối lại với những truyền thống thi ca của xứ sở và để lặn sâu trong lịch sử. Theo Ungaretti, các thi sĩ cổ điển Ý, ngoại trừ Pascoli, kể từ Leopardi, hầu như hoàn toàn lỗi thời rồi. Thế nên Ungaretti đưa ra lời khuyên: cần phải nhìn về những thi sĩ bị nguyền rủa Pháp, từ 1900 họ đã là những kẻ không bịt mắt trước sự bi thảm của thời đại.Ungaretti cũng cổ võ cho sự đấu tranh cho công lý của thi ca, những hành vi đấu tranh này không chỉ có tính chất cá nhân hay xã hội mà chính là một hành vi tôn giáo bởi con người, dù muốn hay không, có liên hệ. Trong trách nhiệm của mình, với sự bí ẩn phổ quát của hữu và của Thương đế.

Lần thứ nhì Ungaretti nói về Leopardi trong bài Secondo discorso su, nhận xét rằng “đối với Leopardi thì những người đã chết là đã chết, và kẻ còn sống mang vác gánh nặng những thế kỷ người chết chưa sống trải” như Leopardi viết trong bài Gridasti: “Sconto, sopravvivendoti, l’orrore/Tôi chuộc tội, trong khi sống lâu hơn ông, sự kinh hoàng/ Degli anni che t’usurpo/của những năm tôi tước đoạt từ ông/E che ai tuoi anni aggiungo/sự điên rồ đó với niềm hối hận/Dimente di rimorso.../Tôi cộng vào những năm của ông...” và Ungaretti cũng đọc lên một bản thảo những ghi chú của Leopardi. Bản thảo này gần như một bản văn nói về sự khổ đau đối với người đã chết: “Nếu anh phải, khi làm thơ, giả đò mơ rằng khi anh hay một kẻ khác nhìn thấy một người thân yêu chết đi, nhất là ngay sau cái chết của người đó, thì hãy chắc chắn rằng anh kẻ nằm mơ ráng sức sao cho người chết thấy nỗi thương sót/khổ đau (il dolore) mình đã cảm nhận về sự bất hạnh.”[35] Trong bài diễn văn này Ungaretti cũng diễn giải về những ngọn đồi, với những quả thông yêu mến trong bài “L’infinito” của Leopardi. Ungaretti đặc biệt nhấn mạnh đến từ caro (yêu dấu) những ngọn đồi, với những quả thông yêu mến và coi carolà từ trung tâm: “...nhưng caro là sự quay lại với xúc cảm, với nỗi thống thiết có thể đã ăn thật sâu trong chúng ta, nó có thể bừng nở trong chúng ta và trở thành một phần của chúng ta như thể làm cho chúng ta rồi ra cuối cùng quên mất rằng những xúc cảm này đã có một bắt đầu và một kết thúc; với những xúc cảm không thể tránh được điều kiện hóa bởi sự kéo dài, dù ngắn hay dài, của cuộc sống của một người, một kẻ hữ sinh hữu tử (mortal), một hữu hữu hạn.”[36] Ungaretti coi Leopardi là bậc thầy về cảm hứng chủ đạo xoay quanh sự tuyệt vọng tuyệt đối dù ông cho rằng “người chết là đã chết”, ký ức như sự tái sinh (resurrection) là “một ảo tưởng được ban phước” (blessed illusion). Thế nhưng, trong bài Giorno per giorno Ungaretti lại không ngừng lại ở tuyệt vọng tuyệt đối như Leopardi: đứng bên mộ con Ungaretti vẫn đưa ra lời cầu nguyện đến một hồn ma như thể coi đó là một cơ may.

________________________________________

[34] Giuseppe  Ungaretti, La Leçon des Canti trong Innocence et Mémoire do Philippe Jaccottet dịch: Le langage est sacré s’il est lie au mystère de notre origine, et de l’origine du monde; si nous sentons qu’il constitue notre ,responsabilité en donnant à notre personne une définition universelle, sociale et surnaturelle; si nous prenons conscience des conséquences incalculables, en bien comme en mal, qu’entraîne la parole; la parole, acte de choix par excellence, acte de verité, qui ne devrait donc jamais être, de la part d’un homme, acte inconscient ou bestial.

[35] Giuseppe Ungaretti, Secondo discorso, trang 30.

[36] Giuseppe Ungaretti, Letteratura, trích dẫn theo Joseph Cary trang 199.

(còn tiếp)

đào trung đạo

http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html 

 

 

© gio-o.com 2018