đào trung đạo

(100)

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 68,Kỳ 66, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82, Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87, Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95, Kỳ 96, Kỳ 97, Kỳ 98, Kỳ 99, Kỳ 100,

GIUSEPPE UNGARETTI

Chương II

Thi pháp và Thi ca của Ungaretti

Tuy khác với những rondisti về hình thức thi ca nhưng Ungaretti có điểm chung với họ là say mê tin tưởng vào quá khứ huy hoàng của thi ca cổ điển Ý và đọc những thi sĩ cổ điển với mục đích cách tân. Trong Thời Cảm Ungaretti làm tái hiện những truyện cổ tích những huyền thoại trong cảnh quang (landscapes) đậm màu sắc cảm nhận cá nhân và huyền hoặc. Sau thế chiến Ungaretti trở lại Ý sống trong một lâu đài cổ tại thị trấn Marino và ghi lại nhận xét: “Chẳng hạn, như khi tôi đi sâu vào khu rừng ở Marino, hay đến một cái hồ ở Albano hay Nemi, tôi thấy mình ở giữa một quang cảnh đầy ắp lịch sử, với những quyến rũ như vậy từ trong bản chất của nó và biết bao nhiêu quãng cách trong thời gian và điều này dường như làm nảy sinh những nét của một truyện hoang đường. Xuất phát từ thiên nhiên bị tước đoạt một cách hung bạo trong Allegria nên tôi đã tiến tới một thế giới trong đó lịch sử [hiện ra] trong sự tức thời của nó và trong con đường của triêu triệu năm đã có được vẻ huyền thoại.[28]  Những quang cảnh này được Ungaretti mô tả trong những bài thơ như L’Ile, Les Sirènes, Appolon, Junon, Leda...cho thấy đó là kết quả của việc Ungaretti trở lại với thi ca truyền thống và tìm cách hòa điệu thi ca của mình với truyền thống. Nhưng Ungaretti không ngưỡng mộ hào quang thi ca quá khứ như chủ thuyết huyền thoại (mythicism) của những văn thi sĩ qui tụ quanh tạp chí La Ronda (rondisti). Trong khi những rondisti ngưỡng mộ Leopardi như một bậc thầy văn phong cổ điển (lo bello scrivere) Ungaretti lại coi Leopardi không những chỉ là một thi sĩ mà còn là một người tiên phong trong việc kinh qua và biểu đạt kinh nghiệm hiện đại như lời Ungaretti tuyên bố ở đại học Rome năm 1944: “Cứ cho rằng thi ca của tôi có đáng kể tới đâu chăng nữa, nhưng tôi tin rằng nó có duy nhất một giá trị thôi. Để phục hồi được những truyền thống thi ca của chúng ta, nhất thiết phải quay trở lại với Leopardi, và hiểu ông ta...Những nhà phê bình sẽ nhận ra, và những thời điểm có đó để chứng tỏ điều này, rằng từ 1914 cho đến nay không có tác phẩm thi ca nào ở Ý mà không mang những dấu hiệu của công lao này của tôi, về vần điệu, về biện chứng hình ảnh, về định hướng cảm hứng.”[29] Ungaretti đã rút ra từ huyền thoại cổ điển hình ảnh và biến những hình ảnh này thành những biểu tượng của xứ sở hồn nhiên (paese innocente). Và vì xứ sở này ngày nay không còn hiện hữu nên phải nhân cách hóa ký ức cá nhân và ký ức văn hóa như chính Ungaretti tuyên bố: “Jove và Venus và Mars là những thần linh đã tan biến, ai thách thức điều này?...Chúng ta không còn phải đối phó với một minh trí hay sự thờ phụng nhưng với một chuyển động nguyên thủy của tình cảm của chúng ta (sentimento) và trí tưởng tượng hướng về việc tái hồi những thời kỳ này trong đó có một ân sủng như thế. Nghệ thuật thuyết phục chúng ta bởi, đan kết với ký ức chúng ta, nghệ thuật di chuyển những tưởng tượng của chúng ta tới chỗ giúp chúng ta khám phá lại đôi mắt hồn nhiên của chúng ta.”[30]

Ý niệm “bí ẩn/mật (mystère/mystery) có nghĩa đặc biệt trong thi ca của Ungaretti ngay từ giai đoạn đầu Il Porto Sepolto/Hải Cảng Chìm Lấp. Năm 1922 trên La Ronda Ungaretti trình bày quan niệm của mình về dữ kiện tối tăm (donnée obscure) hay “bí ẩn”, cho rằng bí ẩn nằm ở trung tâm đời sống, và cách con người đương đầu với bí ẩn được Ungaretti gọi là “chừng mức” (mesure). Đó không phải là chừng mức của bí ẩn nhưng là chừng mức của một cái gì đó theo một nghĩa nào đó đối lập với bí ẩn đồng thời tạo nên sự biểu lộ sự bí ẩn cao nhất cho chúng ta, trần giới được coi như là sáng chế liên tục của con người. “Chừng mức” có thể coi như một thử nghiệm của Ungaretti để cụ thể hóa kinh nghiệm về bí ẩn bằng parola-quel nulla, bằng ảo tưởng như trong bài thơ Pellegrinaggio/Hành hương Ungaretti đã viết:“Ungaretti/uomo di pena/ti basta un’illusione/per farti coraggio/Ungaretti/con người của khổ đau/ngươi chỉ còn cần một ảo tưởng/để cho ngươi can đảm.” Ungaretti kết luận bài báo nói trên: “Phải chăng có, qua hiệu ứng của những ẩn dụ, một trật tự của những hình ảnh thách thức cái chết một cách cố ý, được tác động trong đầu óc chúng ta bởi khuynh hướng tự nhiên của sự sống để tìm kiếm chính sự an vui cho mình.” Ungaretti nhận ra nơi trật tự những hình ảnh trong những hình thức cổ tích xưa như thần Apollo đã từng tạo nên một chừng mức thuần con người cho ý nghĩa hoang đường của sự bí ẩn, của ân sủng và của sự hài hòa. Theo Ungaretti thì Apollon vẫn đáp ứng nhu cầu con người trong chừng mức như vậy khiến sự ham muốn cả về thẩm mỹ lẫn đạo đức được thỏa mãn tuy có đi kèm u sầu: Apollon là một thần linh đã chết nhưng tiếng vang được ghi nhớ bởi ký ức vẫn lưu truyền với thời gian. Như thế huyền thoại cổ xưa cũng như thi ca tuy là một lời nói dối nhưng là lời nói dối ngọt ngào! Trong bài khảo luận “Sự hồn nhiên/hậu và ký ức” đăng trên tạp chí Nouvelle revue française năm 1926 Ungaretti nói về việc trở lại với huyền thoại ngoại đạo (pagan mythology) không chỉ như một hành vi máy móc về văn hóa nhưng là một thứ “lòng mộ đạo vô vọng được biểu lộ trong nỗi khát khao cái đẹp.” Ungaretti cũng cho rằng thi sĩ không còn là phát ngôn nhân của thần linh nhưng chỉ là kẻ điều khiển “một trò chơi những phản chiếu” (un jeu de reflets) và làm cho ký ức tái hiện vì “Ký ức, chiều sâu của con người” (Mémoire, profondeur de l’homme .” Tái hiện những huyền thoại là một cách tìm lại sự hồn nhiên.

Thi pháp Ký ức (Poetics of Memory) của Ungaretti lả thuật gợi lên tình cảm về thời gian chứ không chỉ là lời bi thương về quá khứ. Thi pháp này, bằng thi từ, tạo nên ảo tưởng về một dịch chuyển hoài hủy giữa hiện tại và quá khứ, của sự mất mát tiếp diễn và của niềm hứng khởi tìm lại quá khứ hồn nhiên. Đó là một “thi ca kép”, hai mặt (a poetry of duplicity). Chúng ta không ngạc nhiên vì Ungaretti học được điều này từ Leopardi khi đọc tác phẩm Canti. Theo Joseph Cary “Tính chất kép do ký ức. Giữa đối tượng “đơn giản” do giác quan cho ta và bị kiểm nhận bởi nhận thức thông thường, và vật thay thế giả do tưởng tượng hay không hiện diện do ký ức gợi ra, một vùng tối vây quanh hay một vếc-tơ tỷ trọng cảm xúc được sáng tạo trong đó thi sĩ định vị vẻ đẹp và niềm vui tối đa. Mục tiêu của thi pháp ký ức – dù cho ký ức không chỉ là một   vấn đề hay chủ đề nhưng là Nàng Thơ của cách tân hình thức – là việc tái sáng tạo tỷ trọng kinh qua này, cái hiệu ứng của ký ức, do sự chọn lựa và điều khiển những từ và những nhịp.”[31]

_____________________________________________________________-

[28] G.U. Il mestiere di poeta, trang 28, trích dẫn theo Joseph Cary, sđd trang 167.

[29] Trích dẫn theo Joseph Cary, sđd trang 169 từ G.U. “Secondo discorso” Paragone #10. Tuy Ungaretti chỉ viết một quyển sách mỏng về Leopardi nhưng là người có công đầu trong việc cổ võ trở lại với Leopardi.

[30] G.U. Immagine del Leopardy e notre trong La nuova antologia trang 223. Trích dẫn theo Joseph Cary.

[31] Joseph Cary, sđd trang 172: This doubleness is due to memory. Between the “simple” object given by senses and ratified by common sense, and the “imagined” or unpresent simulacrum suggested by memory, is created a penumbral zone or vector of emotional density in which the poet locates maximum beauty and delight. The aim of the poetic of memory – wherein memory is not only a subject or theme but the Muse of formal innovation – is to recreate this experienced density, the effect of memory by the choice and manipulation of words and rhythms.

 

THƠ UNGARETTI TRONG TẬP THỜI CẢM

JUNON

Tròn trịa hoàn hảo quá khiến anh bối rối

Một bắp vế của em dạng khỏi bắp vế kia

Một đêm đắng ngắt thả tung sự cuồng nộ của em!

 

NHỮNG NỮ THỦY  THẦN

 

Ý tưởng khốc liệt,

Em kẻ thiêu đốt và làm tình yêu rối bời

Cốt để anh không ngừng ngoảnh cổ nhìn lên,

Em làm biến đổi những vẻ ngoài

Và, ngay cả khi anh chạm tay tới đích

Và anh thấy mình không còn lầm lẫn,

Từ những mơ tưởng khác em đã trói buộc anh vào,

Tương tự như đại dương bất an và phỉnh gạt này

Mời mọc và lẩn tránh nơi xa  

Hòn đảo tai họa,

Bội nhân những mồi nhử của em,

Mà em dẫn dắt kẻ vẫn còn chút hy vọng

Tới cái chết.

                                           1923

 

NỮ THẦN SẮC ĐẸP APOLLON

 

Hỡi Apollon xao động, chúng tôi đã thức giấc!

Em hãy ngẩng vầng trán dũng cảm của em lên, em hãy tỉnh dậy!

Máu dâng trào đã sục sôi...

Màu xanh ác cảm, ở trên cao!

Lặng lẽ vời vợi...

                                           1925

NHƯ MÌNH

Con tầu cô đơn hãy ra đi

Vào cõi tĩnh lặng của buổi chiều.

 

Chút ánh sáng của những căn nhà

Hiện ra nơi xa.

 

Trong cực điểm của đêm

Biển tỏa khói cuồn cuộn dưới đáy.

 

Hãy cứ một mình, như mình,

Sủi bọt tự biến...

 

Tự tái hiện...

                                           1925

 

TIẾNG VANG  

 

Chân trần băng qua cát đêm

Bình minh, tình yêu vui thỏa, ngươi ngụ cư

Tiếng vang vọng trong vũ trụ lưu đầy, và ngươi để lại

Trong cái ghế ngày ngày, vết tích

Mãi mãi là, một vết thương che kín.

                                           1927

 (còn tiếp)

đào trung đạo

 

http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html 

 

 

© gio-o.com 2018