ĐẶNG PHÙNG QUÂN
HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG
TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
biên khảo triết học nhiều kỳ
kỳ 43
(tiếp theo)
Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 , Kỳ 23 , Kỳ 24 , Kỳ 25 , Kỳ 26 , Kỳ 27 , Kỳ 28 , Kỳ 29 , Kỳ 30 , Kỳ 31 , Kỳ 32 , Kỳ 33 , Kỳ 34 , Kỳ 35 , Kỳ 36 , Kỳ 37 , Kỳ 38 , Kỳ 39 , Kỳ 40 , Kỳ 41 , Kỳ 42, Kỳ 43,
Chương II
Thiên-địa-không: nguyên ủy hình học
Tiềm thế như đã dẫn ở trên bảo đảm chân lý của văn tự, xem như không-thời tính của văn tự sáng tạo, hoàn tất và xác nhận "hiện hữu của một sử tính siêu nghiệm thuần túy" (l'existence d'une pure historicité tranbscendantale). Như vậy, Derrida nhận xét, "khi tiềm thế hóa đối thoại một cách tuyệt đối, văn tự tạo ra một loại trường siêu nghiệm tự định, mà tất cả chủ thể hiện tại có thể khiếm diện" [74]
Trong lý giải về trường siêu nghiệm, Derrida đã dẫn lời một người thầy ở trường Cao đẳng Sư phạm/ENS là Jean Hyppolite, nhà chuyên khảo hiện tượng luận Hegel khi luận về ý nghĩa khái quát của giảm trừ/έποχή đã nói đến khả hữu của một "trường siêu nghiệm phi chủ thể" trong đó "những điều kiện của tính chủ thể xuất hiện, và ở đó, chủ thể được cấu thành khởi từ trường siêu nghiệm". [75] Như vậy chủ thể tính không hiện diện trong trường siêu nghiệm có nghĩa là không ràng buộc tính khách thể tuyệt đối, nói khác đi, tính khách thể tuyệt đối đồng nghĩa với một trường siêu nghiệm phi chủ thể. [76]
Derrida xác định văn tự/viết chính là trường sở của những tính khách thể lý tưởng thường trực một cách tuyệt đối, vì thế có nghĩa là của khách thể tính tuyệt đối, tạo ra một trường siêu nghiệm như thế không có chủ thể. Vì thế tính chủ thể siêu nghiệm chỉ có thể được biểu thị và xuất hiện trên cơ sở của trường sở hay khà hữu của trường sở này. Điều đó có nghĩa là một trường siêu nghiệm không chủ thể là một trong những "điều kiện" của tính chủ thể siêu nghiệm.[77]
Từ luận điểm trường sở siêu nghiệm không chủ thể của Hyppolite, Derrida khai triển khái niệm giảm trừ hiện tượng luận phải dựa trên cơ sở một ý thức làm nền tảng cho văn tự: "Vì nếu như sự vắng mặt của tính chủ thể trên trường siêu nghiệm, nhờ đó khả dĩ mới giải phóng tính khách thể tuyệt đối, sự vắng mặt này chỉ có thể là một vắng mặt kiện tính, ngay cả như nếu nó xa rời tổng thể những chủ thể thực. Trường văn tự có nguồn tính là có thể vượt lên, trong ý nghĩa của nó, khỏi mọi bản đọc khái quát, song nếu như không có tính khả hữu pháp lý thuần túy khả niệm cho một chủ thể siêu nghiệm nói chung và nếu như quan hệ thuần túy phụ thuộc đối với một nhà văn và một người đọc nói chung không biểu thị trong bản văn, nếu như một ý hướng tính tiềm thể không ám ảnh nó, như vậy trong trạng thái trống của linh hồn, không còn gì nữa ngoài một tính văn chương hỗn độn, sự mờ đục khả giác của một chỉ thị đã chết, nghĩa là bị tước đoạt chức năng siêu nghiệm của nó."[78]
------------------------------
[74] Derrida, Sdt: En virtualisant absolument le dialogue, l'écriture crée une sorte de champ trancendantale autonome, dont tout sujet actuel peut s'absenter.
[75] Derrida, Sdt: A propos de la signification générale de l'έποχή, J. Hyppolite évoque la possibilité d'un "champ transcendantal sans sujet" dans lequel "les conditions de la subjectivité apparaîtraient, et où le sujet serait constitué à partir du champ transcendantal", dẫn lời của Hyppolite trong cuộc thảo luận sau bài diễn thuyết của Van Breda về "La Réduction phénoménologique" in trong Husserl, xb. Cahiers de Royaumont 1959.
J. Hyppolite là chủ nhiệm tại trường Cao đẳng Sư phạm/ENS tại Paris từ nâm 1954, và Derrida là học trò của Hyppolite tại ENS trong những năm này. Khi nghiên cứu hiện tượng luận Hegel, đương nhiên ông cũng nghiên cứu hiện tượng luận Husserl. Trong tiểu luận L'intersubjectivité chez Husserl, in trong Figures de la pensée philosophique t. I 1971, Hyppolite nhận xét: Lý tưởng về cụ thể, và lý tưởng toán học được hoà hợp trong hiện tượng luận của Husserl, từ Những Nghiên cứu luận lý đến Khủng hoảng và Nguyên ủy hình học...
Tuy nhiên con đường từ ý thức tự nhiên đến ý thức tự tại là vận động tất yếu để khởi sự triết lý; chắc chắn đó là điều Husserl gọi là "giảm trừ hiện tượng luận ", lối đặt trong ngoặc những xác thực thế giới, cho phép không những tiêu triệt chúng , song lại làm chúng xuất hiện, như thể chúng xuất lộ và chúng xuất lộ ra sao; ở đó là ý nghĩa công chính mới của hiện tượng.
(L'idéal du concret, et l'idéal mathématique se trouvent conciliés dans cette phénoménologie de Husserl, depuis les Recherches logiques, jusqu'à la Krisis et l'Origine de la Géométrie...
Pourtant ce passage de la conscience naturelle à la conscience de soi est la démarche nécessaire pour commencer à philosopher; c'est sans doute ce que Husserl nomme "la réduction phénoménologique", cette mise entre parenthèses des certitudes mondaines, qui permet non de les supprimer, mais de les faire apparaître, comme elles se montrent, et telles qu'elles se montrent; de là le nouveau sens authentique du phénomène).
[76] Quan niệm về "trường siêu nghiệm không chủ thể" của Hyppolite đã ảnh hưởng trực tiếp đến một người học trò của Hyppolite tại ENS là Louis Althusser trong Về quan hệ của Marx với Hegel, đưa ra quan niệm "lịch sử như một quá trình không chủ thể", và Marx đã kế thừa Hegel trong quan niệm "phạm trù quá trình không chủ thể". (Xem ĐPQ, Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít 2002).
[77] Derrida viết: Il en est ainsi une "condition".
[78] Derrida, Sdt: Car cette absence de la subjectivité au champ transcendantal, absence dans la possibilité libère l'objectivité absolue, ne peut être qu'une absence factice, même si elle éloignait à tout jamais la totalité des sujets rẽels. Le champ de l'écriture a pour originalité de pouvoir se passer, dans son sens, de toute lecture général; mais sans la pure possibilité juridique d'être intelligible pour un sujet transcendantal en général, et si le pur rapport de dépendance à l'égard d'un écrivain et d'un lecteur en général ne s'annonce pas dans le texte, si une intentionnalité virtuelle ne le hante pas, alors, dans la vacance de son âme, il n'esp plus qu'une littéralité chaotique, l'opacité sensible d'une désignation défunte, c'est-à-dire privée de sa fonction transcendantale.
(c̣n tiếp)
Đặng Phùng Quân
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html
© gio-o.com 2015