ĐẶNG PHÙNG QUÂN

Khái luận phê bình lý trí văn chương

biên khảo triết học nhiều kỳ

12

Dẫn nhập

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11,  Kỳ 12,

 

9. Khoa học văn chương (tiếp theo)

Khoa học văn chương không phải là một từ mới lạ trong nghiên cứu và phê bình văn chương, song chỉ nói tới ở thời hiện đại. Thuật ngữ Đức Literaturwissenschaft được thông dụng so với các ngôn ngữ khác; người ta có thể tìm thấy từ này trong những Từ điển chuyên biệt về văn chương và ngôn ngữ tiếng Đức [128].                               

Khi bàn luận đối chiếu giữa Bakhtin và nhóm Hình thái luận Nga (xem gio-o kỳ 11), quan niệm về khoa học văn chương như một phản ứng chống lại phê bình luận cổ truyền. Khác với lối nghiên cứu văn chương cổ điển xoay quanh những ngành tri thức khác (lý giải dựa vào những nhân tố lịch sử xã hội, tiểu sử v.v.,.), Eichenbaum xác định mối quan tâm chính của hình thái luận xem 'văn chương là đối tượng của nghiên cứu văn chương' [129]; Grigorij Vinokur diễn đạt như 'một ý niệm đơn giản là khoa học văn chương nghiên cứu chính văn chương, không cái gì khác; nhà nghiên cứu một tác phẩm nghệ thuật có chủ đề là cấu trúc của tác phẩm, không phải những nhân tố phụ tùy về mặt lịch sử hay tâm lý trong sáng tạo ra nó'. Nhiều học giả phê bình ở vào thời đại này ca ngợi hình thái luận đem lại một khoa học văn chương mới tạo thành một cuộc cách mạng trong nghiên cứu văn chương. Nửa thế kỷ sau khởi sinh phong trào hình thái luận, một thành viên của phong trào này, R. Jakobson xác định: người ta phải nhìn nhận sự đóng góp thiết thực của những nhà tiền phong của những năm 10 và 20 trong lĩnh vực sáng tạo học vào sự tiến bộ của tư tưởng khoa học liên quan đến ngôn ngữ trong nhiều chức năng đa dạng của nó.

Vào nửa sau thế kỷ 20, trong lĩnh vực nghiên cứu văn chương ở Đức, Wolfgang Kayser (1906-1960) cho xuất bản tác phẩm Das sprachliche Kunstwerk [130] vào năm 1948 đã xác nhận ở tiểu đề là một dẫn nhập vào khoa học văn chương/Eine Einführung in die Literaturwissenschaft. Ở tiết 2 phần Dẫn nhập, ông xác định đối tượng của khoa học văn chương: khoa học văn chương chỉ ra đối tượng đặc thù cùng với biểu hiện của văn chương, ở đó những bản văn luật pháp hay tôn giáo, từ điển, thư từ giao dịch thương mại hiển nhiên không thuộc vào đối tượng của văn chương. Trong tiết 3 về khái niệm và lịch sử khoa học văn chương, Kayser liệt kê một số khái niệm mới trong 'khoa học văn chương' như: công trình nghệ thuật bao gồm một 'ý nghĩa' tiêu biểu, một 'nội dung', tác phẩm là 'biểu hiện' người sáng tạo, văn gia là kiểu mẫu của 'tinh thần sáng tạo', bên cạnh văn gia, thế kỷ 18 đã nhận ra sự thống nhất sáng tạo trong 'tinh thần thời đại' và 'tinh thần dân tộc', tác phẩm văn chương là một tư liệu 'lịch sử' (cùng với quan niệm mới về lịch sử, phát triển thế kỷ 18 như một yêu cầu tiến tới lĩnh hội toàn diện một tác phẩm, bao gồm cả điều kiện lịch sử của nó)[131]. Trong lời tựa tác phẩm Das Groteske: seine Gestaltung in Malerei und Dichtung [132], Kayser dùng biểu ngữ 'mục đích khoa học' để nói đến ứng xử trong văn chương khi gián tiếp trả lời ý kiến về quyển sách của ông coi như chưa nắm được vấn đề, không thể xem đó là một phê bình, song ông hy vọng làm sáng tỏ qua việc để tạo ra được một cơ sở vững chắc cho những tranh luận như thế, 'mục đích khoa học của quyển sách chỉ hoàn tất nếu như nó động não được tư duy về vấn đề'.

Thế kỷ hai mươi vừa qua phát triển muôn mặt, từ thông diễn học qua Dilthey, hiện tượng luận luận của Husserl, những trường phái hình thái luận Nga và hội ngữ học Pra-ha, cấu trúc luận qua Lévi-Strauss. Yêu cầu khoa học là một đòi hỏi tất yếu ở thời đại khoa học kỹ thuật thống trị (không những thế còn xâm nhập vào phòng ngủ của mỗi gia đình [133]) tuy nhiên với phân tích khu biệt giữa khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn từ Dilthey, người ta có thể nói về tính khoa học và tùy ngữ khoa học mà không sợ rơi vào chỗ duy khoa học/scientism. Ở vào lúc tư trào cấu trúc luận phát triển thắng thế, chung quanh thập niên 60s, như triết gia Gilles Deleuze trong mở đầu bài viết A quoi reconnait-on le structuralism? [134]: Trước đây người ta hỏi: 'chủ nghĩa hiện sinh là gì?'. Ngày nay (ắt là): chủ nghĩa cấu trúc là gì? Những câu hỏi này có một quan tâm sinh động với điều kiện thật là thực tế trên những tác phẩm đang thành hình. Chúng ta đang ở vào năm 1967. Người ta không thể nêu ra tính chưa hoàn tất của những công trình để tránh việc trả lời, chỉ riêng đặc tính này cũng mang lại một ý nghĩa cho câu hỏi. Vậy:'chủ nghĩa cấu trúc là gì?' gợi lên ắt phải chịu một số biến đổi. Trước tiên ai là nhà cấu trúc luận? Có nhiều thói lệ trong cái thực hiện nhất. Thói lệ chỉ thị,  làm mẫu không cần biết đúng hay sai: một nhà ngữ học như R. Jakobson, một nhà xã hội học như C. Lévi-Strauss, một nhà phân tâm học  như J. Lacan, một triết gia làm mới tri thức luận như M. Foucault, một triết gia Mác-xít  như L. Althusser, một nhà phê bình văn học như R. Barthes, những nhà văn như nhóm Tel Quel.

Sở dĩ tôi nêu ý kiến của Deleuze, vì ông là người ở ngoài tư trào này, có nghĩa là đứng ở vị thế khách quan về mặt sử, và tôi chọn Todorov viết về quan niệm sáng tạo học/thi pháp của cấu trúc luận cũng trong định hướng đó. Một hợp tuyển [Chủ nghĩa] Cấu trúc luận là gì? xuất bản năm 1968 với những bài viết về cấu trúc luận trong khoa ngữ học của Oswald Ducrot, trong khoa nhân học với Dan Sperber, về cấu trúc trong phân tâm học với Moustafa Safouan, về triết học trước và sau cấu trúc luận vớI François Wahl và sáng tạo học/Poétique của Tzvetan Todorov [135]. 

Để dẫn vào khái niệm sáng tạo học cấu trúc/poétique structurale, Todorov phân biệt hai thái độ: một thái độ xác định tác phẩm văn chương có một mục đích tối hậu và duy nhất là miêu tả, nghĩa là một cấu tạo bằng ngôn ngữ hơn là một biểu tượng thực tại; một thái độ coi tác phẩm đặc thù là biểu hiện 'một điều gì khác', nghĩa là gần với khoa học hơn bởi đối tượng nghiên cứu là chuyển ý nghĩa của tác phẩm sang một loại diễn ngôn cơ bản, về mặt triết học, tâm lý học hay xã hội học. Đối tượng của sáng tạo học cấu trúc ở đây không phải là chính tác phẩm văn chương, mà là những đặc tính của diễn ngôn văn chương. Todorov xác định khoa học văn chương ở đây không phải là văn chương thực, nhưng là văn chương khả hữu, mà đặc tính trừu tượng này tạo thành tính đặc thù của sự kiện văn chương, tính văn chương [hình thái luận Nga gọi là literaturnost'][136].

Sáng tạo học/thi pháp ở đây liên quan tới tất cả văn chương, cả văn xuôi và văn vần, Todorov kiểm điểm lại xem gần với ý nghĩa Paul Valéry  đã mô tả 'có quan hệ tới sáng tạo hay cấu tạo những tác phẩm có ngôn ngữ vừa là bản thể và phương tiện' [137], có những nét chung với lối sử dụng của Jakobson trong quan hệ với khoa học nói chung và ngữ học nói riêng, hay theo Barthes gọi là 'khoa học văn chương'. Todorov cũng phân biệt những phân tích văn chương theo hứng ngữ học, hay phân tâm học, xã hội học hoặc lịch sử tư tưởng, vì một vận động như vậy đi ngược lại với những nguyên tắc sơ đẳng của nghiên cứu khoa học; chẳng hạn khi Freud thực hiện những phân tích tác phẩm văn chương, những phân tích ấy thuộc về phân tâm học, không phải thuộc về 'khoa học văn chương'. Một khoa sáng tạo học gọi là cấu trúc, theo Todorov phải phù hợp với những yêu cầu như Benveniste đã đề ra trong ngữ học: có ý thức về hệ thống, quan tâm đến việc phân tích tới tận những đơn vị cơ bản, chọn lọc rõ ràng những phương thức tiến hành [138], nại tới khoa ngữ học không phải tình cờ, như Mallarmé đã thâu tóm trong một công thức, đó là 'quyển sách, chính là khuếch trương toàn diện của chữ' [139]. Cơ sở của văn chương là chữ và ký hiệu bằng động ngữ, bởi chỉ có thể nói về diễn ngôn văn chương khi nói về động từ nói chung và ngược lại. Ngữ học ngày nay đã hình thành như một khoa học về ngôn từ, sáng tạo học đang trở thành một khoa học về diễn ngôn, song hành với tu từ học và những bộ môn khác. Cho nên Todorov phát biểu như một võng luận: Sáng tạo học/thi pháp không thể hiện hữu mà không có văn chương, đồng thời chỉ trong một trồi lên khỏi tác phẩm văn chương mới cấu thành ra nó. Nếu như sáng tạo học là đối tượng và cũng là phương pháp, trong viễn tượng đảo nghịch, văn chương tạo ra những hình thái động ngữ/formes verbales mà sáng tạo học cho tên, song chính qua những hình thái này mà văn chương luận giải về chính nó.

-----------------

[128] Chẳng hạn, Sachwörterbuch der Literatur (1. Auflage 1955)  của Gero von Wilpert: Literaturwissenschaft , die gesamte systematische Wissenschaft von der Literatur, ihren möglichen Betrachtungsarten und Methoden zur Erschließung der Sprachkunstwerke entweder in ihrem Wesen alt Dichtung oder ihrer historischen Entwicklung und ihrem Lebenszusammenhang, neben der Sprachwissenschaft Unterabteilung der Philologie im weiteren Sinne, doch über die mehr sprachlich und volkskundlich ausgerichtete Germanistik hinausragend (Khoa học văn chương, khoa học có hệ thống toàn diện về văn chương, về nghệ thuật quan chiêm khả hữu và phương pháp về phát triển những công trình nghệ thuật bằng ngôn ngữ, hoặc trong bản chất của nó như văn thơ, hoặc tiến trình lịch sử của nó và quan hệ sinh hoạt của nó, bên cạnh những bộ môn khoa học ngôn ngữ như bác ngữ học theo nghĩa rộng, song vượt lên trên khoa Đức văn về mặt ngữ ngôn và dân gian).

Trong Từ điển chuyên biệt văn chương nói trên, von Wilpert xác định biểu ngữ này Theodore Mundt dùng đầu tiên trong Dẫn nhập vào Lịch sử văn học hiện đại/Geschichte der Literatur der Gegenwart năm 1842.

René Welleck tác giả Concepts of Criticism 1963  trong chương viết về từ ngữ và khái niệm phê bình luận văn chương  nhận xét: ở Đức từ 'Literaturwissenschaft' giữ vị thế của 'phê bình luận' thường dùng ở phương Tây, được  thịnh hành trong khi những tổ hợp từ như 'science de la littérature' hay 'science of literature' không được để ý ở phương Tây. Tuy nhiên, Wellek cũng nói ngay là ý niệm về một khoa học văn chương không phải là đặc thù ở Đức, vì ở Pháp cũng đã có một truyền thống lâu dài dùng nó, như J.J. Ampère đã nói đến triết học văn chương là lịch sử văn chương cấu tạo thành hai bộ phận của một 'khoa học văn chương/science littéraire' trong Discours sur l'histoire de la poésie (1830), chưa kể đến Taine, Brunetière, Hennequin  đã nói đến xu hướng dùng phương pháp khoa học trong nghiên cứu văn học ở Pháp.  Song theo Wellek, từ này chỉ cắm rễ ỏ Đức, thường được Karl Rosenkranz dùng trong việc điểm sách trong 'Die deutsche Literaturwissenschaft, 1836-1842, trong một tạp chí xuất bản năm 1865, hay những bài giảng của Ernst Grosse  năm 1887 về Die Literaturwissenschaft, ihr Ziel und ihr Weg, hay Ernst Elster trong bộ khảo luận Prinzipien der Literaturwissenschaft hai tập năm 1897 và 1911. Wellek cho rằng từ 'khoa học văn chương' không có tiến triển nào ngoài nước Đức, chẳng hạn những bài diễn thuyết về The Science of Literature của học giả Hà lan Henrik Clemens Muller ở Edinburg năm 1898 là ngoại lệ, cũng như bộ Introduction à une science de la littérature (1928-29) bốn quyển của học giả Lỗ mã ni Michel Dragomirescou. Biểu ngữ này lại xuất hiện trong Introduction à une science de la littérature của Guy Michaud năm 1950.

Wellek cũng nhận xét là trong Das sprachliche Kunstwerk của Wolfgang Kayser năm 1948, từ này và những vấn đề đã không được thảo luận mặc dù cái tên của nó xuất hiện trong những nhan đề ở thư mục.

Điều nhận xét này thật kỳ lạ và sai lầm vì René Wellek thực đã không đọc thấy ngay ở Dẫn nhập tác phẩm nói trên của Kayser tiết 2 và 3 luận về:

2. Der Gegenstand der Literaturwissenschaft/đối tượng của khoa học văn chương.

3. Begriff und Geschichte der Literaturwissenschaft/khái niệm và lịch sử khoa học văn chương.

Do tư kiến đó, ngay từ tác phẩm viết chung giữa hai tác giả René Wellek và Austin Warren Theory of Literature 1948  không có từ 'khoa học văn chương'.      

Tác phẩm Methodologie der Literaturwissenschaft 1978  của Joseph Strelka có thể tiêu biểu loại sách giáo khoa về khoa học văn chương, từ lý luận về những nguyên tắc (đối tượng và mục đích), lý luận về phương pháp (những điều kiện và những phương pháp nội tại và siêu nghiệm của tác phẩm), quan hệ đối với triết học, tôn giáo, phong tục học và nhân loại học, sử học và xã hội học.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     

[129] Teorija 'formal'nogo metoda 1927 [bản dịch tiếng Pháp: La théorie de la 'méthode formelle' trong Théorie de la littérature, Textes des Formalistes russes 1965; bản dịch tiếng Anh trong Russian Formalist Criticism 1965]

[130] Công trình nghệ thuật văn ngôn 1948  (cho đến nay có một bản dịch  tiếng Tây ban nha: Interpretacion y Analisis de la Obra literaria 1954).

[131] Der neuen Begriffe der 'Literaturwissenschaft': 1/ das Kunstwerk enthält einen eigenen 'Sinn', einen 'Gehalt'; 2/ das Werk ist 'Ausdruck' eines Schöpfers; 3/ der Dichter ist das Urbild des schöpferischen Geistes;  4/neben dem Dichter erkannte das 18. Jahrhundert auch in dem 'Zeitgeist' und dem 'Volksgeist' schöpferische Einheiten; 5/ das Dichtwerk ist ein 'historisches' Dokument. In Verbindung mit der neuen Auffassung von der Geschichte, die das 18. Jahrhundert entwikkelte, ergab sich als Forderung, zum vollen Verständnis eines Werkes seine geschichtlichen Voraussetzungen mit einzubeziehen. Sdt.

[132] Kỳ cục: hình thành trong hội họa và văn chương 1957.

[133] Xem: Hành trạng của tri tưởng/về một nền văn hóa truyền hình (in trong Tẩu khúc văn chương/triết lý 2004 - ĐPQ)

[134] Người ta biết gì về cấu trúc luận? In trong Le XX? siècle, Histoire de la Philosophie VIII, F. Châtelet  phụ trách biên tập.

[135] Qu'est-ce que le structuralisme?  F. Wahl chủ biên.

[136] Roman Jakobson  đã xác định trong Novejšaja russkaja poèzija 1921: chủ đề của nghiên cứu văn học không là văn chương trong toàn bộ của nó, mà là tính văn chương.

[137] 'comme nom de tout ce qui a trait à la création ou à la composition d'ouvrages dont le langage est à la fois la substance et le moyen' De l'enseignement de la Poétique au Collège de France.

[138] La conscience de système, le souci de pousser l'analyse jusqu'aux unites élémentaires, le choix explicite des procedures.

[139] Le livre, expansion totale de la lettre.   

(còn tiếp)

Đặng Phùng Quân

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2011