đào trung đạo

 

(105)

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 68,Kỳ 66, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82, Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87, Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95, Kỳ 96, Kỳ 97, Kỳ 98, Kỳ 99, Kỳ 100, Kỳ 101, Kỳ 102, Kỳ 103, Kỳ 104, Kỳ 105,

GIUSEPPE UNGARETTI

Chương II

Thi pháp và Thi ca của Ungaretti

Ban đầu Ungaretti đã thảo những hợp xướng của Aeneas nhưng trong bản in cuối cùng của Đất Hứa không thấy Ungaretti cho in những hợp xướng này. Tuy nhiên Aeneas vẫn là trung tâm của tập thơ như những ghi chú của Unaretti sau đây cho thấy: “Aeneas là sự kết hợp quan trọng của đời sống của ký ức, trí tưởng tượng và suy tưởng, của đời sống – nghĩa là – của tinh thần; chàng cũng là sự kết hợp có kết quả của đời sống trần tục trong những kế tục dài dặc những thế hệ...Rất nhiều sự kiện của đời sống của tôi và đời sống xứ sở tôi đã đi vào và được khuếch đại một cách thiết yếu trong dự án ban đầu của Đất Hứa. Bằng bất cứ giá nào, ngay cả hôm nay, bài thơ phải được triển khai từ điểm nơi, khi Aeneas đã tới được vùng đất hứa, những  hình dạng kinh nghiệm trước đó của anh ta nổi lên để làm chứng cho anh ta, trong ký ức của anh, kinh nghiệm hiện thời của anh – và tất tật những kinh nghiệm có thể tiếp theo – sẽ kết thúc như thế nào, cho đến thời điểm nào kinh nghiệm này được trao lại cho con người, khi nào thời gian tự tiêu hủy, để biết được Đất Hứa thực sự.”[41] Theo Joseph Cary, bài thơ Cori descrittivi di stati d’animo di Didone/ Những bài hợp xướng mô tả trạng thái tâm hồn của Dido như ban đầu được Ungaretti dự t diễn ra “trong” sự hướng nội (inwardness) của Aeneas (dù Ungaretti không nói như thế,) nhưng khung cảnh ở Cumea hay cảnh chiêu niệm bên dưới Hồ Avernus cũng tạo nên một trợ giúp cho người đọc cảm nhận được việc đặt tập thơ vào trường hợp của nó. Thế nhưng, trong chính những bài thơ trong tập này lại không cho người đọc trải nghiệm những bài hợp xướng cho Dido hay bài ca thoại của Palinurus như được lọc qua những ký ức về quá khứ của Aeneasnhững phần này như đã được viết ra lại là những suy niệm ở ngôi thứ nhất của một phụ nữ lớn tuổi và một người đàn ông bị thảm họa chụp xuống. Ngoài ra, dù trong bài Canzone nguyên bản như ban đầu dự tính nói đến những kinh nghiệm “tới nơi” (landing) của Aeneras nhưng lại thiếu vắng ý nghĩa của sự chiến thắng và tựa đề phụ của bài thơ mô tả trạng thái tâm hồn của thi sĩ cho thấy Ungaretti đã bỏ rơi huyền thoại của Virgil. Nhận xét này của Joseph Cary xem ra có vẻ quá đáng vì Ungaretti vốn là kẻ “lưu đầy muôn thưở” không coi việc tạm cư ở một nơi nào là một “chiến thắng.” Nơi chốn Ungaretti thực sự kiếm tìm là một “xứ sở hồn nhiên.”

Joseph Cary nhận định Virgil chỉ là một kích thích khởi hứng và Ungaretti không sử dụng cấu trúc của Aeneid  cho Đất Hứa. Chứng cớ: trong bài Canzone địa danh không phải là thành Troy mà là Ithaca của Homer được Ungaretti dùng ở đoạn thứ tư của bài hợp xướng chót Finale. Bài thơ “Variazioni su nulla/Những biến khúc về Không” nhắc nhở âm điệu của Thời cảm. Thực ra bài “Segreto del poeta/Sự bí ẩn của thi sĩ” có thể coi là nối tiếp kinh nghiệm trong bài Giono per giorno/Ngày lại ngày với niềm tin phù du của người cha về “Đất Hứa thực sự” ở kiếp sau. Sau hết, theo Joseph Cary bài Finale/Kết của tập thơ ban đầu được Ungaretti coi như “bài hợp xướng của những nữ thủy thần (chorus of undines).” Theo Joseph Cary, Đất Hứa trước hết phải được đọc như thiết kế “penultimate/áp chót” của toàn tập Vita d’un uomo/Đời của một người, một quyển sách nói về Thu muộn Đông tới phần lớn được sáng tác khi Ungaretti vào tuổi thất thập. Đất Hứa còn vương vấn với ý tưởng về việc chết đi ở nửa phần sau của tập Thời cảm. Bài hợp xướng 19 đoạn dành cho nàng Dido đơn độc với những kỷ niệm và những linh cảm và trên hết với thời cảm cao độ cũng chính là kinh nghiệm về khổ đau trong Il dolore được tinh chế. Joseph Cary cũng nhận ra trong Đất Hứa cũng có nỗi ám ảnh với sự bất tử hay tái sinh – hoặc qua kỷ niệm yêu dấu như trong bài tụng ca cho Ines Fila hoặc ký ức và niềm tin bí ẩn về sự vững bền của tinh thần thuần túy như trong bài thơ viết cho con trai Antonietto trước đây – tất cả chỉ là những biến thái của những chủ đề quen thuộc của Ungaretti. Hai bài thơ đầy tham vọng của Đất Hứa nằm ở những câu mở đầu bài Canzone và trong bài “Recitativo di Palinuro/Ca thoại của Palinurus” đều nhắc đến đắm tầuchìm sâu đáy nước tuy là những chủ đề cũ nhưng được Ungaretti viết theo cách mới. Về thi pháp, theo Joseph Cary, quả thực Ungaretti đã thành công trong việc chế tác, phối hợp và làm tăng sức mạnh thơ Patrarch và thơ cổ điển Ý.

Để nói về ảnh hưởng của Petrarch cũng như sự khác biệt Joseph Cary so sánh Canzone với bốn câu của bài sonnet Petrarch viết về Laura:

                               Tornami a mente, anzi v’è dentro, quella

                               ch’indi per Lete esser non po’ sbandita

                               qual lo la vidi in su l’età fiorita

                               tutta accesa de’ raggi di sua stella...

                              

Trở lại tâm trí tôi, và ở trong tôi, nàng

                               kẻ từ đó không kế bên Lete có thể bị trục xuất,

                               như thể tôi đã nhìn thấy nàng trong thời hoa niên của nàng,

                               toàn thể sáng chói với những tia sáng của ngôi sao của nàng...

Chúng ta thấy sự hiện diện sáng ngời của Laura thắng vượt cái chết thể chất. Khổ thơ của Petrarch xác quyết một cách hân hoan sự bất tử này.

Bài Canzone của Ungaretti cũng mở đầu bằng bốn câu thơ:

                               Nude, le braccia di segreti sazie,

                               A nuoto hanno del Lete svolto il fondo,

                               Adagio sciolto le veementi grazie

                               E le stanchezze ond luce fu il mondo.

 

                               Những cánh tay trần, đang bơi, với những bí ẩn thỏa thuê,

                               đã làm lộ ra đáy sông Lethe,

                               từ từ buông ra những vẻ duyên dáng mạnh dạn

                               và sự mỏi mệt từ đó là ánh sáng của thế giới.

 

Khác với bài sonnet của Petrarch ở đây là sự mỏi mệt và kiệt lực, cầu khẩn lãng quên. Như vậy Ungaretti đã dứt khoát loại bỏ cái thế giới được mô tả bằng những hình ảnh lung linh và sôi động của Petrarch và thay thế bằng hình ảnh người bơi lội lả mệt như đã được mô tả trong bài Il porto sepolto/Hải cảng chìm sâu. Trong bài thơ này những danh từ và tính từ như “những cánh tay,” “mỏi mệt” chỉ ra sự ngơi nghỉ, buông bỏ những cảm xúc mạnh mẽ trước đây. Theo Joseph Cary, tính từ “nude/trần” Ungaretti đặt ngay ở câu mở đầu bài thơ và sau danh từ này là dấu phẩy/phết (,) nhằm nhấn mạnh sức đẩy về sự “trần trụi” là “chìa khóa” của cả bài thơ. Ở bốn câu thơ khổ thứ nhì con sông Let[h]e dưới địa ngục được Ungaretti gợi ra hoặc bằng những nét chấm phá một cách trừu tượng như “một con đường kỳ lạ,” “một sự truyền lan những bức tường khó nhận biết” trong lòng sự im lặng đóng băng hay như sự vắng mặt:

                               Nulla è muto piú della stana stada

                               Dove foglia non nasce o cade o sverna,

                               Dove nessuna cosa pena o aggrada,

                               Dove la veglia mai, mai il sonno alterna.

                               Không có gì câm lặng hơn con đường kỳ lạ

                               Nơi lá không mọc ra hay rơi xuống hay những mùa đông,

                               Nơi không có gì làm khổ đau hay sung sướng,

                               Nơi thức và ngủ chẳng bao giờ, chẳng bao giờ luân phiên.

Sự cạn kiệt tuyệt cùng khi con người chạm vào ngưỡng cái chết của chính mình được Ungaretti nói lên bằng những cảm xúc đã lịm tắt, những đam mê tiêu sái, sự thản nhiên buốt giá. Theo Joseph Cary, xét về mặt tri thức luận đó là một thứ chân lý “duy danh” (“nominalist” truth): nhãn quan về sự trống rỗng,  thuyết hư vô lạnh lùng của tinh thần khi đã là “thuần túy” chỉ còn nhìn thấy sự vật hiển hiện phủ bóng.

_________________________________________________

[41] Trích dẫn theo Joseph Cary, Sđd trang 217: Aeneas is the vital union of the life of memory, imagination and spéculation, of the life – that is to say – of the mind; he is also the fruiful union of carnal life in the long succession of generations...Many facts of my life and the life of my country have gone into and necessary amplified the original project of the Terra promessa. At any rate, even today, the poem should develop from the point at which, Aeneas having reached the promised land, the figures of  his previous experience arise to bear witness to him, in his memory, how his present experience – and all the experiences that may follow it – will end, until what time it is given to men, when time has consumed itself away, to know the true Promised Land.

_________________________________________

 

THƠ UNGARETTI trong ĐẤT HỨA

HỢP XƯỚNG

mô tả trạng thái tâm hồn Dido

 

1.

 

Khi bóng tối lịm tắt,

Dọc theo khoảng cách những tháng năm,

Về phía thời gian những nỗi khắc khoải chưa đay nghiến,

 

Em nghe, thời thanh xuân,

Ngực ham muốn dâng trào

Và, mắt em ngó chừng

Lửa bất cẩn tháng Tư cháy lan

Trên gò má ngát hương.

 

Nhạo báng, em, hãy cảnh giác,

Bóng ma, làm thời gian bất động

Và làm cho sự cuồng nộ của nó kéo dài:

 

Hãy buông bỏ trái tim ruỗng mục!

 

Nhưng khi những giằng co thầm lặng ngay cả khi đã nguôi ngoa,

Theo thời gian, tàn lụi cùng đêm tối?

 

2.

Lửa lần lữa quá lâu

Kéo dài buổi chiều

Và những run rẩy trong cỏ chậm rãi

Dường như nối liền vô tận với tình cờ.

 

Rồi ai hay từ trăng sáng, bật ra

Tiếng vang, lặn sâu vào nước trôi lững lờ.

Ta không biết ánh trăng hay tiếng vang cái nào linh động hơn,

Lời thầm thì hướng về bến say

Hay tới em kẻ chú tâm, dịu dàng, câm nín.

 

3.

Giờ đây gió bặt

Và biển thinh lặng;

Tất cả tĩnh lặng; nhưng chỉ mình ta, kêu khóc

Gào thét từ tiếng khóc trong tim,

Tiếng khóc của tình yêu, của hổ thẹn,

Từ tim ta đang bốc lửa

Từ khi ta nhìn thấy em và em ngó ta

Và ta không là gì hơn một kẻ yếu đuối.

 

Ta gào khóc, và tim ta cháy bỏng khôn nguôi

Bởi ta chẳng là gì hơn

Một vật đang ruỗng mục và phế bỏ.

 

4.

Tất cả trong tim ta đều nghẹn cứng,

Sự hủy hoại, những xích đạo rừng cây phủ rợp, những nghẽn tắc

Của hơi nước trên những đồng lầy mù sương nơi

Trong giấc ngủ dâng lên

Sự mong mỏi chẳng bao giờ đã nảy sinh.

 

5.

Chúng ta, những kẻ mồ côi vừa dứt sữa,

Những sự thiếu kiên nhẫn đã lớn lên quá nhanh,

Được lòng mong ước chuyển dài xuống giấc ngủ

Hay còn tới nơi nào khác

Để chúng tìm được màu sắc, để chúng tỏa hương?

Những kết trái đầu tiên

Mở ra một cách ngạc nhiên trong ánh sáng

Qua những trò xảo trá dịu dàng,

Chỉ để mai sau dâng hiến những ngọt ngào,

Cho những canh thức tuyệt vọng của chúng ta.

 

6.

Bí ẩn đã mất hết ảo tưởng,

Vòng nguyệt quế quấn trên đầu suốt đời,

Và, bị bỏ mặc, đã tự biến đổi,

Phân phát từng giọt nỗi cay đắng những hối tiếc của chúng ta.

 

7.

Trong tăm tối, câm nín,

Em bước đi giữa những thửa ruộng trơ trụi:

Em kiêu hãnh không chờ đợi kẻ nào đi bên mình.

 

8.

Từ khuôn mặt anh tới khuôn mặt em sự bị ẩn của em băng ngang;

Khuôn mặt anh là tấm gương của những nét yêu kiều của em;

Mắt chúng mình đâu lưu giữ gì khác

Và, tuyệt vọng, tình yêu phù du của chúng ta

Run rẩy, vĩnh cửu, trong những cánh buồm lững lờ trôi.

 

9.

Quang cảnh lang thang của biển cả không còn quyến rũ anh, màu xanh xao dày vò

Của bình minh trên những chiếc lá này hay những chiếc lá kia cũng vậy;

Anh cũng  chẳng còn đôi co với đá tảng,

Của đêm tối cổ xưa đè nặng trên mắt anh.

 

Những hình ảnh ích gì

Để anh lãng quên?

 

10.

Em có nghe cây tiêu huyền

Lá, em có nghe lá bỗng kêu răng rắc,

Rụng xuống trên những tảng đá ven bờ sông?

 

Anh muốn phế bỏ sự hư hoại của anh đêm nay;

Nơi những chiếc lá héo khô người ta sẽ thấy sự trùng phùng

Một tia sáng màu hồng.

 

11.

Và không chịu ngừng lại

Bởi khoảng không gian của chúng cho phép

Lửa thân thương của chúng ta chắp cánh mây trời,

Thay phiên phủ kín nhau,

Linh hồn thơ ngây của chúng ta

Thức giấc như cặp song sinh, đã cùng viễn du.

 

12.

Trong bão tố tăm tối một hải cảng mở ra

Mà người đời cho là chắc thực.

 

Một vịnh biển sao trời quần tụ

Và bầu trời của vịnh dường như thật bất động;

Nhưng hôm nay, đã thay đổi!

 

13.

Đi xuống từ đỉnh cao mê đắm của hắn,

Nếu như khi đó tình yêu của hắn lại dâng trào,

Trơ trơ, hắn sẽ

Đánh số những gai nhọn vô số kể rồi,

Tung trải suốt những giờ, suốt những phút.

 

14.

Đau đớn vì sự rực sáng của hắn

Ánh mắt em buồn bã và bối rối

Lạc lõng hướng về cặp mắt thèm muốn, gan dạ của hắn

Cặp mắt chẳng bao giờ,

Từ nay sẽ chẳng bao giờ ngừng lại trên em;

 

Đau đớn vì sự lạ lẫm, sự điên rồ

Sự kiêu hãnh em hằng tôn thờ,

Khẩn cầu vô vọng, đôi mắt em

Giờ đây đục và khô

Sẽ trách cứ số phận mình trên những lầm lỗi;

Chúng sẽ chẳng tìm thấy ân sủng nào,

Ngay cả tỏa ra một tia sáng,

Hay chỉ một giọt lệ,

Những con mắt đục, khô của em,

 

Đục ngầu, không tia sáng.

 

15.

Bỏ chạy, em sẽ chẳng thấy gì ngoài những lầm lỗi,

Không còn chịu đựng giải khói dẫn tới

Ngưỡng giấc ngủ.

 

16.

Những mảng bóng tối sẽ chẳng dâng lên từ sắc xanh

Như khi em còn là nụ hồng

Và đêm tối trở lại trải ra,

Thở dài để tan vào đồng cỏ,

Nơi lớp mạ vàng lần đầu đáng ngờ,

Em phơi mở ra, lẩn lút, nửa thức nửa ngủ.

 

17.

Em sẽ kéo từ hoàng hôn ra

Cái cánh dài bất tận.

 

Và từ những chiếc lông sớm tiêu tan

Phủ bóng trong những vệt sáng không chừng,

Có lẽ em sẽ làm cho cho sinh động hoài hủy

Cát.

 

18.

Sự giận dữ đã bỏ mặc đồng ruộng cho những kẻ thù của lúa;

Thành phố, chẳng bao lâu sau,

Cũng mất đi những đống đổ nát của nó.

 

Anh chỉ còn nhìn thấy những con diệc ám khói lang thang

Giữa đồng lầy và  bụi rậm,

Hú lên kinh hoàng bên những cái tổ

Và bên những đống phân của những con diệc nhỏ tham ăn

Ngay cả khi có một một con quạ hiện ra.

 

Sự vinh quang vẫn ở lại với em,

Có được qua những vật hôi thối

Và em không bày ra được một dấu hiệu nào của bản thân

Ngoài những hình dạng tê liệt

Của sự đớn hèn

Nếu như anh nhìn em nơi những tiếng kêu khóc thảm thiết xấu xa.

 

19.

Em đặt sự kiêu hãnh của em giữa những nỗi kinh hoàng,

Giữa những lầm lẫn phiền muộn.

 

(còn tiếp)

 

đào trung đạo

 

http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html 

 

 

© gio-o.com 2018