photo:https://frieze.com
ĐÀO TRUNG ĐẠO
giles deleuze: triết học & không triết học
Chương 1
Hình ảnh Tư tưởng
Giles Deleuze được “đốn ngộ” về hình ảnh tư tưởng bởi Marcel Proust. Trong quyển Proust et les Signes (1964) [12] Deleuze dùng Kết luận “Hình ảnh Tư tưởng” cho Phần I để bàn về Hình ảnh Tư tưởng trong À Recherche du Temps perdu của Proust. Điều này cho thấy Deleuze coi trọng mối tương quan đi lại giữa triết học và không-triết học. Theo Deleuze tuy thời gian có vai trò hết sức quan trọng trong tác phẩm của Proust vì mọi chân lý đều là chân lý của thời gian. Nhưng À Recherche du Temps perdu trước hết và trên hết là một sự tìm kiếm chân lý vì thế tác phẩm của Proust “mang nặng” tính triết học. Trong tác phẩm này Proust bày ra một hình ảnh tư tưởng đối nghịch với hình ảnh tư tưởng trong triết học duy lý cổ điển xưa nay vẫn cho rằng triết gia là người có thiện chí đi tìm chân lý và tất cả sự tìm tòi của triết gia được đặt trên một “quyết định tiền tư duy” (premediated decision) và từ đó đã rút ra một phương pháp khả dĩ vượt qua được những ảnh hưởng ngoại giới. Hệ luận: vấn đề còn lại là tổ chức những ý tưởng phù hợp với trật tự tư tưởng để đạt tới sự đồng ý chung của mọi người. Mọi người ở đây đều là những “thân hữu” của triết học, họ được kết hợp bởi thiện chí để cùng đồng ý về ý nghĩa của vật và từ: triết học trở thành một Tinh thần Phổ quát (Universal Mind) tự nó đồng ý với chính nó nhằm xác minh và thông giao những ý nghĩa. Proust cho rằng đó là lý do khiến chân lý thành độc đoán và trừu tượng khi đặt cơ sở trên thiện chí tư tưởng. Theo Proust chỉ có cái/sự qui ước là minh bạch. Lý do Proust đưa ra quan niệm trái ngược như vậy vì cả triết học cũng như tình thân hữu đều không biết tới những vùng tăm tối trong đó có những sức mạnh thực sự ra gây hiệu ứng trên tư tưởng, buộc con người tư tưởng. Hơn nữa một người bạn không đủ để ta tiếp cận chân lý. Tinh thần chỉ thông giao với nhau cái đã được qui ước (conventional), tinh thần chỉ sản sinh được cái khả hữu (the possible). Do đó những chân lý của nó không có tính thiết yếu. Trong triết học cổ điển chân lý không phải được khám phá mà bị phản bội, không được thông giao mà chỉ là được diễn giải. Theo Proust, chân lý không do ham muốn [tự ý] có chân lý, chân lý là không tự ý (involuntary).
Deleuze trích dẫn một đoạn thật dài trong Le Temps retrouvé/Thời gian tìm lại được: “Bởi những chân lý mà lý trí nắm bắt trực tiếp giữa thanh thiên bạch nhật trong thế giới đầy ánh sáng có một cái gì đó không mấy sâu xa, không mấy thiết yếu bằng những chân lý của đời sống thông giao với chúng ta bằng ấn tượng, dù cho chúng ta muốn hay không, ấn tượng có tính vật chất bởi nó được đi vào qua những giác quan của chúng ta, nhưng chúng ta cũng có thể rút ra cái tinh thần của nó […] cần phải diễn giải những cảm giác như những dấu chỉ của biết bao qui luật và ý tưởng, bằng cách thử tư tưởng, nghĩa là kéo ra khỏi bóng tối cái gì tôi đã cảm thấy, và chuyển nó thành một cái tương đương tinh thần. […] bởi đó là vấn đề về hồi ức thuộc loại tiếng kêu của một cái nĩa hay vị của một cái bánh madeleine, hay về những sự thực được viết ra nhờ sự giúp đỡ của những hình dạng mà tôi đã cố tìm ra ý nghĩa trong đầu tôi, nơi những tháp chuông, những cỏ dại, chúng hợp lại thành một quyển sách phức tạp và có phủ hoa, không thể đọc được, tính chất đầu tiên của chúng là tôi không có sự tự do chọn lựa chúng, rằng chúng được cho tôi như thế đó. Và tôi đã cảm thấy rằng đó hẳn là cái bệnh truyền nhiễm gây nóng sốt của tính chất chính đáng của chúng. Tôi đã không tìm kiếm những vỉa hè không bằng nhau của cái sân nơi tôi đã loạng quạng sắp ngã chúi xuống. Nhưng chính cái cách thế trùng hợp ngẫu nhiên, không tránh khỏi, mà cảm giác về nó là đã gặp phải, kiểm soát sự thực của quá khứ nó gây nên, những hình ảnh nó thả ra, bởi chúng ta cảm thấy nỗ lực của nó để trồi lên ánh sáng, mà chúng ta cảm thấy sự vui sướng của sự thực kiếm lại được..[…] Về phần quyển sách nội giới của những dấu chỉ không biết (những dấu chỉ chạm nổi, dường như, vô thức của tôi, đi tìm kiếm, đụng phải, đi vòng quanh, như một người bơi dò dẫm nông sâu), không có ai, không có qui tắc nào có thể giúp tôi đọc những dấu chỉ này, việc đọc này bao gồm trong một hành vi sáng tạo nơi đó không có cái gì có thể giúp chúng ta ngay cả hợp tác với chúng ta.[…] Những tư tưởng do trí thông mình tạo ra chỉ có một chân lý luận lý, một chân lý khả hữu, sự chọn lựa của chúng là độc đoán. Quyển sách với những chữ theo nghĩa bóng, không do chúng ta vạch ra, là quyển sách duy nhất của chúng ta. Chẳng phải vì những tư tưởng chúng ta tạo ra này không thể đúng theo luận lý, nhưng chúng ta không biết được chúng có đúng hay không. Chỉ có ấn tượng, dù cho vật chất của nó nhỏ nhoi, dù dấu vạch của nó chẳng thể nắm bắt, vẫn cứ là tiêu chí của chân lý, và chính vì lẽ đó duy nó là đáng để tinh thần tìm hiểu, bởi chỉ có nó là có thể, nếu như tinh thần biết cách tách ra từ đó cái chân lý này, đưa nó tới một sự hoàn hảo thật lớn lao và cho nó một niềm vui thuần túy.”[13]
Như vậy phải chăng nên đọc Le Temps retrouvé (quyển thứ 7, cuối cùng) trước khi bắt đầu đọc sáu quyển trước đó? Tương tự Deleuze khuyên người đọc Différence et Répétition trước hết nên đọc phần Kết luận để hiểu quyển sách này dễ hơn.
Theo Deleuze, Proust là người vừa theo vừa cạnh tranh học thuyết Platon trong việc đưa ra một hình ảnh tư tưởng đặt dưới dấu chỉ (signe) của những chạm mặt và những bạo động (violences). Trong quyển République Platon phân biệt hai loại sự vật trong thế giới: những sự vật không ghi dấu ấn trên đầu óc thụ động và những sự vật buộc chúng ta phải suy nghĩ, tư tưởng. Đó là những sự vật, những đối tượng không những không thể nhận biết mà còn ép buộc, nghĩa là có sự bạo động (violence) buộc chúng ta phải tư tưởng, và đó cũng là những dấu chỉ con người phải chạm mặt chúng. Theo Platon, đó là những “tri giác đồng thời đối nghịch nhau.” Proust tuy theo Platon nhưng lại hướng sang một chiều hướng khác, cho đó là những cảm giác giống nhau đối với hai nơi chốn, đối với hai khoảnh khắc khác nhau. Nhưng những cảm giác này cũng là những dấu chỉ có tính chất bạo động, chúng động viên ký ức, khiến tâm hồn thành linh động, kích thích tư tưởng, chuyển tới tư tưởng sự cưỡng bức cùa giác tính (sensibilité), buộc tư tưởng nhìn nhận chỉ có yếu tính là cái phải quan nhận. Như thế Proust là người theo chủ thuyết Platon một cách rõ rệt không chỉ ở chỗ viện dẫn những yếu tính hay những Ý tưởng mà còn cho rằng học hỏi chính là nhớ lại, khi mọi vật dạy cho chúng ta một điều gì đó chúng đều phát ra những dấu chỉ. Và hành vi học hỏi là một sự diễn giải những dấu chỉ hay những ám hiệu (hieroglyphs). Cuộc phiêu lưu của cái không tự ý diễn ra ở khắp các khả năng (faculties) theo hai cách: những dấu chỉ của thế giới và những dấu chỉ của tình yêu được trí thông minh (intelligence) giải thích, nó tự nhận đã tìm thấy những chân lý luận lý, nó có trật tự riêng của nó, và nó cũng lường trước được những áp lực từ ngoại giới. Đó là trí thông minh không tự ý trải qua áp lực của những dấu chỉ và hướng tới đời sống để thông dịch những dấu chỉ này nhằm tống khứ cái khoảng trống nó bị tắc nghẹn trong đó, sự khổ đau đã nhấn chìm nó. Ký ức không tự ý cũng trong một hoàn cảnh tương tự.
Tóm lại, Deleuze cho rằng cái bắt buộc chúng ta tư tưởng là những dấu chỉ. Và dấu chỉ cũng là đối tượng của một chạm mặt/trán. Nhưng chính sự bất trắc (có xảy ra hoặc không xảy ra) của việc chạm mặt lại bảo đảm cho sự thiết yếu của cái dẫn chúng ta tới việc tư tưởng vốn không xuất phát từ một khả hữu tính tự nhiên. Do dấu chỉ mà có sự sáng tạo thực sự. “Sáng tạo là nguyên ủy của hành vi tư tưởng trong chính tư tưởng. Nguyên ủy này hàm chứa cái gì đó bạo động với tư tưởng, bạo động này giằng nó ra từ sự sững sờ của nó và những khả tính đơn thuần của nó. Tư tưởng luôn luôn là diễn giải – giảng giải, khai triển, giải đoán, thông dịch một dấu chỉ.”[14]
Để kết luận Deleuze cho rằng “Chủ đề lớn lao của Thời gian tìm lại là sự tìm kiếm chân lý, là đặc tính của cuộc phiêu lưu không tự ý. Tư tưởng chẳng là gì nếu không có cái gì đó cưỡng bách và bạo động nó. Quan trọng hơn tư tưởng “là cái dẫn đến tư tưởng,” thi sĩ quan trọng hơn triết gia nhiều vì thi sĩ học hỏi được điều cái gì là thiết yếu lại nằm ngoài tư tưởng, nằm ở cái buộc chúng ta tư tưởng. Chủ đề xuyên suốt của Thời gian tìm lại là từ/chữ sức mạnh: những ấn tượng buộc chúng ta nhìn, những chạm mặt buộc chúng ta diễn giải, những biểu lộ buộc chúng ta tư tưởng.”[15] Hình ảnh tư tưởng đặt trên những dấu chỉ của Proust được Deleuze tóm gọn bằng câu: “Không có Logos, chỉ có những mật mã.” Do vậy tư tương là diễn giải, là diễn dịch. Những yếu tính lập tức là thứ phải diễn dịch và chính diễn dịch, là dấu chỉ và ý nghĩa.[…] Mật mã có mặt khắp nơi, biểu hiệu kép của nó là xảy ra chạm mặt, và sự thiết yếu của tư tưởng: “ngẫu nhiên và không thể tránh khỏi.”[16]
________________________________________________
[12] Giles Deleuze, Proust et les Sgnes (1964, 1970, 1972) Sau lần xuất bản thứ nhất trong hai lần tái bàn sau Deleuze có chỉnh sửa và thêm Phần II Machine littéraire. Bản Anh văn Proust & Signs của Richard Howard (University of Minesota Press xuất bản năm 2000) dịch theo bản Pháp văn năm 1972.
[13] Marcel Proust, Le Temps retrouvé (À la recherche du temps perdu VII), Gallimard, Collection Folio trang 237-238-239-240: Car les vérités que l’intelligence saisit directement à claire-voie dans le monde de la pleine lumière ont quelque chose de moins profond, de moins nécessaire que celles que la vie nous a malgré nous communiquées en une impression, matérielle parce qu’elle est entrée par nos sens, mais dont nous pouvons dégager l’esprit…Le livre aux caractères figurés, non tracés par nous, est notre seul livre, non que ces idées que nous formons ne puissent être justes logiquement, mais nous ne savons pas si elles sont vraies. Seul l’impression, si chétive qu’en semble la matière, si insaisissable la trace, est un criterium de verité, et à cause de cela merite seule d’être apprehendé par l’esprit, car elle est seule capable, s’il sait en dégager cette verité, de l’amener à une plus grande perfecrion et de lui donner une pure joie.
[14] Giles Deleuze Proust & Signs trang 97: What forces us to think is the sign. The sign is the object of an encounter, but it is precisely the contingency of the encounter that guarantees the necessity of what it leads us to think. The act of thinking does not proceed from a simple natural possibility; on the contrary, it is only true creation. Creation is the genesis of the act of thinking within thought itself. This genesis implicates something that does violence to thought, which wrests it from its natural stupor and its merely abstract possibilities. To think is always to interpret – to explicate, to develop, to decipher, to translate a sign.
[15] Giles Deleuze Proust & Signs trang 95: The great theme of Time regained is that the search for truth is the characteristic adventure of the involuntary. Thought is nothing without something that forces and does violence to it. More important than thought is “what leads to thought”; more important than the philosopher is the poet.[…] The leimotif of Time regained is the word force; impressions that force us to look, encounters that force us to interpret, expressions that force us to think.
[16] Sđd trang 101: There is no Logos, there are only hieroglyphs. To think is therefore to interpret, is therefore to translate. The essences are at once the thing to be translated and the translation itself, the sign and the meaning.[…]The hieroglyphs are everywhere; its double symbol is the accident of the encounter and the necessary of thought: “fortuitous and inevitable”.
(còn tiếp)
đào trung đạo
http://www.gio-o.com/DaoTrungDao
2019