photo:https://frieze.com



ĐÀO TRUNG ĐẠO

gilles deleuze: triết học & không triết học

(Kỳ 33)


kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10,  kỳ 11,  kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21, kỳ 22, kỳ 23, kỳ 24, kỳ 25, kỳ 26, kỳ 27, kỳ 28, kỳ 29, kỳ 30, kỳ 31, kỳ 32, kỳ 33,

 

Chương VI

KHÁC BIỆT và LẬP LẠI

   Deleuze tiếp tục phản bác triết lý hình dung/tượng bằng cách chỉ ra vấn đề của khái niệm nền tảng (fondement), đặt nền tảng (fonder) trong triết lý hình dung. Một cách tổng quát, Deleuze phi bác triết lý hình dung nhằm thay thế Nguyên lý của Nhất tính (Principle de l’Identité) bằng Nguyên lý của Khác biệt (Principle de la Différence). Tất nhiên bước đầu tiên là chứng minh Nguyên lý Nhất tính không có nền tảng vững chắc cho nên phải thay thế. Theo định nghĩa thì đặt nền tảng chính là qui/xác định (Fonder, c’est déterminer) nhưng câu hỏi đặt ra là: do đâu có xác định, xác định là gì, và sự xác định được đặt trên cái gì? Trước hết, vì đặt nền tảng là diễn tác của logos hay lý trí túc lý (la raison suffisante) thế nên nền có ba nghĩa. Ở nghĩa thứ nhất nền là cái Cùng một (le Même) hay cái đồng nhất (l’identique), có nhất tính tối cao được giả thiết thuộc về Ý niệm. Như trong triết học của Platon cho thấy cái Cùng một có nhất tính tối cao trước nhất, đầu tiên. Chẳng hạn chỉ có Can Đảm là can đảm, chỉ có Đức Hạnh là đức hạnh. Như thế cái mà nền tảng đặt nền tảng chỉ là ý định (prétention) của những kẻ đến sau. Điều này cũng có nghĩa đó luôn luôn chỉ là một ý định, nghĩa là một “hình ảnh” mà thôi, chẳng hạn ý định của những người muốn là can đảm, muốn là đức hạnh, tức là có phần, tham dự vào (μετέχειν/metexein, có sau đó). “Như vậy người ta có thể phân biệt nền tảng như Yếu tính ý niệm (Essence idéelle), cái được đặt nền tảng như cái Có Ý Định hay việc có ý định, và cái trên đó việc có ý định mang vác là Phẩm tính mà cái nền là kẻ sở hữu trước nhất, và rằng kẻ có ý định nếu hắn thật sự có cơ sở sẽ sở hữu phẩm tính kế tiếp. Cái phẩm tính này, đối tượng của sự có ý định, chính là sự khác biệt – vị hôn thê, Ariane. Yếu tính như nền tảng, chính là cái đồng nhất trong chừng mực như nó bao gồm từ nguyên ủy sự khác biệt của đối tượng của nó.”[18] Nói thế khác, việc đặt nền tảng làm cho cái có ý định tương tự với cái nền, sự tương tự này được cho nó từ bên trong, và vì thế, dưới điều  kiện này, cho phép nó dự phần vào phẩm tính là đối tượng nó hướng tới. Vì tương tự với cái cùng một/là nên cái có ý định được cho là giống như, nhưng sự giống như này không phải là một sự tương tự ngoại tại với đối tượng mà là một sự tương tự nội tại với chính cái nền. Tóm lại sự khác biệt được cứu xét dưới nguyên lý của cái Cùng một/là và dưới điều kiện của sự tương tự. Cũng vì có một thang bậc của sự tương tự nên cái nền làm công việc chọn lựa và làm cho sự khác biệt đi vào chính những cái có ý định. “Mỗi hình ảnh hay sự có ý định có nền tảng vững vàng được gọi là tái-hiện diện (hình tượng), bởi cái thứ nhất theo trật tự của nó vẫn là là cái thứ nhì tự thân trong tương quan với cái nền. Chính theo nghĩa đó Ý niệm mở đầu hay đặt nền tảng cho thế giới của hình dung. Còn về phần những hình ảnh nổi loạn và không có sự giống như (những giả tượng/hình) bị xóa bỏ, loại bỏ, từ khước như thể không có nền tảng, những cái có ý định giả.”[19]

   Theo nghĩa thứ nhì thì khi thế giới dung tưởng đã được thiết lập thì nền không còn được định nghĩa bởi cái đồng nhất nữa, cái đồng nhất trở thành tính chất nội tại của chính dung tưởng, và trong khi sự giống nhau lại trở thành mối tương quan ngoại giới của nó với sự vật. Theo Deleuze chính vì thế cái đồng nhất giờ đây biểu lộ một ý định cần phải được đặt nền tảng. Đối tượng của ý định không còn là sự khác biệt được coi như phẩm tính nữa nhưng trở thành cái lớn nhất và nhỏ nhất, cái quá độ và cái thiếu hụt trong sự khác biệt, nghĩa là cái bất tận: cái phải có nền tảng chính là ý định của hình dung trong việc chinh phục cái bất tận. Luận cứ của triết lý hình dung chỉ ra cái chinh phục sự khác biệt không phải là hình ảnh đi chinh phục sự khác biệt như nguyên ủy được bao gồm trong cái đồng nhất nữa mà ngược lại là chính nhất tính nỗ lực chinh phục cái không bao gồm trong sự khác biệt. Chính vì thế “Đặt nền tảng không còn có nghĩa là khai mạc và làm cho hình dung khả hữu nữa, mà là làm cho hình dung thành bất tận.”[20] Diễn tác này biểu lộ lý trí túc lý bằng một phương pháp bảo đảm tất cả các trung tâm khả hữu của hình dung đều qui về một trung tân duy nhất, sự biểu lộ này không phải là của nhất tính nhưng là phương tiện đưa cái đã vuột khỏi sự khác biệt về sự phụ thuộc cái đồng nhất và những đòi hỏi của hình dung.

   Ý nghĩa thứ ba của nền tảng trong triết học hình dung do hai nghĩa trên hợp lại. Thật vậy, đặt nền tảng luôn có nghĩa là bẻ cong (ployer), uốn cong (courber) và lại uốn cong (recourber), tổ chức thứ tự mùa, năm, và ngày. Phẩm tính, sự khác biệt những đối tượng của ý định được đặt trong vòng tròn và những cung của vòng tròn được phân biệt sao cho cái nền lập ra những chỗ đọng lại, những khoảnh khắc, những ngưng tụ giữa hai cực nhiều hơn hay ít hơn trong sự trở thành có phẩm tính. Như vậy những kẻ có ý định dược phân phối quanh một vòng tròn di động và được nhận phần mình tương ứng với sự xứng đáng của đời mình, đời ở đây được đồng hóa với một hiện tại chính xác, hiện tại này tương xứng với ý định trên một phần vòng tròn “co cụm” để rút ra cái được cái còn/mất theo thứ tự nhiều ít và tùy theo sự tiến lui của nó trong bậc thang những hình ảnh. Ta thấy rất rõ trong chủ thuyết Platon sự xoay vòng của vòng tròn và sự phân phối phần mình diễn ra, vòng tròn và luân hồi (métempsycose) tạo thành việc quay xổ số của cái nền. Tuy nhiên với Hegel, tất cả những khởi đầu khả hữu, tất cả những hiện tại được phân phối trên một vòng tròn độc nhất không ngừng quay của một nguyên lý đặt nền tảng bao gồm chúng trong tâm của nó như nó phân phối chúng trên vòng tròn. Với Leibniz cũng vậy, chính tính chất cùng khả hữu (compossibilité) cũng là một vòng tròn hội tụ ở đó mọi điểm nhìn (point de vue), mọi hiện tại cấu thành thế giới được phân phát. “Đặt nền tảng, theo nghĩa thứ ba, chính là hình dung cái hiện tại, nghĩa là làm cho hiện tại xảy ra và diễn ra trong sự hình dung (hữu hoặc vô hạn). Rồi cái nền hiện ra như Ký ức xa xưa hay Quá khứ thuần túy, cái quá khứ chính nó chẳng bao giờ hiện diện/tại, như vậy nó làm cho hiện tại qua đi, và trong tương quan với nó tất cả những hiện tại cùng hiện hữu theo vòng tròn.”[21]

   Deleuze chỉ ra vòng luẩn quẩn trong quan niệm về nền, đặt nền tảng của triết lý hình dung cũng như những khuyết điểm của quan niệm này. Nếu cho rằng đặt nền tảng có nghĩa đặt nền cho hình dung thì làm sao giải thích được tính chất mơ hồ thiết yếu (essentielle ambiguïté) nơi nền tảng? Người ta sẽ cho rằng vì nền bị thu hút bởi hình dung mà nó đặt nền tảng (theo cả ba nghĩa) và ngược lại đồng thời nó cũng bị lôi kéo bởi một cái ở ngoài (un au-delà) như thể nó giao động giữa sự rơi của nó trong cái được đặt nền tảng và sự bị nhận chìm của nó trong một không nền (un sans fond). Như đã thấy ở nền tảng-Ký ức (fondement-Mémoire) chính nó hướng việc được hình dung như một hiện tại xưa cũ, và đi vào trong vòng tròn như một yếu tố mà trên nguyên tắc nó tổ chức. Deleuze đặt vấn đề: “Và phải chăng tính chất tổng quát nhất của nền, rằng cái vòng tròn nó tổ chức cũng là vòng luẩn quẩn của “bằng chứng” trong triết học, ở đó hình dung phải chứng tỏ cái chứng tỏ nó, cũng như nơi Kant khả tính của kinh nghiệm dùng để làm chứng chính bằng chứng của nó? Ngược lại, khi ký ức siêu nghiệm làm chủ được cơn chóng mặt của nó, và duy trì được tính chất không thể thu giảm của quá khứ thuần túy vào bất kỳ hiện tại nào đi vào hình dung, chính là để nhìn thấy cái quá khứ thuần túy này tan loãng theo một cách khác, và để phá bỏ cái vòng tròn ở đó nó đã phân phối một cách thật đơn giản sự khác biệt và sự lập lại. Đó cũng chính là tổng hợp thứ nhì của thời gian, cái tổng hợp nối kết Eros và Mnémosyne (Eros như kẻ đi tìm kỷ niệm, Mnémosyne như kho tàng quá khứ thuần túy), tổng hợp này bị vượt qua hay bị đảo ngược trong một tổng hợp thứ ba trình ra, dưới hình thức của thời gian trống rỗng, một bản năng của sự chết đã được giải dục và một cái tôi tự yêu mình mất trí nhớ một cách thiết yếu.”[22] Deleuze nêu câu hỏi: làm sao ngăn nền, theo những nghĩa khác, không bị thách thức bởi những sức mạnh của chính giả tượng lật ngược những sự phân phối, phân chia giả tạo? Thế giới của nền bị giả tượng lôi kéo và chặt mảnh, phá vỡ bởi chính cái nó định loại bỏ? “Và khi mà cái nền theo nghĩa đầu tiên của nó cầu cứu tới Ý niệm, chính với điều kiện cho Ý niệm một nhất tính chính nó không có, nhất tính này chỉ đến từ những bó buộc của cái nó định chứng tỏ. Ý niệm không còn ngầm chứa một nhất tính, rằng tiến trình hiện thực của nó không được giải nghĩa bởi sự tương tự. Dưới cái “cũng là/vậy” của Ý niệm, toàn thể một bội/phức tính gầm gừ. Và tất nhiên, mô tả Ý niệm như một bội/phức tính bản tồn, không thể thu giảm vào cái cũng là/thế hay cái Một, đã cho chúng ta thấy tại sao lý trí túc lý có thể tự sinh sản, một cách độc lập với những bó buộc của hình dung, trong những ngả đường của cái bội phức như thế, bằng cách qui định những yếu tố, những mối tương quan và những cá biệt tương ứng với Ý niệm, dưới dạng gấp ba của một nguyên lý của tính qui định, của sự qui định thuận nghịch và của sự qui định hoàn toàn. Song le, một cách chính xác, trên cái nền nào lý trí bội/đa phức này sinh sản và không ngừng cuộc chơi, nó nhào xuống trong sự vô lý nào, từ một thứ xổ số loại mới nào nó rút ra những cá biệt và những những phân phát không thể thu giảm vào cái chúng ta vừa thấy của nó. Nói cho gọn, lý trí túc lý, cái nền đã bị bẻ cong một cách lạ lùng. Một mặt, nó nghiêng mình về phía cái nó đặt nền, về những hình thức của hình dung. Nhưng ở mặt khác, nó chúc xuống và nhào vào trong cái không nền, bên ngoài cái nền, cưỡng lại mọi hình thức và không để được hình dung. Nếu sự khác biệt là vị hôn thê, Ariane, thì nàng chuyển từ Thésée sang Dionysos, từ nguyên lý đặt nền tảng sang cái “hủy nền” phổ quát.”[22]

   Tuy đặt nền tảng có nghĩa xác định cái chưa được xác định nhưng diễn tác này không hề đơn giản. Lý do: khi sự xác định có thực diễn ra như vậy thì nó không hài lòng với việc cung cấp một hình thức, truyền đạt những chất liệu dưới điều kiện của những phạm trù. Theo Deleuze, có một cái gì đó của cái nền trồi lên bề mặt mà không tiếp nhận một hình thức nào, thay vào đó nó lại xen vào những hình thức, hiện hữu tự lập không mặt mày, một cái nền không có hình thức. Cái nền nay ở trên bề mặt này được gọi là bề sâu, cái không nền. Ngược lại, những hình thức tự tan rã khi chúng được phản chiếu trong cái không nền và tất cả kiểu mẫu sụp đổ chỉ còn lại con đường trừu tượng như sự xác định tuyệt đối hoàn chỉnh cho cái không được xác định “giống như tia sáng ngang bằng với đêm tối”: đó là một con quỉ dữ. Chính vì thế cặp vật chất-hình thức là chưa đủ để mô tả cơ chế xác định vì vật chất đã bị mất hình thức và hình thức lại không thể tách khỏi kiểu mẫu của những chủng loại và hết thảy hóa ra nằm dưới sự bảo vệ của những phạm trù. Tuy cặp vật chất-hình thức này hoàn toàn nằm trong hình dung và dùng để định nghĩa trạng thái đầu tiên của hình dung như Aristote đã thiết lập, dù đã có tiến bộ trong việc nại ra sự bổ xung của sức mạnh và nền, thế nhưng cặp đường thẳng trừu tượng và cái không nền vẫn ở dưới sâu hơn và đe dọa đập tan những chất liệu và phá hủy những kiểu mẫu. Vì vậy tư tưởng như sự qui định thuần túy phải đối chất cái không nền là cái không được xác định này và nó cũng chính là xúc vật tính (l’animalité), sinh sản tính (la génitalité) riêng của tư tưởng, tức là sự ngu xuẩn (la bêtise) như Deleuze quan niệm ngu xuẩn xảy ra khi tư tưởng không bị cưỡng ép phải tư tưởng. Deleuze lập lại lời của Heidegger: “Cái cho chúng ta để tư tưởng hơn cả, đó chính là chúng ta vẫn chưa tư tưởng đủ.” Nếu cho rằng tư tưởng là sự qui định cao hơn cả (qui định tức đặt nền tảng) khi đối diện với sự ngu xuẩn thì tuy ngu xuẩn tạo thành sự bất lực lớn nhất của tư tưởng nhưng ngu xuẩn cũng lại là nguồn gốc của sức mạnh thúc đẩy tư tưởng. Cũng giống trò chơi vô nghĩa-có nghĩa (jeu du non-sens et du sens) của  cuộc phiêu lưu của hai nhân vật Bouvard và Pecuchet trong tiểu thuyết của Flaubert ta thấy vấn đề về sự ngu xuẩn ở góc độ triết học được đặt ra như một vấn đề siêu nghiệm về những quan hệ giữa ngu xuẩn và tư tưởng: ngu xuẩn như một khả năng thúc đẩy tư tưởng vì tư tưởng không thể chịu nổi ngu xuẩn. Kết quả là cả sự qui định lẫn cái không được qui định vẫn cứ ngang nhau và không nhúc nhích, cái này luôn tương xứng (adéquat) với cái kia và đó là một sự lập lại kỳ lạ buộc chặt ngu xuẩn và qui định vào vòng xoay. Theo Deleuze, trước câu hỏi phải chăng cái Tôi Suy Tư (le cogito) của Descartes có phải là một sự ngu xuẩn không ta thấy đó thiết yếu là một sự vô nghĩa trong chừng mực nếu như mệnh đề này vừa muốn nói về chính nó lẫn ý nghĩa của nó. Và đó cũng là một phản nghĩa (contresens) trong chừng mực sự qui định cogito có ý định lập tức đặt lên trên sự hiện hữu không được qui định Tôi là mà không chỉ định cái hình thức dưới đó cái không được qui định có thể được qui định. Chủ thể của cogito theo Descartes không tư tưởng mà chỉ có sự khả hữu tư tưởng và thành ra ngu xuẩn trong lòng sự khả hữu này. Cái nó thiếu chính là cái hình thức thuần túy và trống rỗng của thời gian đưa vào và tạo thành sự Khác biệt trong tư tưởng từ đó nó tư tưởng, như sự khác biệt của cái không được qui định và của sự qui định. “Chính hình thức của thời gian này phân phát qua nó một cái Tôi vụn gẫy bởi cái đường thẳng trừu tượng, một cái tôi thụ động xuất phát từ một cái không nền mà nó lặng ngắm. Chính nó sản sinh việc tư tưởng trong tư tưởng, bởi tư tưởng chỉ tư tưởng trong sự khác biệt, quanh cái điểm của sự vỡ nền này. Chính là sự khác biệt, hay hình thức của cái khả định, làm cho tư tưởng hoạt động, nghĩa là toàn thể bộ máy của cái không được qui định và của sự qui định.”[23] Deleuze đưa ra kết luận: Lý thuyết về tư tưởng cũng như hội họa cần có cuộc cách mạng đi từ hình dung sang nghệ thuật trừu tượng, và đó cũng là đối tượng của một lý thuyết về tư tưởng không hình ảnh.

   Hình dung khi đạt tới bất tận bị một linh cảm của cái không nền, không đáy chạy qua và vì đã thành bất tận để bao gồm sự khác biệt nên nó hình dung cái không nền như một vực thẳm hoàn toàn không phân biệt “một phổ quát không có khác biệt,” “một hư vô đen” chính vì hình dung đã khởi đầu bằng cách nối liền sự cá nhân hóa (l’individuation) với hình thức của cái Tôi vì nó coi cái Tôi không chỉ là hình thức cá nhân hóa thượng đẳng mà còn là nguyên lý của sự nhận biết (le principle de récognition) và cá nhân hóa cho mọi phán đoán về cá nhân tính của mọi vật. Đối với hình dung bắt buộc mọi cá nhân tính phải là của mỗi người (Tôi) và mọi cá biệt tính phải là của cá nhân. Thế nên nó cũng buộc cái không nền phải được hình dung không có sự khác biệt vì cái không nền không có cá nhân tính hay cá biệt tính. Thế nhưng, cái tôi như cái tôi thụ động lại chỉ là một sự kiện xảy ra trong những trường cá nhân hóa (les champs d’inviduation) có trước, nó ký kết những yếu tố tạo cá nhân của trường và tự tạo ở điểm của sự cộng hưởng của những chuỗi những yếu tố của những trường này. “Tương tự như thế, cái Tôi như cái Tôi vụn gẫy để cho tất cả những Ý niệm được định nghĩa bởi những tính cá biệt của chúng, chính những Ý niệm này có trước những trường cá nhân hóa, đi qua.”[24]  

   Nếu cá biệt tính như khác biệt tạo cá thể (différence individuante) là tiền cá tính, khác biệt cá biệt hóa (différence individuante) cũng là một cái trước-Tôi (ante-Je) thì cá thể tính như sự qui định biệt phân (singularité comme détermination différentielle) cũng là tiền cá thể. Từ đó Deleuze định nghĩa thế giới NGƯỜI TA  (le monde du ON) là một thế giới của những cá thể nhân hóa chẳng riêng ai (individuations impersonnelles) và của những cá thể hóa tiền cá thể (singularités préindividuelles). Thế giới này không thể đồng hóa với sự tầm thường hàng ngày (la banalité quotidienne) nhưng ngược lại là thế giới ở đó những gặp gỡ và những cộng hưởng hình thành, chỉ ra bản chất thật sự của cái sâu thẳm (le profond) và của cái không nền vây bủa sự hình dung và làm cho những giả hình/tượng (simulacres) hiện ra.

   Trong “từ vựng” (vocabulaire) của Deleuze singularité/cá thể tính và  multiplicité/bội thể tính có nghĩa khác với nghĩa thông thường. Nghĩa này có nguồn gốc từ Toán học và Vật lý học. Trước hết cá thể tính khác với cá nhân tính (individuel) ở chỗ nó không ngừng tự phân từ một sự khác biệt của cường độ mà nó chứa đựng. Trong triết học Deleuze khái niệm cá thể tính được đặt trên cơ sở của “mối tương quan biệt phân” (rapport différentiel) nhằm tránh việc thu giảm vào cái đơn giản (le simple) do đó cũng tránh lẫn lộn cá thể tính với cá nhân tính. Deleuze cho rằng: “Những cá biệt thể (les singularités) tương ứng với những giá trị của những tương quan biệt phân” (DR, 270-271, 228, 356) hay những phân phối của những tiềm thể (répartitions de potentiels). Theo Deleuze, cá thể tính cho thấy sự nghịch lý của sự khác biệt, vừa đơn vừa đa, như một “điểm-gấp” (point-pli, Leibniz)), vừa là tiền cá nhân tính (préindividuelle) vùa là tạo cá nhân tính (individuante). Deleuze dùng từ này theo nghĩa từ “hecceité” của Duns Scott để chỉ sự cá thể hóa của một vật, có nghĩa nó xảy ra trước sự vật hay chủ thể. Như thế những cá nhân (individus) không phải là những cá biệt thể (singuliers). Khác biệt nội tại không phải là đơn cũng không là đa mà là bội phức tính (multiplicité), một kiểu của đơn tính nội tại (un mode d’unité immanente) và cũng là nhất tính tức thời của đơn và đa (l’identité immédiate de l’un et du multiple).

_________________________________________ 

[18] DR trang 349: On distingue ainsi le fondement comme Essence Idéelle, le fondé comme Prétendant ou prétention, et ce sur quoi la prétention porte, c’est-à-dire la Qualité que le fondement possède en premier, et que le prétendant s’il est bien fondé va posseder en seconde. Cette qualité, l’objet de la prétention, c’est la différence – la fiancée, Ariane. L’essence comme fondement, c’est l’identique en tant qu’il comprend originairement la différence de son objet.

[19] DR trang 350: Chaque image ou prétention bien fondée s’appelle re-présentation (icône). Puisque la première dans son ordre est encore la seconde en soi, par rapport au fondement. C’est en ce sens que L’Idée inaugure ou fonde le monde de représentation. Quant aux images rebelles et sans ressemblance (simulacres), elles sont éliminées, rejetées, dénoncées comme non fondées, faux prétendants.

[20] DR trang 350: Fonder ne signifie plus inaugurer et rendre possible le représentation, mais rendre la représentation infinie.

[21] DR trang 351: Fonder, en troisième sens, c’est représenter le présent, c’est-à-dire faire advenir et passer le présent dans la représentation (finie ou infinite). Le fondement apparaît alors comme Mémoire immémoriale ou Passé pur, passé qui ne fut jamais présent lui-même, qui fait donc passer le présent, et par rapport auquel tous les présents coexiste en cercle.

[22] DR trang 352: Bref, la raison suffisante, le fondement est étrangement coudé. D’un côté, il penche vers ce qu’il fonde, vers les formes de la représentation. Mais de l’autre côté, il oblique et plonge dans un sans fond, au delà du fondement qui resiste à toutes les formes et ne se laisse pas représenter. Si la différence est la fiancée, Ariane, elle passe de Thésée à Dionysos, du principle qui fonde à l’universel “effondement”.

[23] DR trang 354: C’est la forme vide du temps qui introduit, qui constitue la Différence dans la pensée, à partir de laquelle elle pense, comme différence de l’indeterminé et de la détermination. C’est elle qui repartit, de part et d’autre d’elle-même, un Jeu felé par la ligne abstraite, un moi passif issu d’un sans fond qu’il contemple. C’est elle qui engendre penser dans la pensée, car la pensée ne pense qu’avec la différence, autour de ce point d’effondement. C’est  la différence, ou la forme du déterminable, qui fait fonctioner la pensée, c’est-à-dire la machine entière de l’indeterminé et de la determination.

[24] DR trang 354: De même, le Je comme Je felé laisse passer toutes les Idées definies par leurs singularités préalables elles-memês aux champs d’individuation.

(còn tiếp)

đào trung đạo