đào trung đạo

thi sĩ / thi ca

(84)

RENÉ CHAR

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 68,Kỳ 66, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82, Kỳ 83, Kỳ 84,

 

Một vài vấn đề văn chương quanh René Char

3. Thi ca phản tự sự (Poésie anti-narrative)

 

Người quen đọc thơ cổ điển không khó nhận ra thơ của René Char rất ngắn gọn, hầu như không có tính cách kể lể/chuyện, nghĩa là vắng mặt tính tự sự (narrativité), đối nghịch với thơ tự sự kiểu

“Lời quê chắp nhặt dông dài” hay “Nàng có ba người anh...” Tính chất ngắn gọn của thơ Char được biểu lộ trong chớp loáng (fulgurance), cô đọng tỉnh lược (densité elliptique), đoạn rời (fragmentaire), như “lời nói quần đảo” (parole en archipel), “bài thơ hóa bụi” (poème pulvérisé). Tính chất gián đoạn, đoạn rời trong tác phẩm của René Char như vậy đối nghịch với sự cần thiết khai triển đầy đủ, dài dòng của một câu truyện. Tính chất này không chỉ do hoàn cảnh như hoàn cảnh trong kháng chiến phải ghi chú nhanh gọn của tập Feuillets d’Hypnos như Char cho biết: “J’écris brièvement. Je ne puis guère m’absenter longtemps/Tôi viết ngắn gọn. Tôi không thể nào vắng mặt lâu” nhưng xuyên suốt trong thi ca René Char ngay từ những bài thơ ban đầu làm thời trẻ tuổi [ngoại trừ những bài thơ trong tập Cloches sur le cœur (1928) khi biên soạn Char đã không cho vào] có lẽ theo Jean-Claude Mathieu tập thơ này rõ ràng có tính cách tự sự, có những “khúc anh hùng ca nho nhỏ” (petites épopées) viết theo phong cách của Victor Hugo hay những bài ngụ ngôn thần thoại. Điều này được Char xác nhận trong bài phỏng vấn với France Huser: “[...] je ne brûle pas les relais, mais que je les élude/ tôi không đốt bỏ những trạm nghỉ tiếp sức, nhưng tôi tránh né chúng.”[306]

Câu hỏi đặt ra: Tuy thi ca của René Char thường được coi là “phản tự sự” (anti-narrative) nhưng có phải tính tự sự trong tác phẩm của Char hoàn toàn vắng mặt? Đối chiếu với những thể loại (genres) và những hình thức (formes) thơ tự sự cổ điển Pháp (Lamartine, Hugo, Vigny...) hay truyện bằng thơ (contes en vers của Catulle Mendes, François Coppée) hay ngay cả với thơ xuôi của Baudelaire thì thi ca của René Char khác lạ hẳn. Chính André Breton và Paul Éluard cũng đã nhận ra điều này khi cho rằng những bài thơ của René Char “sẽ thay thế một cách có lợi thế các thể ballad, sonnet, anh hùng ca (l’épopée), bài thơ không đầu đuôi và những thể loại lỗi thời.”[307]  Xét cho cùng, như Yves Bonnefoy nhận xét “mọi bài thơ đều ẩn chứa nơi chiều sâu của nó một câu chuyện, một truyện hư cấu, dù đôi khi không mấy phức tạp: bởi lời nói cấu trúc nên vũ trụ của nó chỉ thể tinh lọc những đối tượng hay những hiện thể thành những vẻ ngoài của chúng, những vẻ ngoài này vẫn duy trì giữa chúng những mối tương quan có ý nghĩa, ở đó  xuất hiện chính qui luật đã điều khiển sự sáng tạo.”[308] Như chúng ta đã biết trong thơ của Char luôn có bối cảnh của vùng Vaucluse được Char thường nhắc tới như một huyền thoại, những câu chuyện về những nhân vật được thi ca hóa như Orion, “les Martinaux”, “les Transparents”, Artine-Lola Abba” v.v... nhất là câu chuyện Char không thể quên về đứa bé trai chết đưối do mẹ kể cho nghe hồi thơ ấu.

Như vậy dù René Char có cố tránh tự sự bằng cách làm thơ ngắn gọn, đoạn rời nhưng thực ra Char đã phần nào phục hồi thi ca tự sự hoặc vẫn giữ lại những yếu tố tự sự trong thơ của mình dưới một hình thức khác hẳn với thi ca tự sự cổ điển. Chẳng hạn ngay trong tập thơ “La Fontaine narrarive/Cái máy nước kể chuyện” bài Fastes động từ được dùng ở thời quá khứ chưa hoàn tất (imparfait) và thời quá khứ đơn (passé simple) [309]  là những thời dùng để kể chuyện. Trong tập Feuillets d’Hypnos chúng ta thấy Char đi theo cách kể chuyện trong thơ của Baudelaire. Toàn bộ Phần “Le consentement tacite/Thầm chấp thuận” trong tập Les Martinaux gồm những truyện kể được viết ở thời quá khứ (imparfait/passé simple/passé composé) hay những truyện kể theo giấc mơ đã qua trong bài “Eaux-Mères” (trong tập Le marteau sans maître) hay bài “Jacquemard et Julia” ( tập Fureur et Mystère) Char nhắc lại nhiều lần từ “Jadis/Ngày xưa” để qui chiếu về thời qúa khứ theo hình thức câu chuyện rút ngắn (récit écourté). Ngoài ra Char cũng còn dùng hình thức “truyện kể co thắt” (récit crispé) với những mã hiệu gợi ý hay “giả thiết rằng” (en hypothèse) được ngầm hiểu. Michel Collot [310] đã chứng minh Char thường cầu viện tới cách treo lửng, trì hoãn thời quá khứ không hoàn toàn (emploi suspensif de l’imparfait) vì quá khứ treo lửng, trì hoãn không chịu đặt ở mức thứ nhì “cái nền trang trí” (fond du décor) và những hoàn cảnh phải được đặt lên hàng đầu trên đó hành động hay biến sự tách rời ra. Dominique Combe trong bài René Char: La narrativité nhận xét: “Những phương cách của truyện kể “thu ngắn” hay “co rút” cho phép Char thỏa hiệp với những đòi hỏi của việc tập trung/cô đọng riêng của bài thơ hiện đại với diễn ngôn sử thi (έπος/épos) có liên hệ tới trái đất và chiến tranh. Bởi chính trong sử thi tác phẩm trong toàn bộ của nó tìm được nguồn gốc. Biểu trưng cho những mối liên hệ hữu cơ giữa con người với vũ trụ như trong những thuyết lớn về nguồn gốc vũ trụ cổ xưa, cũng như biểu trưng cho cộng đồng và tình huynh đệ của con người trong chiến đấu, Char đặt thi ca dưới dấu hiệu của “con người hấp hối” (Gaston Miron). Tuy nhiên, khác với Saint-John Perse đã mở rộng “bài thơ” tương ứng với chiều kích vũ trụ bằng những truyện kể có tầm vóc lớn về những sự vật của thế giới thì Char lại thu giảm tác phẩm vào thế giới vi mô của châm ngôn và của “truyện kể thu ngắn.”[311]

______________________________________

[306] Sous ma casquette amarante, Entretiens avec France Huser 1980, O.C. trang 854.

[307] André Breton et Paul Éluard, L’Immaculée Conception trong André Breton O.C t.I trang 849: les poèmes de Char remplaceraient avantageusement la ballade, le sonnet, l’épopée, le poème sans queue ni tête et autre genres caducs.

[308] Yves Bonnefoy, La Présence et l’image trang 35: [...] tout poème recèle en sa profondeur un récit, une fiction, aussi peu complexes soient-ils parfois: car la langue qui structure son univers ne peut que cristalliser en apparences d’objets ou d’êtres qui entretiennent entre elles des relations signifiantes, où paraît la loi même qui a présidé à la création.

[309]                FASTES:

          L’été chantait sur son roc préféré quand tu m’es apparue, l’été chantait à l’écart de nous qui étions silence, sympathie, liberté triste, mer plus encore que la mer dont la longue pelle bleue s’amusait à nos pieds.

          L’été chantait et ton cœur nageait loin de lui. Je baisais ton courage, entendais ton désarroi. Route par l’absolu des vagues vers ces hauts pics d’écume où croisent des vertus meurtrières pour les mains qui portent nos maisons. Nous n’étions pas crédules. Nous étions entourés.

          Les ans passèrent. Les orages moururent. Le monde s’en alla. J’avais mal de sentir que ton cœur justement ne m’apercevait plus. Je t’aimais. En mon absence de visage et mon vide de bonheur. Je t’aimais, changeant en tout, fidèle à toi.

 

          BIÊN NIÊN         

          Mùa hạ đang ca hát trên tảng đá ưa chuộng của nó khi em hiện đến với anh, mùa hạ đang ca hát cách xa chúng ta khi chúng ta đang là niềm im lặng, sự đồng tình, sự tự do buồn bã, biển còn biển hơn biển với những đợt sóng xanh lơ dài đùa rỡn chân chúng ta.

          Mùa hạ đang ca hát và trái tim em bơi xa khỏi nó. Anh ôm ghì lòng  can đảm của em, lắng nghe sự bối rối của em. Con đường dọc theo cái bất tận của những đợt sóng hướng về những cột bọt sóng cao ơ đó những phẩm hạnh sát nhân được trao cho những bàn tay mang vác những căn nhà của chúng ta. Chúng ta không  nhẹ dạ. Chúng ta đang bị vây bủa.

                          Năm tháng trôi qua. Giông bão lịm tắt. Thế giới đã bỏ đi. Anh khổ đau khi cảm thấy trái tim em chẳng còn nhận ra anh. Anh yêu em. Trong sự vắng mặt của anh và sự trống vắng niềm vui anh. Anh yêu em, bất kể đổi thay, vẫn trung thành với em.

                [310] Michel Collot, La présence de l’imparfait trong René Char 10 ans après do P. Plouvier biên tập, nxb L’Harmattan, Paris, 2000.

[311] Dominique Combe, René Char: Narrativité trong René Char en son siècle trang 152: Les procédés du récit “écourté” et “crispé” permettent à Char de concillier les exigenges de concentration propres au poème moderne avec l’épos, qui a rapport à la terre et à la guerre. Car c’est bien dans l’épique que l’œuvre dans son ensemble trouve origine. Représentant les liens organiques de l’homme avec le cosmos comme dans les grandes cosmogonies antiques, aussi bien que la communauté et la fraternité des hommes dans le combat, Char place la poésie sous le signe de “l’homme agonique” (Gaston Miron). Pourtant, à la différence de Saint-John Perse, qui élargit le “poème” aux proportions de l’univers par le grand récit des choses du monde, Char réduit l’œuvre au microcosme de l’aphorisme et de “récit écourté”.

(còn tiếp)

 

đào trung đạo

http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html 

© gio-o.com 2017