ĐẶNG PHÙNG QUÂN

HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG

TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI 

biên khảo triết học nhiều kỳ

kỳ 60

 (tiếp theo) 

 

Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 , Kỳ 23 , Kỳ 24 , Kỳ 25 , Kỳ 26 , Kỳ 27 , Kỳ 28 , Kỳ 29 , Kỳ 30 , Kỳ 31 , Kỳ 32 , Kỳ 33 , Kỳ 34 , Kỳ 35 , Kỳ 36 , Kỳ 37 , Kỳ 38 , Kỳ 39 , Kỳ 40 , Kỳ 41 , Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45,  Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60,    

 

Chương II

Thiên-địa-không: nguyên ủy hình học

 

Đất là ngưỡng cửa nguyên thủy mở vào nguyên sử xác thân

 

Trong bản văn Lật đổ học thuyết Copernic,với một tiêu đề phụ : Trái đất như thể con tàu-nguyên ủy không chuyển động [163], rõ ràng như để đối nghịch với câu nói thời danh của Galilée: eppur si muove/và tuy thế nó vẫn chuyển động, mà chính Husserl nhắc lại và hỏi, nếu như ngược lại: trái đất không chuyển động thì sao ?

Như đã nói ở trên [kỳ 59],trái đất không là vật thể/Körper như những người theo Copernic, mà là nền đất của kinh nghiệm/Erfahrungsboden, như Husserl xác định: "Trái đất" như thể nền-đất duy nhất không thể kinh qua theo ý nghĩa ngưng nghỉ và do đó không thể kinh qua theo ý nghĩa như một vật thể, nếu "một" vật thể không những có trương độ và phẩm chất song còn có "cơ sở/Ort" của nó trong không gian, với tính cách khả dĩ có thể biến đổi, và chuyển động hay ngưng nghỉ. Bao lâu mà tôi không có biểu hiện về một nền đất mới như thế, khởi từ chỗ mà trái đất trong hành trình liên lạc và vòng quanh của nó có thể mang ý nghĩa như là vật thể rắn chắc/ ge- schlossener Körper trong chuyển động và nghỉ, cũng như bao lâu mà tôi không đắc thủ biểu hiện về một trao đổi những nền đất, cũng như một biểu hiện chuyển hóa cả hai nền thành vật thể, cũng như bao lâu chính trái đất là một nền đất, không là một vật thể. [164]

Có một từ ngữ then khóa trong bản văn: Erdboden/nền-đất, như Husserl xác định: Chắn hẳn không phải theo nghĩa là nó ở thể nghỉ trong không gian, trong khi nó vẫn có thể chuyển động song (như chúng ta nỗ lực chứng tỏ ở trên) : nó là thực thể đầu tiên, có thể khả hữu cho ý nghĩa của mọi chuyển động và mọi ngưng nghỉ  như phương thức của một chuyển động. Ngưng nghỉ của nó  không là phương thức của một chuyển động. [165]

Có một từ ngữ về mối liên hệ giữa trái đất và không gian: Erdraum, như Husserl xác định: Chúng ta có một không gian ở xung quanh như thể hệ thống của những cơ sở - nghĩa là như hệ thống những cứu cánh khả hữu của những chuyển động vật thể. Trong hệ thống này, mọi vật thể ở trên đất có một "vị trí" đặc thù, trừ chính trái đất.[166]

Ông cũng giả định, có thể khác đi nếu như con người đắc thủ một  "khả năng tư duy' sự thay đổi những nền đất. Nêu ra một phản bác: cái khó của cấu thành trái đất như là vật thể không phải khá thậm xưng ? Tuy nhiên trái đất là một toàn thể những thành phần bao hàm, mà mỗi thành phần thực sự có thể phân chia ra và là một vật thể, mỗi thành phần lại có một cơ sở của nó - và trái đất cũng sở hũu một không gian nội tại với tính cách là một hệ thống những cơ sở và một tổng thể cục bộ đối với một khả phân tính toàn diện. Chính vì lý do đó mà mỗi vật thể có cơ sở của nó xét  về mặt thành phần. Tuy nhiên, không gian nội tại và không gian ngoại tại của trái đất chỉ hình thành một không gian duy nhất. Vậy làm thế nào trái đất như một "toàn thể" lại chuyển động ? Cơ sở của nó trong không gian vũ trụ quả thực có là một "cơ sở" cho trái đất ? Mặt khác, không gian vũ trụ thực sự có là hệ thống những cơ sở của mọi vật thể phân ra thành những phần tử hàm chứa trong trái đất ? Đâu là những kỳ tích của "trực quan không gian/Kuriositäten der "Rauman-  schauunng" như chúng ta biết không gian ở trình độ này ?

Như vậy phải xét đến những vật thể ngoại tại/Auβenkörper, những xác thân/Leib, "xác thân tôi" và "xác thân của tha nhân".    

Xác thân tôi trong kinh nghiệm nguyên ủy cũng như Boden chỉ có vận động nội tại/Innen-bewegung, nghĩa là không vận động như mọi sự vật, trong khi xác thân của những thể khác là những vật thể chyển động và ngưng nghỉ, nghĩa là di động/Fortbewegung.

Trái đất đối với tất cả vẫn là cùng trái đất mà cùng những vật thể ngự trị trên nó, trong nó v.v..., cùng những chủ thể hiện thân, những chủ thể của xác thân là những vật thể. Tuy nhiên đối với chúng ta, trái đất là nền đất, không là vật thể theo nghĩa đầy đủ.

Husserl đưa ra ví dụ cụ thể:  giả sử tôi là một con chim và có thể bay/sei angenommen, dass ich ein Vogel wäre und fliegen könnte - hay nói đúng ra; tôi coi những con chim đồng thuộc về trái đất; con chim ở trên cành hay đậu trên nền đất, nhẩy loanh quanh và rồi bay lên: nó cũng như tôi trong kinh nghiệm và hành động của nó khi nó ở trên trái đất, cảm thấy đất, những vật thể khác, cũng như những con chim khác, xác thân khác và bản ngã-xác thân v.v... như tôi.

Một ví dụ khác khi ông nói về "quan hệ vật thể- nền đất/Relative Bodenkörper": tôi có thể ở trong xe hơi đang chạy khi đó là vật thề-nền đất của tôi, tôi cũng có thể đang được chở đi trên một toa xe lửa, khi đó vật thể-nền đất của tôi trước tiên là cơ thể mang tôi trong những vận động của tôi và đối với điều này,lại là toa xe. Xe được kinh qua như ở thể nghỉ; song nếu tôi nhìn ở ngoài, tôi nói nó chuyển động, dù là ở ngoài tôi trông thấy chính phong cảnh đang chuyển động. Tôi biết là tôi đang lên xe, tôi đã thấy những xe đang chuyển động, với người ở trong xe, tôi biết là mọi người cũng như tôi khi tôi đã ở trong xe, đều thấy thế giới xung quanh đang chuyển động. Tôi biết  là phương thức kinh nghiệm chuyển động và ngưng nghỉ đảo ngược  khởi từ xe mà tôi thường lên xuống. Song tất cả điều đó trước tiên liên quan tới nền đất  của mọi quan hệ vật thể-nền đất, với trái đất-nền đất/Erdboden: mọi môi giới hàm ngụ trong thông giác, để bảo chứng, có thể nại tới trong sự phù hợp.

Phải có một nền đất/Boden qui chiếu mọi kinh nghiệm của vật thể, mọi kinh nghiệm của hữu thể trì chí trong chuyển động và ngưng nghỉ.

Vấn đề đặt ra là, xác thân tôi cũng như nền đất , khác với trái đất, chỉ có vận động nội tại, như nói đến ở trên, chuyển động đây đó không là hai vị trí khách quan mà ở nội tại, tương quan với "nền đất/Boden".

Đối với chúng ta, con người ở trên trái đất, chim và mảy bay đều chuyển động, và điều đó đối với chính chim và người trong máy bay cũng đều chứng tỏ trái đất như' "vật thể"-căn nguyên, "vật thể"-nền đất. Còn đối với những tinh tú thì sao; để có kinh nghiệm về những ngôi sao này, nhận thức gián tiếp chúng như vật thể, tôi phải xem mình ở trên trái đất như thể nền đất-căn nguyên/Stamm-Boden  của tôi. Có thể người ta sẽ nói: không khó nếu như ta và chúng ta có thể bay và có hai trái đất như vật thể-nền đất và từ trái đất này bay qua trái đất kia. Như vậy cái này trở thành vật thể của cái kia. Song hai trái đất chỉ thị ý nghĩa gì ? Husserl xác định: Hai mảng của một trái đất với một chúng nhân. [167]

Hai mảng này tập tụ thành một nền đất và đồng thời mảng nọ là vật thể đối với mảng kia. Chúng có không gian chung quanh chúng, trong đó mảng này như là vật thể ngẫu nhiên có một cơ sở lưu động, song chuyển động thường quan hệ với vật thể kia và không quan hệ với nền đất nguyên hỉnh tập tụ của chúng. Cơ sở của mọi vật thể có tính quan hệ này do từ đó vấn nạn đặt ra cho chuyển động và ngưng nghỉ là: hai vật thể-nền đất tương quan với cái gì ?

Vấn nạn không chỉ đối với Trái đất-nền đất/Erdboden cấu tạo với không gian chung quanh những vật thể, xác thân tôi và tha thể với những chân trời mở ra, song cả với những vật thể, người và động vật ở trái đất và ngoài trái đất, khả hữu cả với Erdboden mở rộng có thể trong không gian của trái đất-nền đất thứ nhất , có vô số những con tàu không gian bay lượn từ lâu đời: tôi sinh ra trên một trong những con tàu đó, gia đình tôi sống ở đó, là nền đất mà cho đến khi tôi hiểu biết, chúng ta chỉ là những khách du hành trên Trái đất lớn này, cũng có thể tập tụ vô số những cơ sở-nền đất, những căn cơ-bếp lửa thành một căn cơ-đất duy nhất. Phải chăng trái đất tạo thành đồng thời từ thân và thể/mit Leiblichkeit und Körperlichkeit ?

 

 

--------------------------------

[163] Husserl, Umsturz der Kopernikanischen Lehre in der gewöhnlichen weltanschaulichen Interpretation. Die Ur-arche Erde bewegt sich nicht. Grundlegende Untersuchungen zum phänomenologischen Ursprung der Räumlichkeit der Natur, D17 Farber xb in trong Philosophical Essays in Memory of Edmund Husserl, 1940.

Bị chú: Bản dịch tiếng Pháp: L 'arche-originaire Terre ne se meut pas. Recherches fondamentales sur l'origine phénoménologique de la spatialité de la nature của Didier Franck in La Terre ne se meut pas, 1989; bản dịch tiếng Anh:  Foundational Investigations of the Phenomenological Origin of the Spatiality of Nature của Fred Kersten in  Husserl: Shorter Works, 1981.

[164] Husserl, Sdt: Die "Erde" als der einheitliche Erdboden kann nicht in dem Sinne ruhend und somit nicht in dem Sinne als ein Körper erfahren werden wie eben "ein" Körper, der nicht nur seine Extension hat und seine Qualifizierung, sondern auch im Raume seinen "Ort", aber als seine Ort möglicherweise wechselnd und ruhend oder bewegt. Solange ich keine Vorstellung habe von einem neuen Boden, als einem solchen, von wo aus die Erde im zusammenhängenden und in sich zurückführenden Gehen als ein geschlossener Körper in Bewegung und Ruhe Sinn haben kann, und solange ich keine Vorstellung gewinne von einem Austausch der Böden und einem dadurch zum Körper Werden beider Böden, solange ist eben die Erde selbst Boden, aber kein Körper.    

[165] Husserl, Sdt: Freilich nicht so, dass sie im Raum ruht, obschon sie sich bewegen konnte, sondern (wie wir es oben dazustellen versuchten) : sie ist die Arche, die erst den Sinn aller Bewegung ermöglict und aller Ruhe als Modus einer Bewegung. Ihr Ruhen aber ist kein Modus einer Bewegung.

Xem chú thích [148].

[166] Husserl, Sdt: Einen umgebenden Raum haben wir als Ortssystem - d.i. als System möglicher Enden von Körperbewegungen. Aber darin haben wohl alle irdischen Körper, aber nicht die Erde selbst eine jeweilige "Stelle".

[167] Husserl, Sdt: Aber was heiβt zwei Erden ? Zwei Stücke einer Erde mit einer Menschheit.

 

Đính chính:Trong hai kỳ 58 và 59, những chú thích bị ghi lầm số, xin sửa lại là:

kỳ 58: chú thích [151] đến [155] xin đọc là [156] đến [160];

kỳ 59: chú thích [156] đến [157] xin đọc là [161] đến [162].    

 

(c̣n tiếp)                                                                                           

Đặng Phùng Quân
 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2016