đào trung đạo

thi sĩ / thi ca

(48)

 

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48,

 

RENÉ CHAR

 

       Chương 2: Những nguồn cội của thơ René Char

Như Mary Ann Caws nhận xét René Char là “một thi sĩ tác phẩm của ông rộng lớn về phạm vi và phức tạp về bản chất”[52]  cho nên cần tìm điểm nhấn khởi đầu để buớc vào những chân trời, những lãnh thổ thi ca của René Char. Thiết nghĩ đó là cách tiếp cận tương đối dễ dàng có thể giúp người đọc làm quen với thơ “khó đọc” của René Char . Hơn nữa vì thi ca của René Char trải dài trên một lộ trình khá phức tạp nên việc chọn ba chủ đề dễ tiếp nhận tuổi thơ (enfance), cảnh thổ (paysage) và căn nhà (maison) là những đề tài cụ thể, thuộc kinh nghiệm tức thời dễ nắm bắt và đó cũng là cách những người viết về René Char thường làm như Jean-Claude Mathieu, Dominique Fourcade, Eric Marty… lấy làm khởi điểm diễn giải.

Tuổi thơ và quê cũ: Như tiểu sử cho biết René Char có một thời thơ ấu khó khăn: là đứa con út trong bốn người con của Émile Char và Marie-Thérèse Rouget, người cha Char yêu quí chết sớm khi Char mới 10 tuổi, người mẹ xung khắc thiếu cảm thông đứa con út, còn người chị cả Julia mà Char yêu thương đi lấy chồng sớm còn người anh trai lại độc đoán hay hiếp đáp Char (năm 16 tuổi Char đã đấm vào mặt người anh này đến mức đổ máu) cộng thêm bệnh suyễn cho nên thời thơ ấu René Char là một đứa trẻ mơ mộng lặng lẽ, cô đơn hoang dại như một con cáo. Niềm im lặng trong cuồng nộ chống đối này sẽ hóa thân thành lời của thơ. Im lặng như một cần thiết được Char nối kết với ngôn ngữ sáng tạo.

René Char rất buồn khổ về cái chết của cha. Trong bài thơ “Le Deuil des Névrons” thi sĩ khắc khoải về sự vắng khuất người cha: “Que d’années à grandir/Sans père pour mon bras!/ Còn biết bao năm nữa để trưởng thành/Không có cha cho cánh tay tôi.” René Char cũng viết về cái chết của cha trong La Nuit talismatique: “Những tháng ngày của mười năm của tôi chẳng thiếu không gian. Rồi cái gì phải đến đã đến, ông đã bắt đầu đau đớn, [ông] đặt bàn tay, như thể đột nhiên, lên vai phải của tôi. Tôi không hiểu tại sao môi ông run rẩy. Tối tối ông đi vào nhà bếp, quần áo đầy bụi bậm, với sự nhọc mệt của ông không còn thể che dấu. Mẹ tôi ôm ông thật lâu. Ông nhiều lần đưa mắt ý muốn đi nằm nghỉ ngơi. Một khu rừng sồi đi vào lò sưởi. Thế rồi sự đớn đau từng hành hạ ông bỏ đi. Ông chết.”[53]  

Trong ghi chú về bài thơ Jacquemard et Julia René Char cho biết mẹ tuy luôn đối xử tốt với mình tuy đôi khi bà vụng về. Trong một bài viết trước đó khá lâu (Le surrealisme au Service de la révolution) René Char xếp mẹ mình vào loại người cứng cỏi, nói năng như trong sách vở một cách dễ dàng đáng ngạc nhiên, sẵn sàng quyết liệt lâm trận, và nhất là “tham dự/ghé mũi vào mọi thứ” trong đời sống của con. Tuy nhiên khi lớn tuổi René Char vẫn cho rằng mẹ mình là một người mẹ duyên dáng (Charmante mère.) Nhìn tổng thể bức tranh René Char phác họa về mẹ mình ta thấy tình cảm của Char đối với mẹ có sự thay đổi: thời tuổi thơ và tuổi trẻ Char có tình cảm tiêu cực về mẹ nhưng khi trưởng thành và về già Char tỏ ra hiểu biết và kính mến mẹ hơn.

Đó là những cảm nghĩ của thi sĩ về song thân. Về quê cũ René Char viết những bài thơ thật đẹp về sông núi đồng cỏ và những con người quê mùa đơn giản cậu bé René thân thương chẳng hạn người thợ rèn trong vùng. Niềm im lặng trong cô đơn bị vây bủa được René Char mô tả trong bài:

         DÉCLARER SON NOM:

       J’avais dix ans. La Sorgue m’enchâssait. Le soleil chantait les heures sur le sage cadran des eaux. L’insouciance et la douleur avaient scellé le coq de fer sur le toit des maisons et se supportaient ensemble. Mais quelle roue dans le cœur de l’enfant aux aguets tournait plus fort, tournait plus vite que celle du moulin dans son incendie blanche?

                                                                          (Trong tập La parole en archipel, Œuvres complètes [OC] trang 401.)

          TUYÊN BỐ TÊN MÌNH

 

Tôi mười tuổi. Con sông Sorgue vây lấy tôi. Mặt trời ca hát giờ giấc trên cái mặt đồng hồ khôn ngoan của nước. Sự vô tư và niềm đớn đau đã gắn chặt con gà bằng sắt trên mái những căn nhà và chúng nâng đỡ nhau. Thế nhưng cái vòng quay nào trong trái tim đứa bé đang ngó nhìn quay mạnh hơn, nhanh hơn cái vòng quay của cái cối xay trong đám cháy trắng.

Những từ quan trọng trong bài thơ: “enchâssait”, “scellé”, “le cadran”, “la roue”, và “incendie blanche” nói lên kinh nghiệm phối hợp sự tương đồng và chia cách của đứa trẻ vừa ở giữa những sự vật đồng thời cũng chia cách, tách khỏi chúng, giữa lòng phân cách cụ thể của không gian và thời gian. Đặc biệt hình ảnh “la roue/cánh quạt cối xay” có ý nghĩa khá đặc biệt trong thơ René Char: đó là biểu tượng của sự xao xuyến về cái chết luôn ám ảnh suốt đời thi sĩ. Về động từ mô tả sông La Sorgue “enchâsser/ôm giữ, vây bủa” Eric Marty cho rằng động từ này để chỉ cái chết và sự sống còn (la mort et la survie). Vì René Char là “thi sĩ của thi ca” như Maurice Blanchot đã chỉ ra và bài thơ này được Char chọn làm bài thơ mở đầu cho tập Commune présence/Hiện diện chung cùng cho nên việc nói về tuổi thơ ở đây không để tự sự về tuổi thơ mà để nói về thi ca. Eric Marty nhận xét: “Lời  của bài thơ quay trở lại, nhân đôi và tự tách rời khỏi chính nó: được bắt đầu ở ngôi thứ nhất (“tôi mười tuổi”), lời thơ này kết thúc ở ngôi thứ ba, sự chia cách chủ quan nơi nội tại tính và ngoại giới tính tiếp nối nhau và chia cắt nhau bởi khoảng cách mà không bao giờ đồng nhất.”[54]

Tuổi thơ của Char gắn liền với quê nhà L’Isle-sur-Sorgue. Thị trấn này dài khoảng 8 cây số rộng 6 cây số cách Avignon thủ phủ của Vaucluse chừng trên 20 cây số – một thị trấn nhỏ bên dòng sông La Sorgue thuộc vùng Vaucluse – nơi Char chào đời. Vũ trụ tuổi thơ của Char gồm cảnh và người của cái thành phố tuy quê mùa này nhưng ghi đậm nét trong trí tưởng và thế giới thi ca của Char. Trong bài thơ Déclarer son nom nêu trên con sông La Sorgue và những cái cối xay lúa mì tạo nên phong cảnh của bài thơ. Cánh quạt tròn xoay theo gió (la roue) của cái cối xay thường xuất hiện trong thơ René Char là hình ảnh biểu trưng cho nỗi xao xuyến trong trái tim đứa trẻ nơi bài thơ trên sau này còn được tác giả dùng như biểu tượng của khoái cảm tình dục (jouissance érotique) như trong bài Envoûtement à la Renardière trong tập Seuls demeurent.[55]  Bài thơ về dòng sông La Sorgue là một trong những bài thơ đẹp nhất René Char viết về quê nhà:

       LA SORGUE

       Rivière trop tôt partie, d’une traite, sans compagnon,

       Donne aux enfants de mon pays le visage de ta passion.

       Rivière où l’éclaire finit et où commence ma maison,

       Qui roule aux marches d’oubli la rocaille de ma raison.

       Rivière, en toi terre est frisson, soleil anxiété.

       Que chaque pauvre dans sa nuit fasse son pain de ta moisson.

       Rivière souvent punie, rivière à l’abandon.

       Rivière des apprentis à la calleuse condition,

       Il n’est vent qui ne fléchisse à la crête de tes sillons.

       Rivière de l’âme vide, de la guenille et du soupcon,

       Du vieux malheur qui se dévide, de l’ormeau, de la compassion.

       Rivière des farfelus, des fiévreux, des équarisseurs,

       Du soleil lâchant sa charrue pour s’acoquiner au menteur.

       Rivière des meilleurs que soi, rivière des brouillards éclos,

       De la lampe qui désaltère l’angoisse autour de son chapeau.

       Rivière des égards au songe, rivière qui rouille le fer,

       Où les étoilles ont cette ombre qu’elles refusent à la mer.

       Rivière des pouvoirs transmis et du cri embouquant les eaux,

       De l’ouragan qui mord la vigne et annonce le vin nouveau.

       Rivière au cœur jamais détruit dans ce monde fou de prison,

       Garde-nous violent et ami des abeilles de l’horizon.

                                                                   (Trong tập La Fontaine narrative)

       SÔNG LA SORGUE

       Dòng sông chẳng mấy chốc ra đi, một mạch, không kẻ đồng hành,

       Cho những đứa trẻ của quê tôi khuôn mặt đam mê của ngươi.

       Dòng sông nơi tia chớp vụt tắt và là nơi căn nhà tôi bắt đầu,

       Cuốn trôi theo bước đi của sự quên lãng sỏi đá của lý trí tôi.

       Sông ơi, trái đất run rẩy trong lòng ngươi, mặt trời xao xuyến,

       Mong sao mỗi kẻ nghèo khó trong đêm tối nướng ổ bánh mì mùa màng của ngươi.

       Dòng sông thường bị trừng phạt, dòng sông thường bị bỏ bê.

       Dòng sông của những những kẻ tập nghề trong điều kiện khó khăn,

       Không luồng gió nào lại chẳng cúi rạp mình trước đầu ngọn sóng của ngươi.

       Dòng sông của của tâm hồn trống rỗng, của áo quần tả tơi và của sự ngờ vực,

       Của nỗi khổ đau xưa cũ  cắt chia, của cây cọ non, của lòng trắc ẩn.

       Dòng sông của những dị kỳ, của những cơn sốt, của những kẻ lột da thú vật,

       Của mặt trời buông rơi bắp cày để đàn đúm với kẻ dối trá.

       Dòng sông của những kẻ khá hơn bản thân, dòng sông của những sương mù buông kín,

       Của cây đèn làm nỗi xao xuyến nguôi ngoa quanh cái chụp của nó.

       Dòng sông tôn trọng giấc mơ, dòng sông làm sắt han rỉ,

       Nơi những vì sao tỏa bóng chối từ biển cả.

       Dòng sông của những sức mạnh lưu truyền và của tiếng kêu khi len lỏi vào kênh nước,

       Của bão tố tàn phá những bụi cây và tuyên bố sẽ có rượu nho mới.

       Dòng sông trong trái tim chẳng bao giờ hủy hoại trong cái thế giới ngục tù khùng điên ,

       Chúng ta hãy bạo động và là bạn bè của bầy ong nơi chân trời.

Trong quyển La Sorgue et autres poèmes do Marie-Claude Char và Paul Veyne biên soạn (nxb Classiques Hachette, 1997) có một chú giải thú vị về hai câu thơ “Rivière des farfelus, des fiévreux, des équarisseurs,/Du soleil lâchant sa charrue pour s’acoquiner au menteur” như sau: “Dòng sông của những dị kỳ […]với kẻ dối trá: những kẻ lột da thú vật, họ xả thịt những con thú đã chết, là những kẻ biết buông bỏ quá khứ của họ (những chiến thắng, những oán thù hay những liên hệ của họ) và không để quá khứ ruỗng mục nơi họ. Theo một truyện cổ tích thì: mặt trời là một nhà nông lương thiện ngày ngày đẩy cái cầy trong bầu trời, rồi một ngày nọ có một thày phù thủy đi ngang qua làng ông, hắn ta là một kẻ miệng lưỡi ngon ngọt; mặt trời, bị quyến dụ, bỏ cái cầy của mình để đi tìm cuộc phiêu lưu cùng bạn bè của ông.” [56]

 

________________________________

[52] Mary Ann Caws, The Presence of René Char trang 3: [René Char] a poet whose work is vast in scope and complex in nature.

[53] Les jours de mes dix ans n’ont pas manqué d’espace. Il arrivait que mon père, qui commençait à soufrir, posât, comme improvisant, sa main sur mon épaul gauche. Ses lèvres tremblaient sans que je sache pourquoi. Chaque soir il rentrait de l’usine, les habits saupoudrés de plâtre, avec sa fatigue de moins en moins bien cachée. Ma mère l’embrassait longuement. Il s’alita à plusieurs reprises. Une forêt de chênes passa dans la cheminée. Puis le mal qui le rongeait se lassa. Il mourut.

[54] Eric Marty, René Char, trang 20: La parole du poème se retourne, se dédouble et s’écarte d’elle-même: commençant à la première personne (“j’avais dix ans”), elle se termine à la troisième, séparation subjective où intériorité et extériorité se succèdent et s’entrecoupent sans pouvoir jamais coïncider.

[55] René Char, Envoûtement à la Renardière, OC trang 132: Sur notre plaisir s’allongeait l’influence douceur de la grande roue consumable du mouvement, au terme de ses classes.

[56] La Sorgue et autres poèmes trang 69: Rivière des farfelus […] au menteur: les équarrisseurs, qui dépècent les bêtes mortes, sont ceux qui savent se débarrasser de leur passé (de leur triomphes, de leurs ressentiments ou de leurs liens) et ne le laissent pas pourrir en eux. Suit une fable express: le soleil était un honnêtre laboureur qui poussait chaque jour sa charrue dans le ciel, quand passa par son village un charlatan, un beau parleur; le soleil, séduit, abandonna sa charrue pour chercher aventure en compagnie du camarade.

(còn tiếp)

đào trung đạo

 

http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html

 

 

© gio-o.com 2017