ĐẶNG PHÙNG QUÂN

HUSSERL VÀ CHỦ NGHĨA (L)Ư TƯỞNG

TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI 

biên khảo triết học nhiều kỳ

kỳ 10

(tiếp theo)

 

Kỳ 1, Kỳ 2 , Kỳ 3 , Kỳ 4 , Kỳ 5 , Kỳ 6 , Kỳ 7 , Kỳ 8 , Kỳ 9 , Kỳ 10 ,

 

Chương I

Khởi sinh từ triết lý toán học

 

 

Khái niệm dẫn trên hiểu theo nghĩa những khu biệt về nơi chốn, thời gian, cường độ và phẩm tính v.v.. song hiểu như thể khu biệt này là những tương giao nội dung, nghĩa là tương giao định vị trong nội dung biểu hiện, trong khi thực sự nó không là gì khác hơn như một phán đoán hiển nhiên tiêu cực, phủ nhận sự hiện diện của sự vật như vậy.    

Tuy nhiên, Husserl phân tích hai mặt: về mặt thực tiễn của so sánh, việc sắp xếp mọi kết quả để có thể dẫn đến tương đẳng và khu biệt thật hữu ích, song phải nhớ là dưới dạng khu biệt, tập hợp những loại tương giao xa lạ với nhau tuỳ vào cấu tạo hiện tượng nội tại của chúng; về mặt quan điểm tâm lý học, những tương giao loại suy, tương đẳng, liên lạc siêu hình v.v...có đặc tính của hiện tượng biểu hiện phụ thuộc vào một loại, song khu biệt hiểu theo nghĩa rộng không thuộc về chúng vì nó không phải là một nội dung biểu hiện đáng kể lập tức đồng thời với những cơ sở, song là một phán đoán tiêu cực xây dựng trên những cơ sở này.

Động từ khu biệt còn dùng trong một biểu thị khác quan hệ với phân tích, muốn nói cái mà phân tích đã tách ra, cho nên "khu biệt" cùng sự vật như "phân cách", "phân tích". Khi khai phá những điều kiện thích hợp cho phân tích, rõ ràng là một phức số những nội dung từng phần tách ra một cách dễ dàng và chắc chắn với những khu biệt về số và mức độ xẩy ra giữa những nội dung này, cũng như với những nội dung lân cận càng lớn. Những phản tư này nhằm vào những so sánh và khu biệt trên những nội dung đã phân tích, thường dẫn đến việc nhìn sai lầm vầ quá trình khu biệt theo nghĩa phân tích cũng là một hoạt động phán đoán khu biệt những nội dung đã đem ra so sánh. Tóm lại, có thể kết luận là để cho nhiều  nội dung đã được phân cách (nghĩa là được phân tích) có thể duy trì trong ý thức, thì chính chúng phải được tư duy như thể đã được khu biệt với nhau (nghĩa là được so sánh và có đặc tính một cách đặc thù theo khu biệt này); tuy nhiên, theo Husserl, điều này sai, cũng như phi lý, bởi hoạt động phán đoán khu biệt đã giả định những nội dung hiển nhiên được phân cách  tự chúng, nên những nội dung này không thể chỉ được đáng kể vì việc này mà khu biệt với nhau. Như vậy quả là những nội dung không thể khu biệt với nhau thì không thể có lượng tính; còn nếu như những khu biệt này là những khoảng cách thì phải vượt qua một hạn độ nào đó, nếu không, rõ ràng là không thể phân tích được.   

Trong phê phán lý lẽ về những hoạt động tâm lý vô thức không thể giải thích được nội dung biểu hiện ý thức của số, Husserl muốn chỉ ra một điều là trong việc sử dụng ngôn ngữ, chẳng hạn như Schuppe quan niệm: đỏ, lục và xanh  là ba màu muốn nói cùng nghĩa như có ba màu khác nhau, phát biểu này thật ra không đúng, vì nếu như muốn nhấn mạnh đến từ ngữ số để chỉ hai phát biểu trên có cùng nghĩa, đỏ, lục và xanh là ba màu đã diễn tả một ý nghĩa hoàn toàn khác. Cho nên để tránh sự lẫn lộn này, đúng ra là có thể nhấn mạnh đến việc đếm số, vì không phân biệt/Verschiedenhait thì không có số. Khái niệm này có chức năng liên quan đến một mục đích đặc thù. Nếu ta nói: đỏ và lục là hai màu tương phản, thì số không mang chức năng đặc thù nào cả; cũng như nói: Thổ tinh có tám vệ tinh và ba vòng, hay nói cái sào này có chiều dài mười thước, điều đó không đúng là có ý nói "số khẳng định sự khu biệt mà không cần nêu tên ra". Ngôn ngữ có những hình thức đặc thù về từ ngữ số mà mục đích nhằm tạo thành một phần  chủ yếu để chỉ thị ý nghĩa, chẳng hạn những từ về số thuộc chủng loại như một loài/einerlei, hai loài/zweierlei v.v... rõ ràng là tuyệt đối không thể thay thế bằng những từ thuộc về số cơ bản  như một/eins, hai/zwei v.v...

Đơn vị và lượng

Khởi từ một định nghĩa cổ "số là một lượng những đơn vị", Husserl nhận xét định nghĩa này ẩn chứa ngộ nhận nơi nhiều tác giả xem như với con số, có một loại đặc biệt về vô số những vật bằng nhau giữa chúng. Chẳng hạn có vô số trái táo, hòn đá v.v... thì cũng có vô số đơn vị, mà người ta tưởng tượng những đơn vị hoặc như những nội dung cụ thể, hiểu như thề những danh hay những ký hiệu của văn tự, hoặc như những nội dung từng phần trừu tượng, thực chứng có thể tách ra riêng biệt và hợp lại thành nhóm để tạo ra vô số.

Locke tiêu biểu cho lối nhìn này khi nói không có ý tưởng nào đơn giản hơn ý tưởng về đơn vị hay một, và khi lặp lại ý tưởng này trong tâm trí chúng ta nhiều lần, để dẫn tới những ý tưởng phức tạp về những dạng thức của số [23].

Theo Husserl, lý luận này sai lầm, cũng như quan niệm đơn vị như  thể nội dung từng phần tuyệt đối còn tầm thường hơn; chẳng hạn nơi Berkeley giải thích số không như một khái niệm tổng quát, mà chỉ là một ký hiệu tổng quát, ở thời kỳ này, Leibniz cũng nhấn mạnh đến tính cách tương đối của những khái niệm số, chẳng hạn nhân vật Théophile nói: "có lẽ một tá hay hai chục chỉ là những tương giao  và chỉ cấu tạo qua quan hệ với tri năng. Những đơn vị thì riêng rẽ  và tri năng tập họp chúng lại với nhau, dầu chúng phân tán thế nào chăng nữa."[24]

Husserl nhận xét phần đông tác giả coi đơn vị hay một/das Eins như một ký hiệu đơn giản qui vào mỗi đối tượng đếm số, và số hiện ra với chúng như vậy là một vô số cụ thể hoàn toàn đặc thù, cấu tạo duy nhất  từ những cái một. Sai lầm này do ngộ giài quá trình tượng trưng tối sơ của việc đếm số.

 

 

 

----------------------------

[23]  John Locke, An Essay concerning human understanding, book II, ch.XVI: "thre is non more simple than that of unity or one...  by repeating this idea in our minds and adding the repetitions together, we come by the complex ideas of the modes of it [number].

[24] G.W. Leibniz, Nouveaux essais sur l'entendement humain, Livre II, ch. 12: Peut-être que douzaine ou vingtaine ne sont que les relations et ne sont constituées que par le rapport à l'entendement. Les unités sont à part et l'entendement les prend ensemble, quelque dispersées qu'elles soient.    

 

(c̣n tiếp)

Đặng Phùng Quân
 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2015