ĐẶNG PHÙNG QUÂN
HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ý TƯỞNG
TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
biên khảo triết học nhiều kỳ
kỳ 22
(tiếp theo)
Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 ,
Chương I
Khởi sinh từ triết lý toán học
Về những danh từ 'chung' hay 'khái quát'
Trong luận về tương đẳng và khu biệt của đơn vị, Husserl đã dẫn Cơ sở số học của Frege và Frege đề cập ở đây [xem lại kỳ 17] lặp lại điều đó: "nếu ta chỉ định số 1 cho mỗi đối tượng được đem ra đếm số, như vậy đã có một lỗi lầm khi dùng cùng một dấu hiệu cho những sự vật khác nhau. Nếu chúng ta cho số 1 với những đặc trưng khác nhau, như vậy nó trở thành vô dụng cho số học" và Husserl bình luận:" chúng ta thường phạm lỗi lầm này mỗi khi dùng những danh từ chung. Nếu ta gọi Hans, Kunz, v.v... mỗi tên cho một người, là cùng trường hợp như "ký hiệu sai lầm" như khi đếm số, chúng ta viết số 1 cho mỗi đối tượng để đếm" [77]
Frege giải thích như một phản bác: Giả như nếu chúng ta chỉ định Hans bằng 'con người', và Kunz cũng vậy, quả thực sẽ phạm vào sai lầm này. May thay đó không phải là điều chúng ta làm. Nếu tôi gọi Hans là một người, điều chúng ta đang nói là Hans ở trong khái niệm con người; chúng ta không viết hay nói 'con người' thay vì 'Hans'. Cái gì có thể tương ứng với câu 'Hans là một người' là 'Hans là một 1'. Nếu chúng ta gọi A, B trong ý nghĩa cho A cái tên riêng 'B', đương nhiên luôn luôn chúng ta có thể gọi 'B' thay vì 'A'; song chúng ta không thể dùng danh từ riêng 'B' cho đối tượng khác. Biểu ngữ 'danh từ chung' bất như ý này chắc chắn chịu trách nhiệm về sự lẫn lộn này. Cái gọi là danh từ chung - đúng ra tốt hơn nên gọi 'từ ngữ khái niệm' - không có gì trực tiếp với đối tượng, mà chỉ có nghĩa là một khái niệm. Những đối tượng có thể ở trong khái niệm này; song điều đó có thể trống rỗng, và không thể ngăn từ khái niệm có ý nghĩa cho một cái gì đó. Frege xác định đã trình bày quan điểm này trong Cơ sở số học tiết § 47 [78]: Thật rõ ràng là khi người ta dùng câu 'mọi người đều chết', không phải để quyết đoán một điều gì về tù trưởng bộ lạc Akpanya nào đó mà có lẽ chưa từng nghe nói đến.
Về số 1 và số 0, có phải là những con số?
Trong chương VIII phần thứ nhất của Triết lý số học, Husserl dẫn Cơ sở số học [bản tiếng Đức] trang 38 và 57 để nói đến phản bác định nghĩa của Hobbes liên quan đến số 0 và số 1 của Frege [xem gio-o kỳ 11 và 12]. Do đó trong bài phê bình sách nói trên của Husserl, Frege trở lại vấn đề này như một tranh biện giữa Frege và Husserl: Trước hết, theo Frege, thật dễ dàng trả lời cho câu hỏi: số 0 và số 1 không là những con số; song khi nêu ra vấn nạn: trong trường hợp đó, vậy chúng là gì? ông dẫn Husserl: những trả lời phủ định cho câu hỏi 'Bao nhiêu?' hay 'không bao giờ' cho câu hỏi 'Khi nào?' Không nhiều hay 'không có lượng số nhiều nào' không phải là trường hợp đặc thù của số nhiều.[79] Có lẽ người ta sẽ nghĩ số hai chưa phải là số nhiều mà chỉ là hai (lưỡng nguyên đối lập với đa nguyên), cho nên số không, số một, và số hai là ba trả lời phủ định cho câu hỏi 'bao nhiêu?' cũng có thể khẳng định sự kiện số hai là số nguyên tố chẵn duy nhất.
Frege tiếp tục luận thực sự đối với câu trả lời phủ định 'số một' cho câu hỏi 'trái đất có bao nhiêu vệ tinh?' không đáng lưu ý, riêng đối với 'số không' đặc biệt hơn, Đâu là cái nhìn đúng với những trả lời 'không bao giờ', 'không ở đâu', 'không có gì' cho những câu hỏi 'khi nào?', 'ở đâu?', 'cái gì?' Rõ ràng đó không phải là những trả lời mà là những khước từ trả lời, mang hình thức trả lời. Khi nói: tôi không thể nói cho bạn thời giờ, nơi chốn, đối tượng thuộc loại yêu cầu, vì không có gì. Cái gì tương ứng với loại trả lời cho câu hỏi 'bao nhiêu?' : 'tôi không thể nói cho bạn bất kỳ số nào như vậy, vì không có gì'. Về quan điểm của tôi với ý nghĩa của những phát biểu số, có thể là trả lời của tôi chẳng hạn cho câu hỏi 'Có bao nhiêu nước Anh và Ái nhĩ lan?' Tôi không thể xem trả lời 'số không' hay 'số một' cho câu hỏi 'bao nhiêu?' tương đương với 'không có số như vậy'. Ở đây có hai trả lời phủ định là như thế nào? Khi trả lời 'không ai' cho câu hỏi 'ai là người tiền nhiệm của Romulus ở ngai vàng trị vì La mã?' là đang phủ nhận không ai là tiền nhiệm của Romulus. Cho nên phủ định đi với thuộc từ, và dung hợp với chủ thể ngữ pháp theo một kiểu không đúng về mặt luận lý, cho nên trông tưởng như thể 'không ai' giống như 'Romulus' để chỉ định một người. Điều này khiến cho một số lý chứng sai lầm có thể khả hữu. Người ta có thể nghĩ những nguy cơ như vậy cũng đe dọa chúng ta trong trường hợp số không và số một; song ta dùng chúng như những số khác, không thận trọng. Tại sao khu biệt? Trả lời "số không' không là một trả lời phủ định cho câu hỏi "con số người tiền nhiệm Romulus trên ngai vàng La mã là gì?' hơn câu trả lời 'hai'. Chúng ta không phủ nhận có con số như thế, song nói ra con số.
Về trừu tượng
Chính Husserl cũng thấy cái khó về trừu tượng hóa cho khái niệm chung về toàn thể: 'Phải hoàn toàn loại trừ ra những tính đặc thù của những nội dung đơn dị tùng tập, song đồng thời phải giữ lại dây liên lạc của chúng. Chính ở chỗ đó, dường như có một khó khăn, nếu không muốn nói là một bất khả tâm lý. Nếu chúng ta xem sự trừu tượng này nghiêm chỉnh, đương nhiên cùng với những nội dung đơn dị, liên lạc tập hợp cũng biến đi, thay vì còn lại như thể sao bản khái niệm. Giải quyết rõ ràng: loại bỏ từ một cái gì, chỉ muốn nói đơn giản là: không chú ý đến cái đó một cách đặc biệt'.[80]
Hạt nhân của giải thích này rõ ràng thấy được ở từ ngữ 'đặc biệt'. Không chú ý là một dung dịch rất mạnh, nó phải được ứng dụng trong một nồng độ không được quá đậm đặc, như thể không dung giải mọi vật, cũng như không quá loãng, để tác động một sự thay đổi đủ trong sự vật. Vậy đó là vấn đề làm sao có một mức độ loãng đúng; thật khó điều động, và Frege nói chưa bao giờ thực hiện được.
Ở chương XIII phần Hai Triết lý số học [cũng là chương cuối, vì không có quyển Hai] về những nguồn luận lý của số học, Frege dẫn tác giả nói về 'số tự tại': 'bất kỳ số nào cũng có thể đặc thị duy nhất qua vô số tương quan với những số khác, biểu hiện thực sự hay tượng ttrưng, và mỗi đặc trưng này cho một biểu hiện tượng trưng mới của con số này' [81] và nhận xét không phải biểu hiện là số, mà chỉ tạo một hay nhiều biểu hiện của một và cùng con số đó; song Husserl đã không phân biệt diễn ngữ 'A' và 'biểu hiện của A' rõ ràng, vì nếu biểu hiện của tôi về một con số không phải chính là con số đó, thì không có cơ sở trong phương thức suy xét tâm lý dầu mục đích của phương thức này là nghiên cứu bản tính của số. Mặt khác, nếu muốn nghiên cứu cái gì khách quan, biểu hiện của tôi phài phù hợp với sự vật, với những kết quả của nghiên cứu, nói chung, phải biến đổi. Theo Frege, thật khó khăn cho phương thức nghiên cứu, hoặc biểu hiện-số cũng là đối tượng của nghiên cứu, hoặc nó chỉ là biểu hiện của đối tượng thực. Phương pháp của Husserl chỉ thích hợp với trường hợp thứ nhất; Frege ví như một nhà địa lý phải đọc công trình về đại dương học trong đó nguồn gốc của biển được giải thích theo tâm lý học, chắc chắn ông ta chỉ nhận được ấn tượng là thiếu điểm then chốt trong đường lối đặc thù như vậy. Ấn tượng về lý luận của Husserl cũng vậy; tuy nhiên chắc chắn biển là thực, con số thì không, song điều đó không có nghĩa là một cái gì khách quan.
Công trình của Husserl thất bại do ảnh hưởng của tâm lý học trên luận lý học; và những khuyết điểm này là kết quả của một thứ bệnh triết lý đang lan tràn.
---------------------------------
[77] Husserl, Sdt, tr. 156: „Wenn wir mit 1 jeden der zu zählenden Gegenstände bezeichnen, so ist das ein Fehler, weil Verschiedenes dasselbe Zeichen erhält. Versehen wir die 1 mit unterscheidenden Strichen, so wird
sie für die Arithmetik unbrauchbar". (dẫn từ Frege, Die Grundlagen der Arithmetik, tr. 50.)
Husserl, Sdt, tr. 165: „Wenn wir mit 1 jeden der zu zählenden Gegenstände bezeichnen, so ist das ein Fehler, weil Verschiedenheit dasselbe Zeichen erhält." Indessen diesen Fehler begehen wir mit jeder Anwendung allgemeiner Namen. Wenn wir Hans, Kunz etc. jeden einen Menschen nennen, so ist dies derselbe Fall wie die „fehlerhafte Schreibung", vermöge welcher wir bei der Zählung für jeden zu zählenden Gegenstand 1 schreiben.
[78] Frege, Sdt. § 47: Trong tiết này, Frege khẳng định phát biểu số diễn tả một cái gì thuộc sự kiện độc lập với lối nhìn của chúng ta về sự vật có thể làm ngạc nhiên những ai nghĩ khái niệm là cái gì chủ quan như một ý tưởng... Song nếu khẳng định khái niệm là cái gì khách quan, một quyết đoán về khái niệm có thể chứa một nội dung thực nào đó. (Daß eine Zahlangabe etwas Tatsächliches von unserer Auffassung Unabhängiges ausdrückt, kann nur den Wunder nehmen, welcher den Begriff für etwas Subjectives gleich der Vorstellung hält... Wenn nun der Begriff etwas Objectives ist, so kann auch eine Aussage von ihm etwas Tatsächliches enthalten.).
[79] Husserl, Sdt tr. 114: negativen Antworten auf die Frage wieviel ? Nicht-viel oder ‚keine Vielheit' ist nicht eine Besonderung des Viel.
[80] Husserl, Sdt tr. 84: Von den Besonderheiten der colligirten Einzelinhalte ist, ... gänzlich zu abstrahiren, gleichwol aber deren Verbindung festzuhalten. Darin scheint eine Schwierigkeit, wo nicht eine psychologische Unmöglichkeit zu liegen. Machen wir mit jener Abstraction Ernst, dann verschwindet mit den einzelnen Inhalten natürlich auch die collective Verbindung, statt als begrifflicher Extract übrig zu bleiben.
Die Lösung liegt nahe. Von etwas absehen oder abstrahiren heisst bloss: darauf nicht besonders merken.
[81] Husserl, Sdt tr. 295: Irgend eine Zahl kann durch mannigfache Relationen zu anderen, sei es wirklich
oder bereits symbolisch vorgestellten, eindeutig charakterisirt werden, und jede solche Charakteristik liefert eine neue symbolische Vorstellung eben dieser Zahl.
(còn tiếp)
Đặng Phùng Quân
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html
© gio-o.com 2015