ĐẶNG PHÙNG QUÂN

HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG

TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI 

biên khảo triết học nhiều kỳ

kỳ 9

(tiếp theo)

 

Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 ,

 

Chương I

Khởi sinh từ triết lý toán học

 

Trong mối quan hệ giữa tập hợp và liên tục, Husserl nhận xét cái đặc thị lượng tính đối lập với những hình thái kết hợp khác riêng tư hơn là trong hoàn cảnh, chỉ là một kế tiếp đặt để những nội dung trong tương quan, trong khi ở những hình thái này còn có những quan hệ khác, do đó lượng tính trong trừu tượng không gì khác hơn một kế tiếp những nội dung bất kỳ nào đó xác định từ chính chúng. Những khái niệm số biểu hiện/repräsentiren những hình thái xác định lượng hay kế tiếp trong trừu tượng.

Ông cũng nêu ra những sai lầm về mặt tâm lý và luận lý, như dựa trên sự kiện tâm lý và ý thức hẹp hòi trong khi thậm xưng nó cũng như đưa ra một lý giải sai lạc. Nếu quả thực con số những nội dung đặc thù mà ta có thể chú ý ở mỗi thời khoảng rất bị hạn chế, kể cả trong trường hợp tập trung chú ý, nó rút lại vào một nội dung duy nhất, song không đúng là trong thời khoảng duy nhất gia dĩ chúng ta không bao giờ chỉ lo tới một nội dung duy nhất. Thực sự hiện hữu/die Thatsache của tư tưởng đề ra những tương quan và thiết lập những liên hợp, cũng như hiện hũu nói chung của tất cả những hoạt động phức tạp của tinh thần và linh hồn, mà lý luận này nại tới, chỉ ra một cách hiển nhiên là quan niệm của nó hoàn toàn phi lý.

Trong lý giải về ý thức hẹp hòi này, đưa tới sự kế tiếp thời gian của những biểu hiện phải đặt trong tiếp hợp, thay vì thiết lập khả hữu của tư tưởng tiếp hợp, ngược lại hiển nhiên chứng tỏ tính bất khà hữu của nó. Cho nên Husserl tự hỏi, kinh nghiệm há không chỉ ra cho chúng ta là luôn luôn chỉ có thể có một biểu hiện hiện tại duy nhất, và hoàn toàn có khả năng đặt nó tiếp hợp với một biểu hiện quá khứ?  Không phải vì một biểu hiện là quá khứ mà do đó nó tuyệt đối không hiện hữu. Một đáp án như vậy dựa trên những lý giải sai lầm của kinh nghiêm: Người ta không có quyền lẫn lộn những  biểu hiện  hiện tại với những biểu hiện của một cái gì thuộc hiện tại, cũng như những biểu hiện quá khứ với những biểu hiện thuộc quá khứ.

Husserl giải thích: mọi biểu hiện hiện tại không là một biểu hiện của cái gì thuộc hiện tại, còn tất cả những biểu hiện về một cái gì thuộc quá khứ rõ ràng ngoại lệ, vì thực tế, chúng là những biểu hiện hiện tại. Ông đưa ra ví dụ: chẳng hạn chúng ta nhớ một bài hát mà chúng ta đã nghe ngày hôm qua, biểu hiện cùa ký ức này vẫn là một biểu hiện hiện tại, nó chỉ được chúng ta qui về một cái gì thuộc quá khứ.  Nói tóm lại, những biểu hiện của nội dung hiện tại và những biểu hiện của nội dung quá khứ vẫn đồng thời ở đó trong ý thức của chúng ta, nghĩa là toàn bộ là những biểu hiện hiện tại. Đảo lại, chúng ta không thể nối những biểu hiện quá khứ, khi liên hệ chúng với nhau, hoặc với những biểu hiện hiện tại, vì thuộc về quá khứ, chúng không thể phản chuyển và biến đi mãi mãi.  

Husserl cũng nhấn mạnh đến sự kiện: mỗi biểu hiện tập hợp bởi những phần tử khác nhau phải cấu thành từ những hành vi kế tiếp  trong quan hệ của những nội dung bộ phận đặc thù, trong khi toàn thể đã hoàn tất và kết thúc chứa đựng mọi bộ phận cùng lúc, do những xác định thuộc thời gian khác nhau. Kế tiếp về thời gian là một yêu cầu tâm lý thiết yếu trong việc hình thành những biểu hiện số nhiều cũng như mọi biểu hiện của số.

Điều đó muốn nói kế tiếp trong thời gian cấu thành một điều kiện tâm lý tiên quyết thiết yếu để hình thành tuyệt đại đa số những khái niệm số và những lượng cụ thể cũng như mọi số nói chung phức tạp hơn. Husserl giải thích:

1) Những biểu hiện từng phần thống nhất trong biểu hiện lượng và đếm số thiết yếu phải hiện diện đồng thời trong ý thức của chúng ta.

2) Hầu như mọi biểu hiện lượng  và trong mọi trường hợp tất cả những biểu hiện số là kết quả của quá trình, là những toàn thể hình thành một cách kế tiếp khởi từ những nhân tố. Trong khuôn khổ này, mỗi nhân tố mang trong tự thân một xác định khác nhau về thời gian. [21]

Sau khi liệt cử Aristote, Kant (không kể những triết gia theo Kant xây dựng khái niệm số trên biểu hiện thời gian ) đến những trường phái chủ nghiệm triệt để nhất như Alexander Bain, về phía những nhà toán học như Rowan Hamilton gọi đại số học là "khoa học về thời gian thuần tuý" hay "khoa học về trật tự đang tiến triển", ở Đức như H. von Helmholtz có quan điểm tương tự. Husserl dẫn ra nhận xét lý luận thời gian chủ yếu đã ảnh hưởng đến số đông nhà thông thái thường đề ra nền tảng của sự phát triển những khái niệm về số, cũng như sự phát triển những nguyên lý số học là biểu hiện của dãy liên tiếp/suite thay vì biểu hiện của số nhiều.

Tập hợp, đếm số và khu biệt

Khi nói đến lượng là nói đến những đối tượng phân biệt với nhau, vì nếu chúng đồng nhất thì chỉ có một lượng những đối tượng, rõ ràng là một đối tượng duy nhất. Những biểu hiện khu biệt chủ yếu thuộc về biểu hiện của mỗi toàn bộ; hơn nữa khi chúng ta phân biệt những biểu hiện khác mỗi đối tượng đơn độc của toàn bộ này, với biểu hiện của khu biệt được cho đồng thời biểu hiện tính đồng nhất của mỗi đối tượng với chính nó. Trong biểu hiện một lượng cụ thể, mỗi đối tượng đơn độc được nghĩ như khu biệt với mọi đối tượng khác cũng như đồng nhất với chính nó.

Husserl nhận xét khái niệm tổng quát của lượng bắt đầu từ bất kỳ lượng cụ thể nào khi chúng ta đem mỗi nội dung này quan hệ với nội dung khác trong khi khu biệt, song đồng thời, hoàn toàn không kể đến cấu tạo nội tại đặc thù của những nội dung cụ thể đã cho, mà xét đến mỗi cái đơn giản như thể đồng nhất với chính nó.. Theo cách này khái niệm lượng hình thành như thể hình thái trống rỗng của khu biệt.

Khái niệm lượng đi đôi với khái niệm đơn vị. Khi chúng ta đếm số, sự vật được đếm đặt dưới khái niệm đơn vị, xem như một/als Eins. Điều đó có nghĩa xem sự vật đơn giản là cái gì đồng nhất tự nội và khu biệt với mọi thứ khác. 

Chính từ khái niệm hình thái trống rỗng của khu biệt do những xác định gia bội mà có những khái niệm số: chúng không là gì khác hơn là những hình thái chung của khu biệt, phân cách để có thể xếp hạng.[22]

Đối với những khái niệm khu biệt cả về mặt danh lẫn động từ, nói chung có nhiều trở ngại do những dị nghĩa góp phần một cách cơ bản vào những sai lầm đã nêu, chẳng hạn "phân biệt hay khu biệt chỉ ra hậu quả của một so sánh/Vergleichung, từ việc những nội dung coi như bằng nhau/gleich, hoặc khác nhau, nghĩa là không bằng nhau. Khu biệt ở đây chỉ thị ý nghĩa một cái gì đó thuộc tiêu cực, phủ định, phụ [thuộc về số], sự vắng mặt đơn giản của một tính tương đẳng/Gleichheit.. Trong trường hợp so sánh những nội dung dưới một quan hệ từ kết quả của bất tương đẳng/Ungleichheit, có thể ghi nhận một loại suy hay tiệm tiến, đó là những loại đặc thị của tương giao, trong đó biểu tượng/Vorstellung tương giao biểu hiện/repräsentirt, hoàn toàn như trong trường hợp tương đẳng, một nội dung biểu hiện tích cực thật sự. Những tương giao này cũng có thể gọi là những tương giao khu biệt, đặc biệt là danh từ phân biệt hay khu biệt thường dùng để chỉ những khoảng cách trong những dãy số/continua.

--------------------------- 

[21] Husserl, Sdt: le temps ne joue pour notre concept que le rôle d'une condition psychologique préalable et ceci d'une double manière:

1) Il est indispensable que les représentations de quantité et de la numération soient présentes en même temps dans notre conscience.

2) Presque toutes les représentations de quantité et en tout cas toutes les représentations de nombre sont des résultats de processus, sont des touts formés successivement à partir des éléments. Dans cette mesure chaque élément porte en soi une détermination temporelle différente.

[22] Husserl, Sdt: Những ý tưởng tương tự trong những công trình luận lý, như Wilhelm Schuppe giải thích "bản chất của số là không thể định nghĩa, vì trực tiếp suy ra từ nguyên tắc đồng nhất, cái này đặt bên cạnh cái kia, khu biệt với cái kia, do đó có phức số hay lượng"; Schuppe nêu ra những phán đoán đơn giản như đỏ không là lục hay xanh, a không là b hay c, và b không là a hay c, c không là a hay b tạo thành giả thiết của phạm trù số, vì có thể dùng số thay vì phân biệt đỏ, lục, xanh không phải là một, mà là ba, nghĩa là nói ba màu, cũng cùng để chỉ ba màu phân biệt; điều  không thể phân biệt, vì không thể đếm số, cái đó là một. Schuppe nhận xét: số, hay phát biểu phức số bằng một danh từ số xác định hay không xác định "chỉ khẳng định khu biệt mà không nêu rõ những khu biệt" [trong Erkenntnisttheoretische Logik/Luận lý nhận thức tri thức]. W. S. Jevons cũng đưa ra nhận xét gần với lý luận này khi xác định "số chỉ là danh từ khác để chỉ đa tạp; sự đồng nhất chính xác là đơn vị, và từ khu biệt sinh ra phức số" [trong The principles of science]. Husserl nhận xét, như vậy đối với Jevons, "số" hiểu theo nghĩa rộng có cùng biểu thị ý nghĩa như "phức số".Ngoài ra Jevons xác định số trừu tượng là hình thái trống rỗng của khu biệt vì "âm khác với ba màu, hay ba kỵ sĩ khác với ba con ngựa, song phù hợp đối với tính biến hóa những dấu hiệu đặc thị nhờ đó  chúng có thể được phân biệt. Những biểu hiệu 1 + 1 + 1 như vậy là những dấu hiệu trống rỗng báo hiệu hiện hữu của khu biệt". Lý luận của Jevons, theo Husserl thiếu một nền tảng tâm lý học thâm viễn hơn vì xây dựng trên những cơ sở chắc chắn cũng như phê phán có thể định thức từ đặc tính bất xác của những kết quả. Ông vấn nạn: Ai phân biệt ba với hai, bốn với ba v.v...? chỉ có thể trả lời vu vơ như: trong trường hợp của cả hai, có thể giải đáp: trong trường hợp hai, ghi nhận một tương giao khu biệt, trong trường hợp ba hai tương giao, trong trường hợp bốn ba tương giao v.v..? Cho nên trong thông tin trên không thể đầy đủ, hoặc "tính biến hóa những dấu hiệu" chỉ thị cùng một thứ như số, hoặc chỉ thị cùng một thứ như "hình thái khu biệt", song làm sao những hình thái này đặc thị về mặt tâm lý học những dấu hiệu này với những dấu hiệu kia, thế nào để chúng có thể nắm bắt được trong những xác định đặc thù, khu biệt rõ ràng chúng với nhau và nhờ đó có thể được chỉ danh bằng những tên khác nhau?  

 

(c̣n tiếp)

Đặng Phùng Quân
 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2015