đào trung đạo

thi sĩ / thi ca

(95)

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 68,Kỳ 66, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82, Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87, Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95,

 

GIUSEPPE UNGARETTI

Chương II

Thi pháp và Thi ca của Ungaretti

Thi ca:  

Con đường đi tìm thi ca Ungaretti qua toàn bộ tác phẩm ông để lại có thể nói đã được chính Ungaretti chỉ ra: thi ca chẳng qua chính là câu trả lời cuộc sống/đời (la poésie est la réponse à la vie) của một con người. Chính vì lý do này Ungaretti đã đặt tựa cho Toàn Tập Thơ của mình là  VITA D’UN UOMO/Tutte le poesie (1968)[12]. Lộ trình thi ca của Ungaretti cũng là lộ trình của một kẻ du cư (Bedouin) “đi tìm/một xứ sở hồn nhiên”: điểm khởi đầu của đời sống cũng là điểm khởi đầu của thi ca là từ sa mạc du cư tạm thời ở các ốc đảo. Sa mạc đồng nghĩa với Ánh sáng: Ungaretti trước hết là thi sĩ của Ánh sáng. Lộ trình đó trải dài trên nửa thế kỷ khởi đầu với L’Allegria.

       Để mở cánh cửa đi vào thi ca của Ungaretti và cũng để làm quen với thứ ngôn ngữ thi ca tinh cất (cristallissation) của Ungaretti chúng ta hãy “đọc” bài thơ sau đây trong tập L’Allegria:

                   MATTINA [13]

                   M’illumino

                   d’immenso

                               Làm tại Santa Maria Longa ngày 26 tháng Giêng 1917

                              

                   SÁNG

                   Tôi tỏ rạng

                   bởi vô tận

Thơ hiện đại Tây phương đòi hỏi người đọc “đọc” bài thơ bằng mắt chứ không phát âm mới nhận thức được không gian của bài thơ. Không gian này không những là lãnh địa của  những thi từ mà còn là cả phần trắng phía trước và sau câu thơ trên trang giấy như không gian mở ra và dẫn đến chỗ ngưng lại. Thủ lãnh khởi xướng cấu trúc thi pháp này chính là Mallarmé, rõ nhất trong bài thơ Coup de dés.

Câu hỏi đặt ra vì bài thơ quá vắn tắt: thi sĩ muốn nói gì ở đây? Bài thơ chỉ vỏn vẹn gồm hai cụm từ “m’illumino” và “immenso.” Và những từ này có ý nghĩa gì? Hãy đặt bài thơ vào giai đoạn thi ca thời trẻ tuổi thứ nhất của Ungaretti bắt đầu từ 1914. Đó là giai đoạn thơ Ungaretti đậm đặc nét bí ẩn nhất với quan điểm sử dụng thi từ nhằm đưa thực tại đến tính tức thời tuyệt đối (immediateté absolue) và thuần túy của nó. Nói vậy có nghĩa thi sĩ lột bỏ mọi dấu vết không cần thiết của ngôn từ thông thường hay ngôn từ qui ước của văn chương cũ. Ở giai đoạn này Ungaretti tuy còn chịu ảnh hưởng của Mallarmé nhưng đã bắt đầu dần dần tách rời “thi ca thuần túy” của sư phụ (ban đầu Ungaretti đặt tên tập thơ thời trẻ tuổi của mình là Allegria di naufragi với từ “naufragi/naufrages” một từ mang đậm dấu ấn Mallarmé nhưng sau đó cắt bỏ “di naufragi”) và tiến gần thi ca của Reverdy và Appolinaire hơn, cho rằng mục tiêu của thi ca không phải là chính ngôn ngữ nhưng là đi tìm tiêng nói xuyên qua tiếng nói, thế giới trong tính chất thuần túy ban sơ và ân sủng của nó. Từ thi, theo Ungaretti phát sinh từ sức căng biểu đạt (tension expressive.) Sức căng này có được là do kinh nghiệm “tham gia, bám sát đời sống” (adhésion à la vie). Sức căng này giúp tạo nên những tương quan giữa những sự vật cách xa nhau nhất (Appolinaire), xóa bỏ khoảng cách chia xa chúng và biểu đạt dưới hình thức tỉnh lược (forme elliptique). Kinh nghiệm thi từ này Ungaretti cũng do học hỏi từ Léopardi.

Bài thơ Mattina không trừu tượng mà cụ thể vì thi sĩ không đưa ra biểu tượng mà đưa ra hình ảnh. “M’illumino”: nhìn mặt trời lên ở chân trời chan hòa ánh sáng tinh mơ, đang phát sinh, thi sĩ cũng được thứ ánh sáng này tắm gội: thi sĩ ngây ngất, xuất thần (s’extasier) một cách bản sơ (élémentaire) và cổ sơ (ancestrale) như thể mình là con người đầu tiên trên đời thấy rạng đông, hòa mình vào sự mênh mông vô tận (d’immenso) của vũ trụ thiên nhiên. Khoảnh khắc cảm nhận hiện tượng thuần túy như thể sống trong thiên đàng đã mất được tìm thấy lại (retrouvé) này được Ungaretti mô tả trạng thái căng thẳng giữa con người và vũ trụ trong một từ trường bằng những từ thỏa đáng, thích hợp (mots adéquats) m’illuminod’immenso: cảnh và người hòa quyện trở thành một, đồng nhất. Gyögy Ronay kết luận về bài thơ Mattina: “Mục đích của bài thơ là tái tạo thế giới bằng những từ; tái tạo thế giới trong tình trạng của sự thuần khiết ban sơ và hạnh phúc. Xong: hai câu thơ tái tạo hiện tượng chiếu sáng, hiện tượng này vừa có tính chất con người vừa có tính chất vũ trụ, vừa chủ quan vừa phổ quát. Bài thơ đặt chúng ta trước hiện tượng được sáng tạo và nó để chúng ta làm phần còn lại (việc “diễn giải”). Sáng tạo, tái sáng tạo được hoàn tất trong hai từ. Mỗi từ trong hai từ này là một câu thơ đứng tách rời (thay vì là một khẳng định thuần dung tục, bài thơ này cũng là một bài thơ [được tạo ra] bởi hiệu quả của việc sắp xếp: hai dòng từ đột nhiên làm ta cảm thấy sức căng  nâng chúng lên chiều cao của bài thơ) : giữa hai câu thơ: một ngưng lại (một trong những thành tố diễn tả, cũng quan trọng như từ, của lời thơ của tập Allegria); sự ngưng lại không chỉ là một sự dừng lại nhưng cũng còn là sự dẫn vào nhịp điệu, vào “âm nhạc”, khác nhau (mà không đối xứng) của câu thơ thứ nhì. Bởi vì câu thơ thứ nhất, từ thứ nhất, m’illumino, do tính chất âm thanh của nó, do sự nhấn giọng của nó, do nhịp điệu của nó đồng nhất với chính sự sáng rỡ của ánh sáng, với sự xâm nhập dữ dội chân trời bởi ánh sáng; sau chỗ ngưng: nhịp thứ nhì, câu thơ thứ nhì, từ thứ nhì, d’immenso là, cùng với nhịp và thanh của nó – một không gian rộng lớn, đường chân trời trôi đi vào lúc ở đó, trong ánh sáng, nó mở tới cõi vô tận một cách uy nghi.”[14]

 

 

[12] Gồm các tập: L’Allegria (1914-19), Sentimento del tempo (1919-1935), Poesie disperse (1914-1927), Il Dolore (1937-1946), La terra promessa (những đoạn rời của một bài trường thi được sáng tác vào năm 1935, một số sau này được cho vào Il taccuino del vecchio (1952-1960) và Un grido e paesaggi (1949-1952).

Bản dịch sang Pháp văn Vie d’un homme quyển VITA D’UN UOMO/Tutte le poesie gồm những bản dịch của Jean Lescure và Philipppe Jaccottet với bài tựa của Philippe Jaccottet. Thơ Ungaretti dịch sang Anh văn: Selected Poems of Giuseppe Ungaretti do Allen Mandelbaum dịch, Cornell University Press 1975, A Major Selection of the Poetry of Giuseppe Ungaretti do Diego Bastianutti dịch, nxb Exile Editions 1997, Selected Poems Giuseppe Ungaretti do Andrew Frisardi dịch, nxb Farrar, Strauss and Geroux 2002, The Sunken Keep, Isoba Press 2017, Giuseppe Ungaretti, The Master of Hermeticism, Alessandro Balussi, Literary Joint Press 2018.

[13] Philippe Jaccottet dịch sang Pháp văn: MATIN: Je m’éblouis/d’infini giữ được cấu trúc nguyên tác trong khi Allen Mandelbaum dịch sang Anh văn: MORNING: Immensity/illumine me đảo ngược trật tự cấu trúc nguyên tác.

[14] Gyögy Ronay, La Mattina de Ungaretti trong L’Herne, Ungaretti trang 165:  Le but du poème est de recréer le monde par les mots; le recréer dans son état de pureté et heureuse. C’est fait: les deux vers ont recrée le phénomène lumineux qui est à la fois humain et cosmique, subjectif et universel. Il nous a placés devant le phénoméne crée et il nous laisse le reste (l’”interprétation”). La création, la re-création fut accomplie en deux mots. Chacun des deux est un vers à part (au lieu d’être une affirmation purement prosaïque, ce poème est un poème aussi par l’effet de sa disposition: les deux lignes sont sentir subitement la tension qui les élève à la hauteur du poème); entre les deux vers: la pause (l’un des éléments expressifs, aussi imporatnt que le mot, du lyrisme de l’Allegria); la pause qui n’est pas seulement un arrêt mais aussi une introduction à la cadence, à la “musique” différents (sans être diamétralement opposées) du deuxième vers. Car le premier vers, le premier mot, m’illumino, par sa sonorité, par son accent tonique, par son rythme s’identifie  au flamboiement même de la lumière, à l’invasion violente de l’horizon par la lumière; après la pause: la dexième cadence, le deuxième vers, le deuxième mot, d’immenso est, avec sa cadence, sa sonorité – un espasce vaste, l’horizon fyant au moment où, majesteusement dans la lumière, il s’ouvre à l’infini.

 

(còn tiếp)

 

đào trung đạo

 

http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html 

© gio-o.com 2018