ĐẶNG PHÙNG QUÂN

HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG

TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

 

biên khảo triết học nhiều kỳ

kỳ 5

(tiếp theo)

 

Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 ,

 

Chương I

Khởi sinh từ triết lý toán học

 

Husserl nhận xét ngoài những vấn đề liên hệ tự nguyên uỷ đến những luận chiến về nhận thức luận, còn rất nhiều những vấn đề khó khăn hơn, trước tiên chỉ những chuyên gia toán học khảo sát, nhưng sau đó đã gây chú ý phổ biến hơn, cung cấp một chất liệu mới cho tư tưởng triết học.

Từ những ý tưởng lớn của một Newton, hay một Leibniz chẳng hạn đã tạo ra những lĩnh vực tri thức mới, những phản tư về bản nhiên luận lý của mọi khái niệm phụ huyền bí khiến người ta phải đưa vào và sử dụng một cách kết hợp, phải nhường bước trước nỗ lực để đạt những kết quả và khám phá, và tạo lợi ích từ công cụ tuyệt vời này. Số lượng những công trình luận lý toán học vào đầu thé kỷ 19 này gia tăng không kể xiết, hứa hẹn một hệ thống toán học liên lạc đầy đủ, đến khai sáng quan hệ của số học phổ cập với hình học, làm sáng tỏ những khái niệm phụ mơ hồ, đầy mâu thuẫn, cần thiết phân tích, như những khái niệm về số ảo, số vô tỷ, vi tích phân v.v..., còn vô số những công trình khác khảo sát những định lý hình học, đặc biệt như định lý XI của Euclide, nhằm chứng minh nó hay phản bác những chứng minh giả mạo, hoặc sau cùng khi tạo ra những hình học một cách giả tưởng không có định lý này nhằm chứng tỏ xác quyết đơn giản theo kiểu quy nạp, đối lập với tất yếu tiên nghiệm giả mạo của nó.

Husserl xác định là triết học trong thời đại ông đương nhiên phải chú tâm đến tất cả những công trình này phát sinh từ trong chính những toán học, không phải chỉ liên quan tới những yêu cầu của siêu hình học, mà cả với những yêu cầu của luận lý học. Theo ông, luận lý học mới, đối lập với luận lý học cổ điển ở chỗ nhận thức ra được nhiệm vụ của nó như nhiệm vụ của một khoa thực tiễn (nghĩa là một khoa kỹ thuật có phán đoán đúng) và tiến tới một phương pháp luận khái quát của những khoa học  như thể hướng về một trong những mục tiêu cao đẳng, luận lý học mới này tìm ra được những động lực đông đảo và cấp bách để đặc biệt xem những vấn nạn về tính cách của những phương pháp toán học  và bản nhiên luận lý của những khái niệm cơ bản và những mệnh đề cơ bản là đối tượng. Như vậy, trong mối liên lạc giữa những tác phẩm siêu hình và luận lý, những thảo luận thuộc loại này có một khả năng mở rộng đáng kể, trong khi những bài vở triết lý chuyên môn lần lượt khảo cứu vấn đề này hay vấn đề kia thuộc về một lĩnh vực hạn chế ở giữa triết học và những toán học.

Mặt khác, Husserl nhận xét tâm lý học mới  không hoàn toàn xa lạ trong lĩnh vực này nữa, mà chỉ thực hiện một nghiên cứu riêng biệt về một số vấn đề, hoặc khảo sát lẫn lộn với những vấn đề siêu hình và luận lý, hoặc còn chưa được nêu lên - đó là những vấn đề về tính cách hiện tượng và nguồn gốc tâm lý của những biểu tượng không gian, thời gian, số, dãy số trong nhiều sự vật khác. Đối với mọi tinh thần hiểu biết, những kết quả của một nghiên cứu như vậy có tầm quan trọng đối với siêu hình học và luận lý học.[9]

Husserl khẳng định những tiến bộ quan trọng chứng tỏ tâm lý học khoa học và luận lý học cho phép chúng ta tin tưởng điều đó.

Tuy nhiên, lý do chứng tỏ đối với những vấn đề quan trọng như vậy vẫn chưa có những giải đáp thỏa mãn, loại bỏ mọi bất xác, tìm thấy một phần trong những chướng ngại từ những thành kiến siêu hình, một phần trong những sai lầm của phương pháp.

Sự chia rẽ vô trật tự của những nghiên cứu cũng là trở ngại cho tiến bộ. Lẽ ra tổ chức làm việc liên kết một cách tự nhiên, song thực tế mỗi công việc theo đuổi lợi ích riêng và tìm hiểu tự nội chỉ có thể hiểu trong phụ thuộc vào cái khác. Lý luận không gian Riemann-Hemholtz là một ví dụ: Phương pháp tính phân tích cùa lý luận này xem như cao hơn cả để giải quyết những vấn đề nguyên lý gắn liền với những định lý hình học. Hình học giải tích của Hemholtz dùng phép tính với những khái niệm thuần tuý về đại lượng và không sử dụng trực giàc trong những chứng minh. Do đó, đối lập với hình học Euclide tiến hành thuần tuý trực giác, hình học giải tích thoát mối nguy xem xét sai lầm những sự kiện trực giác theo thói quen như là những tất yếu trí thức. Tuy nhiên ở đây cũng dấy lên những hoài nghi nghiêm trọng: phương pháp giải tích liệu không giả định một số sự kiện trực giác sao? Rõ ràng vậy. Quả thực làm thế nào tiến tới khác với những qui tắc phổ thông này mà theo đó, mọi hình thể hình học có thể xác định theo kiểu đại số bằng một phương trình,và tiếp đó biến đổi từ mọi quan hệ đại số thành một quan hệ hình học? Phương tiện cơ bản của hình học giải tích trước hết làm hoán chuyển kể trên khả hữu, nghĩa là biểu tượng bao quát đặc thị của mỗi điểm không gian bằng trắc lượng số những khoảng cách của nó ở ba "trục tọa độ" cố định, quả thực liệu không dựa trên những đặc tính biểu tượng không gian của chúng ta, vả lại liệu chúng ta có thể loại trừ nó khỏi những trực giác? Đâu là những sự kiện trực giác để rốt cuộc xây dựng ở đó khả năng áp dụng số học phổ quát vào hình học? Rõ ràng là quan hệ giũa số học và hình học bao lâu chưa được sáng tỏ, thì không có cách nào giải đáp một cách giải tích những vấn nạn nguyên lý của hình học cho chúng ta chắc chắn không bị rơi vào trong một vòng như đã nêu ra ở trường hợp lý thuyết của Riemann-Hemholtz.

Chỉ có thể trông mong thoát khỏi những khó khăn thực và ảo trên những vấn đề trong lĩnh vực giới hạn giữa toán học và triết học nếu như theo phân tích, khi theo một cấp số tự nhiên, trước hết là những khái niệm và quan hệ tự tại đơn giản nhất, chủ yếu về mặt luận lý, và tiếp đó là những khái niệm phức tạp hơn và phụ thuộc hơn, tuỳ vào mức độ phụ thuộc của chúng. Song hạng đầu tiên của cấp số này là khái niệm số. [10]      

---------------

[9] Husserl, Sdt: La nouvelle psychologie ne resta pas non plus totalement étrangère à ce domaine, ne serait-ce que pour faire une étude séparée de certaines questions qui ou bien avaient été traitées en étant confondues avec les questions métaphysiques et logiques, ou bien n'avaient pas encore été du tout soulevées - ce sont les questions qui portent sur le caractère phénoménal et l'origine psychologique des représentations de l'espace, du temps, du nombre, du continuum, entre autres choses. Mais il est clair à tout esprit compréhensif que les résultats d'une telle étude doivent aussi avoir de l'importance pour la métaphysique et la logique. (từ in nghiêng trong nguyên tác)

[10] Husserl, Sdt: On ne pourra s'attendre à être définitivement débarrassé des difficultéc réelles et imaginaires portant sur tous les problèmes qui constituent le domaine limite situé entre les mathématiques et la philosophie que si on soumet à l'analyse, en suivant une série naturelle, tout d'abord les concepts et les relations en soi les plus simples, logiquement premiers, et ensuite ceux qui sont plus compliqués et plus dépendants, et cela selon leur degré de dépendance. Mais le premier terme de cette série est le concept de nombre.(in nghiêng trong nguyên tác)

 

 

Đặng Phùng Quân
 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2015