photo:https://frieze.com



ĐÀO TRUNG ĐẠO

gilles deleuze: triết học & không triết học

(Kỳ 12)

 

Chương II

 

KHÁI NIỆM

 

kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10,  kỳ 11,  kỳ 12,

 

 

   Khái niệm (Concept) không đơn giản (simple) mà được tạo nên bởi những thành tố (composantes) và vì được định nghĩa bởi những thành tố này nên khái niệm có một con số (chiffre). Đó là một đa thể (multiplicité) dù rằng đa thể không có tính chất ý niệm. Không có khái niệm nào chỉ có một thành tố. “Mọi khái niệm đều ít ra có hai phần (double/kép), hay ba phần (triple/đụp), v.v…Cũng không có khái niệm nào có tất cả các thành tố, bởi đó sẽ là một hỗn mang thuần túy và giản đơn. Mọi khái niệm đều có một đường viền không bất qui tắc, được định nghĩa bởi con số những thành tố của nó. Đó là lý do tại sao, từ Platon tới Bergson, người ta thấy rằng khái niệm là công việc của sự biểu đạt, của sự cắt mảnh và sự bù đắp. Khái niệm là một toàn thể, bởi nó tổng hợp những thành tố của nó, nhưng là một toàn thể đoạn rời. Chính với điều kiện này mà khái niệm có thể ra khỏi sự hỗn mang trí óc, sự hỗn mang này không ngừng rình rập nó, dính chặt vào nó để lại thẩm thấu nó.”[94]

    Deleuze nêu câu hỏi: trong những điều kiện nào thì một khái niệm là đứng đầu, tuy không tuyệt đối, so với một khác niệm khác? Chẳng hạn trong khái niệm tha nhân (autrui) có hai thành tố là chủ thể và đối tượng – tôi và người khác – thì thành tố nào đứng đầu? Thành tố nào đứng đầu, thành tố nào là thứ cấp? “Thật vậy, nếu chúng ta đồng nhất nó với một đối tượng đặc biệt, thì tha nhân đã chỉ là chủ thể khác như nó hiện ra với tôi; và nếu như chúng ta đồng nhất nó với một chủ thể khác, thì chính tôi là tha nhân như tôi hiện ra với nó.”[95] Chính vì thế nên mọi khái niệm đều đưa về một vấn đề, về những vấn đề, nếu không có những vấn đề này thì khái niệm không có ý nghĩa, và chỉ thể hiểu được dần dần qua giải đáp những vấn đề này. Như vậy chúng ta rơi vào trong một vấn đề liên quan tới tính chất đa phức (multiplicité) của những chủ thể, quan hệ của những chủ thể với nhau, và sự hiện diện hai chiều của chúng. Thế nhưng mọi sự sẽ đổi khác nếu ta tin rằng khám phá ra một vấn đề khác khi đặt câu hỏi: do đâu có vị trí của tha nhân, chủ thể khác chỉ tới “chiếm chỗ” khi nó hiện ra với tôi như đối tượng đặc biệt (objet spécial) và đến lượt tôi cũng lại chiếm chỗ như một đối tượng đặc biệt khi hiện ra với nó thì sao? Đứng ở quan điểm này thì tha nhân không là ai cả, chẳng phải chủ thể hay đối tượng. “Có nhiều chủ thể bởi có tha nhân chứ không phải ngược lại. Tha nhân khi đó tuyên nhận một khái niệm tiên thiên, mà đối tượng đặc biệt, chủ thể khác và cái tôi đều từ đó mà ra, chứ không phải ngược lại. Trật tự đã thay đổi, cũng như bản chất của những khái niệm, cũng như những vấn đề chúng coi như phải trả lời. Chúng ta để sang một bên vấn đề về sự khác biệt giữa một vấn đề trong khoa học và trong triết học. Nhưng ngay trong triết học người ta chỉ sáng tạo theo chức năng của những vấn đề người ta coi như không nhìn đúng hay đặt sai (sư phạm khái niệm)”[96]

    Khác với câu nói nổi danh của J.-P. Sartre “L’Enfer c’est les autres/ Địa ngực chính là người khác” Deleuze coi sự xuất hiện của tha nhân trước hết như một thế giới khả hữu (monde possible). Tha nhân không phải là chủ thể cũng không là đối tượng nhưng là một thế giới khả hữu, không có hay chưa có thực nhưng không vì vậy nó không hiện hữu: đó là một biểu lộ chỉ hiện hữu trong sự biểu lộ, một khuôn mặt hay cái tương đương với khuôn mặt. Khái niệm tha nhân không giả thiết cái gì khác hơn là sự xác định một thế giới khả hữu như điều kiện. Tha nhân hiện ra dưới điều kiện này như biểu lộ một khả hữu. Deleuze cho rằng khái niệm tha nhân có ba thành tố bất khả cách ly: thế giới khả hữu, khuôn mặt hiện hữu, và ngôn ngữ thực sự hay lời nói (monde possible, visage existant, langage réel ou parole.)

   Khái niệm tha nhân cũng như tất cả mọi khái niệm đều có một lịch sử tuy lịch sử này đi theo đường chữ chi (zigzag), lịch sử này diễn ra với nhu cầu có những khái niệm khác hay trên những mặt phẳng khác nhau. “Trong một khái niệm, rất thường có những mẩu/mảnh hay những thành tố đến từ những khái niệm khác, những khái niệm này đáp ứng những vấn đề khác và giả thiết những mặt phẳng khác. Bắt buộc phải vậy vì mỗi khái niệm tiến hành một chia mảnh mới, có những đường viền mới, phải được kích hoạt lại hay được cắt tỉa lại.”[97]

   Khái niệm có một trở thành (un devenir) liên quan tới tương quan của nó với những khái niệm đặt trên cùng một mặt phẳng, chúng khớp nhau, cắt mảnh nhau, phối hợp những đường viền của chúng, kết hợp những vấn đề của của từng khái niệm, cùng thuộc vào một triết học, dù chúng có những lịch sử khác nhau. “Thật vậy, mọi khái niệm, có một con số định rõ những thành tố, sẽ chia nhánh trên những khái niệm khác, được phối hợp một cách khác, nhưng chúng tạo thành những vùng của cùng một mặt phẳng, chúng tương ứng với những vấn đề có thể kết nối với nhau, tham dự vào một sáng tạo chung. Một khái niệm không chỉ đòi hỏi một vấn đề dưới đó nó chỉnh sửa hay thay thế những khái niệm trước, mà còn đòi hỏi một ngã tư những những vấn đề nơi nó phối hợp với những khái niệm cùng hiện hữu.”[98] Một cách cụ thể: chẳng hạn như khái niệm Tha Nhân coi như sự biểu lộ của một thế giới khả hữu trong một trường tri giác (champ perceptif) dẫn chúng ta tới việc cứu xét một kiểu kết hợp những thành tố mới của chính trường tri giác này cho chính nó và thấy rằng tha nhân không phải là một chủ thể của trường, cũng không phải là một đối tượng trong trường này mà chủ thể sẽ là điều kiện, dưới điều kiện này không chỉ chủ thể và đối tượng tái phân phối (redistribuer), nhưng cả hình (figure) và nền, những lề (marges) và trung tâm, cái di động (le mobile) và điểm chuẩn (le repère), ngoại động (le transitif) và cái có tính chất bản thể (le substantial), chiều dài và chiều sâu cũng tái phân phối. “Tha nhân luôn được tri giác như một người khác, nhưng trong khái niệm của nó thì nó là điều kiện của mọi tri giác, cho mọi người khác cũng như cho chúng ta. Đó là điều kiện dưới đó người ta đi từ một thế giới này qua một thế giới khác. Tha nhân chuyển di thế giới, và cái “tôi” chỉ chỉ ra một thế giới đã qua (“tôi bình thản”).[99] Vai trò của Tha Nhân trong không gian là làm cho chiều dài thành chiều sâu khả hữu, ngược lại nếu khái niệm Tha Nhân không tác hoạt trong trường tri giác thì những dịch chuyển (transitions) và những đảo nghịch (inversions) trở thành không thể hiểu được. Vì vậy, trên một mặt phẳng có thể xác định người ta chuyển từ một khái niệm này qua một khái niệm khác bằng một cây cầu, việc sáng tạo khái niệm Tha Nhân với những thành tố như vậy sẽ đưa đến sự sáng tạo một khái niệm mới về không gian tri giác với những thành tố khác phải xác định.

   Quả thực thí dụ trên cho thấy khái niệm khá phức tạp nhưng vì khái niệm vốn không đơn giản nên không thể nào khác vì mỗi khái niệm lại đưa đến những khái niệm khác không chỉ trong lịch sử của nó mà còn trong sự trở thành (devenir) của nó hay những kết nối hiện tại của nó. Trước hết, mỗi khái niệm đều có những thành tố có thể lại được dùng như những khái niệm. Chẳng hạn Khuôn mặt là một thành tố của khái niệm Tha Nhân và rồi Khuôn Mặt chính nó sẽ lại được coi như một khái niệm có những thành tố của nó: những khái niệm một khi được sáng tạo sẽ tiếp tục vô tận.

    Thứ đến, đặc điểm của khái niệm là làm cho những thành tố của nó không thể tách rời trong nó: những thành tố này là khác biệt (distinctes), dị biệt (hétérogènes) nhưng không thể tách rời. Đó là trạng thái của những thành tố làm cho khái niệm được coi là có sự bền bỉ (consistance). Lý do chính vì mỗi thành tố khác biệt đại diện cho một thu hồi lại một phần mất mát (recouvrement partiel), một vùng lân cận (une zone de voisinage) hay một ngưỡng của sự không phân định với một vùng khác, chẳng hạn trong khái niệm tha nhân thế giới khả hữu  không hiện hữu bên ngoài khuôn mặt bày tó nó dù rằng thế giới khả hữu tự phân biệt như cái được bày tỏ của sự bầy tỏ (l’exprimé de l’expression) và rồi khuôn mặt đến lượt nó là sự tiệm cận, gần gũi (la proximité) với những lời nói mà khuôn mặt vốn là phát ngôn nhân (le porte-voix). Tuy những thành tố vẫn khác biệt nhưng có một cái gì đó đi từ thành tố này sang thành tố kia, nó không thể quyết định giữa hai thành tố. “Đó là những vùng, những ngưỡng, hay những trở thành này, tính chất không thể tách rời này, chúng định nghĩa tính chất bền bỉ nội tại của khái niệm. Nhưng tính chất này cũng có một sự bền bỉ-bên ngoài, với những khái niệm khác, khi sự sáng tạo của mỗi khái niệm ngầm chứa sự xây dựng một cây cầu trên cùng một mặt phẳng. Những vùng và những cây cầu là những chỗ nối nhau của khái niệm.”[100]

   Sau cùng, mỗi khái niệm sẽ được coi như điểm trùng hợp (point de coïncidence), điểm đúc kết  (point de condensation) hay điểm tích lũy (point d’accumulation) của những thành tố riêng của nó. Vì điểm khái niệm (point conceptuel) không ngừng giao lưu với những thành tố của nó, nên mỗi thành tố là một vạch nhấn (trait intensif) không thể coi là chung hay riêng nhưng như một riêng biệt đơn giản và thuần túy mà thôi.. Chẳng hạn, “một” thế giới khả hữu, “một” khuôn mặt, “những từ” sẽ thành riêng hay chung tùy theo người ta cho nó những giá trị biến thiên hay người ta chỉ định nó có một chức năng không thay đổi. Ngược lại với khoa học, trong triết học không có sự không thay đổi hay thay đổi trong khái niệm. “Những mối tương quan trong khái niệm không phải của nội hàm hay của ngoại trương, nhưng chỉ là của sự phối hợp, và những thành tố của khái niệm cũng không phải là những cái không thay đổi hay thay đổi, nhưng chỉ là những biến thiên thuần túy và đơn giản được phối hợp theo vùng kế cận của nó. Chúng có tính cách tiến trình, đơn vị chức năng. Khái niệm của một con chim không ở trong loại hay hạng, nhung trong sự tạo thành những dáng vẻ của nó, màu sắc của nó và tiếng hót của nó.[…] Một khái niệm là một nguyên ủy đa phức, nghĩa là một sắp xếp những thành phần của nó theo vùng kế cận. Nó có tính thứ tự, đó là một sức căng có mặt ở mọi vạch tạo nên nó. Không ngừng qua lại những thành tố này theo một trật tự không có khoảng cách, khái niệm ở trong tình trạng bay cao đối với những thành tố của nó. Nó lập tức cùng-hiện diện không có khoảng cách nào với tất cả những thành tố hay biến thiên, nó bị những thành tố qua lại: đó là một nét biểu lộ, một bản nhạc có mã số của nó.”[101]

   Ritournelle/Nhặt Khoan là một khái niệm mang chữ ký Deleuze. François Zourabichvili cho rằng “Người ta hiểu nhặt khoan như một sự biểu lộ tương ứng với một trường hợp hay với một hoàn cảnh, và người ta chỉ lấy giọng ‘khi đến lúc’ ”.[102] Deleuze đã sáng tạo ra khái niệm “ritournelle” lần đầu trong quyển Mille Plateaux/Ngàn Cao Nguyên, 11.1837 De la retournelle/Về Nhặt Khoan, mục III trang 381-433: “Đó không phải là ba thời khoảng liên tục trong một diễn tiến. Đó là ba mặt ở trên một vật và cùng một vật, là nét biểu lộ.[…] Nét biểu lộ có ba mặt, nó làm cho ba mặt này thành đồng thời, hay pha trộn chúng, khi thì, khi thì, khi thì.”[103] Trong Pourparlers Deleuze giải thích thêm: “Đối với chúng tôi, khái niệm phải nói về biến sự, chứ không còn nói về yếu tính nữa. Do vậy có khả năng đưa vào triết học những phương cách tiểu thuyết thật đơn giản. Thí dụ một khái niệm như nhặt-khoan/nét biểu lộ phải nói cho chúng ta biết trong trường hợp nào chúng ta cảm thấy cần hạ thấp giọng.”[104]

_______________________________________

[94] Sđd trang 21: Tout concept est au moins double, triple, etc. Il n’y a pas non plus de concept ayant toutes les composantes.[…] Tout concept a un contour irrégulier, défini par le chiffre de ses composantes. C’est pourquoi, de Platon à Bergson, on retrouve l’idée que le concept est affaire d’articulation, de découpage et de recoupement. Il est un tout, parce qu’il totalise ses composantes, mais un tout fragmentaire. C’est seulement à cette condition qu’il peut sortir du chaos mental, qui ne cesse pas de le guetter, de coller à lui pour le réabsorber.

[95] Sđd trang 22: En effet, si nous l’identifions à un objet spécial, autrui n’est dejà plus que l’autre sujet tel qu’il m’apparaît à moi; et si nous l’identifions à un autre sujet, c’est moi qui suis autrui tel que je lui apparais.

[96] Sđd trang 22: Il y a plusieurs sujets parce qu’il y a autrui, non pas l’inverse. Autrui réclame  alors un concept a priori dont doivent découler l’objet special, l’autre sujet et le moi, non pas l’inverse. L’ordre a changé, autant que la nature des concepts, autant que les problèmes auxquels ils sont censés repondre. Nous laissons de côté la question de savoir quelle différence il y a entre un problème en science et en philosophie. Mais même en philosophie on ne crée de concepts qu’en fonction de problèmes qu’on estime mal vus ou mal posés (pedagogie du concept).

[97] Sđd trang 23: Dans un concept, il y a le plus souvent des morceaux ou des composantes venus d’autres concepts, qui répondaient à d’autres problèmes et supposaient d’autres plans. C’est forcé parce que chaque concept opère un nouveau découpage, prend de nouveaux contours, doit être réactivé ou retaillé.

[98] Sđd trang 23-24: En effet, tout concept, ayant un nombre fini de composantes, bifurquera sur d’autres concepts, autrement composés, mais qui constituent d’autres régions du même plan, qui respondent à des problèmes connectables, participant d’une co-création. Un concept n’exige pas seulement un problème sous lequel il remanie or remplace des concepts précédents, mais un carrefour de problèmes où il s’allie à d’autres concepts coexistants.

[99] Sđd trang 24: Autrui est toujours perçu comme un autre, mais dans son concept il est la condition de toute perception, pour les autres comme pour nous. C’est la condition sous laquelle on passe d’un monde à un autre. Autrui fait passer le monde, et le “je” ne désigne plus qu’un monde passé (“j’était tranquille”).

[100] Sđd trang 25: Ce sont ces zones, seuils ou devenirs, cette inséparabilité, qui définissent la consistance intérieure du concept. Mais celui-ci a également une exo-consistance, avec d’autres concepts, lorsque leur création respective implique la construction d’un pont sur le même plan. Les zones et les ponts sont les joints du concept.

[101] Sđd trang 25: Les rapports dans le concept ne sont ni de compréhension ni d’extention, mais seulement d’ordination, et les composantes du concept ne sont ni des constants ni des variables, mais de pures et simples variations ordonnées suivant leur voisinage. Elles sont processuelles, modulaires. Le concept d’un oiseau n’est pas dans son genre ou son espèce, mais dans la composition de ses postures, de ses couleurs et de ses chants: quelque chose d’indiscernable qui est moins une synesthésia qu’une syneidésie. Un concept est une hétérogenèse, c’est-à-dire une ordination de ses composantes par zones de voisinage.[…] Ne cessant de les parcourir suivant un ordre sans distance, le concept est en état de survol par rapport à ses composantes. Il est immédiatement co-présent sans aucune distance à toutes ses composantes ou variations, il passe et repasse par elle: c’est une ritournelle, un opus ayant son chiffre,

[102] François Zourabichvili, La Philosophie de Deleuze trang 106: On entend par ritournelle un trait d’expression qui correspond  à un cas ou à une circonstance, et qu’on n’entonne que “quand l’heure est venue”.

[103] Gilles Deleuze & Felix Guattari, Capitalisme et Schizophrénie 2, Mille Plateaux trang 383: La ritournelle a les trois aspects, elle les rend simultanés, ou les mélange: tantôt, tantôt, tantôt.

[104] Gilles Deleuze, Pourparlers 1972-1990 trang 39-40: Pour nous, le concept doit dire l’événement, et non plus l’essence. D’où la possibilité d’introdure des procédés romanesques très simples en philosophie. Par exemple, un concept comme celui de ritournelle doit nous dire dans quel cas nous éprouvons le besoin de chantonner.

(còn tiếp)

đào trung đạo

 

http://www.gio-o.com/DaoTrungDao

 

2020