ĐẶNG PHÙNG QUÂN

Khái luận phê bình lý trí văn chương

biên khảo triết học nhiều kỳ

98

Chương III

LÝ LUẬN VĂN CHƯƠNG VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC 

 

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11,  Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14,  Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26,  Kỳ 27,  Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32,  Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39,  Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58,  Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64,  Kỳ 65, Kỳ 66,  Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77,  Kỳ 78,   Kỳ 79,  Kỳ 80,   Kỳ 81, Kỳ 82,Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87, Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95, Kỳ 96, Kỳ 97, Kỳ 98,   

 

 

Thơ phá thể (tiếp theo)

Co je poesie? Câu hỏi tưởng chừng cổ điển ấy chưa có một định nghĩa xác đáng. Tự khởi sinh của thơ, cũng chưa hề có giải đáp từ lúc con người có ngôn ngữ đến văn tự, tại sao lại có thơ? tìm ra những khu biệt thì dễ, song tìm ra nguyên ủy của cái chung vẫn còn là ẩn số. Thơ, từ nguyên ngữ Hy La, ποίησις, poetria hiểu theo nghĩa sáng tạo, sản xuất ra một công trình độc lập, tương phản với πράξις, praxis hành động ở nội tại của tác nhân [374], có gì chung với từ Đức Dichtung hay Hoa Shi/?[375]

Thơ là gì? dẫn trên là tựa đề tiếng Tiệp bài viết của Roman Jakobson [376] mở đầu bằng nhận định của Jakobson: thơ là gì? Nếu chúng ta muốn xác định khái niệm này, cần phải đối lại nó với cái không phải là thơ…Ở vào thời đại cổ điển hay lãng mạn, danh mục những đề tài về thơ rất ư hạn chế. Chúng ta thử nhớ lại những yêu cầu truyền thống như nói về trăng, hồ, chim họa mi, đá tảng, bông hồng, lâu đài v.v.. Ngay những giấc mộng của xu hướng lãng mạn cũng không được ra khỏi cái vòng này. Nhà thơ Mácha viết: “Hôm nay tôi mơ thấy mình đang đứng trong những phế tích cuồn cuộn đằng trước và sau lưng tôi, và dưới những phế tích này, những ma nữ tắm mình trong hồ…Như một tình nhân đi tìm người yêu trong mộ…Tiếp theo là những đống xương vô định trong một đền đài gô-tích đổ nát bay lên ngoài cửa sổ.” Nói về cửa sổ, những văn nhân thời gô-tích thường coi đó là một ưa thích đặc biệt, mặt trăng thiết yếu phải tỏa sáng lung linh sau những cửa sổ. Ngày nay, cửa sổ nào cũng nên thơ dưới mắt thi sĩ, từ khung cửa kính bao la của một cửa hàng lớn đến vòm cửa sổ bị ruồi làm nhớp bẩn ở một quán cà phê nhỏ trong xóm. Và mọi cửa sổ của thi sĩ để cho ta thấy mọi sự vật. Nezval nói đến điều này [trong Antilyrik]:

       một khu vườn làm tôi ngây ngất giữa một câu

       hay một nhà cầu, có gì quan trọng

       Tôi không phân biệt sự vật dựa trên vẻ mỹ miều hay xấu xí mà người ta khoác cho chúng [377].

Jakobson nhận xét chung: đối với thi sĩ hôm nay cũng như đối với lão già Karamazov [nhân vật trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov/Братья Карамазовы của Dostoevski] “không có người đàn bà nào xấu xí cả”. Không có tĩnh vật, hay hành động, phong cảnh hay tư tưởng nào hiện diện ngoài lĩnh vực thơ cả. Vấn đề về chủ đề thơ ngày nay không đặt ra.

Quan niệm về thơ của Jakobson [378] trong quá trình chuyển biến có thể kể từ 1919, như ông khẳng định: “tôi gọi thời khoảng duy nhất và cơ bản của thơ là mục đích của biểu hiện, của tổng thể ngôn từ…Thơ không là gì khác hơn một phát biểu nhằm biểu hiện”, đến năm 1933 ở tiểu luận dẫn trên, ông viết: “nội dung của khái niệm thơ không bền vững mà thay đổi theo thời gian, nhưng chức năng thơ, tính thơ, như những nhà hình thái luận nhấn mạnh là một yếu tố tự sinh, một yếu tố không thể giản lược một cách máy móc vào những yếu tố khác…Nói chung, tính thơ chỉ là một phần của một cấu trúc phức hợp, nhưng là một thành phần thiết yếu biến đổi những thành phần khác và cùng xác định ứng xử của toàn bộ…Nhưng tính thơ làm thế nào biểu hiện? Đó là từ ngữ phải được cảm nhận như là từ ngữ, không phải là cái thay thế đơn giản của sự vật được gọi tên, cũng không phải như sự bùng nổ của cảm xúc. Đó là, những từ và cú pháp của chúng, hình thái bên trong và bên ngoài không là những dấu chỉ vô tình của thực tại, mà phải có trọng lượng và giá trị riêng của chúng.” Ba mươi năm sau, ông chú trọng đến chức năng của thơ hàm ngụ trong thi pháp/sáng tạo vì “mục đìch/Einstellung của tín điệp như thế, chú trọng đến tín điệp cho chính nó là cái biểu thị đặc tính chức năng sáng tạo/thi pháp của ngôn ngữ”.

Có thể nói, cuối cùng, Jakobson nói đến khả năng sáng tạo của ngôn ngữ, ở giai đoạn đầu gọi là thơ, đến chức năng thơ, như một người theo Jakobson, Tzvetan Todorov nhận xét, định nghĩa của ông không đổi, song xác định ngôn ngữ thơ là một ngôn ngữ tự đích luận/un langage autotélique.  

------------------------------

[374] José Ferrater Mora, Diccionario de Filosofía: Los griegos llamaban πράξις a un quehacer, transacción o negocio, es decir, a la acción de llevar a cabo algo, πράσσω (infinitivo, πρασσεν), [từ hy lạp chỉ một công việc giao dịch hay thương lượng, muốn nói đến hành động thực hiện một điều gì]. 

[375] Khởi sinh của thơ biểu hiện trong từ thi, xuất hiện lần đẩu trong Kinh Thi ở ba bài thơ khác nhau vào những thời điểm khác nhau (khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 8 trước Công nguyên), tuy nhiên, hình thức văn tự sớm nhất có dạng gọi là tiểu triện/hsiao-chuan: hình thức đầu hợp bởi ngôn/yen (đề chỉ gốc)và tự/ssu (để chỉ âm); hình thức sau hợp bởi yen song viết khác và chi/chih là nguyên mẫu của hai chữ chih để chỉ đichih để chỉ ngừng. Theo Liêu Nhược Ngu, nhiều học giả hiện đại chứng minh là cải hai chữ thi/shihtự/ssu có thể hoán chuyển lẫn nhau, bắt nguồn từ gốc chih để chỉ chân, cho nên phối hợp âm cho chữ thi/shih (thơ)  gồm ngôn  với ssu hay chih liên tưởng nguyên nghĩa với chữ chân mang hai nghĩa đi và ngừng có nghĩa là nhẩy múa và nhịp điệu; tự nhân hay thi nhân là người thực hiện chức năng thi ca và nhẩy múa trong những lễ hội; mặt khác âm ssu hay chih  còn mượn âm từ chữ chí/chih gồm chữ và chữ tâm đễ chỉ chí hướng, niệm tưởng mang nhiều ý nghĩa như ước vọng, ý muốn, nỗi niềm, tâm tưởng; nói tóm lại thichí là những từ cùng gốc/cognate words nếu không muốn nói là cùng chữ, có thể nói là quan niệm nguyên thuỷ của thơ.

[376] Roman Jakobson, Co je poesie? In trong Volné smĕry tập XXX (1933-34), Marguerite Derrida dịch sang tiếng Pháp in trong Questions de poétique của Jakobson (cùng với nhiều bài viết của những dịch giả khác). Xem bản dịch sang tiếng Việt in trên Gió Văn số 4 (tháng 11, 2004), bản dịch này lược bỏ phần luận thơ Macha và Nezval.

[377] Dẫn theo Jakobson, Sdt. Karel Hynek Mácha (1810-1836) là nhà thơ tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn Tiệp. Vitĕzslav Nezval (1900-1958) là một trong những nhà thơ lớn của Tiệp ở thế kỷ 20.

[378] Roman Jakobson (1896-1982) sinh ở Nga, có thể coi là một trong những nhà khoa học về ngôn ngữ quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ngay tứ 1915 cùng với năm nhà nghiên cứu khác sáng lập ra Câu lạc bộ ngữ học Moskva, cùng với Hội nghiên cứu ngôn ngữ sáng tạo Opojaz ở Saint Petersburg thành một tư trào gọi chung là Hình thái luận Nga. Đối tượng nghiên cứu là ngữ học, thi pháp, âm luật học của thơ và văn học dân gian. Khi giảng dạy ở Tiệp, Jakobson lại tham gia hoạt động sáng lập Câu lạc bộ ngữ học Pra-ha cùng với Troubetzkoi, Bogatyrev, Karcevski (Nga) và Mathesius, Havranek, Mukarovsky (Tiệp). Lĩnh vực nghiên cứu của họ là ngữ âm học, hình thái học, thi pháp, lịch sử ngôn ngữ và văn chương các dân tộc Slave. Khi Đức Quốc xã xâm chiếm Tiệp, ông đã lưu vong qua Đan mạch, Na uy và  sau cùng ở Mỹ  năm 1941, thoạt tiên dạy ở Ecole Libre des Hautes Etudes (do những nhà khoa học Pháp và Bỉ lưu vong thành lập), rồi đại học Columbia, Harvard và MIT. “Six leçons sur le son et le sens/Sáu bài giảng về âm và nghĩa”Ecole Libre nói trên có những giáo sư của trường như Henri Grégoire, Jacques Hadamard, Claude Lévi-Strauss và những nhà ngữ học như Mattoso Câmara, Paul Garvin, Charles Hockett, Henry Hoenigswald, Thomas Sebeok dự thính.

Claude Lévi-Strauss nhận xét Jakobson là nhà khoa học không những đề ra những vấn đề như ông, lại còn giải quyết chúng. Elamar Holenstein nghiên cứu Jakobson như một nhà cấu trúc luận hiện tượng học nhằm chứng minh cấu trúc luận của Jakobson có cơ sở từ hiện tượng luận của Husserl. Song mặt khác, Jakobson còn có ảnh hưởng lớn đối với ngữ học của Noam Chomsky.

Riêng về mặt luận về thơ, phải kể những tác phẩm của Jakobson nhan đề Novejšaja russkaja poèzija. Viktor Xlebnikov/Thơ Nga hiện đại. Victor Klebnikov 1921, Sborniki po teorii poètičeskogo jazyka/Luận về ngôn ngữ thơ 1923, Randbemerkungen zur Prosa des Dichters Pasternak/ Những ghi chú bên lể về văn xuội của thi sĩ Pasternak 1935, Poèzija grammatiki i grammatika poèzii/Thơ của ngữ pháp và ngữ pháp thơ 1962, Subliminal verbal patterning in poetry/Cấu trúc ngôn ngữ tiềm thức trong thơ 1970, On the verbal art of William Blake and other poet-painters/Về nghệ thuật ngôn ngữ của W. Blake và những nhà thi-họa sĩ khác 1970. Ngoài ra còn những bài viết chung với P. Bogatyrev “Le folklore, forme spécifique de création 1929, với C. Lévi-Strauss “Les chats de Charles Baudelaire” 1962, trên tạp chí Critique Mai 1976, đàm thoại với E. Jacquart về thi pháp “Entretien avec Emmanuel Jacquart: autour de la poétique”.

 

(còn nữa)

  

Đặng Phùng Quân
 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2013