ĐẶNG PHÙNG QUÂN

Khái luận phê bình lý trí văn chương

biên khảo triết học nhiều kỳ

47

Chương III

LÝ LUẬN VĂN CHƯƠNG VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC

 

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11,  Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14,  Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26,  Kỳ 27,  Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32,  Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39,  Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, 

 

Tác phẩm nghệ thuật nói chung, cũng như tác phẩm văn chương có trước mọi lý luận. Trong phần Dẫn nhập, tôi đã nói đến ý thức văn chương và khoa học văn chương; một số quan điểm và lý luận đã được đề cập nhằm chỉ ra những tranh biện về ngọn nguồn, bản thể của văn chương. Trong chương sách này, sẽ không lặp lại những vấn đề của những tác giả đã bàn cãi, vì đó là những trang bị thiết yếu đưa vào dẫn nhập cho khai phá lãnh vực lý luận văn chương.

Khi nói đến lý trí văn chương, câu hỏi tiên khởi hẳn đặt ra: văn chương là gì? Hỏi văn chương là gì? có giống như khi nhà triết học hỏi triết học là gì? chắc hẳn không, vì lẽ một đằng đi tìm bản chất, một đằng đi tìm trong những hiện tượng do sáng tạo của con người, cái gì quan hệ với tri giác, thuộc về cảm xúc, nhã thức của con người.

Trong chương I, tôi đã khai triển mối tương quan giữa triết học và văn chương, ở đó quyển Sách là tiêu biểu hội tụ - lịch sử của triết học chấm dứt khi tới tận cùng của Tri thức tuyệt đối, kéo theo cái chết của văn minh sách vở, có thể còn nói đến văn chương nữa không?

Một quyển sách triết học, trong nội tại luận lý của nó, dưới bất kỳ hình thức nào cũng là tư biện và mô tả (kể cả những thiên đối thoại ở Platon hay Berkeley), song quyển sách văn chương, từ sử ký đến sử thi, tiểu thuyết, mô hình vẫn là thuyết thoại, dầu có sử dụng tu từ pháp, giải thích cũng vẫn không thuộc về khoa học tự nhiên, nghĩa là có những yếu tố a, b, c tất yếu d, e, f phải xảy ra.

Khi Hình thái luận Nga xuất hiện, một cái nhìn mới về khoa học văn chương chỉ ra đối tượng của khoa học này không phải là văn chương, mà là tính văn chương khả dĩ có thể trả lời cho vấn nạn làm sao phân biệt được công trình văn chương với công trình phi văn chương [1].

Cho nên cách đặt vấn đề “cái gì làm cho chúng ta xem một đối tượng là văn chương” thay vì hỏi “văn chương là gì” có là định hướng đúng cách nhìn văn học?

Lý ưng, thảo luận một vấn đề như vậy không phải đơn giản, trong một xác quyết hay phủ định tức thời. Félix Martínez Bonati trong nghiên cứu triết lý ngôn ngữ và mỹ học đã phân giải vấn đề “văn chương là gì?” theo ba hướng, một là xem văn chương thuộc loại đối tượng nào, hai là đối tượng này cấu thành từ chất liệu và bản thể nào, ba là đối tượng này ra sao xét về mặt ý nghĩa hình thành cấu trúc [2]. Xuất hiện vào thời đại tư trào cấu trúc luận đang nở rộ ở châu Âu, tác phẩm của Martinez Bonati vẫn đi theo hướng phê bình của Kant trong việc nghiên cứu những điều kiện khả hữu của kinh nghiệm sáng tạo, và những hình thái siêu nghiệm của nó [3]. Ông xác định lý luận văn chương từ thế kỷ 16 cho đến nay phần nào vẫn nhờ vào Aristote, cho nên bản thân ông nghiên cứu vẫn trở về với lý luận minh thuyết, sáng tạo luận của Aristote và diễn dịch pháp siêu nghiệm của Kant [4].

Trở về truyền thống thực sự vẫn ẩn dấu trong những công trình tưởng chừng tiền phong nhất. Đó là một vấn đề tranh biện. Lubomír Doležel trong những phản tư dẫn nhập vào sáng tạo học phương tây đã nhận xét: Việc đi tìm tổ tông của sáng tạo học cấu trúc và tái tạo hình thành của nó phát lộ ra vị thế ưu tiên song cũng bày ra trong những tình trạng muôn màu muôn vẻ của tư tưởng văn chương…Sáng tạo học cấu trúc kế thừa một kinh nghiệm lịch sử bao la [5]. Aristote vẫn là cơ sở truyền thống đó, như ông nhận xét: Poetics của Aristote nói chung vẫn được nhìn nhận là đá tảng nền móng của nghiên cứu văn chương trong địa hạt văn hóa phương Tây.

Trở về với truyền thống, trên bình diện rộng rãi hơn, là ý hướng xây dựng văn học tỷ giảo. Những công trình của nhiều học giả như Makoto Ueda, Liu Jo-yü trình bày lý luận văn chương truyền thống đất nước của họ (Nhật, Trung) chẳng hạn là những nỗ lực đóng góp vào văn học tỷ giảo, song trước hết với viễn tượng lớn hơn là lý luận văn chương phổ quát. Lưu Nhược Ngu/Liu Jo-yü dẫn nhập vấn đề đó trong ba mục tiêu: mục tiêu thứ nhất và tột cùng là trình bày những lý luận văn chương đa biệt lấy từ truyền thống lâu đời và độc lập của tư tưởng phê bình Trung hoa đóng góp vào lý luận văn chương phổ quát cuối cùng khả dĩ có thể so sánh với những lý luận của các truyền thống khác (những nghiên cứu tỷ giảo này theo Lưu có nhiều kết quả phong phú hơn nếu điều khiển trên mức độ lý thuyết hơn là thực tiễn, vì phê bình những tác giả và công trình đặc thù không có ý nghĩa mấy với những người không thể đọc tác giả và tác phẩm từ ngôn ngữ nguyên tác, cũng như những tiêu chuẩn phê phán của mỗi nền văn chương có thể không áp dụng cho một nền văn chương khác, trong khi đối chiếu tỷ giảo những gì nhà văn và nhà phê bình thuộc những truyền thống văn hóa khác nhau nghĩ về văn chương có thể khai phá xem những khái niệm phê bình nào là phổ quát, hay chỉ nằm trong một truyền thống văn hóa nhất định, hoặc duy nhất trong một truyền thống đặc thù), như vậy sẽ phát hiện ra được những đặc trưng nào chung cho mọi nền văn chương khả dĩ có thể dẫn đến một lĩnh hội tốt hơn về mọi nền văn chương; mục đích thứ hai và trực tiếp hơn là minh giải những lý luận văn chương Trung hoa cho những học giả nghiên cứu văn học và phê bình luận Trung hoa; mục đích thứ ba là lót đường cho việc tiến tới một tổng hợp công chính giữa quan điểm phê bình Trung hoa và Tây phương nhằm dựng được cơ sở cho việc phê bình thực tiễn văn chương Trung hoa [6] .

 

-----------

[1] Trong “Mấy tiêu chí để tiếp cận lý luận văn học hiện đại” (in trong Tẩu khúc Văn chương/Triết lý 2004) tôi nói đến Tzvetan Todorov bàn về khái niệm văn chương/văn học, xác định từ này hiểu theo nghĩa hiện đại mới có kể từ thế kỷ 18. khi quan niệm văn chương như một giả tưởng.

Chung quanh thời điểm lịch sử này, người ta có thể chú ý đến quan niệm về “con người” theo Michel Foucault chỉ có  từ khi những khoa ngữ học, sinh học, xã hội học ra đời.

Jonathan Culler trong Literary Theory 1997 nhận xét trước 1800, từ “literature” và những từ ngữ tương tự dùng để chỉ văn tự và nhận thức sách vở, như một loại thư mục, cho nên trong sách khoa học về một vấn đề chuyên biệt, chẳng hạn như tiến hóa, người ta thường nói đến the literature on evolution, không phải để nói đến thơ hay tiểu thuyết viết về vấn đề này, nhưng để chi một thư mục khoa học chuyên biệt viết về vấn đề này [từ literature hiểu theo nghĩa này, ngày nay vẫn thường thấy trong những tác phẩm khoa học].

Culler còn nhận xét những tác phẩm ngày nay được dạy trong những lớp học về văn chương Anh (hay La-tinh) xưa kia không được xem như một loại văn đặc thù mà chỉ đưa ra như những mẫu tinh tế trong sử dụng ngôn ngữ hay tu từ học; không đòi hỏi học trò phải giải nghĩa, như chúng ta bây giờ lý giải những công trình văn học, mà là học thuộc lòng, học văn phạm, phân biệt những hình dạng tu từ, cấu trúc hay thủ tục lý chứng, chẳng hạn không nghiên cứu Aeneid của Virgile như thể văn chương trong học đường trước năm 1850.

Điều này khá đúng trong quan niệm giáo dục nhà trường, nên mới có những xung đột giữa cổ điển và cách tân trong việc giáo dục nhân văn, song không đúng về mặt sáng tạo học. Một tác phẩm được sáng tạo về mặt văn chương, tác giả không nhằm thử nghiệm văn phạm hay tu từ, mà khảo chứng ngôn ngữ, tu từ, phân tâm học, xã hội học v.v… nghĩa là lý luận đến sau khi hình thành tác phẩm.     

[2] Félix Martinez Bonati, Cấu trúc của tác phẩm văn chương/La estructura de la obra literature, 1960, trong tự ngôn/prólogo: (1) ¿Qué clase de objeto es la literature? (2) ¿Cuál es la material o substancia de que se compone o constituye este objeto? (3) ¿ es este objeto? En el sentido de ¿qué forma (estructura) tiene?

[3] Martinez Bonati, Sdt: Se trata…de una determinación apriorística de la estructura esencial y necesaria de estos objetos de pura intencionalidad que son las obras poéticas.

…Se trata, pues, de filosofía, y los métodos correspondientes son el análisis de las significaciones y la fenomenología*

* Trong chù thích, ông xác định: En elsentido en que, desde siempre, en el método socrático como en Kant o en el “analysis” ingles contemporáneo, ha sido tarea filosófica esencial. Cf. Kant, Kritik der reinen Vernunft, B 9.

[4]  X. Từ điển triết học, 2010 [ĐPQ], mục Apophansis/minh thuyết: Logos apophantikos hay apophansis trong luận lý Aristote chỉ thị hình thái chủ từ-thuộc từ căn bản, như một hình thái mệnh đề độc lập hay như một kết luận của tam đoạn luận, nhờ đó mọi loại mệnh đề khác có thể giảm trừ qua phân tích hay diễn dịch

[5]  L. Doležel, Occidental Poetics, 1990.

[6] X. Lưu Nhược Ngu (James J.Y. Liu), Chinese Theories of Literature, 1975.

Để xét về những lý luận văn chương cổ điển của Trung hoa (có nghĩa là chưa bị ảnh hưởng tây phương), Lưu trình bày những nghĩa khác nhau của từ văn/wen, đối trọng gần nhất với từ literature, mà lý giải truyền thống có vẻ hợp lý của Hứa Thận trong Thuyết văn giải tự:  Wen gồm những nét giao nhau, biểu tượng cho mẫu hình bắt chéo nhau. Lý giải này được củng cố qua nhiều bản văn cổ, chẳng hạn như Kinh Thư nói đến văn bối/wen-pei (ốc vằn), trong Kinh Thi nói đến văn nhân/wen-yin (đệm có vằn, làm bằng da hổ). Thời Hán triều (206 tr. TL-220 TL) từ văn thường dùng để chỉ những văn từ có vần điệu, đối xứng, có mục đích mỹ học hơn thực dụng. Từ văn còn dùng trong những từ kép như văn chương, văn học, thời Lục triều (222-589) hai từ này dùng có tính cách đồng nghĩa, trong khi ở thế kỷ thứ 5, văn học chính thức dùng để phân biệt với kinh học, huyền học, sử học.

Lưu Nhược Ngu phân chia những loại lý luận khác nhau trong văn chương Trung hoa, như lý luận siêu hình dựa trên khái niệm văn chương như một biểu hiện của nguyên lý vũ trụ (khái niệm Đạo trong Kinh, Truyện); lý luận tất định và diễn cảm chú trọng đến mối quan hệ giữa vũ trụ nghệ thuật và nhà văn (như trong Tả truyện) trong quan niệm tất định, hay diễn cảm chú trọng đến mối quan hệ giữa nhà văn và tác phẩm văn chương (nhất là thơ, diễn tả bộc phát những tình cảm phổ biến nơi con người); lý luận kỹ văn quan niệm văn chương là một nghề, như mọi nghề khác, ngoại trừ dung ngôn ngữ như chất liệu thay vì dùng những chất liệu thể lực (như Thẩm Ước/Shen Yüeh đưa ra thuyết Tứ thanh lập thành những quy luật làm thơ dựa trên phân biệt thanh âm trong Hoa ngữ); lý luận mỹ học, tương cận với lý luận kỹ văn như hai mặt của đồng tiền, khái niệm khởi từ nguyên ngữ của từ văn/wen (như trong Tả truyển quan niệm nếu từ không có văn hoa thì không đi tới đâu được) như văn ngôn trong thuyết giảng Kinh Dịch; lý luận thực dụng  xây dựng trên khái niệm văn chương như một phương tiện để đạt những mục đích chính trị, xã hội, đạo lý, giáo dục có thể xem như phát xuất từ Nho giáo. 

 

(còn nữa)

 

       Đặng Phùng Quân

 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

 

© gio-o.com 2012