ĐẶNG PHÙNG QUÂN
HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG
TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
biên khảo triết học nhiều kỳ
kỳ 3
(tiếp theo)
Chương I
Khởi sinh từ triết lý toán học
Trong hành trạng tri thức Husserl, khởi sự theo học toán học, vật lý học, thiên văn và triết học ở đại học Leipzig trong những năm 1876-1877, tiếp tục học triết học ở đại học Berlin và dự những lớp toán học của Leopold Kronecker và Karl Weierstrass trong những năm 1878-1881, ông theo học toán với Leo Königsberger ở Wien trong những năm 1881-1882 và trình luận án về toán Beiträge zur Variationsrechnung/Tham luận về phép tính biến phân; năm 1883 ông làm phụ khảo cho Weierstrass ở Berlin. Trong những năm 1883-1884 ông trở lại Wien theo học triết với Franz Brentano; năm 1886, Brentano giới thiệu ông với Carl Stumpf ở đại học Halle-Wittenberg, ở đây ông làm luận án giáo nghiệp Nghiên cứu về khái niệm sổ/Über den Begriff der Zahl.
Trong quãng đời nghiên cứu này, ông vẫn không rời xa toán học; chẳng hạn, bản thảo về nguồn gốc hình học viết năm 1936 Der Ursprung der Geometrie als intentional-historisches Problem/ Nguồn gốc hình học như một vấn đề lịch sử-có ý hướng. Derrida nhận xét trong khi dịch và dẫn nhập bài viết này: đối tượng toán học dường như là ví dụ ưu tiên và sợi dây thường trực hướng dẫn phản tỉnh của Husserl.
Triết lý số học/Philosophie der Arithmetik 1891 ở lời nói đầu, Husserl xác định nhằm sửa soạn trong một dãy những nghiên cứu tâm lý học và luận lý học "những nền tảng khoa học cho một cấu tạo trong tương lai". Công trình này tiến hành theo phương pháp phê phán, nghĩa là xem xét trong một phê phán tỉ mỉ những lý luận đáng chú ý, phân biệt cái đúng với sai để tìm ra cái mới và bảo đảm; qua vô số những khảo luận đã chọn lựa nhờ vào tính đặc thù, hoặc do phổ biến rộng rãi, hay tầm quan trọng tự nội tại của nhiều tác giả khác nhau, ông nỗ lực tìm ra những ý tưởng dẫn đạo khẳng định lòng xác tín vảo lý thuyết của họ, thường không rõ ràng và mạch lạc, nhằm xác định những ý tưởng này về mặt khái niệm một cách xác đáng , và trên cơ sở này, xây dựng một lý luận thật liền lạc. Trong những thân thuyết chắc chắn, ông không chỉ quan tâm riêng tới kiểm tra số học có liên hệ với nhận thức luận, ở đó một mặt, phân tích những khái niệm số học sơ cấp, mặt khác, phân tích những phương pháp biểu hiệu đặc trưng của số học, cho phép tiên liệu một lợi ích cho tâm lý học cũng như luận lý học, cho nên ông tìm vào những nghiên cứu tường tế hơn, có thể xem như một "Siêu hình học của toán pháp".
Dự thảo toàn tập Triết lý số học theo Husserl gồm hai tập: trong tập I, phần đầu luận giải những vấn đề chủ yếu thuộc về tâm lý học liên quan đến phân tích những khái niệm số lượng , đơn vị và đếm số, miễn là chúng được cho một cách thích đáng, không phải bằng biểu thị gián tiếp. Phần thứ hai khảo sát những biểu hiện tượng trưng của số lượng và đếm số và chỉ ra sự kiện là làm thế nào xác định ý nghĩa và mục đích của khoa số học đếm số trong khi chúng ta hầu như bị giới hạn vào những khái niệm số tượng trưng. Nghiên cứu luận lý của khoa thuật số học, vẫn luôn luôn ở trong quan niệm số học đếm số - và chứng thực cách sử dụng, trong phép tính, những chuẩn-số thành hình khởi từ những phép tính nghịch đảo, những số âm, số ảo, những số lẻ và vô tỷ, phải tạo thành nội dung của phần đầu tập II. Những khảo sát phê phán phần này tạo dịp cho việc tìm hiểu nếu đó là lãnh vực của đếm số, hay đâu là lãnh vực khái niệm , nếu đó là một lãnh vực khác điều khiển khoa số học đại cương theo nghĩa đầu tiên và nguyên uỷ. Tập II khảo sát vấn đề cơ bản này trong phần thứ hai.[7]
--------------------
[7] Husserl, Philosophie der Arithmetik. Psychologische und logische Untersuchungen 1891: Le tome I ...traite les questions principalement psychologiques qui se rapportent à l'analyse des concepts de quantité, d'unité et de numération, pour autant qu'ils sont donnés d'une manière propre, et non pas une symbolisation indirecte. La seconde partie examine ensuite les représentations symboliques de quantité et de numération, et essaie de montrer comment le fait que nous soyons presque complètement limités à des concepts de nombre symboliques détermine le sens et le but de l'arithmétique des numérations.
La recherche logique de l'algorithme arithmétique - toujours encore dans la conception de l'arithmétique de la numération - et la justification de l'emploi, dans le calcul, des quasi-nombres formés à partir des opérations inverses, les nombres négatifs, imaginaires, les nombres fractionnaires et irrationels, doivent constituer le contenu de la première partie du tome II. Les considérations critiques de cette partie donnent plus d'une fois l'occasion d'aborder la question de savoir si c'est le domaine des numérations, ou quel est le domaine conceptuel si c'en est un autre, qui commande l'arithmétique générale au sens premier et originaire. C'est à cette question fondamentale que doit se consacrer ensuiter la deuxième partie du tome II. (theo bản dịch sang tiếng Pháp của Jacques English: Philosophie de l'arithmétique. Recherches psychologiques et logiques 1972).
Đặng Phùng Quân
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html
© gio-o.com 2014