ĐẶNG PHÙNG QUÂN

HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG

TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI 

biên khảo triết học nhiều kỳ

kỳ 44

 (tiếp theo)

 

Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 , Kỳ 23 , Kỳ 24 , Kỳ 25 , Kỳ 26 , Kỳ 27 , Kỳ 28 , Kỳ 29 , Kỳ 30 , Kỳ 31 , Kỳ 32 , Kỳ 33 , Kỳ 34 , Kỳ 35 , Kỳ 36 , Kỳ 37 , Kỳ 38 , Kỳ 39 , Kỳ 40 , Kỳ 41 , Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44,    

 

Chương II

Thiên-địa-không: nguyên ủy hình học

 

 Khi đề cập đến vấn đề thuần túy có cơ sở pháp lý của linh hoạt ý hướng, Derrida dẫn lại trong Luận lý hình thức và siêu nghiệm/Formale und transzendentale Logik,§2, Husser luôn luôn coi thể ngữ học hay đồ họa là một hoạt thể (Leib) hay một thân thể có tinh thần (geistige Leiblichkeit), cho nên từ đó, văn tự không chỉ là phương tiện trợ thuật nhớ cho một chân lý mà thể-cảm giác của nó có thể tự động phân phối mọi đồ họa viết ra:  Không những khả năng hay thiết yếu được hiện thân trong một đồ họa không ở ngoài tới hay thuộc kiện tính đối với khách thể tính lý tưởng: nó là điều kiện tất yếu hoàn tất nội tại của khách thể tính.[79]

Do đó, khoa học cần phải hiện thân trong đồ họa qua con đường ký hiệu đồ họa, và hành động viết là khả năng cao nhất của mọi "cấu thânh", theo Derrida, có thể đo lường được chiều sâu siêu nghiệm của lịch sử khách thể tính lý tưởng. Ông cũng dẫn lời của Fink viết về ngôn từ khi biên tập bản thào Nguyên ủy hình học, xem như một chân lý hậu nghiệm về văn tự: "Trong hiện thân khả giác sinh ra "định vị" và "thời hóa"(Temporalisation) của cái mà trong thể-cảm giác không định vị và phi thời" rõ ràng muốn thông dịch nỗ lực của Husserl nhằm nắm bắt tính lý tưởng của giác quan chủ đề và của từ ngữ trong những quan hệ với sự biến ngữ học. Những vấn đề đặt ra, như liệu định thức này của Fink  có thể hiểu được hiện thân ngôn ngữ  ở ngoài thể-cảm giác của tính khách thể lý tưởng, hay gây ra ấn tượng về tính khách thể lý tưởng được cấu thành như vậy trước và độc lập với hiện thân của nó ?  Derrida nhắc lại quan điểm mà Husserl từng nhấn mạnh là chân lý không hoản toàn khách quan, nghĩa là lý tưởng, khả tri cho mọi người và lâu dài vô tận, chừng nào nó không thể được nói và được viết ra. Ông nhận xét:

"Chắc chắn [chân lý] không bao giờ giữ khách thể tính hay đồng nhất tính lý tưởng của bất kỳ hiện thân ngôn ngữ  trong thực tế, và nó vẫn "tự do" đối với mọi kiện tính ngôn ngữ. Song tự do này rõ ràng chỉ khả hữu khởi từ lúc mà chân lý có thể nói chung được nói hay được viết ra, nghĩa là với điều kiện nó có thể thực hiện. Thật nghịch lý, chính là khả hữu được viết ra cho phép sau cùng giải phóng tính lý tưởng. Vì thế hầu như có thể đảo ngược những từ trong định thức của E. Fink: cái phi không-thời gian tính chỉ có ý nghĩa do khả năng hiện thân ngôn ngữ của nó" [80]

Derrida lý giải: vì khách thể tính lý tưởng chủ yếu có thể thông tin hay tạo hình thể ngôn từ và viết, và nó phụ thuộc vào một ý hướng ngôn ngữ thuần túy, tự căn để độc lập với không-thời tính khả giác. Điều đó có nghĩa là một không-thời tính đặc thù được chỉ định để thông giao, do đó cho truyền thống và lịch sử, nó vượt ra khỏi chọn lựa giữa khả giác và khả tri, cũng như giữa thường nghiệm và siêu thường nghiệm. Quả thực, chân lý không còn phải đày đọa trong sự biến ban sơ của ngôn ngữ nữa. Điều đó có nghĩa là với Husserl, chân lý tùy thuộc vào khả năng thuần

túy nói và viết, song độc lập với cái được nói hay viết ra trong thế giới này. Trong vấn nạn về nguyên ủy hình học, Husserl đề cập đến môi trường văn tự, mối quan hệ nội tại giữa khoa học và văn tự, thực sự  đã chỉ ra từ Nghiên cứu luận lý :

"Khoa học chỉ có hiện hữu khách quan trong thư tịch, dưới hình thức những tác phẩm viết ra để hiện hữu, dầu phong phú trong quan hệ với con người và những chức năng trí thức; chính từ hình thức này mà nó tồn tại qua nhiều thế kỷ và sống còn với những cá nhân, những thế hệ và những dân tộc."[81]

Theo Derrida, như vậy Husserl đã chỉ ra hướng đi cho một hiện tượng luận về những cái được viết ra, đặc biệt là quyển sách trong sự thống nhất của nó như một chuỗi những chỉ thị ý nghĩa. Tính thống nhất này có thể ít nhiều lý tưởng và thiết yếu, vì thế phổ quát, theo nội dung-ý nghĩa của quyển sách. Ông cũng ghi chú là trong Nguyên ủy hình học, Husserl phân biệt văn chương theo nghĩa rộng, lĩnh vực của mọi diễn ngôn viết ra với văn chương như một nghệ thuật, lĩnh vực văn nghệ; công trình văn chương được xem như chứng cớ để phân tích tính lý tưởng của những khách thể tính văn hóa; tính đồng nhất lý tưởng của công trình không bao giờ lầm lẫn với hiện thân khả giác, vì tính đồng nhất cá thể của nó không phải rút ra tự hiện thân này; hơn nữa, nguyên ủy của tính đồng nhất là tiêu chuẩn để khu biệt giữa cái thực và cái lý tưởng.

Cũng trong Nguyên ủy hình học, Husserl minh họa trực tiếp hơn môi trường viết mà chỉ thị ý nghĩa khó khăn và tầm quan trọng đã nói đến trong Nghiên cứu luận lý. Khó khăn trong miêu tả là do sự kiện viết xác định và hoàn tất sự hàm hồ của mọi ngôn ngữ: trong quá trình hiện thân, ngôn ngữ cũng là nơi để mọi đối tượng tuyệt đối lý tưởng hiện thân; đảo lại, chân lý có nguồn gốc trong quyền nói và viết, song một khi cấu thành, nó đặt định diễn tả như một sự kiện thường nghiệm. Chân lý như vậy tùy thuộc vào khả năng thuần túy nói và viết, song độc lập với cái được nói hay viết ra  trong thế giới. Derrida bình phẩm quan niệm hiện tượng luận về viết này của Husserl:

"Nếu như trong ngôn ngữ, do nó mà chân lý chịu đựng một suy nhược, sự thất thế của nó không phải là một khuynh đảo về ngôn ngữ mà là một sa đà trong lòng ngôn ngữ" [82]

Derrida ghi chú là trong lý giải hiện tượng khủng hoảng, Husserl luôn luôn nói đến sự xáo trộn hay bệnh hoạn của ngôn ngữ, khủng hoảng như một thất thế của biểu hiện-ký hiệu vào trong chỉ thị-ký hiệu, của ý hướng "trong sáng/klar" vào một biểu tượng trống rỗng. Ông dẫn giải:

"Quả thực, từ đó, như đã chỉ định, ý nghĩa được tiếp nhận trong một ký hiệu, và ký hiệu này trở thành trú sở thế tục và bày ra của một chân lý phi tưởng. Chúng ta thấy rõ  là chân lý này cũng có thể kéo dài không được suy tưởng thành hành vi hay sự kiện, đó chính là điều giải phóng triệt để nó khỏi mọi tính chủ thể thường nghiệm, mọi đời sống giả, mọi thế giới thực. Đồng thời, hữu-trong-cộng-đồng của chúng nhân "vượt qua một giai đoạn mới": thực vậy, nó có thể xuất hiện như một cộng đồng siêu nghiệm" [83]

-------------------------------

[79] Derrida, Sdt: Non seulement la possibilité ou la nécessité d'être incarnée dans une graphie n'est plus extrinsèque et factice au regard de l'objectivité idéale: elle est la condition sine qua non de son achèvement interne.                                    

[80] Derrida, Sdt: Sans doute ne tient-elle jamais son objectivité ou son identité idéales de telle ou telle incarnation linguistique de fait, et reste-t-elle "libre" au regard de toute facticité linguistique. Mais cette liberté n'est précisément possible qu'à partir du moment où la vérité peut en général être dite ou écrite, c'est-à-dire sous condition qu'elle le puisse. Paradoxalement, c'est la possibilité graphique qui permet l'ultime libération de l'idéalité. On pourrait donc presque inverser les termes de la formule de E. Fink: la non-spatio-temporalité n'advient au sens que par son incorporabilité linguistique.

[81] Husserl, Recherches logiques, tome premier: Prolégomẻmes à la logique pure (Nghiên cứu luận lý, tập I: Tổng luận vể luận lý học thuần túy): La science n'a d'existencve objective que dans sa bibliographie, ce n'est que sous la forme d'ouvrages écrits qu'elle trouve une existence propre, quoique riche en relation avec l'homme et ses fonctions intellectuelles; c'est sous cette forme qu'elle se perpétue à travers les millénaires et survit aux individus, aux générations et aux nations.

[82] Derrida, Sdt: Si c'est donc en son langage, par lui, que la vérité souffre d'une certaine labilité, sa déchéance sera moins une chute vers le langage qu'une dégradation à l'intérieur du langage.

[83] Derrida, Sdt: En effet, dès que, comme cela lui est prescrit, le sens est recueilli dans un signe, celui-ci devient la résidence mondaine et exposée d'une vérité non pensée. Nous l'avons bien vu: que cette vérité puisse ainsi perdurer sans être pensée en acte ou en fait, voilà qui l'émancipe radicalement à l'égard de toute subjectivité empirique, de toute vie factice, de tout monde réal. En même temps, l'être-en-communauté de l'humanité " franchit une nouvelle étape": elle peut, en effet, s'apparaître comme communauté transcendantale.

 

(c̣n tiếp)                                                                                           

Đặng Phùng Quân
 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2015