ĐẶNG PHÙNG QUÂN

HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG

TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI 

biên khảo triết học nhiều kỳ

kỳ 45

 (tiếp theo)

 

Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 , Kỳ 23 , Kỳ 24 , Kỳ 25 , Kỳ 26 , Kỳ 27 , Kỳ 28 , Kỳ 29 , Kỳ 30 , Kỳ 31 , Kỳ 32 , Kỳ 33 , Kỳ 34 , Kỳ 35 , Kỳ 36 , Kỳ 37 , Kỳ 38 , Kỳ 39 , Kỳ 40 , Kỳ 41 , Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45,    

 

Chương II

Thiên-địa-không: nguyên ủy hình học

 

 

Trong bài Ai điệu Jacques Derrida nâm 2004, tôi đã nói đến việc ông cho xuất bản ba tác phẩm đầu tiên vào năm 1967 là La Voix et le Phénomène, L'Ecriture et la Différence và De la Grammatologie  tạo chấn động học giới, đưa tên tuổi ông vào hàng ngũ những khuôn mặt tư tưởng đương đại của nước Pháp (như R. Barthes, L. Althusser, M. Foucault, G. Deleuze)... Tôi đã đọc Derrida cùng với phong trào văn chương mới của nhóm Tel Quel, bên cạnh những Barthes, Foucault, Deleuze, Serres, Lyotard. Tôi chú ý đến Derrida ngay từ cuốn Giới thiệu và dịch L'origine de la géométrie của Husserl (xuất bản năm 1962), trong phần Dẫn nhập, Derrida có lẽ là một trong mấy người đầu tiên dẫn tác phẩm Phénoménologie et matérialisme dialectique của Trần Đức Thảo (ở luận án Vấn đề căn nguyên trong triết học Husserl/Le problème de la genèse dans la philosophie de Husserl đề xuất năm 1953-54, mãi đến năm 1990 mới cho xuất bản, Derrida tỏ ra chịu ảnh hưởng chiều hướng tư tưởng phê phán hiện tượng luận dưới góc nhìn biện chứng).[84]

Ba tác phẩm nói trên như một khối quần thể thống nhất khai mở tư tưởng chủ đạo của Derrida về ngôn ngữ và văn tự; tư tưởng này bắt nguồn, có nghĩa là khám phá ra được từ đọc Husserl, vì quyển sách đầu tiên của Derrida là dẫn nhập và dịch Nguyên ủy hình học của Husserl năm 1962, quyển sách tiếp là Tiếng nói và hiện tượng năm 1967, tập hợp những tiểu luận viết trong khoảng 1959 đến 1966 thành quyển sách  Văn tự và khu biệt và kế là quyển sách Về ngữ pháp luận gồm hai phần (một là 'văn tự trước chữ' là tiểu luận đã in trong tạp chí Critique  1965-1966 và hai là tự nhiên, văn hóa, văn tự') x.b. năm 1967. Khởi từ Husserl, ông đã tìm ra được những người đi trước hoặc đương thời, như Mallarmé, Edmond Jabès để "đây đó, phân biệt chữ nghĩa: một tham phần không đối xứng vẽ lên được một  đằng là chung cuộc của quyển sách, đằng khác là mở đầu của bản văn".[85]  

Để giải thích tính thống nhất giữa những quyển sách của ông, Derrida chỉ ra là người ta có thể xem Về Ngữ pháp luận như một tiểu luận dài kết hợp hai phần, ở giữa chúng có thể đóng vào Văn tự và khu biệt...Đảo lại, cũng có thể đem Về Ngữ pháp luận vào giữa Văn tự và Khu biệt, vì sáu bài trong sách này, thực tế và đúng lý là có trước những bài in trong tạp chí Critique hợp thành Về Ngữ pháp luận. Có thể xem Tiếng nói và hiện tượng như một ghi chú dài của hai sách kia, song về mặt kiến trúc triết lý cổ điển, Tiếng nói và hiện tượng đến trước vì vấn đề ưu tiên của tiếng nói và văn tự phát âm trong mối quan hệ của chúng với toàn bộ lịch sử tây phương, biểu hiện trong lịch sử siêu hình học, dưới dạng cẩn mật, phê phán và hiện đại nhất, đó là hiện tượng luận siêu nghiệm của Husserl. Những vấn nạn về "chỉ thị ý nghĩa" là gì, đâu là quan hệ lịch sử của nó với cái được nhận biệt là "tiếng nói" như thể một giá trị của hiện diện, hiện diện của đối tượng, hiện diện của chỉ thị ý nghĩa với ý thức, tự hiện diện trong cái gọi là sinh ngữ và trong tự thức có thể đọc trong bài Dẫn nhập Nguyên ủy hình học năm 1962. Derrida chỉ ra trong tiểu luận này, vấn tính về văn tự/viết đã đề ra, gắn liền với cấu trúc của "diên trì" trong quan hệ với ý thức, hiện diện, khoa học, lịch sử và lịch sử khoa học, sự biến mất hay trì hoãn của nguyên ủy.[86]

Derrida thực sự khởi đầu con đường nghiên cứu là đi vào hiện tượng luận, từ luận án 1954 qua Tiếng nói và hiện tượng, đến Về Ngữ pháp luận 1967,  ông vẫn coi như Dẫn nhập vào những vấn đề của hiện tượng luận, song ông không là một nhâ hiện tượng luận. Khi phân giải phê phán những chù đề đọc từ Nguyên ủy hình học mà Husserl khẳng định sự độc lập của tính khách thể lý tưởng đối với biểu hiện ngữ học, chỉ ra là không những hiện thân ngôn ngữ, ngay cả văn tự cũng là trung gian cần yếu để cấu thành chân lý và những đối tượng lý tưởng, cho nên văn tự đã đem lại tính bất tuyệt cho nhữg tính khách thể lý tưởng, Derrida nhận xét là hữu bất tuyệt chỉ là sự lặp lại vô tận, không phải vô tận thực sự, cho nên sự  mở ra vô tận của hình học trong lịch sử chúng nhân  không có nghĩa là mở ra một vương quốc những bản thể vĩnh cửu, song chỉ là một "lịch sử siêu nghiệm" như chính Husserl quan niệm.

Derrida cũng nhận xét Husserl trong quan niệm văn tự vẫn còn là một phương thức của ngôn từ, nghĩa là vẫn còn chìm đắm trong lý luận chủ âm truyền thống của siêu hình học (le phono-logisme traditionnel de la métaphysique).[xem kỳ 42]

Trong giai đoạn thập niên 60s này, phong trào tư tưởng cấu trúc luận đang rầm rộ, tạo một chấn động lớn trong việc xét lại mọi mặt, từ cơ sở phương pháp đến vị thế khoa học. Chỉ riêng lý luận ngữ học của Ferdinand de Saussure qua Những bài giảng về ngữ học tổng quát/Cours de linguistique générale  được phục sinh lại trong học giới qua Claude Lévi-Strauss, M. Merleau-Ponty, R. Barthes đã là một nhân tố quết định mở đường cho Derrida  viết Tiếng nói và hiện tượng, khảo luận về ký hiệu trong hiện tượng luận Husserl và tiếu luận làm thành phẩn I cùa Về Ngữ pháp luận nhầm thích nghĩa ba quyển sách khảo vấn đề sử về nguyên ủy của văn tự.[87]   

-------------------------------

[84] Đặng Phùng Quân, Cơ sở tư tưởng thời quá độ, 2007, phần II, 2.: Ai điệu J. Derrida.

Trong phần I bàn về quan hệ triết học và văn chương trong cuốn sách dẫn trên [cuốn Triết Học và Văn chương 1974], tôi nói đến Derrida khởi từ tác phẩm De la Grammatologie chọn lựa văn tự làm tiêu điểm ưu tiên trong việc phê bình siêu hình học:

"Derrida phân tích quan niệm logos là trung tâm bản vị trong thứ tự: một khái niệm về văn tự trong một thế giới chủ trương văn tự là ký âm; một lịch sử về siêu hình học khoác cho logos vai trò nguồn gốc của chân lý tổng quát (bởi vì chỉ có lời nói mới thể hiện sự hiện diện tự thân trực tiếp, chân lý sống động và phát ngôn, hạ thấp vai trò (trở thành) phụ thuộc của văn tự; một khái niệm về khoa học chống lại đường lối biểu âm hóa văn tự, giả định phản kháng của văn tự, sự bạo động của văn tự làm điều kiện đối trọng của khoa học và triết học, của epistémè - chỉ có một khoa học về văn tự khả hữu mới cho những dấu hiệu giải phóng, vượt qua những chướng ngại của khoa học kỹ thuật, của thần học và siêu hình học."

[85] Derrida, L'écriture et la différence. 1967 Ellipse: Ici ou là, nous avons discerné l'écriture: un partage sans symétrie dessinait d'un côté la clôture du livre, de l'autre l'ouverture du texte.                     

[86] Derrida, Positions 1972, trong cuộc phỏng vấn của Henri Ronse.

[87] Ba quyển sách đó là : Madeleine V.-David, Le débat sur les écritures et l'hieroglyphe aux XVII ͤ et XVIII ᵉ siècles (1965), André Leroi-Gourhan, Le geste et la parole (1965), Proceedings of a Colloquium, L'écriture et la psychologie des peuples (1963).

Bị chú: Tôn chỉ nói chung của tạp chí Critique là những bài phê bình, thích nghĩa những tác phẩm đã xuất bản, kể cả những kỳ báo có chuyên đề.

 

(c̣n tiếp)                                                                                           

Đặng Phùng Quân
 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2015