photo:https://frieze.com



ĐÀO TRUNG ĐẠO

gilles deleuze: triết học & không triết học

(Kỳ 22)

 

Chương IV

NHÂN VẬT KHÁI NIỆM

kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10,  kỳ 11,  kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21, kỳ 22,

 

 

   Vì  nhà tư tưởng làm cho tất cả ngôn ngữ cà lăm, làm cho việc nói lắp/cà lăm thành một nét (đặc điểm/nét) của tư tưởng trong mức độ như ngôn ngữ, vậy nên câu hỏi điều thú vị được đặt ra là “tư tưởng nào là tư tưởng có thể cà lăm?”. Thêm nữa, nếu bảo rằng nhân vật khái niệm là Người Bạn, Quan Tòa, Nhà Lập Pháp điều này không phải là những trạng thái riêng tư, công cộng, hay có tính chất luật pháp nhưng có nghĩa đó là quyền và chỉ là quyền của tư tưởng. Anh chàng cà lăm, thân hữu, quan tòa, không những không mất đi sự hiện hữu cụ thể mà ngược lại có một hiện hữu mới như những điều kiện nội tại đối với tư tưởng để thao dượt với nhân vật khái niệm. Nói rằng nhân vật khái niệm là thân hữu không có nghĩa hai người (nhà tư tưởng và nhân vật khái niệm) thao dượt tư tưởng với nhau nhưng có nghĩa chính tư tưởng buộc nhà tư tưởng phải là người bạn để tư tưởng chính nó chia phần, tham dự vào việc thao dượt và có thể thao dượt. “Chính bản thân tư tưởng bó buộc có sự chia phần tư tưởng giữa những người bạn. Đó chẳng phải là những qui định kinh nghiệm, tâm lý hay xã hội, cũng càng không phải là những trừu tượng hóa, nhưng là những người bênh vực, những khối pha lê hay những mầm mống của tư tưởng.[154]

   Về những giải lãnh địa (déterriorisations) và tái lập lãnh đại (reterritorisations) của tư tưởng Deleuze cho rằng không những hai chuyển động này không vượt lên trên những yếu tố tâm lý xã hội cũng như thu giảm vào những yếu tố này là sự trừu tuông hóa hay một biểu lộ ý thức hệ nhưng đúng ra đó là một kết nối (conjunction), một hệ thống của những giao tiếp hay những tạm ngưng (relais) hoài hủy. “Những đặc điểm/nét của những nhân vật khái niệm có cùng với thời đại và môi trường lịch sử ở đó chúng hiện bày những tương quan mà chỉ có những mẫu tâm lý-xã hội (types psycho-sociaux) cho phép đánh giá. Nhưng, ngược lại, những chuyển động vật lý và tâm trí của những mẫu tâm lý-xã hội, những triệu chứng bệnh lý của chúng, những thái độ tương tác của chúng, những kiểu mẫu hiện hữu của chúng, những trạng thái pháp luật của chúng, có khả năng trở thành một xác định thuần túy tư tưởng, và tư tưởng tháo gỡ chúng khỏi những trạng thái của sự vật lịch sử của một xã hội như một sự sống trải của những cá nhân, để tạo ra những đặc điểm của những nhân vật khái niệm, hay những sự kiện của tư tưởng nằm trên mặt phẳng nó tự vạch ra hay dưới những khái niệm nó tạo ra. Những nhân vật khái niệm và những mẫu tâm lý-xã hội liên hệ nhau, kết hôn nhau nhưng không bao giờ lẫn vào nhau.”[155]

   Deleuze cho rằng không thể kể ra hết những đặc điểm/nét của nhân vật khái niệm vì những đặc điểm này không ngừng sinh sôi nẩy nở và thay đổi theo những mặt phẳng nội tại. Và trên một mặt phẳng nào đó những loại đặc điểm khác nhau trộn lẫn nhau để tạo thành một nhân vật. Deleuze cho rằng có những đặc điểm/nét đáng thương (traits pathétiques) chẳng hạn như Thằng Khờ kẻ muốn tự mình tư tưởng nhưng nhân vật lại có thể đổi khác hay có một ý nghĩa khác, Thằng Khùng, một loại điên, nhà tư tưởng nguyên thế (penseur cataleptique) hay “xác ướp” (momie) nhận thấy trong chính tư tưởng sự bất lực tư tưởng. Cũng còn có các loại nhà tư tưởng giống như kẻ điên cuồng (maniaque), kẻ mê sảng (délirant) là những kẻ cố tìm xem cái gì có trước tư tưởng, cái Đã-có-đấy nhưng lại nằm ngay trong tư tưởng… Deleuze đặc biệt quan tâm tới mối tương quan giữa triết học với chứng rối loạn tâm thần (schizophrénie): trong trường hợp thứ nhất kẻ rối loạn tâm thần là một nhân vật khái niệm sống mãnh liệt nơi nhà tư tưởng và ép buộc nhà tư tưởng phải tư tưởng, trong trường hợp thứ nhì đó lại là một mẫu người tâm lý-xã hội dồn nén con người đang sống của hắn và đánh cắp tư tưởng của con người này. Đôi khi hai loại này phối hợp, quấn chặt nhau như thể với một sự kiện quá mạnh mẽ đáp ứng cho một trạng thái sống trải không thể chịu đựng nổi. Chúng ta biết Deleuze và Guattari đã viết hai tác phẩm lớn về rối loạn tâm thần: quyển Anti-Œdipe: Capitalisme et Schizophrénie 1Mille-Plateaux, Capitalisme et Schizophrénie 2 là hai tác phẩm có tầm vóc lớn.

   Kế tiếp là những đặc điểm/nét tương hệ (traits relationnels): Khi “Người Bạn”chỉ có liên hệ với mình bởi thứ cùng yêu thích thì khi đó người bạn là kẻ mang sự cạnh tranh: “Kẻ Cầu Hôn” (Prétendant) và “Kẻ Cạnh Tranh” (Rival). Deleuze gián tiếp ám chỉ mối quan hệ giữa Eros và philia trong tư tưởng Hy Lạp, vai trò của “hôn thê” trong triết học Kierkegaard,  chức năng hành vi nội tưởng (function noétique) theo Pierre Klossowski (Les lois de l’hospitalité), sự tạo thành người phụ nữ-triết gia theo Michèle Le Dœuff (L’Étude et le rouet), và nhân vật mới Người Bạn theo Maurice Blanchot.

   Tiếp theo là những đặc điểm năng động (traits dynamiques): tìm thấy trong những nhân vật khái niệm của Kierkegaard (kẻ nhảy lên cao), của Nietszche (kẻ khiêu vũ), Melville (kẻ nhào xuống biển). Nhưng những thể tháo gia, những nhân vật khái niệm này không thu giảm vào nhau. Deleuze tuy biết trong các môn thể thao ngày nay có sự thay đổi mẫu thể tháo gia nhưng đó cũng lại là những đặc điểm năng động nhập thể trong một tư tưởng “trượt đi” (glisser) với những cách thế hiện hữu mới và làm cho nhà tư tưởng thành một thứ nhân vật khái niệm kẻ lướt sóng.

   Deleuze quan tâm nhiều nhất đến những đặc điểm luật pháp (traits juridiques) của nhân vật khái niệm. Từ thời cổ Hy Lạp tư tưởng triết học đã không ngừng xác định quyền của mình và đối đầu với Chân lý. Nhưng Deleuze nêu câu hỏi: thế nhưng đó có phải là khả năng của Kẻ Cầu Hôn hay của Đương Đơn như triết học trao cho tòa án bi kịch Hy Lạp? Và phải chăng đã từ rất lâu triết gia bị cấm làm Quan Tòa, phải qui phục công lý của Thượng Đế trong chừng mực chính triết gia không phải là kẻ bị buộc tội? Và phải chăng khi Leibniz làm triết gia trở thành Vị Luật Sư của một thượng đế bị đe dọa khắp nơi thì đó có phải là một nhân vật khái niệm mới không? Thêm nữa những triết gia duy nghiệm còn đưa ra nhân vật khái niệm kỳ lạ: Người Điều Tra (Enquêteur). Và sau hết Kant đã làm cho triết gia thành Quan Tòa đồng thời với việc cho lý trí tạo hình tòa án. Thế nhưng đó có phải là quyền năng lập pháp của một quan tòa xác định không, hay đó là một quyền năng của quan tòa nói chung, khoa luật học (jurisprudence) của một quan tòa phản tỉnh? Deleuze đặt những câu hỏi này trên mặt phẳng nội tại để tìm ra câu trả lời: “Dù cho tư tưởng không lật đổ hết thảy những quan tòa, những đương đơn, những kẻ kết án và những kẻ bị kết án, giống như Alice* trên một mặt phẳng nội tại ở đó Công Lý ngang bằng với Vô Tội, và ở đó Người Vô Tội trở thành một nhân vật khái niệm chẳng cần phải tự minh chứng, một thứ con nít-chơi trò mà người ta không thể chống lại, một Spinoza kẻ đã không để cho ảo tưởng về siêu vượt nào tồn tại. Liệu có phải để quan tòa và người vô tội nhập một không, nghĩa là con người sẽ bị kết án từ bên trong: hoàn toàn không phải  là nhân danh Luật Pháp hay Những Giá Trị, cũng không do lương tâm của họ, nhưng bởi những tiêu chí thuần túy nội tại của sự hiện hữu của họ (‘nằm ngoài Thiện và Ác, điều này ít ra không muốn nói rằng bên ngoài cái tốt và cái xấu…’)” [156] Luận giải này cho thấy Deleuze chống lại quan niệm của Kant cho rằng Tòa Án là Lý Trí và Triết Gia là Quan Tòa.

   Về những đặc điểm/nét hiện hữu (traits existentiels) Deleuze nhắc lại lời Nietszche cho rằng triết học sáng chế ra những kiểu hiện hữu (modes d’existence) hay những khả hữu của đời sống và đó là lý do tại sao chân dung một triết học cần có một vài giai thoại về cuộc đời triết gia trong việc phác họa chân dung. Chẳng hạn Diogène Laërce với quyển sách mình đặc biệt yêu thích (livre de chevet), Empédocle và núi lửa của ông ta…Người ta thường phản kháng đời sống quá trưởng giả của phần đông các triết gia hiện đại. Thế việc đi bí tất dài có sợi thun cột giữ (tire-bas) của Kant có phải là một giai thoại có tính cách đời sống đủ cho hệ thống Lý trí không? Và Spinoza có thú thích xem nhện đánh nhau có phải do chúng tạo lại một cách thuần túy những mối tương quan của những dạng thức trong cái hệ thống Đạo Đức Học như một thứ nghiên cứu khoa học thượng đẳng (éthologie superieure) về những hành xử của loài vật không? Vậy nên Deleuze cho rằng những giai thoại đời sống không chỉ qui chiếu về một kiểm mẫu xã hội hay tâm lý của một triết gia (Empédocle là một hoàng tử, Diogène là người nô lệ) nhưng đúng ra những giai thoại này chỉ ra những nhân vật khái niệm triết gia trú ngụ trong đó. “Những khả hữu tính của đời sống hay những kiểu mẫu hiện hữu chỉ thể được tạo ra trên một mặt phẳng nội tại, mặt phẳng này triển khai sức mạnh của những nhân vật khái niệm.”[157] Cũng theo Deleuze, khuôn mặt và thân thể của triết gia che chở cho những nhân vật này dù những nhân vật này thường đem lại cho triết gia một dáng vẻ lạ lùng, nhất là trong cái nhìn, như thể có một người nào đó nhìn qua đôi mắt triết gia. Một nhận xét khác khá đặc biệt khác của Deleuze: Những giai thoại về đời sống các triết gia kể lại mối tương quan của một nhân vật khái niệm với súc vật, cây cối hay đá tảng, một mối tương quan theo đó chính triết gia bất ngờ trở thành một cái gì đó, và mối tương quan này lại cho thấy một sự đầy bi thảm và khôi hài mà không chỉ mình triết gia đó có. “Chúng ta những triết gia, chính bởi do những nhân vật của chúng ta mà chúng ta luôn luôn trở thành một cái gì khác, và rằng chúng ta tái sinh thành vườn hay sở thú.”[158]

   Ngay những ảo tưởng về siêu vượt cũng cung cấp những giai thoại về đời sống nhưng the Deleuze sự siêu vượt vẫn nằm trong nội tại. Thí dụ: Kierkegaard có nhảy ra ngoài mặt phẳng nội tại đi nữa nhưng trong trạng thái lửng lơ khi nhảy lên cao, chuyển động ngưng lại thì cái Kierkegaard lại được cho chính là sự hiện hữu trên mặt phẳng nội tại. Deleuze khẳng định: Chỉ có sự hiện hữu này là có thể bao trùm lên mặt phẳng nội tại, sở hữu chuyển động bất tận, sản xuất và tái sản xuất những cường lực (intensités), trong khi sự hiện hữu của kẻ tin rằng Thượng Đế không hiện hữu rơi vào trong cái phủ nhận (le négatif). Với Deleuze, những dạng thức hiện hữu không cần có những giá trị siêu vượt để phân định hay chọn lựa dạng thức nào là “tốt hơn cả” vì chỉ có những tiêu chí của tính chất nội tại và khả tính của đời sống tự nó đánh giá trong những chuyển động nó vạch ra và những cường lực nó sáng tạo ra trên mặt phẳng nội tại. “Một dạng thức của sự hiện hữu là tốt hay xấu, cao thượng hay tầm thường, đầy tràn hay trống rỗng, là độc lập với Thiện và Ác, và mọi giá trị siêu vượt: không bao giờ có tiêu chí nào khác sự duy trì hiện hữu, tăng lực của đời sống.”[159]

   Điều gì sẽ xảy ra khi có sự thay đổi mặt phẳng nội tại? Câu trả lời của Deleuze: có thể vấn đề liên quan tới sự hiện hữu của người tin vào thế giới chứ không vào sự hiện hữu của thế giới nhưng tin vào những khả tính chuyển động và tăng lực của hắn để làm cho những dạng thức hiện sinh mới gần với súc vật và đá ra đời. “Có thể rằng tin vào thế giới này, vào cuộc sống này, sẽ là một trách vụ khó khăn hơn cả, hay trách vụ của một dạng thức hiện hữu sẽ được khám phá trên mặt phẳng nội tại của chúng ta hôm nay. Đó chính là sự chuyển đổi duy nghiệm (chúng ta có biết bao lý do để không tin vào thế giới con người, chúng ta đã đánh mất thế giới, tệ hơn là [đánh mất] vị hôn thê, một đứa con hay một thượng đế…) Đúng vậy, vấn đề đã thay đổi…”[160]

________________________________________

[154] Sđd trang 68: C’est la pensée même qui exige ce partage de pensée entre amis. Ce ne sont plus des déterminations

empiriques, psychologiques ou sociales, encore moins des abstractions, mais des intercesseurs, des cristaux ou des germes de la pensée.

 [155] Sđd trang 68: Les traits des personnages conceptuels ont avec l’époque et le milieu historiques où ils apparaissent des rapports que les types psycho-sociaux permettent seuls d’évaluer. Mais, inversement, les mouvements physiques et mentaux des types psycho-sociaux, leurs symtômes pathologiques, leurs attitudes relationnelles, leurs modes existentiels, leurs status juridiques, deviennent susceptibles d’une détermination purement pensante et pensée qui les arrache aux états des choses historiques d’une société comme au vécu des individus, pour en faire des traits de personnages conceptuels, ou des événements de la pensée sur le plan qu’elle se trace ou sous les concepts qu’ell crée. Les personnages conceptuels et les types psycho-sociaux renvoient l’un à l’autre, et se conjurent sans jamais se confondre.

* Nhân vật cùa Lewis Carroll.

[156] Sđd trang 70: À moins que la pensée ne renverse tout, juges, avocats, plaignants, accusatueurs et accusés, comme Alice sur un plan d’immanence où Justice égale Innocence, et où l’Innocent devient le personnage conceptuel qui n’a plus à se justifier, une sorte d’enfant-joueur contre lequel on ne peut plus rien, un Spinoza qui n’a laissé subsister nulle illusion de transcendence. Ne faut-il pas que le juge et l’innocent se confondre, c’est-à-dire que les êtres soient jugés de dedans: non pas du tout au nom de la Loi ou de Valeurs, ni même en vertu de leur conscience, mais par les critères purement immanents de leur existence (“par-delà le Bien et le Mal, cela du moins ne veut pas dire par-delà le bon et le mauvais…”)

[157] Sđd trang 71: Les possibilities de vie ou des modes d’existence ne peuvent s’inventer que sur un plan d’immanence qui développe la puissance de personnages conceptuels.

[158] Sđd trang 71: Nous philosophers, c’est par nos personnages que nous devenons toujours autre chose, et que nous renaissons jardin ou zoo.

[159] Sđd trang 72: Un mode d’existence est bon ou mauvais, noble ou vulgaire, plein ou vide, indépendamment du Bien et du Mal, et de toute valeur transcendante: il n’y a jamais d’autre critère que la teneur d’existeence, l’intensification de la vie.

[160] Sđd trang 72: Il se peut que croire en ce monde, en cette vie, soit devenu notre tâche la plus difficile, ou la tâche d’un mode d’existence à découvrir sur notre plan d’immanence aujourd’hui. C’est la conversion empiriste (nous avons tant de raisons de ne pas croire au monde des hommes, noua avons perdu le monde, pire qu’une fiancée, un fils ou un dieu…) Oui, le problem a changé.

(còn tiếp)

đào trung đạo

 

2020