ĐẶNG PHÙNG QUÂN
HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG
TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
biên khảo triết học nhiều kỳ
kỳ 27
(tiếp theo)
Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 , Kỳ 23 , Kỳ 24 , Kỳ 25 , Kỳ 26 , Kỳ 27 ,
Chương II
Thiên-địa-không:nguyên ủy h́nh học
Phương pháp hình học mà Husserl nói đến ở đây là phương pháp hình học xác định khai triển một số hình thái lý tưởng, và sau cùng là của mọi hình thái lý tưởng, khởi từ những hình thái cơ bản như thể những phương tiện xác định sơ cấp, dội trở lại phương pháp đã sử dụng, trước hết rất sơ khai, rồi như thể một nghệ thuật, trong thế giới xung quanh của trực quan tiền khoa học, để xác định phép trắc lượng đã hoàn tất cũng như đo lường nói chung.
Mục tiêu của xác định này có một nguyên ủy rất rõ ràng trong hình thái chủ yếu của thế giới chung quanh này. Những hình thái đã cho trong thế giới này ở kinh nghiệm khả giác và những hình thái khả tưởng cho trực quan khả giác, cũng như những loại hình khả tưởng ở bất kỳ mức độ khái quát nào cũng liên tục từ loại hình này trong loại hình kia. Chính trong tính liên tục này, những loại hình này làm đầy không-thời tính (trực quan-khả giác) như thể hình thái của chúng. Mỗi hình thái trong cái vô cùng mở ra này, như thể trong thực tại nó đã cho về mặt trực quan như thể hành cử, tuy nhiên "không là khách thể tính", không thể xác định về mặt liên chủ thể cho mọi người - cho mọi người khác quả thực cùng lúc không nhìn thấy nó - cũng không thể thông giao trong những xác định của nó. Đó chính là điều mà nghệ thuật đo lường chỉnh sửa một cách rõ ràng, từ một quá trình phức tạp, mà "đo lường" thực ra chỉ là kết luận: một mặt, cho hình thể của những sông, núi, thành quách, v.v...theo quy tắc chung thiếu những khái niệm và danh từ cho một xác định nhất định để tạo cho nó những khái niệm như vậy; trước hết cho "hình thái" của chúng (ở bên trong ảnh tượng tương tự) và tiếp theo là trong đại lượng và tương giao đại lượng của chúng, kể cả xác định vị trí, nhờ đo lường khoảng cách và góc độ trong liên quan tới những địa điểm và chiều hướng đã biết, giả sử là bất khả dịch.
Nghệ thuật đo lường khám phá ra một cách thực tiễn khả hữu chọn ra như thể trắc lượng, một số hình thái thường nghiệm cơ bản, ấn định một cách cụ thể và những vật thể thường nghiệm bất biến và thực sự nói chung là sẵn sàng đáp ứng, và, nhờ vào những tương giao hiện diện giữa chúng và những hình thái vật thể khác, khả hữu xác định những hình thái khác thuộc liên chủ thể và bao quát một cách thực tiễn - trước tiên là trong những khu vực giới hạn (chẳng hạn trong phép đo đạc nông nghiệp), rồi tới những khu vực hình thái mới. Như vậy có thể hiểu là một khi đã thức tỉnh khát vọng tri thức "triết lý" xác định "chân" hữu thể, hữu khách quan của thế giới, nghệ thuật thường nghiệm của đo lường và chức năng khách quan hóa thường nghiệm-thực tiễn, trong một nghịch đảo 'lợi ích thực tiễn' thành 'lợi ích thuần lý luận', thì nghệ thuật ấy được lý tưởng hoá và cũng chuyển biến trong một quá trình tư tưởng thuần tuý hình học. Nghệ thuật này chuẩn bị con đường cho hình học tuyệt đối phổ quát và "thế giới" những hình thái-giới hạn thuần tuý của nó.
Nguyên ủy hình học
Tác phẩm Khủng hoảng của những khoa học châu Âu và hiện tượng luận siêu nghiệm của Husserl xuất bản năm 1954 tại nhà xb Martinus Nijhoff (Hua.VI), gồm hai phần: chính bản và những phụ bản chia làm hai loại có 3 bản bổ túc và 29 phụ lục [6]. Trong một số phụ lục có tiêu đề, như Nguyên ủy hình học (phụ lục III), Đường đi tới nguyên ủy của Suy niệm đầu tiên (phụ lục VI), Phản ứng của chủ nghĩa duy nghiệm chống chủ nghĩa duy lý (phụ lục XIV) v.v..., chỉ có phụ lục III được chú trọng.
Thật vậy, bản thảo này viết năm 1936 do Eugen Fink biên tập và cho đăng trên Revue internationale de philosophie, q. I, số 2 năm 1939 dưới tiêu đề Der Ursprung der Geometrie als intentional-historisches Problem/Nguyên ủy của hình học như một vấn đề ý hướng-lịch sử và xuất hiện lại trong tác phẩm Khủng hoảng nói trên như một phụ lục III. Tại sao vậy? chắc chắn là liên hệ tới "hình học thuần túy" nói đến ở trên. Hai nhà tư tưởng Pháp, Maurice Merleau-Ponty và J. Derrida, đã phân tích bản văn này. David Carr, dịch giả Khủng hoảng sang tiếng Anh nhận xét tiêu đề Fink đặt ra không chính xác vì bản văn ít xét đến nguồn gốc của bộ môn như hình học bằng việc xét đến tình trạng của những bộ môn này qua những người không tạo thành chúng mà chỉ sử dụng chúng như một phần của truyền thống nghiên cứu đã hiện hữu. Khung cảnh bản văn thảo luận về Galilée, người được xem như tạo ra khoa học hiện đại qua việc "toán học hóa thiên nhiên", song nếu chúng ta thừa nhận khoa học hiện đại và phải đi tìm nguồn gốc của nó ở những khuôn mặt như Galilée, thì việc thừa nhận hình học phải đòi hỏi nguyên ủy của nó. Tại sao nhận thức luận về khoa học tự nhiên và ngay cả hình học yêu cầu một phương sách lịch sử như vậy? Chỉ có thể tìm ra đáp án là chúng ta, không phải là những người tạo ra mà chỉ thừa hưởng hình học, phải xét đến con đường làm thế nào đắc thủ bộ môn khoa học như thế và được hướng dẫn vào chân lý của nó.
Husserl đã nói đến con đường này qua ngôn ngữ và văn tự [xem kỳ 26], mở đầu bài viết, ông xác định mối quan tâm mà ông đề ra trong những phản tư ở đây khác xa với Galilée, vì không chỉ để tâm tới hình học đã cho và cách thế hiện hữu có ý nghĩa trong tư tưởng của Galilée cũng như trong tư tưởng của những người kế thừa sau này về một tri thức hình học cổ hơn, khi họ bắt tay vào nghiên cứu như thể những nhà hình học thuần túy hay thực hiện những ứng dụng thực tiễn của hình học. Trái lại, trong công việc khai mở nguyên ủy của hình học, trước hết phải tra hỏi ý nghĩa nguyên ủy hình học đã cho chúng ta và không bao giờ ngừng tiến tới với ý nghĩa này - khoa hình học không ngừng tiến triển, đồng thời phát triển, qua mọi hình thái mới, vẫn là "hình học".
Husserl cũng quan tâm trước hết khi nói đến những suy niệm lịch sử về triết học hiện đại với Galilée, nhờ vào việc khai mở những vấn đề cơ bản liên quan đến nguyên ủy ý nghĩa hình học, và trên nền tảng này, cũng là nói đến nguyên ủy ý nghĩa vật lý học mới của Galilée, soi rọi vấn đề của chúng ta là "ý chí hoàn thành, dưới hình thái những suy niệm lịch sử, những nhận thức vị thế triết lý hiện tại của chúng ta, và rốt cuộc trong hy vọng ở đó chúng ta có thể sở hữu được ý nghĩa, phương pháp và khởi đầu của triết học, triết học này mà cuộc đời chúng ta mong mỏi và chuyên tâm."[7]
-------------------------------
[6] Husserl, Die Krisis der europäischen Wissenschaften und die transzendentale Phänomenologie: Eine Einleitung in die phänomenologische Philosophie (Husserliana VI, Edmund Husserl Gesammelte Werke): chính bản/Hauptext và phụ bản/Ergänzende Texte gồm 3 bản bổ túc (Abhandlungen) và 29 phụ lục (Beilagen).
Bản thảo của tác phẩm trên viết trong khoảng những năm 1935-1936 gồm những phân đoạn từ 1 đến 27 đã được chính Husserl cho đăng trên tạp chí Philosophia ở Belgrade năm 1936, những phân đoạn 28-71 là bản đánh máy do E. Fink chuyển lại bản tốc ký của Husserl lưu giữ trong văn khố Husserl ở Louvain (đánh số M III 5 III 1 và 2), phân đoạn 72 trong bản K III 6, phân đoạn 73 do W. Biemel đưa vào cuối tác phẩm ở trong bản thảo K III 6 với tiêu đề 73: Kết luận: Triết học như thể tự-suy niệm của chúng nhân, tự-kỳ thành của lý trí.
Ba bản văn bổ túc mang đặc tính chung chỉ ra khởi sinh vấn đề của tác phẩm, gồm bản thứ nhất viết năm 1926-1928 (Văn khố Husserl M III 3 XII) luận về toán học học hóa thiên nhiên, lý tưởng hóa với khoa học về thực tại, bản thứ hai viết trong khoảng 1928-1929 đối chiếu giữa khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn, liên hệ với những vấn đề trong chủ nghĩa duy nhiên, nhị nguyên và khoa tâm lý học tâm vật lý, bản thứ ba là bài diễn thuyết tại thành Vienne năm 1935 về vấn đề/vai trò của Triết học trong cuộc khúng hoảng của chúng nhân châu Âu/Die Philosophie in der Krisis der europäischen Menschheit. [Trong chương 5 Cơ sở tư tưởng thời quá độ 2007, tôi đã đề cập bài thuyết trình này với hội luận ở thành Vienne năm 1985 kỷ niệm 50 năm ngày Husserl đăng đàn tại đây nêu ra vấn nạn khủng hoảng của những khoa học hiện đại].
29 phụ lục do Biemel lục soạn từ những bản thảo được mệnh danh là "bản thảo nghiên cứu/Forschungs-manuskripte" để phân biệt với những bản thảo Husserl đã tính cho xuất bản, hoặc những bài giảng tại đại học. Đó là sự phân biệt rõ ràng của người biên tập khi sắp đặt bản bổ túc dẫn trên với những phụ bản được ghi chú trong những tiết đoạn § 9, 12, 16, 18 v.v... do tác giả ghi chú trong những năm 193ô-1937.
[7] Husserl, Sdt: la volonté d'accomplir sous la forme de méditations historiques, des prises de conscience de notre propre situation philosophique présente, et ce dans l'espoir que, finalement, nous pourrons par là prendre possession du sens, de la méthode et du commencement de la philosophie, de cette philosophie à laquelle notre vie veut et doit se consacrer.
Trong đoạn văn trên, Husserl nhấn mạnh đến công việc/notre entreprise và triết học này (in nghiêng trong nguyên văn của Husserl) - ý ông muốn nhấn mạnh đến trường phái hiện tượng luận [chủ nghĩa (l)ý tưởng siêu nghiệm] của ông. Cho nên ông nêu ra "ở đây một ví dụ trước hết chỉ ra cái hiển nhiên mà những nghiên cứu của chúng ta rõ ràng là lịch sử theo một nghĩa khác thưởng, nghĩa là theo một đường hướng chuyên đề mở ra những vấn đề cơ bản toàn toàn xa lạ với lịch sử thông thường, những vấn đề trong phương diện của chúng, cũng chắc chắn mang tính lịch sử" [Ici, un exemple montrera d'abord à l'évidence que nos recherches sont précisément historiques en un sens insolite, c'est-à-dire selon une direction thématique qui ouvre des problèmes de fond totalement étrangers à l'histoire (Historie) habituelle, problèmes qui, en leur ordre, sont aussi indubitablement historiques (historische).]
(c̣n tiếp)
Đặng Phùng Quân
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html
© gio-o.com 2015