ĐẶNG PHÙNG QUÂN
HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG
TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
biên khảo triết học nhiều kỳ
kỳ 62
(tiếp theo)
Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 , Kỳ 23 , Kỳ 24 , Kỳ 25 , Kỳ 26 , Kỳ 27 , Kỳ 28 , Kỳ 29 , Kỳ 30 , Kỳ 31 , Kỳ 32 , Kỳ 33 , Kỳ 34 , Kỳ 35 , Kỳ 36 , Kỳ 37 , Kỳ 38 , Kỳ 39 , Kỳ 40 , Kỳ 41 , Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62,
Chương II
Thiên-địa-không: nguyên ủy hình học
Đất là ngưỡng cửa nguyên thủy mở vào nguyên sử xác thân
Khi xác định "chỉ có một chúng nhân và một trái đất" ở trong những trang cuối của bản văn Lật đổ học thuyết Copernic, Husserl muốn khẳng quyết quan niệm hữu thể luận về trái đất, song trước hết như một tương quan thiên-địa-không, nghĩa là trời, đất và không gian như quyện vào một thể. Tại sao có thể đặt để như vậy? Khi phê phán cái nhìn sai của người theo Copernic mà Husserl còn gọi là tính ngây thơ/khờ khạo của khoa học duy khách quan coi mọi sự hiện thể là thế giới khách quan, không xét đến tác động của tính chủ thể, cho nên ông có thể xác quyết "trực quan thế giới/Weltanschauung", "trực quan không gian/Raumanschauung", "trực quan thời gian/Zeitanschauung", "nhân quả của tự nhiên/Naturkausalität" song hành với nhau.
Ngay từ mở đầu Lật đổ học thuyết Copernic, Husserl đã đề cập ngay đến xây dựng nền tảng cho một học thuyết hiện tượng luận về nguyên ủy của tính không (gian), tính thể của thiên (nhiên) theo chiều hướng những khoa học tự nhiên, cũng như xác định, trái đất trước hết đối với chúng ta là nền đất/Boden của kinh nghiệm, trở thành vật thể-nền đất/Bodenkörper ở một trình độ cao cấp của cấu thành thế giới khởi từ kinh nghiệm, "cũng như trong hình thành tiến triển của thông giác/Apperzeption thế giới, thống nhất của "trực quan thế giới" phải xác định khả hữu của thế giới, hiểu theo nghĩa là xây dựng một yếu tố cơ bản cho thực tại của thế giới"[170]. Cái lõi của kinh nghiệm hiện tại (hiểu theo nghĩa về mặt hiện thể, cái gì được kinh qua thế giới dưới mặt này hay mặt khác có giá trị, khởi từ tổng hợp kinh nghiệm phù hợp, như thể thực tại), với tính cách là cái lõi của kinh nghiệm thế giới, cái lõi của những gì nó qui định và được qui định như không gian cuộc chơi của những khả hữu/Spielraum von Möglichkeiten: điều đó có ý nghĩa là một không gian của những khả hữu phù hợp cứ tiếp tục lặp đi lặp lại. Rốt cuộc, thế giới được cấu thành "trong một vị thế địa bình ở đó hiện thể/Seiende được cấu thânh hiện thực trong những khả năng của Hữu (thể) luôn luôn qui định trước; hình thái thế giới được qui định trước, sau cùng đặt dưới thể những khái niệm và phê phán của hữu thể luận, "khảo sát" với những khái niệm và phê phán này."[171]
Không gian là một trong những khái niệm cơ bản của triết học hiện tượng luận Husserl. Tuy nhiên, theo như Didier Franck, một trong những dịch giả của Husserl sang tiếng Pháp, lại nhận xét trong những tác phẩm đã xuất bản của Husserl, ít chú trọng đến cấu thành không gian. Khi luận về hạn định trường sở của ngã và những sinh động của ngã trong xác thân, không chỉ thị ý nghĩa không gian xét về mặt khách quan. Franck dẫn chứng trong bản văn Trái đất như thể con tàu-nguyên ủy không chuyển động viết năm 1934 (tức Lật đổ học thuyết Copernic), Husserl toan tính đi ngược về nguyên ủy của tính không theo hướng những khoa học tự nhiên, đã viết: "Xác thân tôi: trong kinh nghiệm ban sơ, nó không có chuyển động tiệm tiến (Fortbewegung) hay ngưng nghỉ, song chỉ có chuyển động và ngưng nghỉ nội tại khác với những vật thể ngoại tại. [...] Dầu tôi đang đứng im hay đang bước, tôi có xác thân như thể trung tâm.[...] Xác thân tôi có trương độ, song không có di chuyển hay bất biến cục bộ, di động, tiến gần hay đi ra xa, bất động, thì gần hay xa", hiển nhiên chỉ ra tính phi-không gian của xác thân, Trong chính thế giới, xác thân không có ngoại quan, điều đó muốn nói, chính thế giới là một thế giới không có không gian.[172]
----------------------------------------------
[170] Husserl, Sdt: In aller Fortbildung der Weltapperzeption muss Einheit einer "Weltanschauung" die Weltmöglichkeit, die einen Grundbestand der Wirklichkeit der Welt ausmacht.
[171] Husserl, Sdt: in einer Horizonthalftigkeit , in welcher das Seiende als wirklich in allzeit vorgezeichneten Seinsmöglichkeiten konstituiert ist ; vorgezeichnet ist die von der Ontologie nachher auf Begriffe und Urteile gebrachte, mit ihnen "bedachte" Weltform.
[172] Didier Franck, Chair et Corps. Sur la phénoménologie de Husserl, 1981 : Cette non-spatialité de la chair est sans doute plus nettement mise en évidence dans le grand texte de 1934 intitulé: "L'arche originaire Terre ne se meut pas". Husserl, qui tente de remonter vers l'origine de la spatialité au sens des sciences de la nature, y écrit : "Ma chair: dans l'expérience primordiale, elle n'a ni mouvement progressif (Fortbewegung) ni repos, mais seulement mouvement et repos interne à la différence des corps extérieux. [...] Que je ne tienne tranquille ou que je marche, j'ai ma chair comme centre.[...] Ma chair possède l'extension, mais pas de changement ou de constance locaux comme un corps extérieur qui, mobile, se rapproche ou s'éloigne, immobile, est proche ou lointain."... dans le monde propre la chair n'a pas d'extériorité... Cela revient à dire que le monde propre est, rigoureusement, un monde sans espace.
(c̣n tiếp)
Đặng Phùng Quân
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html
© gio-o.com 2016