ĐẶNG PHÙNG QUÂN
HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ý TƯỞNG
TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
biên khảo triết học nhiều kỳ
kỳ 20
(tiếp theo)
Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 ,
Chương I
Khởi sinh từ triết lý toán học
Sau khi Husserl ra sách Triết lý số học năm 1891, Frege đã cho in bài phê bình [mà Claire Ortiz Hill, một người theo-Husserl gọi là "một bài phê bình lạm dụng, gây thiệt hại"*] tác phẩm nói trên của Husserl in trong tập san Triết học và phê bình triết học năm 1894. [63]
Mở đầu bài phê bình, Frege muốn nhấn mạnh đến trong Dẫn nhập, tác giả chỉ xét đến đối tượng của khoa số học là số cơ bản/cardinalia do đó đưa ra thảo luận phức số, số nhiều, tổng thể, toàn thể, tập hợp, dãy số dùng như thể về cơ bản đồng nghĩa; khái niệm số cơ bản được giả định khác với điều này. Tuy nhiên, Frege nhận xét, tương quan luận lý giữa số nhiều và số vẫn mơ hồ, như khi Husserl xác định "khái niệm đếm số bao gồm cùng những hiện tượng cụ thể như khái niệm phức số, dầu chỉ do cơ vi mở rộng những khái niệm chủng loại, những con số hai, ba, bốn, v.v..." có thể nói là chúng cùng trương độ; mặt khác lại giả định phức số bất định và khái quát hơn số. Theo Frege, vấn đề có lẽ minh nhiên hơn nếu như khu biệt được việc rơi vào một khái niệm và phụ thuộc. Husserl đã toan tính một phân tích khái niệm phức số. Những số xác định, cũng như khái niệm thông tính của số tiền giả định chúng đã được giả định hiện xuất từ nó qua những phương tiện xác định. Như vậy là đi từ cái tổng quát xuống cái đặc thù, và ngược lên lại.
Frege xét tiếp đến khái niệm tổng thể theo Husserl là những toàn thể mà thành phần liên lạc một cách tập hợp; liên lạc tập hợp không ở chỗ hữu của những nội dung đồng thời ở trong nhận thức, cũng không xuất hiện lần lượt trong nhận thức, ngay cả không trong không gian vốn là nền tảng của thống nhất. Frege dẫn trong nguyên văn Triết lý số học, Husserl quan niệm "liên lạc chỉ ở trong hành vi thống nhất; song ngoài hành vi, không có một nội dung quan hệ nào khác với chính hành vi như kết quả tạo ra của nó" [64]. Liên lạc tập hợp là một tương giao biệt loại/sui generis. Husserl kế tiếp theo J. St.Mill giải thích "tương giao" hiểu theo nghĩa là tình trạng ý thức hay hiện tượng trong đó những nội dung liên hệ - những cơ sở của tương giao - được chứa đựng [65]. Husserl cũng phân biệt những tương giao sơ đẳng với những tương giao tinh thần. Frege dẫn: Nếu một hành vi tinh thần thống nhất trên nhiều nội dung, khi đó đối với chính nó, những nội dung liên kết hay quan hệ với nhau. Nếu chúng ta hoàn tất một hành vi như vậy, tự nhiên chúng ta hoài công đi tìm một quan hệ hay một liên lạc trong nội dung biểu hiện nó bao hàm (trừ phi ờ đó hơn nữa còn có một tương giao sơ đẳng). Những nội dung rõ ràng chỉ thống nhất ở đây từ hành vi, và chỉ nhờ vào một phản tư đặc thù trên hành vi mà sự thống nhất này có thể được chú ý.[66]
Về quan niệm phức số của Husserl, Frege dẫn: "Lượng phức số nói chung... không gì khác hơn là một vật nào đó và một vật nào đó và một vật nào đó, v.v...; hay vắn tắt hơn: một và một và một, v.v..." và nhận xét, nếu bỏ cái bất định ở từ ngữ "v.v..." đi, dẫn đến những con số một và mộ; một, một và một; một, một, một và một; v.v... như vậy có thể đi thẳng đến những khái niệm này một cách trực tiếp, bắt đầu bằng bất cứ lượng phức số cụ thể nào vì mỗi lượng phức số này sắp đặt ở một trong những khái niệm này đã được xác định.[67]
Rốt cuộc trong việc phân tích khái niệm đếm số này, không kể đến cấu tạo nội tại đặc thù của những nội dung đơn độc tập hợp, chỉ xét đến mỗi nội dung đó trong khuôn khổ chúng là một vật hay một số một, và như vậy, đối với mối liên lạc tập hợp của chúng, ta nhận được hình thái chung của lượng phức số thuộc vào lượng phức số hiện tại: một và một, v.v..., và một, hình thái mà một danh từ số đã xác định liên hợp.[68]
Sau khi dẫn chứng tự nguyên văn trình bày những tư tưởng cơ bản trong phần thứ nhất Triết lý số học, như trong những kỳ trước tôi đã luận những vấn đề chủ yếu về cả hai mặt tâm lý và luận lý liên quan đến những khái niệm cơ bản của triết lý số học, Frege đi tới nhận xét: Husserl toan tính đưa ra một quan niệm tự nhiên về số với chứng thực khoa học; ông xác định bất cứ tư kiến nào gọi là tự nhiên nếu như theo đó, một phát biểu số không phải là quyết đoán về khái niệm hay mở rộng một khái niệm. Nói chính xác hơn, một tư kiến gọi là tự nhiên nếu như những khó khăn đối mặt với nó không biết được. Tư kiến tự nhiên nhất là theo đó, con số là một vật giống như một đống, một tụ ở trong đó, mọi vật chứa đựng khóa, tồn trữ và đóng thùng; quan niệm số như một sở hữu của đống, do đó cần thiết phải tẩy rửa những đối tượng đặc thù của chúng. Toan tính này thuộc những gì lo việc tẩy rửa trong chậu giặt tâm lý. Sự chộn lộn giữa tâm lý học và luận lý học ngày nay khá phổ thông cung cấp những bọt xà bông tốt cho mục đích này.
Đến đây, người ta có thể thấy khá rõ mấy vấn đề Frege phê phán trong bài phê bình Triết lý số học của Husserl.
------------------------------
* "a damaging, abusive review", Ortiz Hiil trong bài "Frege's attack on Husserl and Cantor", in Husserl or Frege? trong chú thích [62].
[63] G. Frege, "Rezension von E. Husserl: Philosophie der Arithmetik", in Zetschrift für Philosophie und philosophische Kritik 103, 1894
[64] bản tiếng Đức Philosophie der Arithmetik, trang 43: Nicht aber besteht neben dem Acte ein von ihm selbst verschiedener Beziehungsinhalt als dessen schöpferisches Resultat, wie es die von uns bekämpfte Ansicht überall voraussetzt.
[65] Sdt, trang 70-71: Der Ausdruck Bewusstseinszustand (state of mind) ist hier nicht etwa als psychischer Act zu verstehen, sondern muss in dem weitesten Sinne genommen werden, derart, dass er in dem Umfange seiner Bedeutung geradezu mit 'Phaenomen' übereinstimmt...(Um nun unseren Sprachgebrauch zu fixiren, setzen wir fest,) dass unter 'Relation' jenes complexe Phaenomen, welches die Grundlage für die Bildung der relativen Attributs bildet, und dass unter 'Fundament der Relation' ... jeder der bezogenen Inhalte zu verstehen sei.
[66] Sdt, trang 73: Richtet sich auf mehrere Inhalte ein einheitlicher psychischer Act, dann sind im Hinblick auf ihn die Inhalte verbunden oder auf einander bezogen. Vollziehen wir einen solchen Act, dann würde wir natürlich im Vorstelungsinhalte, den er einschliesst, vergeblich nach einer Beziehung oder Verbindung suchen (es sei denn, dass überdies noch eine primäre Relation da wäre). Die Inhalte sind hier eben nur durch den Act geeinigt, und es kann daher erst durch eine besondere Reflexion auf ihn diese Einigung bemerkt werden.
[67] Sdt, tr. 85, 87: Vielheit im Allgemeinen, so können wir uns jetzt ganz einfach und ohne jede Umschreibung ausdrücken, ist nichts weiter als: irgend Etwas und irgend Etwas und irgend Etwas, u. s. w.; oder irgend Eines und irgend Eines und irgend Eines, u. s, w.; oder kürzer: Eins und Eins und Eins u. s. w.
Wir kommen direct zu denselben, ausgehend von beliebigen concreten Vielheiten, denn eine jede fällt unter einen und zwar einen bestimmten dieser Begriffe.
[68] Sdt, tr. 88: Absehend von der besonderen Beschaffenheit der zusammengefassten Einzelinhalte,
betrachtet und behält man einen jeden nur, insofern er ein Etwas oder Eins ist, und gewinnt so, mit Rücksicht auf die collective Verbindung derselben, die zu der vorliegenden Vielheit gehörige allgemeine Vielheitsform: Eins und Eins u. s. w., und Eins, mit welcher ein stimmter Zahlname associirt ist.
(còn tiếp)
Đặng Phùng Quân
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html
© gio-o.com 2015