photo:https://frieze.com
ĐÀO TRUNG ĐẠO
gilles deleuze: triết học & không triết học
(Kỳ 25)
Chương IV
NHÂN VẬT KHÁI NIỆM
kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10, kỳ 11, kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21, kỳ 22, kỳ 23, kỳ 24, kỳ 25,
Một khó khăn khác người đọc cũng gặp khi đọc Deleuze viết lịch sử triết học: Deleuze dùng phương pháp “diễn ngôn gián tiếp tự do” (discours indirect libre/free indirect discourse) học được từ Bakhtin. Deleuze và Guattari giải nghĩa phương pháp này như sau: “phương pháp này gồm một sự phát biểu (énonciation) lấy từ trong một lời phát biểu (énoncé), chính sự phát biểu này lại tùy thuộc vào sự phát biểu khác. Thí dụ, trong tiếng Pháp nói ‘Elle rassemble son énergie: elle souffrira plutôt la touture que perdre sa virginité / Cô vận toàn lực: cô ta thà chịu đau đớn do sự hành hạ còn hơn mất trinh tiết. Nhà ngữ học Bakhtin mà chúng tôi mượn lại thí dụ này, phát biểu vấn đề này rõ rệt: không phải chỉ có sự phối hợp đơn giản hai chủ thể được xác lập-đầy đủ của sự phát biểu, một trong hai phát biểu đó là của người tường thuật, còn phát biểu kia là của người được tường thuật. Đúng ra đây là một trường hợp sắp xếp của sự phát biểu, hoàn thành hai hành vi tạo chủ thể đồng thời không thể tách rời, một trong hai hành vi này tạo nên một nhân vật ở ngôi thứ nhất, nhưng hành vi kia lại có mặt lúc nhân vật này xuất hiện và đem trình hắn ta ra. Không có sự pha trộn hay bình quân hai chủ thể, mỗi chủ thể thuộc về một hệ thống, nhưng có một sự phân rời hai chủ thể liên hệ nhau trong một hệ thống, chính hệ thống này lại là không đồng nhất. Quan niệm này của Bakhtin […] thật thú vị nhưng cũng rất khó hiểu. Đó không còn phải là ẩn dụ vốn là hành vi nền tảng của ngôn ngữ nữa, lý do là vì nó ‘đồng nhất’ hệ thống; nó là diễn ngôn gián tiếp tự do, lý do vì nó là bằng chứng của một hệ thống, hệ thống này luôn luôn không đồng nhất, chẳng khi nào ở trạng thái cân bằng.”[177]
Vì Deleuze quan niệm “Lịch sử của triết học, đó cũng chính là sự tái sản xuất của chính triết học” cho nên phải cứu xét lịch sử phải như một thứ “kép” thực sự (un véritable double) và bao gồm những biến đổi tối đa của cái kép này. Kép nghĩa là có hai: sự lập lại thuần túy bản văn của các triết gia trong lịch sử và bản văn hiện thời được viết xen vào. “Chính vì thế đôi khi chúng tôi phải nhập những ghi chú lịch sử trong chính bản văn của chúng tôi, để tiếp cận sự hiện hữu kép này.” [178]
Chính phương pháp diễn ngôn gián tiếp tự do này cho phép Deleuze thực hiện việc diễn giải những triết gia như những triết gia trở thành (en devenir). Để nhận ra được từ điểm nào trong diễn giải của Deleuze sự di chuyển từ một triết gia được diễn giải theo đúng bản văn sang “trở thành” không phải dễ. Trước hết phải cố gắng nhận ra đâu là điều Deleuze “bắt triết gia này nói”. Sau đó là xét diễn ngôn gián tiếp tự do của Deleuze về triết gia được diễn giải. Nhưng tiêu chí cuối cùng quan trọng hơn cả là tìm chỗ “ở giữa” để sáng tạo, sáng tạo được coi như vạch ra con đường giữa những bất khả dù rằng ở giữa có thể đi vào ngõ cụt, những lối đi bị chặn, bị bóp nghẹt “đẩy tư tưởng của triết gia đem ra diễn giải tới một giới hạn biệt phân (limite différentielle) để làm bộc lộ chuyển vận nội tại (movement immanent) của sự khác biệt trong tư tưởng” đưa đến một sản xuất triết học mới theo ngả “con đường tháo chạy” nhằm dựng thuyết tạo lập “ở giữa” của sự sáng tạo, sáng tạo được coi như vạch ra con đường giữa những bất khả dù rằng ở giữa có thể đi vào ngõ cụt, những lối đi bị chặn, bị bóp nghẹt “ở giữa”. Sáng tạo được coi như vạch ra con đường giữa những bất khả dù rằng ở giữa có thể đi vào ngõ cụt, những lối đi bị chặn, bị bóp nghẹt để đi tới chủ thuyết tạo dựng “bao gồm việc sáng tạo khái niệm như trường hợp của giải đáp, hoạt động kia vạch ra một mặt phẳng và một chuyển động trên mặt phẳng như những điều kiện của vấn đề, hoạt động khác nữa là sáng chế ra một nhân vật như cái chưa biết của vấn đề. Toàn bộ của vấn đề (mà chính giải đáp cũng là một phần) luôn gồm việc xây dựng hai cái kia khi cái thứ ba đang diễn ra”.
Chúng ta cũng có thể căn cứ vào danh sách các triết gia “thân hữu” và các triết gia “kẻ thù” của Deleuze để nhận ra phần diễn giải sáng tạo. Những triết gia thân hữu là những triết gia Deleuze đã dành cho những chuyên luận: Hume, Nietszche, Bergson, Spinoza, Leibniz và những triết gia tuy Deleuze không viết chuyên luận nhưng được nhắc tới một cách cảm tình như Lucrèce, Duns Scot, Maimon, Russell, Whithead. Các triết gia “kẻ thù”: Platon, Kant (nửa bạn nửa thù), Hegel, Wittgenstein, Heidegger (thân hữu nhiều kẻ thù ít) Deleuze không viết những chuyên luận về những triết gia này nên phải tìm rải rác trong những sách của Deleuze. Cũng có những người viết về Deleuze đặt câu hỏi: vậy triết gia hay những triết gia nào được thực sự coi là “sư phụ” của Deleuze? Nietszche hay Spinoza? Bergson hay Leibniz?... Thật rất khó trả lời câu hỏi này vì thật ra Deleuze đọc và viết mỗi triết gia được chọn ra, dù là thân hữu hay kẻ thù, trong lịch sử triết học gần như theo cùng một văn phong “diễn ngôn gián tiếp tự do” với cùng những tiêu chí đã nêu ra ở trên, quan trọng hơn cả là sách lược “đẩy vấn đề” các triết gia nêu ra đến giới hạn biệt phân, đến chỗ chính các triết gia này bế tắc hay tự mâu thuẫn nhằm phục vụ cho việc sáng tạo những khái niệm của chính Deleuze. Alain Badiou cho rằng Bergson là “sư phụ” của Deleuze. Nhưng thực ra nên coi Nietszche là “sư phụ tinh thần” của Deleuze.
Trong những bản văn của Deleuze viết về những triết gia thân hữu cũng như triết gia kẻ thù, theo Daniel W. Smith nhận ra có ba nét chung sau đây: Thứ nhất, Deleuze coi mỗi diện mạo trong những triết gia được chọn ra để viết là một triết gia “thiểu số” (minor) – thiểu số ở đây không có nghĩa hạng nhì (secondary), nhưng có nghĩa thách thức những quan niệm triết học của “đa số” những triết gia lâu nay được chính thức được nhìn nhận là đích thực, chuẩn (canon) nhưng Deleuze coi là đã đưa ra một hình ảnh tư tưởng độc đoán (dogmatic image of thought). Deleuze viết trong quyển Dialogues: “Thế nên tôi đã yêu thích những tác gia có vẻ như nằm trong lịch sử triết học nhưng họ lại thoát ra khỏi lịch sử triết học một phần hay tất cả mọi phần: Lucrèce, Spinoza, Hume, Nietszche Bergson.”[179] Chuyên luận về Bergson được Deleuze viết vào thời ở Pháp Bergson đã bị đẩy vào bóng tối nên Deleuze tiết lộ “Và ngày nay có những người cười tôi trong khi trách tôi lại đã viết vể Bergson. Chính bởi họ không hiểu lịch sử mấy. Họ không biết rằng, ngay từ đầu, cái Bergson đã có thể tập trung vào sự thù ghét hệ thống Đại học Pháp, và ông là tâm điểm cho mọi thứ điên rồ và bên lề, thời thượng hay không thời thượng như thế nào.”[180] Thứ nhì, những chuyên luận về các triết gia của Deleuze cho thấy đó là sự diễn giải có hệ thống toàn bộ tác phẩm của triết gia được diễn giải như Deleuze cho biết trong ABCDaire de Gilles Deleuze chữ ‘L’ rằng ngay từ hồi trẻ khi đọc một tác gia triết học hay văn chương tôi thích đọc toàn bộ những tác phẩm của tác giả này. Sau hết, Deleuze chú tâm tới tính cách cá biệt (singularity) của triết gia trong việc sáng tạo những khái niệm cũng như sự nối kết nhau của những khái niệm được sáng tạo. Điều này nhất quán suốt trong những tác phẩm của Deleuze từ những chuyên luận cho đến quyển Qu’est-ce que la Philosophie (1991)[181]
Về những triết gia Deleuze coi kẻ thù đứng đầu danh sách là Platon. Trong Différence et Répétition Deleuze khẳng định: “Nhiệm vụ của triết học hiện đại đã được định rõ: lật ngược chủ thuyết Platon. Dù cho sự lật ngược này có phải giữ lại khá nhiều tính chất Platon đi nữa là không chỉ không thể tránh được, mà còn là đáng mong đợi.”[182] Mở đầu Deleuze phê bình quan niệm về Ý niệm (Idée) của Platon, cho rằng Ý niệm chưa phải là một khái niệm về đối tượng đặt thế giới dưới những bó buộc của dung tượng (représentation) nhưng đúng ra chỉ là sự có mặt thô sơ không thể viện dẫn trong thế giới theo chức năng của cái không phải là có thể dung tượng. Ý niệm cũng chưa phải được chọn lựa để đặt sự khác biệt (la différence) tương quan với nhất tính (l’identité) của một khái niệm nói chung, và nó đã không từ bỏ việc tìm ra một khái niệm thuần túy. Theo Deleuze triết học Platon chỉ có một vấn xuyên suốt là đo lường những kẻ cạnh tranh, chọn ra những kẻ có ý định (les prétendants), phân biệt sự vật với giả hình/tượng (simulacres). Trong quyển Le Politique/Chính khách Platon viện dẫn hình ảnh một Thượng đế là kẻ điều khiển thế giới và con người trong giai đoạn lịch sử cố xưa, chỉ có Thượng đế là xứng danh Ông Vua-Giáo Sĩ của con người, so với Thượng Đế tất cả những kẻ có ý định đều vô giá trị trong khi đó cộng đồng lại dành cho chính khách sự một sự ưu ái đặc biệt vì chính khách là người gần nhất với kiểu mẫu Thượng Đế-giáo sĩ cổ xưa. Còn những kẻ có ý định được đánh giá theo việc gia nhập sự chọn lựa, là những kẻ cạnh tranh với chính khách gồm thương nhân, nông dân, thợ làm bánh, huấn luyện viên thể dục và tất cả những người làm nghề y vì những loại người này cũng tự xưng là “kẻ chăn dắt con người”. Trong quyển Phèdre Platon phân biệt người có tình yêu chân thật với những kẻ giả danh. Thày giảng đạo, thày bói, thi sĩ, triết gia là những kẻ tự nhận mình là “tình yêu, người tình” nhưng chỉ là những kẻ giả danh. Deleuze tóm tắt: “Vấn đề duy nhất xuyên suốt toàn thể triết học của Platon, vấn đề này dẫn dắt tới sự phân loại khoa học hay nghệ thuật của ông ta, chính luôn luôn là việc đo lường những kẻ cạnh tranh, tuyển chọn những người tuyên nhận. phân biệt sự vật với những giả tượng của chúng nằm ngay trong một loại-giả hay một hạng thô thiển.”[183] Câu hỏi tại sao Platon lại đặt nặng vấn đề về mối tương quan của sự cạnh tranh như vậy? Vì đó là đặc điểm của đô thị Athène. Và đó cũng chính là vấn đề về nền dân chủ của Athène đã được Platon nói khá rõ trong hai quyển Phèdre và Le Politique. Để có dân chủ trước hết phải từng bước phân biệt chính khách thực sự với những kẻ tranh chấp, những đối thủ. Từ sự phân biệt này Platon sáng tạo khái niệm triết học Ý niệm coi như tiêu chí của sự phân biệt để loại bỏ những đối thủ của chính khách và cũng từ Ý niệm đưa ra phán đoán sự thật-giả, thuần túy-không thuần túy. Nhưng để làm được điều này Deleuze viết: “Ông ấy [Platon] đã phải sáng chế ra siêu vượt, siêu vượt này có thể tác hoạt và ở trong chính trường nội tại: đó là ý nghĩa của lý thuyết về những Ý niệm. Và triết học hiện đại không ngừng đi theo Platon về mặt này: chạm trán một siêu vượt nằm trong cái nội tại như thế. Tặng phẩm tẩm độc của chủ nghĩa Platon, đó chính là đã đưa siêu vượt vào triết học, đã cho siêu vượt một ý nghĩa triết học đáng tin cậy (chiến thắng của phán đoán của Thượng đế.).”[184] Trong Logique du Sens/Luận lý của Ý nghĩa Deleuze cho rằng phương pháp phân chia của Platon không phải là biện chứng của mâu thuẫn nhưng đúng ra là một biện chứng giữa những đối thủ với những kẻ cầu hôn, một sự chọn ra những kẻ tuyên nhận. Deleuze giải thích việc “lật ngược chủ thuyết Platon”: “Dường như công thức này có nghĩa: hủy bỏ thế giới những yếu tính và thế giới những hiện ngoài.[…] Lật ngược chủ thuyết Platon ngược lại phải có nghĩa là đưa ra ngoài ánh sáng cái động cơ này, “truy lùng” cái động cơ này – cũng như Platon truy lùng người nguỵ biện.”[185] Deleuze cho rằng Aristote phê bình Platon đã không thấy điểm chính yếu của phương pháp phân chia của Platon khi Aristote giải thích sự phân chia như một phương cách chia loại ra những hạng đối nghịch nhau để đặt vật cứu xét vào đúng loại của nó. Nhưng điểm chính yếu nằm ở chỗ phương pháp phân chia lại không phải là biện chứng về những mâu thuẫn (antiphasis) tức là sự qui định loại, nhưng là biện chứng của những đối thủ và những người có ý định (amphisbetesis). Biện chứng này không gồm việc phân chia chung ra riêng nhưng là một là việc chọn ra một đường phân chia thuần túy giữa vật chất không thuần túy với vật chất không được làm cho khác biệt. Nghĩa là Platon cố phân biệt cái chính thực (authentique)với cái không chính thực (inauthentique), tốt với xấu, thuần túy với không thuần túy trong sự trộn lẫn bất tận hay trong đa phức. Như vậy vấn đề ở đây Platon tuy có làm ra sự khác biệt nhưng sự khác biệt này lại không phải giữa những loại mà lại hoàn toàn ở trong cái tức thời nơi sự chọn lựa được tiến hành mà không có trung gian (médiation) và được Ý niệm dẫn dắt chứ không tuân thủ những đòi hỏi của một khái niệm nói chung. Chính vì vậy phương pháp phân chia hóa ra bất thường, không chặt chẽ, nhảy từ một cái cá biệt (singularité) này sang một cái cá biệt khác: điều này trái với tính chất đồng nhất được giả thiết của khái niệm.
Phê bình Platon của Deleuze khá phức tạp nhưng cũng có thể tóm gọn trong mấy điểm sau đây: 1. Phê bình phương pháp phân chia của Platon; 2. Phê bình quan niệm của Platon coi Ý niệm như tiêu chí cho sự lựa chọn; 3.Trình bày phản phương pháp của triết gia ngụy biện dẫn tới khái niệm giả hình/tượng (simulacrum); và kết luận của Deleuze cho rằng sự khác biệt là một ý niệm nội tại từ đấy trình bày những dạng thức của chủ thuyết Platon lật ngược. Một điều cần nêu ra: từ sau Différence et Répétition Deleuze đã bỏ khái niệm giả tượng và thay thế bằng khái niệm “agencement/sắp đặt”. Deleuze giải thích điều này trong bức thư thay cho bài tựa quyển La Philosophie de Gilles Deleuze của Jean-Clet Martin: “Anh thấy rất rõ sự quan trọng của khái niệm đa phức tính đối với tôi: đó là điều thiết yếu. Và, như anh nói, đa phức tính và đơn/cá biệt tính thiết yếu kết nối nhau (“đơn/cá biệt tính” vừa là cái khác biệt của “cái phổ quát” và “cái cá tính”). “Rhizome” là từ tốt nhất để chỉ những đa phức tính. Ngược lại, dường như tôi đã hoàn toàn bỏ khái niệm giả tượng, việc này cũng chẳng quan trọng mấy.”[186]
_______________________________________
[177] Gilles Deleuze & Felix Guattari, Cinema 2: The Movement-Image, bản tiếng Anh của Hugh Tomlinson và Barbara Habberjam trang 73: […] it consists of an enunciation [énonciation] taken within an utterance [énoncé], which itself depends on another enunciation. For example, in French ‘Elle rassemble son énergie: elle souffrira plutôt la torture que perdre sa virginité’ [She summons up her strength: she will rather endure torture than lose her virginity]’. The linguist Bakhtin, from whom we borrow this example, states the problem clearly: there is not a simple combination of two fully-constituted subjects of enunciation, one of which would be reporter, the other reported. It is rather a case of an assemblage of enunciation, carrying out two inseparable acts of subjectivation simultaneously, one of which constitutes a character in the first person, but the other of which is present at his birth and bring him to the scene. There is no mixture or average of two subjects, each belonging to a system, but a differentiation of two correlative subjects in a system which is itself heterogeneous. This view of Bakhtin […] is very interesting; also very difficult. It is no longer metaphor which is the fundamental act of language, inasmuch as it ‘homogenises’ the system; it is free indirect discourse, inasmuch as it testifies to a system which is always heterogeneous, far from equilibrium.
[178] Gilles Deleuze, Différence et Répétition trang 4-5: L’histoire de la philosophie, c’est la reproduction de la philosophie même. Il faudrait que le compte rendu en histoire de la philosophie agisse comme un véritable double, et comporte la modification maxima propre au double.[…] Si bien qu’ils ont une existence double, et, pour double idéal, la pure répétition du texte ancient et du text actuel l’un dans l’autre. C’est porquoi nous avons dû parfois integrer les notes historiques dans notre texte même, pour approcher de cette double exixtence.
[179] Gilles Deleuze-Claire Parnet, Dialogues trang 21: Alors j’aimais des auteurs qui avaient l’air de faire partie de l’histoire de la philosophie, mais qui s’en échappaient d’un côté ou de toutes parts: Lecrèce, Spinoza, Hume, Nietszche, Bergson.
Có thể xem bản Anh văn trang 14-15.
[180] Gilles Deleuze, Pourparlers trang 15: Et aujourd’hui il y a des gens qui se marrent en me reprochant d’avoir écrit même sur Bergson. C’est qu’ils ne savent pas assez d’histoire. Ils ne savent pas ce que Bergson, au début, a pu concentrer de haine dans l’Université française, et comment il servi de ralliement à toutes sortes de fous et de marginaux, mondains ou pas mondains.
“Toutes sortes de fous et de marginaux”: Martin Joughin dịch giả sang tiếng Anh Pourparlers/Negotiations đã có chú thích đáng khen về những từ Deleuze dùng này. “After the failure of the student “revolution” of May 68, the prime forum of social dissent shifted from the mainstream leftist opposition of the sixties to a counterculture articulated in the margins of the conventional institutions. Deleuze’s teaching at the “counter university” of Vincennes, set up on the margins of Paris after ’68, provoked much hostility in the French academic establishment, and itself became (especially after the publication of Anti-Œdipus in 1972) a focus of “crazies and marginals”. The use here of the word marginaux only current after ’68, serves to underline the fact that it was precisely the sort of people who had rallied around an embattled Bergson who were now criticizing his embattled heir for writing about Bergson – a figure who only appeared “conventional” to those accepted the canonized and sanitized image presented by the conventional history of philosophy.(Negotiations, 184)
[181] Daniel W. Smith, Deleuze and the History of Philosophy trong The Cambridge Companion to Deleuze, trang 22-25.
[182] Gilles Deleuze, Différence et Répétition trang 82: La tâche de la philosophie moderne a été définie: renversement du Platonisme. Que ce renversement conserve beaucoup de caractères platiniciens n’est pas seulement inévitable, mais souhaitable.
[183] Sđd trang 85: Le seul problème qui traverse toute la philosophie de Platon, qui préside à sa classification des sciences ou des arts, c’est toujours de mesurer les rivaux, de sélectionner les prétendants, de distinguer la chose et ses simulacres au sein d’un pseudo-genre ou d’une grosse espèce.
[184] Gilles Deleuze, Platon, les Grecs trong Critique et Clinique trang 171: Il lui faudra inventer une transcendence qui s’exerce et se trouve dans le champ d’immanence lui-même: tel est le sens de la théorie des Idées. Et la philosophie moderne ne cessera de suivre Platon à cet égard: rencontre une transcendence au sein de l’immanent comme tel. Le cadeau empoisonné du platonisme, c’est d’avoir introduit la transcendence en philosophie, d’avoir donné à la transcendence un sens philosophique plausible (triomphe du jugement de Dieu).
[185] Gilles Deleuze, Logique du Sens, Appendices I: Simulacre et Philosophie antique, I. Platon et le Simulacre trang 292: Que signifie “renversement du platonisme”? […] Renverser le platonisme […] doit signifier mettre au jour cette motivation, “traquer” cette motivation – comme Platon traque le sophiste.
[186] Gilles Deleuze, Lettre-Préface trong Jean-Clet Martin, La philosophie de Gilles Deleuze trang 8: Vous voyez très bien l’importance pour moi de la notion de multiplicité: c’est l’essentiel. Et, comme vous dites, multiplicité et singularité sont essentiellement liées (“singularité” étant à la fois différent “d’universel” et “d’individuel”). “Rhizome” est le meilleur mot pour désigner les multiplicités. En revanche, il me semble que j’ai tout à fait abandonné la notion de simulacre, qui ne vaut pas grande chose.
(còn tiếp)
đào trung đạo
2020