photo:https://frieze.com



ĐÀO TRUNG ĐẠO

gilles deleuze: triết học & không triết học

(Kỳ 28)

 

Chương V

DELEUZE và PLATON, KANT, HEGEL

kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10,  kỳ 11,  kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21, kỳ 22, kỳ 23, kỳ 24, kỳ 25, kỳ 26, kỳ 27, kỳ 28,

 


Trong bức thư gửi cho Izambart, tháng Năm 1871 và thư gửi cho Demeny, ngày 15 tháng Năm 1871 thi sĩ Rimbaud viết:

   “Je suis un autre…”

    [“Tôi là một người khác…”]

Để diễn giải quan niệm của Kant về Cái Tôi (Le Moi) trong thời gian Deleuze dùng câu nói của Rimbaud nêu trên và cũng để chỉ ra Kant làm cuộc giải thoát thời gian lần thứ nhì khỏi  quan niệm về thời gian trong triết học cổ điển coi thời gian được quan niệm như một dạng thức của tư tưởng hay chuyển vận cường độ (mouvement intensif) của linh hồn. Tuy cũng chống lại quan niệm cổ điển này nhưng Descartes đã thế tục hóa (laïcisation) thời gian tinh thần và thời gian tu viện (monacal) này bằng “cái tôi tư duy” coi như một hành vi xác định tức thời (un acte de détermination instantané) được ngầm hiểu như một sự hiện hữu chưa xác định (je suis/tôi là) và hành vi này xác định sự hiện hữu như một bản thể tư duy (substance pensante): “je suis une chose qui pense/ tôi là một sự vật, sự vật này tư tưởng.” Thế nhưng câu hỏi đặt ra là: làm thế nào việc xác định lại có thể đặt trên một cái chưa được xác định nếu người ta không cho biết làm cách nào cái chưa được xác định (l’indeterminé) này lại “có thể xác định được” (déterminable). Đó cũng chính là câu hỏi Kant đặt ra cho Descartes. Để giải quyết vấn nạn này Kant cho rằng: chỉ trong thời gian, dưới hình thức thời gian hiện hữu chưa được xác định có thể được xác định. Hậu quả là “cái tôi suy tư” tác hướng thời gian và chỉ xác định sự hiện hữu của một cái tôi thay đổi trong thới gian và trình ra trong mỗi khoảnh khắc một mức độ của ý thức. Thời gian như hình thức của tính chất xác định tùy thuộc cái gì? Kant cho rằng nó không tùy thuộc chuyển động của tâm hồn mà ngược lại tùy thuộc vào sự sản xuất cường lực (la production intensive) của một mức độ của ý thức trong khoảnh khắc tùy thuộc thời gian. “Kant thi hành một sự giải thoát thời gian lần thứ nhì, và hoàn tất tính chất thế tục.”[199]

   Cái Tôi (le Moi/the Self)) ở trong thời gian và không ngừng thay đổi là một cái tôi thụ động hay đúng ra là cái tôi thu nhận (le moi receptif) cảm nhận những thay đổi trong thời gian. Còn Tôi (le Je, the I) lại là một hành vi (tôi tư tưởng) xác định sự hiện hữu của tôi một cách tích cực nhưng lại cũng chỉ xác định trong thời gian như sự hiện hữu của một cái tôi thụ động, thu nhận và thay đổi. Cái tôi này chỉ biểu trưng cho hành động của chính tư tưởng của mình (l’activité de sa propre pensée). “Như vậy Tôi và cái Tôi bị chia cách bởi một con đường thời gian, con đường này đặt cái này tương hệ với cái kia dưới điều kiện của một sự khác biệt nền tảng. Hiện hữu của tôi chẳng bao giờ có thể được xác định như hiện hữu của một hữu năng động và tức thời, nhưng là hiện hữu của một cái tôi thụ động biểu trưng Tôi, nghĩa là tính chất tức thời của sự xác định, như một Người Khác tác hướng nó (nghịch lý của ý nghĩa mật thiết).[200] Hình thức thời gian làm cho Tôi tách rời chính tôi. Song le, tôi vẫn là một bởi Tôi (le Je) thiết yếu tác động hình thức thời gian này đồng thời làm ra tổng hợp (synthèse) của nó, tổng hợp này không chỉ tổng hợp một phần tiếp theo một phần khác mà ở mỗi khoảnh khắc, và vì vậy Cái Tôi cũng thiết yếu bị tác động như một hình thức của thời gian này. “Hình thức của cái có thể xác định làm cho Cái Tôi đã được xác định hình dung sự xác định như một Người Khác. Nói cho gọn, sự điên cuồng của chủ thể tương ứng với thời gian trật bản lề. Đó như là một xoay kép của Tôi và Cái Tôi trong thời gian, sự xoay kép này đặt cái này tương quan với cái kia, gắn cái này với cái kia. Đó chính là dòng thời gian.”[201]

   Deleuze cho rằng Kant đã đi xa hơn Rimbaud vì Rimbaud chịu ảnh hưởng Aristote khi nói: “Thật đáng tiếc cho gỗ được tìm thấy nơi cây hồ cầm!...Nếu đồng thau đánh thức một cây kèn, thì đó không phải lỗi tại nó…”[202] Giải thích như vậy là gải thích trong tương quan khái niệm-đối tượng, khái niệm như một hình thức ở trạng thái động (une forme en acte) còn đối tượng là một vật chất tiềm ẩn (matière en puissance). Với Kant ngược lại Tôi (le Je) không phải là một khái niệm nhưng là dung tưởng (représentation) đi theo mọi khái niệm. Và cái Tôi (le Moi) cũng không là một đối tượng nhưng là cái để mọi đối tượng tương quan với như với sự biến đổi liên tục của những trạng thái tiếp diễn của nó, và với sự điều biến vô tận (la modulation infinite) những mức độ của nó trong khoảnh khắc. “Tương quan khái niệm-đối tượng tuy có nơi Kant, nhưng được gấp hai lần lên bởi tương quan Tôi-cái Tôi tạo thành một sự điều biến, chứ không phải là một khuôn đúc. Theo nghĩa này, sự phân biệt được chia ra khu những hình thức như những khái niệm (cây kèn-vĩ cầm), hay những vật chất như những đối tượng (đồng-gỗ), dọn chỗ cho sự tiếp tục của một triển khai theo đường thẳng không quay trở lại, sự tiếp tục này cần lập ra những liên hệ hình thức mới (thời gian) và sự bố trí một chất liệu mới (hiện tượng): đó như thể, nơi Kant, người ta đã vừa nghe Beethoven xong, và liền sau đó tiếp tục nghe biến khúc của Wagner.[203]

   Thời gian là mối liên hệ hình thức theo đó tinh thần tự hướng tác hay cũng là cách thế chúng ta bị hướng tác ở bên trong bởi chính chúng ta. Như vậy có thể định nghĩa thời gian là Hướng Tác của ngã bởi ngã (l’Affect de soi par soi) hay ít ra là sự khả hữu hình thức của bị hướng tác bởi chính mình. “Chính theo nghĩa này thời gian như hình thức bất động, nó không thể được định nghĩa chỉ bởi sự kế tục, hiện ra như hình thức của nội giới tính (nghĩa mật thiết), trong khi không gian, cũng không thể được định nghĩa bởi sự cùng hiện hữu hay tính đồng thời, về phía nó hiện ra như một hình thức của ngoại giới tính, khả hữu tính hình thức bị tác hướng bởi một vật khác với tư cách đối tượng ngoại giới. Hình thức của nội giới tính không chỉ có nghĩa rằng thời gian là ở bên trong tinh thần, bởi vì không gian cũng chẳng ở trong tinh thần. Hình thức của ngoại giới tính cũng không có nghĩa không gian giả thiết “một cái khác”, bởi ngược lại chính nó làm cho mọi dung tưởng về đối tượng như những cái khác hay ở bên ngoài khả hữu. Như vậy có nghĩa ngoại giới tính cũng bao gồm tính chất nội tại và nội giới tính bao gồm sự siêu vượt. Deleuze kết luận: Không phải thời gian ở trong con người mà đúng ra là con người ở trong thời gian nên luôn luôn bị thời gian chia cách với cái xác định con người bằng cách ảnh hưởng nó. “Nội giới tính không ngừng làm rỗng chính chúng ta, chẻ đôi chính chúng ta, làm chúng ta thành gấp đôi, dù rằng nhất tính của chúng ta vẫn còn. Một sự làm thành gấp đôi không kết thúc, bởi thời gian không có kết thúc, nhưng là một sự chóng mặt, một sự giao động tạo thành thời gian, như một sự trượt đi, một sự thả trôi tạo thành không gian vô tận.”[204]

   Deleuze trích dẫn câu văn của Kafka dưới đây để luận về quyển Phê bình Lý trí Thực hành của Kant:

   “Thật là một thứ cực độ đớn đau khi bị cai trị bởi những luật mà người ta không hề biết!...Bởi vì tính chất của những luật] cũng cần thiết cái bí mật của nội dung của chúng…”

                                                                   Kafka, La muraille de Chine.

   Có nói cách chi về cái luật (la loi) cũng bằng thừa vì người ta không thể phân biệt những luật mình không hề biết. Ý thức cổ xưa cho rằng luật làm cho chúng ta biết cái Thiện. Như thế luật là “nguồn thứ nhì” (seconde ressource) biểu tượng cho cái Thiện trong một thế giới mà các thần linh đã đào ngũ. Về mặt tri thức, những luật là bản sao của Thiện.

   Trong Phê bình Lý trí Thực hành Kant lật ngược mối tương quan giữa luật và Thiện, nâng luật lên mức độ của đơn nhất tính thuần túy và trống rỗng (l’unicité pure et vide): là thiện như Luật nói, nghĩa là thiện tùy thuộc luật, không thể ngược lại. Điều này có nghĩa Luật là nguyên lý số một không có nội giới tính (intériorité) cũng chẳng có nội dung bởi mọi nội dung đều đưa luật về một Thiện bản sao. “Luật là hình thức thuần túy không có đối tượng, dủ là đối tượng hữu cảm hay hữu tri. Luật không bảo chúng ta phải làm gì, nhưng chúng ta phải tuân theo qui tắc chủ quan nào đó, bất kể hành động của chúng ta. Được coi là luân lý mọi hành động mà châm ngôn sẽ được tư tưởng là phổ quát không sự mâu thuẫn, và động cơ sẽ không có đối tượng nào khác hơn cái châm ngôn này (thí dụ, nói dối không thể được tư tưởng như phổ quát, bời ít ra nói dối ngầm chứa những kẻ tin tưởng vào sự nói dối và  nếu tin tưởng thì vào nói dối lại là không nói dối.”[205] Như vậy luật được định nghĩa như một hình thức thuần túy của phổ quát tính. Luật không cho ý chí biết phải theo đuổi đối tượng nào nhưng lại cho biết phải theo hình thức nào để là có luân lý. Luật không phải là để được biết đến vì chẳng có gì trong luật để hiểu biết cả: luật là đối tượng của một sự qui định thuần túy thực hành chứ không phải là lý thuyết.

_______________________________

[199] Sđd trang 43: Kant opère une seconde émancipation du temps, et en accomplit la laïcité.

[200] Sđd trang 43: Le Je et le Moi sont donc separés par la ligne du temps qui les rapporte l’un à l’autre sous la condition du différence fondamentale. Mon existence ne peut jamais être determiné comme celle d’un être actif et spontané, mais d’un moi passif qui se represente le je, c’est-à-dire la spontanéité de la détermination, comme un Autre qui l’affecte (“paradoxe du sens intime”).

[201] Sđd trang 43-44: Je suis separé de moi-même par la forme du temps, et pourtant je suis un, parce que le Je affect nécessairement cette forme en opérant sa synthèse, non seulement d’une partie successive à une autre, mais à chaque instant, et que le Moi est nécessairement affecté comme contenu dans cette forme. La forme du déterminable fait que le Moi déterminé se represente la détermination comme un Autre. Bref, la folie du sujet correspond au temps hors de ses gonds. C’est comme le double détournement du Je et du Moi dans le temps, qui les rapporte l’un à l’autre, les coud l’un à l’autre. C’est le fil du temps.

[202] Tant pis pour le bois qui se trouve violon!...Si le cuivre s’éveille clairon, il n’y en a rien de sa faute…

[203] Sđd trang 44: Le rapport concept-objet subsiste chez Kant, mais se trouve doublé par le repport Je-Moi qui constitue une modulation, non plus un moulage. En ce sens, la distinction compartimentée des formes comme concepts (clarion-violon), ou des matières comme objets (cuivre-bois), fait place à la continuité d’un développement linéaire sans retour qui nécessite l’établissment de nouvelles relations formelles (temps) et la disposition d’un nouveau matériel (phenomène): c’est comme si, en Kant, on entendait déjà Beethoven, et bientôt la variation continue de Wagner.

[204] Sđd trang 45: L’intériorité ne cesse pas de nous creuser nous-mêmes, de nous scinder nous-mêmes, de nous dédoubler, bien que notre unité demeure. Un dédoublement qui ne va pas jusqu’au bout, parce que le temps n’a pas de fin, mais un vertige, une oscillation qui constitue le temps, comme un glissement, un flottement constitue l’espace illimité.

[205] Sđd trang 46: Elle est pure forme et n’a pas d’objet, sensible ni même intelligible. Elle ne nous dit pas ce qu’il faut faire, mais à quelle règle il faut obéir, quelle que soit notre action. Sera morale toute action dont la maxime pourra être pensée sans contradiction comme universelle, et dont le mobile n’aura pas d’autre objet que cette maxime (par exemple, le mensonge ne peut pas être pensé comme universel, puisqu’il implique au moins des gens qui y croirent et qui ne mentent pas en y croyant.)

(còn tiếp)

đào trung đạo

 

2020