ĐẶNG PHÙNG QUÂN

Khái luận phê bình lý trí văn chương

biên khảo triết học nhiều kỳ

112

Chương III

LÝ LUẬN VĂN CHƯƠNG VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC 

 

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11,  Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14,  Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23,Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26,  Kỳ 27,  Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32,  Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39,  Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58,  Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64,  Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77,  Kỳ 78,   Kỳ 79,  Kỳ 80,   Kỳ 81, Kỳ 82,Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87,Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95, Kỳ 96, Kỳ 97, Kỳ 98, Kỳ 99,  Kỳ 100, Kỳ 101, Kỳ 102, Kỳ 103, Kỳ 104, Kỳ 105, Kỳ 106, Kỳ 107, Kỳ 108,  Kỳ 109, Kỳ 110, Kỳ 111, Kỳ 112, 

 

 

Thơ phá th(tiếp theo)

 

Lối phân tích cấu trúc ngữ học của người đại biểu trường phái Pra-ha Roman Jakobson trong phân tích thơ Shakespeare, Yeats, Baudelaire, Puškin, Mácha, Nezval, Velimir Xlebnikov, nhóm Dada cũng như luận về Blake, Rousseau, Klee nói đến ở trên là một trong những lý luận khai phá vai trò ngữ học, ngữ pháp trong thơ. (Hơn nữa, Jakobson còn là người làm thơ [485]). Claude Lévi-Strauss từng nhận xét ngữ học cấu trúc của Jakobson đã đưa ra những cái nhìn mới cho ngữ học cũng như nhân chủng học, lại bổ xuyết những phát triển trừu tượng bằng những minh họa từ những ngôn ngữ khác nhau trong thơ cũng như nghệ thuật tạo hình [486]. Thật sự, hợp đồng giữa thơ và họa, ngôn ngữ và tạo hình là một phối ngẫu bình thường của nghệ thuật, song vấn đề là bản chất của nó ở chỗ nào?

Trong những hiện tượng nổi bật nhất là nghệ thuật Michaux. Có thể khởi sự với ông từ xác định “chỉ có một hữu thể và chỉ có một ngôn ngữ”[487], há không phải tuyên ngôn của hữu thể luận văn chương? Tuy nhiên thi sĩ không đi xây dựng một lý luận, nhưng chỉ ra hành trạng: tôi viết để tự  du hành lịch lãm. Vẽ, sáng tác, viết: tự du. Đó là cuộc phiêu du sống ở đời [488] trong suốt sáu mươi năm từ 1923 đến 1984 với 85 tập sách (từ quyển sách mỏng mươi trang đến hai, ba trăm trang), trải rộng phiêu du kỳ thú, viết về  một cảnh tượng bên ngoài vì chính tác giả muốn nói với bạn ông đang viết từ một xứ sở xa xăm [489]. Một nhà chuyên khảo Michaux nhận xét: Thơ nói từ xa (la poésie parle au lointain), không gợi lên những tri thức mới tạo thành cái thực tại địa lý ngày thường của chúng ta, người ta không gặp ở đó nỗi ưu tư liên tục của đời sống… Thơ sống trong lưu đày (elle vit en exil), đày đi cái hiện tại của chúng ta, và những tiếng nói của thơ thường cao quí thế cũng không giữ  lại nữa trong khi người ta thực sự không thể tránh né; thơ hôm nay trở thành một lâu đài mênh mông mà người ta chỉ cư ngụ một vài phòng, không nói gì ngoài một phần của hữu, và Michaux hiện thân cuộc tranh luận này [490]. Cũng như Lautréamont (1846-1870)  trước đó, Michaux tạo ra một nhân vật trong thơ: Plume để sống “những phiêu lưu kinh khủng…những phiêu lưu đau đớn mà một cừu địch khôn nguôi lèo lái”, với tác phẩm Plume, ông khởi sự viết để làm một cái gì khác với kể lể nỗi phiền muộn của ông: một nhân vật đến với tôi; tôi thích thú đổ cái xấu lên y [491].

Plume là một con người thuần hòa theo Michaux:

Duỗi hai bàn tay ra ngoài giường, Plume ngạc nhiên là không chạm tường. Y nghĩ, “vậy là những con kiến đã ăn hết bàn tay…”  và y ngủ lại.

Lúc sau, vợ y đánh thức và lay y: Mụ nói “nhìn kìa, đồ lười! trong khi anh chỉ lo ngủ, người ta ăn trộm mất cái nhà của chúng ta rồi.” Quả thực, cả bầu trời nguyên vẹn tỏa rộng khắp nơi. “Chậc, thế là xong”, y thầm nghĩ.

Lúc sau, nghe rõ một tiếng động. Đó là một chuyến xe lửa ập tới họ từ mọi phía. “Với khí thổi thế này, chắc chắn là nó sẽ đến trước mặt chúng ta” và y ngủ tiếp.

Sau đó, cơn lạnh khiến y tỉnh dậy. Toàn thân đẫm máu. Một số mảnh người vợ y nằm sóng sượt gần y. Y nghĩ, “với máu, luôn luôn là biết bao điều khó chịu hiện ra; nếu chuyến xe lửa không có chạy ngang, mình đã sung sướng biết mấy. Nhưng vì nó đã chạy ngang…” và y lại ngủ

 -    Thử nhìn xem, quan tòa nói, làm sao anh giải thích được là vợ anh bị thương khi người ta thấy bà ta đã bị phân ra làm tám mảnh, nếu anh, ở ngay bên cạnh, không thế làm cử chỉ gì để ngăn cản được, cũng như lại không thấy. Bí mật là ở chỗ đó. Mọi chuyện là ở chỗ đó.

 -    Về lối này, tôi không thể giúp ẻn được, Plume nghĩ, và lại ngủ tiếp.

 -    Xử tử vào ngày mai. Bị can, anh có điều gì đế nói thêm không?

 -    Xin lỗi, y nói, tôi không để ý chuyện ấy. Và y lại ngủ tiếp.

Tản văn thơ/proême trên mở đầu của mười ba đoản văn mang tên Un certain Plume như Michaux đã giới thiệu là khoái đổ mọi cái xấu lên người y, từ vào quán ăn, bị bồi bàn, rồi quản lý đến chủ quán đến ông cò, an ninh, cứu hoả vv…hà hiếp vô lý [492]; đi du lịch thì bị xô đẩy không báo trước, còn bị người khác chùi tay lên áo vét, thét rồi cũng quen, bị chiếm chỗ nằm, bị đẩy ra khỏi xe; làm đại sứ được hoàng hậu tiếp đón, bắt theo bà ta vào phòng, cởi quần áo cho bà và bị cưỡng hiếp, rồi phải đối diện với nhà vua trong khi đang trần truồng… những cuộc phiêu lưu, giống như phi lý trong tiểu thuyết Kafka, hay Thomas l’Obscur của Blanchot, song thực sự ở Michaux, cũng như ở Ponge, một nhà thơ lân cận khác, đây là proême: từ Lointain intérieur (với Entre centre et absence, La ralentie, L’insoumis, Je vous écris d’un pays lointain), Difficultés đến những Poèmes tiếp nối Un vertain Plume. Những bài thơ như:

                                     Pensées

Penser, vivre, mer peu distincte;

                   Moi  -  ça  -  tremble,

                   Infini incessamment qui tressaille.

 

                   Ombres de mondes infimes,

                   ombres d’ombres,

                   cendres d’ailes,

 

                   Pensées à la nage merveilleuse,

                   qui glissez en nous, entre nous, loin de nous,

                   loin de nous éclairer, loin de rien pénétrer;

 

                   étrangères en nos maisons,

                   toujours à colporter,

                   poussières pour nous distraire et nous éparpiller la vie [493]

                               Tư tưởng

                   Nghĩ, sống, biển ít phân biệt;

                   Tôi  -  cái đó  -  run rẩy,

                   Vô cùng không ngừng rung chuyển.

 

                   Bóng của những thế giới tối hạ,

                   bóng của những bóng,

                   di hài của cánh

 

                   Những tư tưởng bơi kỳ thú

                   thoáng qua trong chúng ta, giữa chúng ta, xa chúng ta

                   xa  cả soi đường cho chúng ta, xa cả xâm nhập vào đâu cả

 

                   xa lạ trong những mái nhà chúng ta,

luôn truyền ra,

                   bụi trần cho chúng ta khuây khoả và làm chúng ta tán bố cuộc đời.

  

thơ trong tác phẩm La nuit remue/Đêm đông 1935 là giai đoạn Michaux đi vào con đường mới, phối hợp vẽ và viết, như kinh nghiệm trải ra trong Passages 1950:

Những quyển sách thật chán ngắt để đọc. Không có lưu chuyển tự do. Người ta được mời mọc để theo dõi. Thật khác hẳn với tranh: tức thời, toàn diện. Trong một khoảnh khắc, tất cả ở đó. Tất cả, song không có gì còn chưa biết. Chính đây là bắt đầu phải ĐỌC [494].

Cho nên, ông xác định: từ hơn nửa thế kỷ, tình trạng chiến tranh hiện diện trong hội họa. Còn nhiều yếu tố và không gian; ông đã viết những bài như Cuộc chiến chống không gian, khi nghĩ về hiện tượng hội họa trong Tranh và họa, và thể hiện qua thơ:

                               Dessin commentés

                                           1

       Ce sont trois homes sans doute; le corps de chacun, le corps entier est embarrassé de visage; ces visages s’épaulent et des épaules maladives tendent à la vie cérébrale et sensible.

       Jusqu’aux genoux qui cherchent à voir. Et ce n’est pas plaisanterie. Aux dépens de toute stabilité, ils ont médité de se faire bouches, nez, oreilles et surtout de se faire yeux; orbites désespérées prises sur la rotule. (le complexe de la rotule, comme dit l’autre, le plus complexe de tous.)

       Tel est mon dessein, tel il se poursuit.

                               Những bức họa được thích nghĩa

       Chắc chắn là ba người; thân thể mỗi người, toàn than bị vướng víu vì mặt; những mặt này gồng lên và những vai bệnh hoạn do ở đời sống não bộ và cảm xúc.

       Cho đến những đầu gối để nhìn. Và không phải trò đùa. Phụ thuộc vào vững vàng, chúng suy tưởng tự làm miệng, mũi, tai và nhất là đôi mắt, những lỗ mắt tuyệt vọng giữ trên xương bánh chè. (Mặc cảm của xương bánh chè, như người khác nói, mặc cảm nhất của mọi thứ.)

Bức họa của tôi đó, tự thể hiện như thế đó  [495]

 

Ngay từ những năm ba mươi đến về sau, Michaux thực hiện họa màu nước, màu bột, rất ít sơn dầu và nhiều họa chì (nhất là minh họa cho bài viết), mà ông xác định do ảnh hưởng của hai họa sĩ Max Ernst và Paul Klee khiến từ chỗ thù nghịch hội họa đến tái sinh trong hội họa (có lẽ ảnh hưởng đậm nét của Klee, như bức họa mực tàu/Peinture à l’encre de Chine 1956 của Michaux so với bức Abenteuer von Kurl und Kamen/Phiêu lưu của Kurl và Kamen 1939 của Klee [496]). Trong chuyên luận về Michaux, Raymond Bellour nhận xét những bài viết của Sartre về những họa sĩ Wols, Giacometti, Klee hay Masson, xác định “trong những tác phẩm của họ, không bức nào lại không nhằm xác định bản thể của tác giả và của thế giới” chỉ để nói đến một kinh nghiệm tuyệt đối của cái nhìn với người đọc, trong khi theo Bellour, Michaux chỉ ra thất bại của cái kinh nghiệm đó, vì kinh nghiệm, nghĩa là khai phá ý nghĩa hoàn toàn khác: ở Michaux, cũng như ở Klee, một nét, một chấm cũng dẫn đến toàn diện tác phẩm. Anne Le Bouteiller trong luận án về Michaux, khi xét quan hệ giữa viết và vẽ như bạo động và phóng đãng, xác định Michaux đã hoàn toàn tự do nhằm phát triển những kỹ thuật vẽ từ ý tưởng của ông  giúp ông thành tựu cũng như nhất trí.

Thơ cũng như họa của Michaux ở một thời điểm vẫn còn là một ẩn ngữ với nhà phê bình, người đọc. Chẳng hạn như Blanchot đã từng viết L’ange du bizarre (in lại trong Faux Pas):

“chúng ta bị đánh lừa bởi ý nghĩa bề ngoài của những truyện kể này cho chúng ta, chúng ta tin tưởng là chúng nhằm rọi sáng cái kỳ quái của chúng ta bằng đặc dị của chúng và chúng ta say mê tìm xem tất cả cái đó có thể hợp vận nhờ cái gì. Song tra hỏi vô ích. Then khoá của kỳ quái này, chính là nó không có ý nghĩa gì cho chúng ta, đúng ra là nó chẳng hợp vận gì cả…

Dường như đó là cái độc đáo cơ bản của Henri Michaux, hoặc trong những bài thơ, hoặc trong những bức họa ngắn hay những truyện kể mở rộng hơn,  biết chộn lộn, dưới mọi hình thái khả hữu, cái tưởng và cái thực, song ngoài ra còn có tham vọng cô lập cái tưởng và, ở ngoài mọi tham chiếu đến định mệnh con người, diễn đạt về cái đó trong thơ huyền bí.”[497]

Tuy nhiên, nhận thức về Michaux của Blanchot đã thay đổi trong những năm về sau. 

 

------------------------------

[485] Jakobson làm thơ trong những năm tham gia trường phái vị lai (với những nhà thơ và nghệ sĩ như Kazimir Malevič, Pavel Filonov, Velimir Xlebnikov, Vladimir Majakovskij trong giai đoạn 1913-1919 và những bài thơ viết cho Elsa Triolet. Xem: Jakobson, My Futurist years  1992 (dịch từ Jakobson-Budetljanin).

[486] Tựa của Lévi-Strauss trong R. Jakobson, Six Leçons sur le Son et le Sens 1976.

[487] “Il n’y a qu’un être et il n’y a qu’un langage”.

[488] Michaux, Passages 1950: Peindre, composer, écrire: me parcourir. Là est l’aventure d’être en vie.

[489]   Michaux, “Je vous écris d’un pays lointain” trong Lointain intérieur 1938.

[490] Raymond Bellour, Henri Michaux ou une mesure de l’être 1965.

Anne Le Bouteiller viết luận án chuyên khảo nhan đề Michaux: Les voix de l’être exilé 1997 dẫn Plume: Je cherche un être à envahir  Montagne de fluide, paquet divin  Où es-tu, mon autre pôle?/Tôi tìm một hữu để xâm nhập  Sơn khí, thần kiện   Ngươi ở đâu, cực điểm khác của tôi ơi?

[491] Robert Bréchon, Michaux 1959: Michaux giải thích cho Bréchon lý do tạo ra nhân vật Plume: Un personage me vient. Je m’amuse de mon mal sur lui.

[492] Michaux, Un certain Plume 1930-36: (II/ Plume au restaurant) Cependant, un grand rustre d’agent par-dessus son épaule lui disait: “Ecoutez, je n’y peux rien. C’est l’ordre. Si vous ne parlez pas dans l’appareil, je cogne. C’est entendu? Avouez! Vous êtes prévenu. Si je ne vous entends pas, je cogne. (Trong lúc ấy, một tên an ninh thô kệch khinh khỉnh bảo y: Nghe đây, tôi không thể làm gì hết. Đó là mệnh lệnh. Nếu anh không nói vào điện thoại, tôi đánh đó. Nghe rõ chưa? Thú thật đi! Anh bị buộc tội rồi. Nếu tôi không nghe được anh nói, tôi tẩn cho đấy).

[493] Michaux, sdt: Poèmes.

[494]  Michaux, Passages: Les livres sont ennueux à lire. Pas de libre circulation. On est invite à suivre. Tout différent le tableau: immédiat, total. Dans un instant, tout est là. Tout, mais rien n’est connu encore. C’est ici qu’il faut commencer à LIRE.

[495] Michaux, La nuit remue 1935: ở đề từ vào thơ, ông tự bạch “Sau khi đã hoàn tất mấy bức hoạ vẽ bút chì và tìm thấy lại mấy tháng sau trong một ngăn kéo, tôi sửng sốt như trước cảnh tượng chưa bao giờ thấy, hay đúng hơn chưa bao giờ hiểu, phát hiện như thế này:”

[496] Xem tranh bên trái: Abenteuer von Kurl und Kamen. Federzeichnung 1925 của Klee, và tranh bên phải của Michaux: Peinture à l’encre de Chine 1956.

[497] Maurice Blanchot, ”L’ange du bizarre”in  Journal des débats, 7 octobre 1941 (in lại trong Faux Pas 1943): “nous sommes dupés par l’apparente signification que ces récits nous offrent, nous croyons qu’ils sont destinés à éclairer notre bizarrerie par leur singularité et nous cherchons passionnément à quoi tout cela peut rimer. Mais nous nous interrogeons en vain. La clé de cette étrangeté, c’est qu’elle n’a pas de sens pour nous, c’est que littéralement elle ne rime à rien…

Telle est, semble-t-il, la principale originalité d’Henri Michaux, qui, soit dans ses poèmes, soit dans de brefs tableaux ou des récits plus étendus, a su mêler, sous toutes les formes possibles, l’imaginaire et le réel, mais a eu en outre l’ambition d’isoler l’imaginaire et, en dehors de toute référence au destin de l’homme, d’en exprimer la poésie mystérieuse.”

Bài viết này nhân bàn về tiểu luận Découvrons Henri Michaux (nguyên là bài diễn thuyết bị cấm) của André Gide.

 

(còn nữa)

  

Đặng Phùng Quân
 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2014