ĐẶNG PHÙNG QUÂN
Khái luận phê bình lý trí văn chương
biên khảo triết học nhiều kỳ
103
Chương III
LÝ LUẬN VĂN CHƯƠNG VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82,Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87, Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95, Kỳ 96, Kỳ 97, Kỳ 98, Kỳ 99, Kỳ 100, Kỳ 101, Kỳ 102, Kỳ 103,
Thơ phá thể (tiếp theo)
Trong thế kỷ XX, nếu đã có trường phái tiểu họa, ở thơ cũng có những người làm lối tiểu cú, gần với haiku. Tôi gọi “số nhỏ” của Valéry là những hiện tượng tiêu biểu của thơ, ở đây là một trường hợp - hiện tượng Celan.
Paul Celan (tên đầu tiên là Paul Antschel) sinh năm 1920 trong một gia đình Do thái nói tiếng Đức, sống ở Czernowitz, thủ phủ vùng Bukovina thuộc Romania, cha mẹ lần lượt bị chết dưới chế độ Đức Quốc xã. Ông tự trầm tháng tư năm 1970 tại dòng sông Seine [420].
John Felstiner nhận xét thơ với Celan như một gặp gỡ, đúng hơn, như một cái bắt tay, một thông điệp để trong chai [421], gửi đến “một người anh/em có thể nhận được”: chính nhà thơ, mẹ, vợ, con, một người thân, bằng hữu, một người Do thái đã chết, Osip Mandelshtam, Nelly Sachs, Rosa Luxemburg, Spinoza, một tảng đá, một thảo mộc, một từ, đôi khi một cái gì không thể xác định v.v… chỉ hiện diện vì người phát ngôn gọi bằng từ du/anh/em .
Trong bài thơ Nói với anh/em/Sprich auch du khởi đầu bằng:
Nói với anh/em nữa
nói như thể cuối cùng
hãy nói ra điều cần nói [422]
Anh/em/Du trong thơ Celan chịu ảnh hưởng quan niệm Ich und Du của triết gia Do thái Martin Buber - những người anh em Do thái trong hành cung của ông [423].
Nếu Roger Laporte trong dịp viết về Blanchot đã khẳng định “lưu đày là thân phận của nhà văn” [424], trong những bản đọc Celan, lại đưa ra một cái nhìn rộng hơn về số phận nhà thơ là đã bị đuổi ra khỏi Đô thị trong nền Cộng hoà của Platon khi viết “nếu một nhà thơ đến trước cổng Đô thị, người ta tỏ lòng tôn kính ông, gắn cho ông những vòng hoa nguyệt quế, song phán đoán ông là người nguy hại cho trật tự xã hội, không tiếp nhận ông, ngay cả ông ta có là Homère, cũng yêu cầu cứ tiếp tục con đường đi của ông ta, kết án ông vào một cuộc lưu đày vô tận”; triết học hiện đại khác với cổ đại, chẳng hạn triết học Heidegger không tách biệt khỏi suy niệm về tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là thơ như Trakl, Hölderlin. Tư tưởng/Denken và thơ/Dichten “ở trên những ngọn núi tách biệt” song không bao giờ ông nghĩ ngọn núi của triết gia cao hơn ngọn núi của nhà thơ. Từ chỗ Heidegger lắng nghe Hölderlin, để nhận xét về trường hợp Célan, Laporte muốn nói đến, không phải tình cờ mà những người như M. Blanchot, J. Derrida, Ph. Lacoue-Labarthe - những người đọc có tầm vóc lớn của Heidegger – đã có sách viết về Paul Célan, cùng xuất hiện trong năm 1986: Dernier à parler của Blanchot, Schibboleth của Derrida và La Poésie comme expérience của Lacoue-Labarthe.
Schibboleth là tên bài thơ trong tập Từ Ngưỡng cửa đến Ngưỡng cửa:
Hãy cùng với những đá tảng của tôi
lớn lên trong nức nở
sau những chướng ngại
chúng kéo lê tôi
đến giữa chợ,
ở nơi
cờ phất, mà tôi
không lời nguyện trung thành
Sáo,
Sáo kép thổi trong đêm:
tưởng nhớ bόng tối
màu đỏ sόng đôi
ở Wien/Vienna và Madrid
Kéo cờ lên trưng rủ,
Ký ức.
Trưng rủ
cho hôm nay và mãi mãi
Trái tim:
chính nơi đây nhận biết anh là gì,
nơi đây, giữa chợ
Nói khẩu lệnh, nói ra
trong quê nhà xa lạ:
Tháng Hai. No pasarán.
Kỳ lân:
ngươi biết gì về đá
ngươi biết gì về nước,
tới đây,
ta sẽ dẫn ngươi đi
đến những âm vọng
từ Estremadura [425]
-----------------------------------
[420] Theo John Felstiner, người viết Paul Celan, Poet, Survivor, Jew 1995 cuộc đời Celan được nhịp theo hành trạng thơ bởi vì ông sống, hay đúng hơn sống còn qua thơ đã viết ra; Celan đã cảm nhận được thời đại và lịch sử của riêng mình đè nặng lên những bài thơ “trải qua ngàn bóng tối của ngôn từ mang lại cái chết”. Quả thực ông đã sinh ra lầm thời và lầm chỗ: trước khi Celan chào đời, quê hương đã sáp nhập vào Romania, kinh qua những cuộc chiếm đóng của Liên xô và Đức Quốc xã trong những năm 1940 và 1941, bị lao động khổ sai, cha mẹ bị lưu đày, Celan đã phiêu bạt qua Bucharest, rồi Vienna và cuối cùng định cư ở Paris từ 1948. Ông đã học tập, dạy học, dịch thuật, kết hôn và trung thành với tiếng mẹ đẻ, sáng tạo một lối thơ “suy tư theo thời đại cho đến kết cuộc” trong 800 bài thơ bằng Đức ngữ làm từ 1938 đến 1970.
[421] Paul Celan, Ansprache anläßlich der Entgegennahme des Literaturpreises der Freien Hansestadt Bremen/Diễn văn đọc nhân dịp nhận giải thưởng văn chương của bang Bremen thuộc Hanse tự do 1958 : Das Gedicht kann, da es ja eine Erscheinungsform der Sprache und damit seinem Wesen nach dialogisch ist, eine Flaschenpost sein, aufgegeben in dem – gewiß nicht immer hoffnungsstarken – Glauben, sie könnte irgendwo und irgendwann an Land gespült werden, an Herzland vielleicht (một bài thơ, khi đã là một hình thức biểu hiện của ngôn ngữ, với bản chất của nó là đối thoại, là một lá thư/thông điệp trong chai, gửi đi trong niềm tin - chắc hẳn không nhiều hy vọng – có thể trôi giạt vào bờ một lúc nào, một nơi nào đó, có lẽ là một lãnh địa của trái tim).
[422] Celan, Sprich aus du (trong tập Von Schwelle zu Schwelle/từ ngưỡng cửa đến ngưỡng cửa 1955):
Sprich auch du
sprich als letzter,
sag deinen Spruch
[423] Felstiner, Sdt nhận xét, dầu Celan không bao giờ nói ra bản tính Do thái của mình, song ông rõ ràng thích đứng chung với những người Do thái hơn là những người không phải Do thái, chẳng hạn với Kafka, Mandelshtam, tuy ông cũng quý Hölderlin và Rilke, những người Do thái như Heine, Georg Büchner, Gustav Landauer, Martin Buber, Gershom Scholem, Meister Eckhart, Nelly Sachs, Ingeborg Bachmann.
[424] R. Laporte, Quinze variations sur un thème biographique 1975: L’exil est la condition de l’écrivain.
[425] Paul Celan, Schibboleth (trong tập Von Schwelle zu Schwelle):
Mitsamt meinen Steinen,
den großgeweinten
hinter den Gittern,
schleiften sie mich
in die Mitte des Marktes,
dorthin,
wo die Fahne sich aufrollt, der ich
keinerlei Eid schwor.
Flöte,
Doppelflöte der Nacht:
denke der dunklen
Zwillingsröte
in Wien und Madrid.
Setz deine Fahne auf Halbmast,
Erinnung.
Auf Halbmast
für heute und immer.
Herz:
gib dich auch hier zu erkennen,
hier, in der Mitte des Marktes.
Ruf’s, das Schibboleth, hinaus
in die Fremde der Heimat:
Februar. No pasarán.
Einhorn:
du weißt um die Steine,
du weißt um die Wasser,
komm,
ich führ dich hinweg
zu den Stimmen
von Estremadura.
Đã dịch sang tiếng Việt và in trong tạp chí Gió Văn số 4, tháng 11 năm 2004.
(còn nữa)
Đặng
Phùng Quân
http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html
© gio-o.com 2013