ĐẶNG PHÙNG QUÂN

HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG

TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI 

biên khảo triết học nhiều kỳ

kỳ 52

 (tiếp theo)

 

Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 , Kỳ 23 , Kỳ 24 , Kỳ 25 , Kỳ 26 , Kỳ 27 , Kỳ 28 , Kỳ 29 , Kỳ 30 , Kỳ 31 , Kỳ 32 , Kỳ 33 , Kỳ 34 , Kỳ 35 , Kỳ 36 , Kỳ 37 , Kỳ 38 , Kỳ 39 , Kỳ 40 , Kỳ 41 , Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45,  Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52,    

 

Chương II

Thiên-địa-không: nguyên ủy hình học

 

 

Đất là ngưỡng cửa nguyên thủy mở vào nguyên sử xác thân

Trong Dẫn nhập vào Nguyên ủy hình học, Derrida nhận xét Husserl khi luận về khởi sinh hình học "đã từ bỏ những giảm trừ ý tượng và siêu nghiệm và trở lại với lịch sử cấu thành, trong đó xét đến chính những sự kiện trở nên cần thiết", bởi đây là lần đầu, xem như nguyên ủy lịch sử đặc thù, sự kiện lập ra không thể thay thế, do đó bất biến, và trong ghi chú [38] cuối trang, Derrida nói đến lý giải của Trần Đức Thảo trong Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng,  đã mạnh mẽ hướng đến một loại kết luận như vậy. Ở cuối hành trình của Husserl, việc trở về với "những hình thái kỹ thuật và kinh tế của sản xuất" (về mặt từ ngữ, trong ngôn ngữ Husserl, là trở về với nguyên nhân tính thực, sự kiện, và ngoại tại bên ngoài mọi giảm trừ) xem ra tất nhiên với Thảo, khi nghĩ Husserl đã "mơ hồ" từ bỏ điều này vào lúc viết Nguyên ủy hình học: "vả lại đó là điều Husserl cảm thấy mơ hồ khi đi tìm, trong đoạn viết nổi tiếng về Nguyên ủy hình học, xây dựng chân lý hình học trên thực tiễn của con người" (TĐT, tr. 220). "Minh giải hiện tượng luận như vậy hướng về sự xác định những điều kiện thực tế đẻ ra chân lý" (TĐT, tr. 221). Giảm trừ của Husserl không bao giờ có ý nghĩa (còn trái lại là đằng khác) của phủ định -  của không biết hay của quên lãng để "rời bỏ" những điều kiện thực của cảm xúc và sự thực nói chung ngõ hầu "trở lại" hay không, ngõ hầu "vượt qua " hay không, đến phân tích thực [của điều gì] (vì cảm giác không là gì khác hơn cảm giác của thực tại hay của sự thực). Nói khác đi, giảm trừ của ông có thể tỏ ra vô ích và giả trá, và "sự trở lại" với một chủ nghĩa duy sử thường nghiệm, tất nhiên . Tuy vậy, điều đó không tỏ ra là trường hợp với chủ nghĩa duy vật biện chứng, "chúng ta ở trên một bình diện đến sau giảm trừ, giảm trừ này đã xóa bỏ quan niệm trừu tượng của tự nhiên, song không phải tự nhiên thực sự hàm ngụ trong sự phát triển của nó toàn thể vận động của tính chủ thể" (TĐT, tr. 227-28).[125]    

Trong bài viết dẫn trên (năm 1993, tưởng niệm Trần Đức Thảo vừa qua đời, xem chú thích [124] gio-o kỳ 51), tôi nói đến phê phán của Trần Đức Thảo về hiện tượng luận có giá trị ở chỗ mô tả được cái sinh động (le vécu) làm nền tảng cho mọi ý nghĩa chân lý, nhưng quan điểm trừu tượng của nó đã không cho phép nhìn thấy nội dung vật chất của đời sống khả xúc, do đó tất cả cơ sở của sự cấu thành thế giới (Weltkonstitution) mang tính cách thường hằng triệt để. Tóm lại, công trình hiện tượng luận là một vận động biện chứng có tính cách tư duy trong khi thực hành. "Nó phải nhường bước cho chủ nghĩa duy vật biện chứng, coi như chân lý của chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm".[126]

Merleau-Ponty mở đầu giảng khoa từ việc luận về những hạn chế của hiện tượng luận, tính cách phê phán không như Thảo khi đi tìm ra chân lý của chủ nghĩa duy tâm là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ông đi tìm lãnh hội triết học sau cùng của Husserl quan hệ đến những vấn đề hiện đại, tiếp chạm với những vấn để đang diễn ra của chúng ta, cũng như với diễn ngôn như thể cơ sở nền tảng/Stiftung toàn diện. Tuy nhiên, Merleau-Ponty khẳng định không lý giải toàn bộ liên hợp của Husserl, mà chỉ đề ra triết học sau cùng này chứa đựng những điều khác với triết học thời kỳ đầu của Husserl. Khi nói đến triết học sau cùng của Husserl, hàm ngụ nói đến những môn đệ cũng như những người theo Husserl, mà Merleau-Ponty phân chia ba thế hệ: những học trò cũ của Husserl ở tuổi 60 - tức giai đoạn Husserl dạy và viết trong khoảng 1900 đến 1938; thế hệ thứ hai ở  tuổi 50 [tính đến 1960, thời điểm giảng khoa của Merleau-Ponty], như Fink (1905-1975) trợ giáo của ông, chỉ viết bên lề Husserl (chẳng hạn, thiên Suy niệm VI theo Descartes /VI Cartesianische Meditation) rồi trái lại xét đến hiện tượng luận từ bên ngoài; thế hệ thứ ba ở tuổi 40, như Suzanne Bachelelard (1919-2007) nghiên cứu Luận lý hình thức và siêu nghiệm của Husserl/La Logique de Husserl, Étude sur Logique formelle et Logique transcendentale, đứng ở ngoài những bản văn mới đây; điều này hàm ngụ cả những bản văn của Heidegger trong giảo trình của Merleau-Ponty về ngôn ngữ, khi nhận xét: triết học sau cùng của Husserl đôi khi hội tụ với tríết học Heidegger, mặc dầu không ai trong họ nói ra. Không kể đến những dị luận nhiều mặt, Merleau-Ponty nhận xét điểm chung giữa họ ở chỗ Husserl nhìn nhận có khủng hoảng của tính thuần lý và Heidegger không phải là nhà phản lý.. Ông khẳng định: lịch sử triết học tréo ngang lịch sử chính trị, chứ không song song; chỉ có thuyết nhị nguyên thiện/ác Manichaeus về hành động, không phải về triết học.[127]  

Không xét đến sự tương phản giữa Husserl và Heidegger, ông dẫn lời Heidegger trong Nguyên tắc lý trí: khi nói đến công trình của nhà tư tưởng tạo ra càng lớn, không trùng lắp với sự mở rộng và con số những bản văn, cái phi tưởng càng phong phú trong công trình này, có nghĩa là cái gì thông qua công trình tư tưởng này nhất định chưa hề được tư duy,[128] và đặt dấu hỏi: Tư duy: liên quan đến phi tưởng/umgedachte ? Từ đó đặt vấn đề lịch sử triết học: một tư tưởng không là những ý tưởng, đó là giới hạn của một phi tưởng, vậy làm sao phục hồi nó ?

Như đã nói đến ở trên, Merleau-Ponty xác định lĩnh hội triết học sau cùng của Husserl cũng liên quan đến những vấn đề của chúng ta ở đây, nghĩa là tiếp chạm với ngôn từ đó như một cơ sở toàn diện: phi tưởng chỉ xuất hiện ở tiếp chạm. Lịch sử triết học theo Husserl nói đến như thể "thi vị của lịch sử triết học", cho nên "cái đầu tiên tự tại lịch sử là cái hiện tại của chúng ta", vì mọi cái hiện hữu là hiện hữu cho chúng ta. [129]

Triết học theo Husserl xây dựng qua sản xuất/Erzeugung, cho nên Merleau-Ponty nhận xét trong những bản văn gần đây [từ những công trình để lại của Husserl được giải mã tốc ký] thường không liên tục, bao gồm những lặp lại, hiệu đính, v.v... cho nên nguyên tắc của ông là chọn những bản văn tương đối hoàn chỉnh và thích nghĩa đối chiếu với những bản văn khác. Nguyên ủy hình học là tiêu biểu bản văn hoàn chỉnh.                                                                                                                                                        

-----------------------------

[125] Derrida, Sdt: Những đoạn trong dấu ngoặc "..." Derrida trích dẫn từ sách kể trên của Trần Đức Thảo: "C'est d'ailleurs ce que Husserl pressentait obscurément quand il cherchait, dans le fragment célèbre sur l'Origine de la géométrie, à fonder la vérité géométrique sur la praxis humaine"(tr.220). "L'explicitation phénoménologique s'orientait ainsi vers la détermination des conditions réelles où s'engendre la vẻrité"(tr. 221); "Nous nous trouvons ainsi sur un plan postérieur à la réduction, celle-ci ayant supprimé la conception abstraite de la nature mais non pas la nature effectivement réelle qui implique dans son développement tout le mouvement de la subjectivité" (in nghiêng của TĐT, tr. 227-28, chú thích cuối trang).

[126] Trần Đức Thảo, Sdt: Nous aboutissons au contraire au matérialisme dialectique, comme vérité de l'idéalisme transcendantal.

[127] Merleau-Ponty, Sdt: Philosophie finale de Husserl quelque fois convergente avec celle de Heidegger, sans que l'un ni l'autre ne le dise ... Husserl et Heidegger ont en commun ceci: le premier admet une crise de la rationalité et le second n'est pas irrationaliste. L'histoire de la philosophie croise l'histoire politique et n'est pas parallèle. Manichéisme* de l'action mais non manichéisme de la philosophie.                                                                    

*Bị chú: Manichéisme: từ chữ Manikhaios, tên tiếng Hy lạp gọi cho tên tiếng Ba tư là Mani, hay Manès: 1/ học thuyết - dị giáo - dưới ngòi bút của Mani, giản trừ thế giới vào ba thời kỳ: quá khứ, hay tình trạng của một nhị nguyên hoàn toàn giữa những bản thể của Thiện và Ác; hiện tại bị ô uế vì trộn lộn những thành tố cơ bản này; và tương lai, hứa hẹn lại phục hoạt phân ly chúng; 2/ nói rộng ra, mọi lý giải giáo điều cái thực theo nghĩa thiện và ác. (theo Đại từ điển triết học Larousse 2003, Michel Blay chủ trương).

Theo Từ vựng triết học, Manichéisme để nói đến mọi quan niệm triết lý nhìn nhận hai nguyên lý vũ trụ đồng vĩnh cửu, một nguyên lý thiện, một nguyên lý ác. (André Lalande, Vocabulaire technique et critique de la philosophie, xb lần thứ tư, 1997).                                                                                             

[128] Heidegger, Der Satz vom Grund: Je gröβer das Denkwerk eines Denkers ist, das sich keineswegs mit dem Umfang und der Anzahl seiner Schriften deckt, um so reicher ist das in diesem Denkwerk Ungedachte, d.h. jenes, was erst und allein durch dieses Denkwerk als das Noch-nicht Gedachte heraufkommt.

Bị chú: Grund hiểu theo từ Vernunftsgrund: lý trí.

[129] Merleau-Ponty, Sdt: L'impensé ne peut apparaître qu'au contact. Hitore de laa philosope comme "poésie de l'histoire de la philosophie" (Husserl). Das historisch an sich Erste ist unsere Gegenwart... car tout ce qui est est pour nous.     

Đính chính: trong kỳ 51, người viết phần giới thiệu [tr. 5-10]  Notes de cours sur l'Origine de la géométrie de Husserl của Merleau-Ponty là Franck Robert, thay vì Renaud Barbaras (chủ trương biên tập và viết bài Tựa [tr.1-2]).

 

(c̣n tiếp)                                                                                           

Đặng Phùng Quân
 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2016