ĐẶNG PHÙNG QUÂN

HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG

TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

biên khảo triết học nhiều kỳ

kỳ 105

(tiếp theo)

Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 , Kỳ 23 , Kỳ 24 , Kỳ 25 , Kỳ 26 , Kỳ 27 , Kỳ 28 , Kỳ 29 , Kỳ 30 , Kỳ 31 , Kỳ 32 , Kỳ 33 , Kỳ 34 , Kỳ 35 , Kỳ 36 , Kỳ 37 , Kỳ 38 , Kỳ 39 , Kỳ 40 , Kỳ 41 , Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45,  Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 69, Kỳ 70,Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82, Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87, Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95, Kỳ 96, Kỳ 97, Kỳ 98, Kỳ 99, Kỳ 100, Kỳ 101, Kỳ 102, Kỳ 103,  Kỳ 104, Kỳ 104, Kỳ 104, Kỳ 105,

 

 

Chương IV

Thiên địa thời : Chủ nghĩa (l)ý tưởng trong Hiện diện hiện tượng luận

 

 

Trong lịch sử triết học Đức cận hiện đại, hai khuôn mặt danh tiếng có những nét tương cận nhất là Hegel và Husserl, cùng sử dụng từ "hiện tượng luận" để chỉ phương pháp và hệ thống tư tưởng của họ, song đặc biệt là có hai tác phẩm chủ đạo, thay vì một trong toàn bộ công trình sáng tạo, với Hegel là Hiện tượng luận tinh thần/Phänomenologie des Geistes 1807 và  Khoa học luận lý/ Wissenschaft der Logik 1812, với Husserl là Nghiên cứu luận lý học/Logische Untersuchungen 1900 /01 và Những ý niệm về một hiện tượng luận thuần túy và triết học hiện tượng luận/Ideen zu einer reinen Phänomenologie und phänomenologischen Philosophie I, 1913, II và III, 1952.[1]

Bộ Ý niệm về một hiện tượng luận thuần túy và triết học hiện tượng luận gồm ba quyển:

1/ Ideen I là nhan đề ngắn gọn thường được gọi của những học giả viết về quyển sách mang tên Ideen zu einer reinen Phänomenologie und phänomenologischen Philodophie. Erstes Buch : Allgemeine Einführung in die reine Phänomenologie/Quyển Một: Dẫn nhập khái quát trong hiện tượng luận thuần túy, 1913.

2/ Ideen II : Ideen zu einer reinen Phänomenologie und phänomenologischen Philosophie. Zweites Buch : Phänomenologische Untersuchungen zur Konstitution/Quyển Hai: Nghiên cứu hiện tượng luận về cấu thành, 1952.

3/ Ideen III : Ideen zu einer reinen Phänomenologie und phänomenologischen Philosophie. Drittes Buch : Die Phänomenologie und die Fundamente der Wissenschaften/Quyển Ba: Hiện tượng luận và cơ sở của các khoa học, 1952.

Bộ Ý niệm xuất bản năm 1913 có một khoảng cách đáng kể trong hành trạng tư tưởng Husserl với bộ Nghiên cứu luận lý 1900/01, song có một ý nghĩa trong luận án của Jean-François Lavigne " Husserl và khai sinh ra hiện tượng luận (1900-1913)" quan niệm đó là giai đoạn  "khởi sinh chủ nghĩa (l)ý tưởng siêu nghiệm hiện tượng luận" của Husserl, khi phân tích những giai đoạn tiến triển về mặt phương pháp luận và triết học trong nghiên cứu của Husserl, từ Nghiên cứu luận lý đến Ý niệm I .[2] Trong chiều hướng này, Lavigne từ phân tiết đầu (tháng Năm 1901 - cuối 1905) nói đến cuộc khủng hoảng của tâm lý học miêu tả và chuyển hóa xu hướng nội tại-ý tượng của "hiện tượng luận" ở chương I bàn về thất bại của bộ Nghiên cứu luận lý 1901 lý do vẫn còn tính cách "duy tâm lý học hữu thể", trong những năm 1901-1903 đánh dấu khủng hoảng phương pháp luận của "hiện tượng luận" từ phần một, qua vị trí hữu thể luận và phương pháp luận, khởi sự hình thái giảm trừ hiện tương luận ở chương II, và tự phê bình của Husserl về bộ Nghiên cứu luận lý đến yêu cầu một lý luận duy (l)ý tưởng, và bước dứt khoát từ bỏ "tâm lý học miêu tả" trong những năm 1902/03 ở chương V,  sang phần hai của phân tiết đầu, bàn về hiện tượng luận duy nội tại đến hiện tượng luận thuần túy của tính chủ thể tuyệt đối trong những năm 1904/06 , đánh dấu qua Những bài giảng về thời gian "Vorlesungen zur Phänomenologie des inneren Zeitbewusstseins" 1905, về hiện tượng luận tri thức trong giảng khoa vể tri tưởng và ý thức ảnh "Pantasie und Bildbewusstsein" 1904/05 trong chương VI và VII.. Sang phân tiết hai (Hạ 1905-1906 - Xuân 1907) luận về quá độ từ hiện tượng luận của nội tại thực qua hiện tượng luận thuần túy siêu nghiệm đánh dấu tư tưởng về hiện tượng luận mới trong học kỳ Đông 1906-1907 đưa đối tượng siêu việt vào khu vực nội tại hiện tượng luận và chuyển hóa của giảm trừ thành giảm trừ siêu nghiệm trong chương VIII và IX, tới chung cuộc là chủ nghĩa (l)ý tưởng siêu nghiệm. Phân tiết ba (1907-1912) bàn về ba giai đoạn tiến trình triển khai của phân tích cấu thành có ý hướng của thế giới và những loại tính đối tượng, từ đó Husserl áp dụng vào lý giải (l)ý tưởng-siêu nghiệm một cách hữu hiệu cụ thể thực hành và ý thức dữ kiện hiện tượng luận : giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ năm 1907 đến tháng Chín 1909 khai triển hiện tượng luận về "ý thức tuyệt đối", về liên chủ thể và thời tính; giai đoạn thứ hai khai triển trường hiên tượng luận siêu nghiệm; giai đoạn thứ ba đánh dấu biến chuyển lý thuyết hiện tượng luận của nhận thức thành lý luận chung của ý thức như nguồn cấu thành tuyệt đối của mọi hiện thể, có thể tính bắt đầu từ 1911 đến khởi thảo tác phẩm Ideen I với "giảm trừ siêu nghiệm", lý luận tương ứng của chỉ thị ý nghĩa và tri kiện biểu hiện chủ nghĩa (l)ý tưởng siêu nghiệm một cách hệ thống, vào Thu-Đông 1912.  

Paul Ricœur dịch Ideen I như dẫn ở trên là quyển Một : Dẫn nhập khái quát trong hiện tượng luận thuần túy sang tiếng Pháp năm 1950, mà nguyên tác tiếng Đức in lần thứ nhất trong số đặc biệt Niên san Triết học và Nghiên cứu hiện tượng luận/Jahrbuch für Philosophie und phänomenologische Forschung, Bd I/1 vào năm 1913. Trong lời Dẫn nhập cho bản dịch, Ricœur xác định không thể trình bày đầy đủ trong khuôn khổ giới hạn này, hiện tượng luận của Husserl; vả lại, cả một khối đồ sộ bản thảo chưa xuất bản trong Văn khố Husserl ở Louvain vào thời điểm 1950 khiến người ta không thể tự cho là có một lý giải hoàn toàn thấu đáo được toàn bộ công trình của Husserl. Thật vậy, quyển sách dịch này chỉ là một phần của bộ ba,vì Ideen II, có thể tham khảo trong Văn khố nói trên, liên quan đến cấu thành sự kiện vật lý, Ngã tâm-sinh lý và con người từ quan điểm tập thể trong những khoa học tinh thần, và Ideen III dưới dạng bản thảo viết tốc ký chưa hoàn tất chuyển tả sang chữ thường, được đánh giá là  triết học đầu tiên về hiện tượng luận.[3]      

Những nhà nghiên cứu hiện tượng luận Husserl để đọc cho thấu đáo phải dày công tìm đọc trước một khối bản thảo khoảng 40 ngàn trang lưu trữ trong Văn khố Husserl, những công trình chưa xuất bản, hoặc vừa được xuất bản, như Ideen II và III chắng hạn cách khoảng sau nhiều năm với Ideen I, cũng như trước khi xuất hiện Toàn tập Husserliana. Đó không phải là việc bình thường, song là cả một công trình, một lịch sử của nhiều người trong xây dựng ra được cơ sở Văn khố này.

Husserl là nạn nhân của chính sách Đức Quốc xã bài Do thái, bị cấm giảng dạy từ tháng ba 1936 và mất năm 1938. Bà Husserl sợ người ta sẽ thiêu hủy khối bản thảo và người có công trong việc chuyển được những bản thảo này là Van Breda, người đươc gặp Husserl trong năm 1936 và 1937. Ông đã đề nghị với bà Hussel là chuyển những bản thảo ra khỏi nước Đức dưới chế độ Quốc xã. Van Breda liên lạc với tòa Đại sứ Bỉ tại Berlin đề dàn xếp việc dùng va-li ngoại giao  mang đi được khối bản thảo, với điều kiện những kiện bản thảo đó phải đưa về Berlin. Chính Van Breda đã chở những va-li này từ Freiburg về Berlin qua nhiều giai đoạn, rồi từ tòa Đại sứ Bỉ  tới trạm cuối cùng là Leuven/Louvain. Bà Husserl cũng giao phó cho Van Breda thư viện  của Husserl vì bà có ý định rời Đức để sống với hai người con đã định cư ở Hoa kỳ.

Sau khi khối bản thảo này được an toàn ở đây, công việc chuyển tả những bản thảo này khởi cuộc do Van Breda với sự cộng tác của hai nhà triết học Eugen Fink và Ludwig Landgrebe, những người học trò cũ của Husserl. Trong thế chiến Hai, một triết gia Đức gốc Do thái  Stephan Strasser tỵ nạn ở Bỉ cũng đã cộng tác với Van Breda để chuyển tả bản thảo, rồi lần lượt cặp vợ chồng Walter và Marlie Biemel, Rudolf Boehm, tới những người cũng tham gia chuyển tả bản thảo Husserl và những người lo việc xuất bản bộ Husserliana. như Alphonse de Waelhens, Jean Ladrière.

Maurice Merleau-Ponty dạy ở Cao đẳng Sư Phạm  cũng liên lạc với Van Breda để tham khảo bản thảo Ideen II trong việc sửa soạn luận án Hiện tượng luận tri giác/Phénoménologie de la perception, đã đến Leuven ngay tháng Tư 1939. Giữa những năm 1944 và 1948, một số lớn bản thảo đã chuyển tả được gửi ở Cao đẳng Sư phạm/ENS, với một ủy ban tại Paris như Maurice Merleau-Ponty,Trần Đức Thảo, Jean Hyppolite, Jean Ricœur và nhiều người khác như Jean Nabert phụ trách chuyển những bản thảo ở Leuven về Paris, tuy nhiên cuối cùng không thành.

Paul Ricœur trong cơ hội tham khảo những văn khố ở Leuven đã khiến ông viết ra công trình phân tích triết học Husserl ngoài bản dịch Ideen I trong thời gian bị Đức Quốc xã bắt làm tù binh. Ông cũng đóng một vai trò trong việc lập ra tuyển tập "Phenomenologica" vào lúc gặp Van Breda ở Strasbourg, như Jacques Taminiaux nhận xét: "Ricœur đã giữ một vai trò quyết định ở khởi đầu tuyển tập mới này bởi vì ông là một người đọc giỏi phán đoán những bản thảo người ta đưa ra cho ông. Ông là một thành viên chủ động của tuyển tập"[4].                                                                           

 

-------------------------------------------

[1] Jean Hyppolite trong Khởi sinh và cơ cấu Hiện tượng luận tinh thần của Hegel/Genèse et structure de la Phénoménologie de l'esprit de Hegel, 1946, là dịch giả Hiện tượng luận tinh thần của Hegel sang tiếng Pháp (1939-1941), nhận xét trong lời Tựa tác phẩm này, Hegel nhằm xác định mối liên lạc giữa  Hiện tượng luận* như thể "phần thứ nhất của khoa học" và  Luận lý học*, ở một quan điểm khác với Hiện tượng luận, phài cấu thành thời khoảng đầu của một Bách khoa toàn thư (Elle [la préface de la Phénoménologie] est surtout destinée à assurer la liaison entre la Phénoménologie qui paraît seule comme "première partie de la science" et la Logique qui, se plaçant à un autre point de vue que la Phénoménologie, doit constituer le premier moment d'une encyclopédie).

* Hai tác phẩm Hiện tượng luận tinh thần và Khoa học luận lý học dẫn trên.

Trong Từ vựng triết học của Lalande, từ mục Phénoménologie/Hiện tượng luận  lần xuất bản thứ 16 ở nhà xuất bản Presses Universitaires de France 1988 ở chú thích cuối trang : "Lần xuất bản trước đây của Từ vựng/Vocabulaire có một định nghĩa về Hiện tượng luận của Husserl của Delbos, mượn từ bài viết của ông nhan đề Husserl, phê bình chủ nghĩa duy tâm lý học và quan niệm về một luận lý học thuần tuý của ông/Husserl sa critique du psychologisme et sa conception d'une logique pure, đăng trong Revue de Métaphysique et de morale, tháng chín 1911, tr. 694. Gaston Berger viết thư gửi cho chúng tôi nhận xét : "Định nghĩa của Delbos có vẻ đặc biệt thấu triệt nếu như người ta nghĩ nó chỉ lập thành theo Nghiên cứu luận lý học/Logische Untersuchungen, mà Husserl viết vào năm 1913 là tác phẩm này chỉ là một khai mào , và tuyệt không phải là kết luận. Xem có vẻ khó duy trì định nghĩa này hiện tại như thế.

Nhiều nhà triết học khác nhau ngày nay viện ra hiện tượng luận để chứng tỏ là thiết yếu phài phân biệt phương pháp với hệ thống trong hiện tượng luận.

Như một phương pháp, hiện tượng luận là một nỗ lực để lĩnh hội, qua những diễn biến và sự kiện thường nghiệm, những "bản chất", nghĩa là những chỉ thị ý nghĩa lý tưởng. Những điều này được nhận ra trực tiếp từ trực quan (Wesenschau) nhờ những ví dụ đặc thù, được nghiên cứu chi tiết và một cách thật cụ thể.

Như một hệ thống, hiện tượng luận được đặc biệt mang danh từ "hiện tượng luận thuần túy" (trong Ideen zu einer reinen Phänomenologie und phänomenologischen Philosophie, 1903) hay "hiện tượng luận siêu việt" (trong Méditations cartésiennes, 1929)". 

Jean Hyppolite chuyên nghiên cứu Hegel và Gaston Berger, tác giả Le "cogito" dans la philosophie de Husserl 1941, chuyên nghiên cứu Husserl đã đánh giá hai tác phẩm quan trọng tiêu biểu trong hệ thống triết học của Hegel và Husserl như trên.

[2] J.--F. Lavigne, Husserl et la naissance de la phénoménologie (1900-1913),  Des Recherches logiques aux  Ideen : la genèse de l'idéalisme transcendantal phénoménologique, 2005.

[3] P. Ricœur, introduction du traducteur, in Husserl, Idées directrices pour une phénoménologie, 1950.    

[4] Jacques Taminiaux : "Ricœur a joué un rôle déterminant au début de cette nouvelle collection parce qu'il était un lecteur très critique des manuscrits qu'on lui proposait. Il a été un des élerments moteurs de la collection" dẫn trong François Dosse, Paul Ricœur. Les sens d'une vie, 1997.

 

Đính chính :Trong kỳ104, trước chú thích 159 và những chỗ khác, xin sửa lỗi đánh máy : "luận lý học tiên nghiệm" thành "luận lý học siêu nghiệm".                                                   

 

                                                                              

(c̣n tiếp)                                                                                           

Đặng Phùng Quân     
 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

 © gio-o.com 2017