photo:https://frieze.com



ĐÀO TRUNG ĐẠO

gilles deleuze: triết học & không triết học

(Kỳ 15)

 

Chương III

 

MẶT PHẲNG NỘI TẠI

 

kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10,  kỳ 11,  kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15,

 

 

   Mặt phẳng [của] nội tại (Plan d’Immanence), một cụm từ khá trừu tượng, phức tạp, nhưng lại đóng vai trò chủ yếu trong triết học Deleuze. Mặt phẳng nội tại chính là Hình Ảnh Tư Tưởng trong triết học Deleuze. François Zourabichvili cho rằng: “Deleuze gọi mặt phẳng nội tại là trường siêu nghiệm ở đó không có cái gì được giả thiết trước ngoại trừ ngoại giới tính, chính ngoại giới tính này không thừa nhận mọi tiền giả định.”[119] Nhưng trường siêu nghiệm (champ transcendantal) là gì? Hãy quay trở lại quan niệm của Deleuze về tư tưởng trong phê bình hình ảnh tư tưởng độc đoán. Khi vứt bỏ  hình ảnh tư tưởng độc đoán người ta không phải chỉ kết luận rằng tư tưởng không chính nó tư tưởng nhưng tư tưởng cũng không phải là một khả năng tiên thiên (faculté a priori) hay khả năng đặc biệt nào. Trong quyển Foucault (trang 131, 139) Deleuze không cho tư tưởng vào “những sức mạnh của con người” (forces de l’homme) nhưng trùng hợp với sự trở thành-năng động của những khả năng (devenir-actif des facultés). Thế nhưng, trước hết mọi sức mạnh đều là “những sức mạnh của bên/cõi ngoài” (forces du dehors) cưỡng chế những sức mạnh bên trong con người. Theo Nietszche, những sức mạnh đến từ bên ngoài là những sức mạnh tích cực (forces actives) và những sức mạnh trong con người là những sức mạnh tiêu cực (forces réactives). Đặc điểm của những sức mạnh tiêu cực là phủ nhận tính chất không đồng nhất (hétérogenéité) hay tính chất bên ngoài (ngoại giới tính/l’extériorité) của những tương quan, tự đóng kín cái nhìn về ngã và ngăn cản ảnh hưởng. Nói cho gọn “những sức mạnh cõi ngoài” đặt tư tưởng vào trong trạng thái của ngoại giới tính, ném tư tưởng vào một trường ở đó những cái nhìn (quan điểm) liên hệ nhau, những tổ hợp đồng tính (combinaisons homogènes) của ý nghĩa nhường chỗ cho những tương quan của những sức mạnh trong chính ý nghĩa. Sau nữa, những sức mạnh xâm chiếm tư tưởng cũng là những sức mạnh của ý nghĩa (Deleuze: ý nghĩa trong tư tưởng là cõi ngoài của tư tưởng tuy không hiện hữu ngoài tư tưởng). Những sức mạnh này không nằm bên ngoài tư tưởng mà chính là cõi ngoài của tư tưởng (le dehors de la pensée). Do đó trường sức mạnh (le champ des forces) không là gì khác trường sản xuất ý nghĩa, tức trường siêu nghiệm (champ transendantal). Trường siêu nghiệm vô ngã (không liên quan đến riêng ai) (impersonnel), phi-chủ thể (asubjectif), và vô thức. Tuy hành vi tư tưởng không là vô thức nhưng được phát sinh một cách vô thức, bên ngoài dung tượng (représentation) như Deleuze viết trong Différence et Répétition (trang 258): “Tư tưởng chỉ tư tưởng khởi đi từ một cái vô thức/La pensée ne pense qu’à partir d’un inconscient” cho nên việc sáng tạo những khái niệm luôn luôn là ở khoảng giữa (au milieu) và không chủ động ở khởi đầu: tư tưởng trở thành tích cực (active) một cách nghịch lý khi chủ thể tự biến thành thụ động, hành vi tư tưởng nảy sinh trong một tổng hợp thụ động (synthèse passive). Deleuze cũng như Foucault tiếp nhận khái niệm “cõi ngoài/le dehors” từ Blanchot. Với Deleuze cõi ngoài có hai nghĩa bổ túc nhau: đó là cái không-thể hình dung (non-représentable) tức là nằm bên ngoài hình dung (représentation); đó cũng chính là sự nhất quán, bền bỉ của không-thể-hình dung tức tính chất bên ngoài của những tương quan, trường không chính thức (champ informel) của những tương quan.

   Deleuze cho rằng khái niệm triết học là những toàn thể đoạn rời (des touts fragmentaires) không điều chỉnh nhau vì lề, mép (bords) của chúng không trùng khớp nhau. Khái niệm triết học sinh ra bởi những cú ném súc sắc (coups de dés). “Song chúng vang dội nhau, và triết học sáng tạo ra chúng luôn luôn trình ra một cái Tất Cả mạnh mẽ, không đoạn rời, ngay cả khi nó vẫn mở rộng: Một Toàn Thể không giới hạn, Omnitudo bao gồm tất cả trên chỉ một và cùng mặt phẳng. Đó là một cái bàn, một cái khay, một cái đĩa lớn nông lòng. Đó là một mặt phẳng của sự bền vững hay, đúng hơn, đó là mặt phẳng nội tại của những khái niệm, một mặt chứa. Những khái niệm và mặt phẳng này tương quan chặt chẽ, nhưng không được lẫn vào nhau. Mặt phẳng nội tại không phải là một khái niệm, cũng không phải khái niệm của tất cả các khái niệm. Nếu người ta trộn lẫn chúng, không có cái gì ngăn cản những khái niệm trở thành một, hay trở thành những cái phổ quát và mất đi tính chất cá biệt của chúng, và cả mặt phẳng cũng mất đi sự mở ra của nó. Triết học là một thuyết xây dựng, và thuyết xây dựng có hai khía cạnh bù đắp nhau [nhưng] khác nhau về bản chất: sáng tạo những khái niệm và vạch ra một mặt phẳng.”[120] Deleuze dùng thí dụ cụ thể sau đây để mô tả mặt phẳng nội tại: Những khái niệm như những đợt sóng trùng điệp nhấp nhô còn mặt phẳng nội tại là làn sóng duy nhất cuộn quanh (enrouler) và tháo vòng cuộn (dérouler) những khái niệm. Mặt phẳng chứa đựng những chuyển động bất tận tới lui còn những khái niệm là những tốc độ bất tận của những chuyển động hữu hạn chỉ đi qua những thành tố của riêng nó. Tại sao triết học cần vạch ra mặt phẳng? Vì vấn đề của tư tưởng chính là vận tốc vô hạn cần một môi trường tự nó chuyển động một cách bất tận, mặt phẳng, quãng trống không, đường chân trời. Khái niệm phải đàn hồi (élascité) và môi trường cũng phải có tính chất lỏng (fluidité) để tạo nên “những hữu chậm” (les êtres lents).

   Deleuze diễn giải thêm về tương quan giữa những khái niệm với mặt phẳng nội tại bằng những thí dụ cụ thể: Những khái niệm là quần đảo (l’archipel), bộ xương (ossature), xương sống (colonne vertébrale) chứ không là cái sọ trong khi mặt phẳng chính là hơi thở bơi/tắm chúng. “Những khái niệm là những mặt phẳng hay thể tích tuyệt đối, không có hình dạng bình thường và đoạn rời, trong khi mặt phẳng lại là cái tuyệt đối không có giới hạn, không có hình dạng rõ ràng, cũng không có bề mặt hay khối lượng, nhưng luôn luôn có hình dạng riêng biệt. Những khái niệm là những diễn trình sắp xếp cụ thể (agencements)[122] như những dạng thức của một bộ máy, còn mặt phẳng là bộ máy trừu tượng mà những sắp đặt là bộ phận. Những khái niệm là những sự kiện, còn mặt phẳng là đường chân trời của những sự kiện, là nơi chứa hay nơi dự trữ những sự kiện thuần khái niệm: không phải đường chân trời tương quan (l’horizon relatif) vận hành như một giới hạn, thay đổi theo quan sát viên và bao hàm những trạng thái sự vật có thể quan sát, nhưng là chân trời tuyệt đối (l’horizon absolu), độc lập với mọi quan sát viên, và trả lại sự kiện như khái niệm độc lập với một trạng thái sự vật có thể nhìn thấy nơi nó sẽ tạo ảnh hưởng.”[121] Những khái niệm mỗi khái niệm trú ngụ ở mặt phẳng nội tại là một nơi vô hình. Mặt phẳng như thể bãi sa mạc những khái niệm định chỗ cư ngụ nhưng không chia mảnh mặt phẳng này, chỉ chiếm vùng của mặt phẳng và di chuyển trên đó. “Chính mặt phẳng đảm bảo sự phối hợp của những khái niệm, với những đường nối luôn gia tăng, và chính những khái niệm đảm bảo dân số của mặt phẳng trên một đường cong luôn luôn được làm mới, luôn luôn biến thiên.”[123]

   Deleuze cho rằng mặt phẳng nội tại chính là hình ảnh tư tưởng chứ không phải là một khái niệm được tư tưởng ra hay có thể tư tưởng, là hình ảnh chỉ ra tư tưởng nghĩa là gì, việc sử dụng tư tưởng, việc định hướng trong tư tưởng. Tuy nhiên mặt phẳng này không phải là một phương pháp bởi mọi phương pháp đều rốt cuộc bao gồm những khái niệm và giả thiết một hình ảnh như vậy. Mặt phẳng này cũng không là một trạng thái của tri thức trên bộ óc và hoạt động của óc bởi vì ở đó tư tưởng không có tương hệ chậm với bộ óc như với trạng thái sự vật có thể qui định một cách khoa học. Mặt phẳng này cũng không phải là ý kiến (opinion) về tư tưởng, về những hình thức, mục đích, phương tiện của tư tưởng ở một lúc nào đó. “Hình ảnh tư tưởng ngầm chứa một chia tách khắt khe về mặt sự kiện và về mặt quyền, nghĩa là cái gì đi tới tư tưởng phải được tách rời khỏi những biến cố bất ngờ đưa về não bộ hay về những ý kiến có tính chất lịch sử.[…] Hình ảnh tư tưởng chỉ cất giữ thứ gì chỉ mình tư tưởng có quyền sở hữu. Tư tưởng “chỉ” sở hữu chuyển động có thể được đưa đi vô tận. Cái mà tư tưởng riêng mình sở hữu về mặt pháp lý, cái mà nó chọn ra, chính là chuyển động bất tận hay chuyển động của cái bất tận. Chính chuyển động này tạo nên hình ảnh tư tưởng.”[124]

________________________________

[119] François Zourabichvili, La Philosophie de Deleuze trang 49: Deleuze appelle plan d’immanence ce champ transcendental où rien n’est supposé à l’avanve sauf l’exteriorité qui recuse justement tout presupposé.

 

[120] QPh trang 38: Et poutant ils résonnent, et la philosophie qui les crée presente toujours un Tout puissant, non fragmenté, même s’il reste ouvert: Un-Tout illimité, Omnitudo, qui les comprend tous sur un seul et même plan. C’est une table, un plateau, une coupe. C’est un plan de consistance ou, plus exactement, le plan d’immanence des concepts, le planomène. Les concepts et le plan sont strictement corrélatifs, mais doivent d’autant moins être confondus. Le plan d’immanence n’est pas un concept, ni le concept de tous les concepts. Si on les confondait, rien n’empecherait les concepts de faire un, ou de devenir des universeaux et de perdre leur singularité, mais aussi le plan de perdre son ouverture. La philosophie est un constructivisme, et le constructivisme a deux aspects complémentaires qui diffèrent en nature: créer des concepts et tracer un plan.

[121] Sđd trang 39: Les concepts sont des surfaces ou volumes absolus, difformes et fragmentaires, tandis que le plan est l’absolu illimité, informe, ni surface ni volume, mais toujours fractal. Les concepts sont des agencements concrets comme configurations d’une machine, mais le plan est la machine abstraite dont les agencements sont les pièces. Les concepts sont des événements, mais le plan est l’horizon des événements, le reservoir ou la reserve des événements conceptuels: non pas l’horizon relatif qui fonctionne comme une limite, change avec un observateur et englobe des états de choses observables, mais l’horizon absolu, indépendent de tout observateur, et qui rend l’événement comme concept indépendent d’un état de choses visible où il s’effectuait.

[122] Khái niệm agencement – một trong những khái niệm chìa khóa (key concepts) của triết học Deleuze –  thường được dịch sang tiếng Anh là “putting together”, “arrangement”, “laying out”, “layout” hay “fitting”. Điều quan trọng là agencement không phải là tĩnh (static), không là xếp đặt (arrangement) hay tổ chức (organization) nhưng là một diễn tiến/trình (process) xếp đặt hay tổ chức. Những dịch giả Anh ngữ sách của Deleuze và Guattati thường dịch agencementassemblage có nghĩa được sắp xếp lại với nhau chứ không phải là một “bộ/a set” những mảnh/phần được định sẵn, cũng không phải là một tập hợp tình cờ những vật (a random collection of things).

[123] Sđd trang 39: C’est le plan qui assure le raccordement des concepts, avec des connections toujours croissantes, et ce sont les concepts qui assurent le peuplement du plan sur une courbure toujours renouvelée, toujours variable.

 [124] Sđd trang 40: L’image de la pensée implique une sévère répartition du fait et du droit: ce qui revient à la pensée comme telle doit être separé des accidents qui renvoient au cerveau, ou aux opinions historiques.[…] L’image de la pensée ne retient que ce que la pensée peut revendiquer en droit. La pensée revendique “seulement” le mouvement qui peut être porté à l’infini. Ce que la pensée revendique en droit, ce qu’elle sélectionne, c’est le mouvement infini ou le mouvement de l’infini. C’est lui qui constitue l’image de la pensée.

(còn tiếp)

đào trung đạo

 

2020