ĐẶNG PHÙNG QUÂN
HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG
TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
biên khảo triết học nhiều kỳ
kỳ 48
(tiếp theo)
Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 , Kỳ 23 , Kỳ 24 , Kỳ 25 , Kỳ 26 , Kỳ 27 , Kỳ 28 , Kỳ 29 , Kỳ 30 , Kỳ 31 , Kỳ 32 , Kỳ 33 , Kỳ 34 , Kỳ 35 , Kỳ 36 , Kỳ 37 , Kỳ 38 , Kỳ 39 , Kỳ 40 , Kỳ 41 , Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48,
Chương II
Thiên-địa-không: nguyên ủy hình học
Trong phần VIII của Dẫn nhập vào Nguyên ủy hình học,Derrida đề cập đến Hiện tại của lịch sử là Tuyệt đối mang tính lịch sử đã dẫn lời Husserl "vận chuyển sinh động của sự đoàn kết [đồng hiện hữu/coexistence, như bản dịch tiếng Anh của David Carr] và giao ngộ/liên lủy lẫn nhau (des Miteinander und Ineinander) của hình thành ý nghĩa và kết tầng ý nghĩa nguyên ủy (Sinnbildung und Sinnsedimentierung)" [nói đến ở một nơi trên; chú thích số 40, kỳ 34]. Ở phần XI, tức phần cuối cùng của Dẫn nhập, dẫn lại lần nữa khi viết "nếu Tuyệt đối của lịch sử siêu nghiệm quả thực, như Husserl nói trong Nguyên ủy, là "vận chuyển sinh động của đồng hiện hữu và giao ngộ của hình thành ý nghĩa và kết tầng ý nghĩa nguyên ủy", như vậy hoạt động sáng tạo của ý nghĩa hàm ngụ trong nó một thụ động đối với ý nghĩa cấu thành và kết tầng - một ý nghĩa xuất hiện và hành động như vậy chỉ trong dự án của một sáng tạo mới." Trong đoạn văn phần này, Derrida xác định mượn lối phân chia "luận lý học tuyệt đối" với "luận lý học siêu nghiệm" trong Sur la Logique/Bàn về luận lý học của Jean Cavaillès (1903-1944, triết gia luận lý học người Pháp, anh hùng kháng chiến chống Đức Quốc xã) và phê phán về điều mà "khó có thể chấp nhận với hiện tượng luận - ở đó động lực cho nghiên cứu và nền tảng của những tính khách thể thực là mối liên lạc cho một chủ thể tính sáng tạo" chính là điều Husserl miêu tả trong Nguyên ủy, mỗi khi chủ đề về kết tầng là mục tiêu phản tư của ông. Cũng lấy chính lời của Cavaillès, dường như Husserl không hề nghĩ là "lạm dụng tính đơn nhất của tuyệt đối - dành cho nó sự trùng hợp giữa thời khoảng cấu thành và được cấu thành", đối với ông, trùng hợp này không là gì khác hơn sự thống nhất tuyệt đối của thời khoảng của ý nghĩa, nghĩa là sự thống nhất của cái không trùng hợp và đồng hàm súc những thời khoảng được cấu thành và cấu thành trong sự đồng nhất tuyệt đối của Hiện tại Sinh động quy chiếu và duy trì về mặt biện chứng.
Theo Derrida, tất cả những điều này dĩ nhiên nghịch lý và mâu thuẫn nếu xem Ý niệm là một cái gì đó và Lý trí là một khả năng. Song Lý trí không phải là cái gì trường cửu trong lịch sử, trước hết vì không có lịch sử nào không có Lý trí, và ngược lại không có Lý trí nào không có lịch sử. Derrida dẫn những trang cuối của Nguyên ủy nêu vấn đề: há chẳng phải đứng trước phạm vi lớn lao và sâu xa khả nghi, có vấn đề đặt ra của Lý trí, cũng cùng thứ Lý trí hoạt động nơi mỗi con người, dầu là hãy còn chất phác, nơi con người được xem như "động vật có lý trí".[105]
Mỗi loại chúng nhân mà bản chất thuộc động vật có lý trí này, theo như Husserl "có căn nguyên từ cấu thành cơ bản của toàn thể con người, căn nguyên trong đó biểu thị một Lý trí mục đích xuyên suốt toàn thể sử tính, chỉ ra một vấn tính nguyên ủy liên quan đến toàn thể lịch sử và mang ý nghĩa toàn diện, sau cùng đem lại sự thống nhất của nó".[106]
Sau cùng từ vấn đề Khu biệt, như đã nêu trên giữa ý thức duy hữu hạn với ý thức duy vô hạn trong Endstiftung/ cơ sở cứu cánh diên trì vô hạn, cái Tuyệt đối hiện diện trong diên trì này chỉ có trong một ý thức tiên khởi và thuần túy của Khu biệt; Khu biệt tiên khởi của Nguyên ủy tuyệt đối - rốt cuộc vấn đề nguyên ủy hình học chỉ ra quá trình lạ lùng của một "phản tư/Rükfrage" theo Derrida, trong những dòng cuối Dẫn nhập, là vận động phác thảo trong Nguyên ủy hình học mang "một chỉ thị ý nghĩa kiểu mẫu/une signification exemplaire", như chính Husserl nói tới trong những dòng đầu bản phụ lục "hy vọng ở đó chúng ta có thể sở hữu được ý nghĩa, phương pháp và khởi đầu của triết học, mà cuộc đời chúng ta mong muốn và toàn tâm dâng hiến cho triết học này". [xem chú thích [7] kỳ 27].
Tôi sẽ đưa ra nhận xét tổng quát về Dẫn nhập của Derrida sau khi đề cập đến lý giải cùa Maurice Merleau-Ponty, song cũng cần phải điểm qua một số những thích nghĩa chung quanh Dẫn nhập này.
Trước tiên là luận điểm của Leonard Lawlor trong Derrida và Husserl: vấn đề cơ bản của hiện tượng luận [107] trong phần II , chương 5: căn rễ, thiết yếu của mọi song quan luận: một nghiên cứu về Dẫn nhập vào "Nguyên ủy hình học" của Husserl, Lawlor dẫn một vấn nạn trong Vấn đề khởi sinh, Derrida viết "làm thế nào có thể đi từ một tình trạng cá nhân tiền thuộc từ tuyệt đối nguyên ủy... đến hiện hữu của một hữu thể hình học trong tính khách thể lý tưởng của nó ?" đã dẫn Husserl trong Nguyên ủy hình học đến chỗ suy nghĩ về ngôn ngữ . Tuy nhiên Lawlor nhận xét, trong tác phẩm Vấn đề khởi sinh đầu tay này, Derrida không theo đuổi tiếp vấn nạn này, hay xem giải đáp của Husserl ra sao. Phải đợi đến 1962, Dẫn nhập vào "Nguyên ủy hình học" của Husserl mới biến vấn đề khởi sinh thành vấn đề ký hiệu. Đó cũng là lý do tại sao Lawlor đặc biệt xét đến những bài viết xem như quan trọng, như "Khởi sinh và cấu trúc" và hiện tượng luận; Những cứu cánh của con người, Vấn đề khởi sinh trong triết học Husserl, Bạo lực và Siêu hình học, Tiếng nói và hiện tượng, những bóng ma của Marx của Derrida và Dẫn nhập nói trên là một chương trong sách nghiên cúu của ông, và chú trong đến cái ông gọi là "bước ngoặt ngữ học" của Derrida. Trong Dẫn nhập, Derrida chú trọng đến giải đáp của Husserl về vấn nạn phát sinh ra những đối tượng lý tưởng qua ngôn ngữ, và khám phá ra văn tự là điều kiện không giản lược của cảm giác và tri giác. Trong phân tích văn tự, ngoài phê bình hiện tượng luận, Derrida lập trình một thống nhất tuyệt đối, những khái niệm nguyên ủy vể khu biệt và diên trì/différance, những khó khăn đòi hỏi hiện tượng luận phải được hoàn tất bằng hữu thể luận.
Nếu như trong Vấn đề khởi sinh, Derrida gọi thống nhất tuyệt đối là một "biện chứng nguyên ủy", ở Dẫn nhập xác định biện chứng này trong cụm từ "khu biệt nguyên ủy của nguyên ủy tuyệt đối" và Derrida ý thức khái niệm diên trì từ Dẫn nhập này.[108]
-----------------------
[105] Husserl, Nguyên ủy hình học (bản dịch sang tiếng Pháp của Derrida): Est-ce qu'alors nous ne nous tenons pas devant le grand et profond horizon problématique de la Raison, de cette même Raison qui fonctionne en chaque homme, si primitif soit-il encore, en tant qu' "naimal rationale" ?[xem kỳ 37].
[106] Husserl, Sdt: [Elles ont] une racine dans la composante essentielle de l'universel humain, racine dans laquelle s'annonce une Raison téléologique traversant de part en part tout l'historicité. Ainsi s'indique une problématique originale qui se rapporte à la totalité de l'histoire et au sens total qui, en dernière instance, lui donne son unité. [xem kỳ 38].
[107] Leonard Lawlor, Derrida and Husserl: the basic problem of phenomenology 2002.
[108] L. Lawlor, Sdt: In Le Problème de la genèse, Derrida asks the question that leads Husserl in "The Origin of Geometry" to a consideration of language: "How do we pass from an absolutely originary pre-predicative individual state... to the existence of a geometrical being in its ideal objectivity" [Lawlor dịch. Nguyên văn tiếng Pháp là: "Comment passe-t-on d'un état individuel antéprédicatif absolument originaire... à l'existence d'un être géométrique dans son objectivité idéale ?" Bản dịch sang Anh ngữ The Problem of Genesis in Husserl's Philosophy của Marian Hobson xuất hiện năm 2003, sau sách dẫn trên của L:awlor.] In the earlier Le Problème de la genèse, however, Derrida pursues neither the question nor Husserl's answer to it. This happens in his 1962 Introduction to Husserl's "The Origin of Geometry". The Introduction to Husserl's "The Origin of Geometry" transforms the problem of genesis into the problem of the sign. We are entering into what we might call Derrida's "linguistic turn". ..
As in Le Problème de la genèse, Derrida here calls the absolute unity an "originary dialectic". But, unlike Le Problème de la genèse, the Introduction defines this dialectic in terms of "the originary difference of the absolute origin". Derrida nearly has conceived différance...
(c̣n tiếp)
Đặng Phùng Quân
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html
© gio-o.com 2015