ĐẶNG PHÙNG QUÂN

HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG

TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI 

biên khảo triết học nhiều kỳ

kỳ 61

 (tiếp theo) 

 

Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 , Kỳ 23 , Kỳ 24 , Kỳ 25 , Kỳ 26 , Kỳ 27 , Kỳ 28 , Kỳ 29 , Kỳ 30 , Kỳ 31 , Kỳ 32 , Kỳ 33 , Kỳ 34 , Kỳ 35 , Kỳ 36 , Kỳ 37 , Kỳ 38 , Kỳ 39 , Kỳ 40 , Kỳ 41 , Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45,  Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61,    

 

Chương II

Thiên-địa-không: nguyên ủy hình học

 

Đất là ngưỡng cửa nguyên thủy mở vào nguyên sử xác thân

 

Lật đổ học thuyết Copernic  thật sự chỉ để chỉ ra khu biệt giữa cái nhìn của người theo Copernic và không theo Copernic. Cho nên ở phía người theo Copernic: chúng ta sẽ nói trái đất không là "toàn thể tự nhiên"  mà là một trong những tinh tú của không gian vô tận của thế giới; trái đất là một thể hình cầu, chắc chắn không thể tri giác toàn diện ngay mà chỉ ở trong một hợp đề tiên khởi như thể thống nhất của những kinh nghiệm cá biệt, nối kết với nhau [xem kỳ 57]. Về phía Husserl: trái đất đối với chúng ta không phải là một vật thể, mà là nền đất cho mọi kinh nghiệm. "Trái đất" như thể nền-đất duy nhất không thể kinh qua theo ý nghĩa ngưng nghỉ và do đó không thể kinh qua theo ý nghĩa như một vật thể ... nó là thực thể đầu tiên, có thể khả hữu cho ý nghĩa của mọi chuyển động và mọi ngưng nghỉ như phương thức của một chuyển động [xem kỳ 60].

Những ví dụ cụ thể nói ở trên (ở trong xe đang chạy, ngồi trong toa xe lửa di động v.v...) để minh họa mối quan hệ vật thể-nền đất như những kinh nghiệm hiện tượng luận,vật thể-nền đất của tôi  trước tiên là cơ thể mang tôi đi trong những chuyển động của tôi, và của xe v.v... Cho nên, như Husserl đã nói đến ở trên [xem kỳ60] trái đất như là  "vật thể"-căn nguyên/Stamm , "vật thể"-nền đất/Boden. Với giả định qua những kinh nghiệm đã nói, tôi vừa là con người trên trái đất như thể nền đất-căn nguyên/Stamm-Boden của tôi, có thể bay và có hai trái đất như thể vật thể-căn nguyên và từ trái đất này  bay qua trái đất kia, song hai trái đất, như Husserl xác định, là hai mảng của một trái đất với một chúng nhân. Ông cũng viết tự nguyên ủy, chi trái đất-nềnđất/Erdboden có thể cấu thành với không gian chung quanh những vật thể, xác thân tôi và tha thể với những chân trời mở ra những tha thể cấu thành , phân bố ở không gian trong không gian, với tính cách như trường sở mở ra từ gần và từ xa của những vật thể, bao quanh trái đất và cho vật thể ý nghĩa của vật thể thuộc trái đất và cho không gian ý nghĩa không gian của trái đất:

"Toàn thể chúng ta, những con người, những "động vật" theo ý nghĩa này, là của trái đất... Ý nghĩa này bén rễ và tìm thấy trung tâm định hướng trong tôi và trong chúng ta giới hạn vào những người đang còn sống" [168].

Khi giả định trái đất cấu thành từ thân/Leiblichkeit và thể/Körperlichkeit, theo Husserl, như vậy "trời" cũng thiết yếu như thể trường sở những sự vật, ở cực điểm, với tôi và tất cả chúng ta, còn có thể thực nghiệm được về mặt không gian - và khởi từ trái đất-nền đất/Erdboden. Hoặc là một chân trời mở ra từ phương xa có thể tới được cấu thành: khởi từ mọi điểm của không gian, tôi có thể tiếp cận, có một chân trời cực điểm, một giới hạn (vòng cầu chân trời), ở đó cái còn có thể thực nghiệm được như là sự vật xa cách sau cùng biến mất với tình trạng xa cách. Đảo lại, đương nhiên tôi có thể tưởng tượng những "điểm" trở nên thấy được là những vật thể xa cách đang xích lại gần và bây giờ có thể tiến gần hơn cho đến khi tới được trái đất-nền đất. Như vậy bây giờ tôi có thể nghĩ được đó là những căn cơ-bếp lửa/quê hương.  Đối với những "thiên thể", theo Husserl, ta cũng xem cùng cách như những vật thể mà đối với ta, chỉ có thể hiện diện một cách ngẫu nhiên, tạm thời không tiếp cận được, và rút ra những kết luận thường nghiệm, quan sát cơ sở và chuyển động của chúng về mặt thường nghiệm.Những điều này liên hệ tới trái đất-nền đất nguyên thủy, tới "trái đất-hình cầu", tới những con người chúng ta đang sống trên trái đất, và tính khách quan nhờ vào chúng nhân toàn cầu.    

Husserl cũng đặt vấn nạn: Tại sao tôi lại không được tưởng tượng Mặt trăng như là một loại Trái đất, như một loại cư ngụ của sinh vật ? Tôi có thể tưởng tượng được như thể một con chim bay lên từ trái đất về một vật thể xa xăm hay như một nhà phi hành đang cất cánh bay lên và hạ xuống đó. Tôi cũng có thể tưởng tượng ở đó đã có những sinh vật và con người

Song nếu ngẫu nhiên tôi tự hỏi: "Làm thế nào người và vật tới được chốn đó ?", rồi tôi cũng hỏi cùng kiểu cách là trên một hòn đảo mới, ở đó, phát hiện ra những ký danh văn tự hình nêm, tôi hỏi: "Làm thế nào những dân tộc này đến được đây ?" Tất cà mọi động vật, sinh vật, mọi hiện thể nói chung chỉ có ý nghĩa hiện hữu bắt đầu từ căn nguyên cấu thành  của tôi và căn nguyên này có đứng đầu "thuộc trái đất". Có lẽ một mảng của trái đất (như thể một tảng băng sơn) có thể tách ra và làm ra một sử tính đặc thù khả hữu. Song điều đó không có nghĩa là Mặt trăng cũng như Thiên Kim tinh có thể được nghĩ đến như là những căn nhà nguyên thủy trong một sự phân ly ngyên ủy và điều đó không có nghĩa là hữu thể của Trái đất đối với tôi và chúng nhân tại trái đất của tôi chẳng qua chỉ là một sự kiện. Chỉ có một chúng nhân và một Trái đất -  mà tất cả mọi mảng đã và đang tách ra phụ thuộc vào nó.[169].

Khi đặt vấn đề hữu thể của Trái đất, phân tích này có tầm vóc hữu thể luận, liên quan tới thiên-địa-không, tới điều Husserl gọi là "trực quan không gian/Raumanschauung", sẽ luận đến sau đây.

                                                                                                                                                                                                                                                                                   ------------------------------------

[168] Husserl, Sdt: "Die Allheit des Wir, der Menschen, der "Animalien" ist in diesem Sinne-irdisch... Dieser Sinn ist verwurzelt und hat sein Orientierungs-zentrum in mir und einem engeren Wir mit einander Lebender."

[169] Husserl, Sdt: Aber frage ich zufällig "wie sind sie da hinaufgekommen ?" - so ähnlich wie ich bei einer neuen Insel, auf der ich Keilinschriften vorfinde, frage: wie sind die betreffenden Völker dahin gekommen? Alle Tiere, alle Lebenwesen, alles Seieinde überhaupt hat Seinssinn nur von meiner konstitutiven Genesis und  diese "irdiche" geht voran. Ja ein Bruchstück Erde (wie eine Eisscholle) kann sich vielleicht abglöst haben, und hat eine besondere Geschichtlichkeit ermöglicht. Aber nicht sagt das, dass eben sogut der Mond oder die Venus als Urstätten in Urtrennung denkbar wären und es nur ein Faktum sei, dass für mich und unsere irdische Menschheit eben die Erde ist. Es gibt nur eine Menschheit und eine Erde - ihr gehören alle Bruchstücke an, die sich ablösen oder je abgelöst haben.       

 

(c̣n tiếp)                                                                                           

Đặng Phùng Quân
 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2016