ĐẶNG PHÙNG QUÂN
HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG
TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
biên khảo triết học nhiều kỳ
kỳ 24
(tiếp theo)
Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 , Kỳ 11 , Kỳ 12 , Kỳ 13 , Kỳ 14 , Kỳ 15 , Kỳ 16 , Kỳ 17 , Kỳ 18 , Kỳ 19 , Kỳ 20 , Kỳ 21 , Kỳ 22 , Kỳ 23 , Kỳ 24 ,
Chương I
Khởi sinh từ triết lý toán học
Dự án của Triết lý số học gồm hai phần: phần một về nghiên cứu tâm lý học và phần hai về nghiên cứu luận lý học. Phần I, tức tập một/Erster Band như đã nói đến trong nhiều kỳ trước [xem từ kỳ 3 trở đi], song phần II, tức tập hai không được in ra, có thể vì Husserl đã tập trung vào việc khởi sự Nghiên cứu luận lý/LU., tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Husserl phủ nhận tác phẩm đầu tay này, vì trong những tác phẩm kế tiếp, ông vẫn có nhiều dịp tham chiếu để nói đến mối quan hệ giữa những khái niệm, những vấn đề trong Triết lý số học và những tác phẩm về sau. Những môn đệ của Husserl như Fink nhận xét: "những phân tích trong Triết lý số học đã là bước đầu của korrelative Betractungsart/ con đường quan chiêm tương hỗ tiến vào cấu thành hiện tượng luận" , như Landgrebe diễn giải những phân tích trong Triết lý số học mô tả một "hoạt động sản xuất" ra những đối tượng cao cấp, như Biemel khẩng định lý luận về mối liên lạc tập hợp trong Triết lý số học là nền tảng hình thành ra những khái niệm số, " những manh nha đầu tiên của cấu thành, của giảm trừ, đưa ra ánh sáng nguyên ủy của tặng dữ giác quan, của miêu tả hiện tượng luận và của trực quan ý tượng"[93]
Ảnh hưởng của Brentano và Stumpf như đã nói ở một nơi trên, cho nên vấn đề phê phán xu hướng duy tâm lý trong những giai đoạn khác nhau không đơn giản. Trước hết trong giai đoạn Nghiên cứu Luận lý học, Husserl chứng tỏ thái độ khẳng định về một chú giải cuối trang liên quan đến Frege. Quả thực, trong Triết lý số học, ông đã dành một phần trong chương VII để phê bình toan tính của Frege/Frege's Versuch trong phân tích và định nghĩa khái niệm đếm số; song ở chú giải cuối trang Nghiên cứu luận lý học quyển I § 45, Husserl xác định: "(Ông) cần nói ngay là không bảo lưu việc phê phán nguyên tắc đối với vị thế chống xu hướng duy tâm lý của Frege ở trong sách Triết lý số học nữa".[94] Từ phê phán toan tính chống duy tâm lý của Frege "tâm lý học không thể tưởng có thể mang lại vài đóng góp cho cái gì thuộc nền tảng khoa số học" và "những khoa toán học càng phủ nhận mọi hỗ trợ của tâm lý học, càng ít có thể chối bỏ quan hệ với luận lý học" và theo ông, lý tưởng của Frege là quan niệm nền tảng số học bằng một dãy những định nghĩa hình thức, từ đó có thể suy ra mọi định lý của khoa học này một cách thuần túy tam đoạn luận, và Husserl khẳng định không thể chia sẻ với quan niệm này, chưa kể là ông đã từng đưa ra nhiều lý chứng phản bác quan niệm này.[95] Tuy nhiên, chú giải nói trên đánh dấu biến đổi vị thế về cơ bản, như trong lời Tựa lần xuất bản thứ hai bộ Nghiên cứu luận lý, Husserl nói đến biến đổi vị thế về cơ bản cúa những đại biểu của xu hướng duy tâm lý, chắng hạn như Th. Lipps. Cho nên, đọc lại Triết lý số học, Husserl chỉ ra trong những tác phẩm về sau, khởi từ 1899, năm đánh dấu hoàn tất Sơ bộ vào luận lý học thuần túy, quyển đầu của Nghiên cứu luận lý học, vị thế tác phẩm nói trên ở chỗ nào: những quy phạm, hình thái luận lý bao gồm hai loại, một loại qui định tất cả nền tảng, liên tỏa xác quyết tiên nghiệm có bản nhiên thuần túy lý tưởng, chì ứng dụng trong các khoa học nhân văn qua một chuyển vị hiển nhiên, một loại thuộc về thường nghiệm, chủ yếu liên quan đến mặt đặc thù của con người trong những khoa học, xây dựng trên cấu tạo tổng quát của con người, một phần thuộc về tâm linh và một phần thuộc về thể lý. Husserl qui chiếu chương XII trong Triết lý số học đã khai triển những vấn đề này, như những khu biệt giữa những phương tiện khả xúc của chỉ danh, những chỉ dấu bằng lời khu biệt với những chỉ dấu bằng viết. Khi luận về những biểu hiện tượng trưng của số, Nghiên cứu luận lý trong phân tích tổ chức điều hòa tư tưởng với mục đích tìm hiểu trong thực tiễn, phán đoán và lý luận cho đúng, chẳng hạn như hệ thống những số thập phân đã luận trong Triết lý số học, đâu là con đường giải minh mục đích của những phương pháp trước khi có khoa học và ở ngoài khoa học, nghĩa là khi phân tích những liên tỏa biểu tượng và phán đoán đặt thành vấn đề, cũng như những xử lý hữu hiệu thuộc về sự kiện, hiển nhiên là tìm hiểu cơ chế tâm lý học của phương pháp tư tưởng, Husserl muốn nói đến khởi sinh tự nhiên của cơ chế điều hợp tư tưởng này, là mối quan hệ của nó với luận lý học, theo ý nghĩa thực tiễn của một khoa kỹ thuật của nhận thức khoa học có thể khả hữu, mà không cần đến giải thích nào khác.[96]
Bắt đầu ở quyển Hai bộ Nghiên cứu luận lý học, dưới tiểu đề Những nghiên cứu về hiện tượng luận và lý luận tri thức xuất bản lần thứ nhất năm 1901[97] đánh dấu một giai đoạn mới, có thể ví như trường hợp của Kant do chủ nghĩa hoài nghi của Hume đã đánh động ông ra khỏi giấc mơ triền miên Kinh viện, Husserl ở đây cũug vậy, do phê bình "tàn nhẫn" của Frege đã đánh động ông ra khỏi chủ nghĩa duy tâm lý học [từ suốt những chương III đến chương VIII quyển Một Nghiên cứu luận lý học nhằm phê phán dứt khoát với chủ nghĩa này để tiến tới ý niệm về Luận lý học thuần túy, như thống nhất của một khoa học như thể khoa học, quan liên giữa sự vật và chân lý] tiến tới những nghiên cứu hiện tượng luận thiết yếu để chuẩn bị vào luận lý học thuần túy , đề cương như một tuyên ngôn này từ ngay § 1 Dẫn nhập quyển Hai. Ở Kant là lý trí thuần túy đi vào Phê bình luận triết lý, ớ Husserl là luận lý học thuần túy đi vào Hiện tượng luận triết lý - những dấu mốc hay phong trào quan trọng trong lịch sử triết học.
Tuy nhiên, ngay ở giai đoạn này, Husserl vẫn tham chiếu về Triết lý số học những vấn đề liên hệ, như chương II, § 20 nói đến lý giải về tư tưởng tượng trưng liệu có mâu thuẫn với những sự kiện chắc chắn nhất đề ra trong phân tích tư tưởng tượng trưng-số học trong Triết lý số học? Ông đặt vấn đề: Trong số học, có phải những ký hiệu đơn giản nhất thay chỗ của khái niệm?
Husserl xác định sử dụng ký hiệu như thể những đối tượng vật lý thuộc lãnh vực khoa học vật lý, không thuộc lãnh vực số học. Mục tiêu thực của những ký hiệu ở đây rõ ràng khi chúng ta so sánh những phép tính số học với những cách chơi cờ tướng chẳng hạn, tuân theo một số qui củ. Trong cuộc chơi này, người ta không để ý đến những con cờ ấy như những vật làm bằng ngà hay bằng gỗ v.v... có hình dạng hay màu sắc ra sao. Cái cấu tạo ra chúng về mặt hiện tượng và vật lý hoàn toàn không quan hệ và có thể thay đổi tự do. Trái lại, chính ở qui tắc cách chơi mới cho chúng chỉ thị ý nghĩa của phép chơi xác định để chúng trở thành những con cờ, nghĩa là những ký hiệu trong cuộc chơi như thế. Những ký hiệu số học cũng thế, bên cạnh chỉ thị ý nghĩa nguyên ủy, có thể nói như trong ý nghĩa cuộc chơi, nghĩa là chỉ ý nghĩa hướng theo phép tính toán số học và theo những qui tắc tính toán đã rõ. Nếu ta coi những ký hiệu số học thuần tuý như những con cờ mà ý nghĩa do những qui tắc này cho chúng, phép giải những bài toán số học dẫn đến những ký hiệu số hay những hình thức số, mà lý giải theo hướng những chỉ thị ý nghĩa nguyên ủy và của riêng số học đồng thời biểu hiện giải những bài toán số học tương ứng. Quả thực, không phải với những ký hiệu không có chỉ thị ý nghĩa để người ta thực hiện trong những lãnh vực tư tưởng số học-tượng trưng và tính toán. Không phải những ký hiệu đơn thuần vật lý, mà là những ký hiệu có một chỉ thị ý nghĩa số học, cùng những ký hiệu có chỉ thị ý nghĩa tính toán hay của cuộc chơi.
------------------------------
[93] Fink, "Husserl" trong Philosophen-Lexikon của Werner Ziegenfuß, Hrsg. 1949; Ludwig Landgrebe, trong Der Weg der Phänomenologie, 1963; W. Biemel: "Il semble que nous ayons bien là les premiers germes de la constitution, de la réduction, de la mise en lumière de l'origine de la donation de sens, de la description phénoménologique et de l'intuition eidétique", J.-F. Lavigne dẫn trong Husserl et la naissance de la phénoménologie (1900-1913), 2005. Trong sách dẫn này, Lavigne phê phán những môn đệ kể trên đã thậm xưng bất kể thời tục khi "giả định Husserl đã quan niệm tất cả khoa hiện tượng luận của ông ngay từ những bước khởi đầu, và phương pháp đã có toàn diện ngay trong Triết lý số học, trong khi thực ra bản viết này không vượt quá mô tả tâm lý những hành vi, và nhận thức rất ít khả năng của một hướng tính cấu thành để biện giải giá trị khách quan của số qua ngả tâm lý của giả định một phản tư trên những hành vi." Thực ra nhận xét của Lavigne không xác đáng, nếu theo dõi hành trạng tư tưởng Husserl ở giai đoạn 1891-1900 có những cơ sở cấu tạo làm nền tảng cho những giai đoạn kế tiếp. Chính Husserl trong mệt thư gửi cho Marvin Farber (là một trong những môn đệ đầu tiên ở Mỹ của Husserl) xác định: "Những "ảnh hưởng" bên ngoài không có ý nghĩa... Thực sự, con đường tôi đi đã đánh dấu bởi [tác phẩm] Triết lý số học, và tôi có thể làm gì khác là tiến hành tới hơn", và Farber nhận xét: Nếu người ta đọc tất cả những bài viết của Husserl một cách liên tục, người ta không thể không có ấn tượng về tính liên tục trong phát triển tư tưởng của ông. M. Farber, The Foundation of Phenomenologie 1943.
[94] Husserl, Recherches logiques, T. I: Prolégomènes à la logique pure, § 45[Bác luận: Toán học thuần túy như vậy cũng trở thành một nhánh của tâm lý học], tr. 183n 1: J'ai à peine besoin de dire que je ne défends plus la critique de principe que j'ai faite de la position antipsychologiste de Frege dans ma Philosophie der Arithmetik, I, pp. 129-132.
[95] Husserl, Triết lý số học. Dường như khi đề cập tam đoạn luận ở đây, Husserl liên kết với luận lý hình thức ở giai đoạn 1891 này. Điều khó hiểu là trong giai đoạn dựa vào xu hướng duy tâm lý này, có nghĩa là giản trừ những quy luật cơ bản của luân lý học và toán học vào những khái quát hóa tâm lý học, cho nên tam đoạn luận cũng được phổ cập từ:
Mọi người là phải chết
(A) Socrate là người,
vậy Socrate phải chết
thành:
Quả thực, bất kỳ ai tin tưởng là mọi người là phải chết
(B) và Socrate đã là người
đương nhiên phải tin là Socrate phải chết
so sánh A và B có khác biệt về xác thực, vì không ai có thể xác tín (B) là thực, trừ phi phải quan sát, thử nghiệm nhiều lần, song như vậy có xác suất. một thứ xác tín thực tiễn, không xác thực tuyệt đối như (A).Husserl giải thích là trực quan lý tính thuần túy chỉ ra tổ hợp mọi người là phải chết và Socrate là người bao hàm sự kiện là Socrate phải chết. Husserl nhận xét không cần quan sát thường nghiệm nếu bao giờ cũng biết đâu là sự thực.
[96] Husserl, Recherches logiques, t. I, ch. IX, § 54: Không có ví dụ nào để hiểu bản chất của những vân đề phải giải quyết ở đây...ngoài vấn đề về dãy tự nhiên của số... đã luận tỉ mỉ ở chương XII trong Triết lý số học, và có thể minh họa phương cách mà (Husserl) tin là những nghiên cứu thuộc loại này phải hữu hiệu.
[97] Husserl, Logische Untersuchungen, Zweiter Bd, Untersuchungen zur Phänomenologie und Theorie der Erkenntnis 1901.
(c̣n tiếp)
Đặng Phùng Quân
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html
© gio-o.com 2015