photo:https://frieze.com
ĐÀO TRUNG ĐẠO
gilles deleuze: triết học & không triết học
(Kỳ 14)
Chương II
KHÁI NIỆM
kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10, kỳ 11, kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14,
Thí dụ II:
Trong quyển Parmenide Platon đưa ra một kiểu mẫu khái niệm: khái niệm về cái Một (l’Un) tức Ý niệm có hai thành phần là hữu (être) và không-hữu (non- être), những giai đoạn của những thành phần này (cái Một cao hơn hữu, bằng với hữu, thấp hơn hữu) trong đó cái Một cao hơn không hữu và bằng với không-hữu là những vùng của sự của bất biệt (zones d’indiscernabilité) đối với ngã và đối với người khác. Nhưng có phải cái Một có trước mọi khái niệm? Khi sáng tạo những khái niệm Platon cần đặt chúng biểu hiện cho cái Có trước (l’Antérieur), là cái chưa được sáng tạo có trước những khái niệm bằng cách cho thời gian vào trong khái niệm, nhưng khái niệm là nhân chứng cho tiền hiện hữu (préexistence) của một đối tượng tính (objectivité) dưới hình thức của một sự khác biệt thời gian, nghĩa là trên mặt phẳng Platon chân lý được đặt ra như giả định, như đã có đấy. Đó chính là Ý niệm. Trong khái niệm về Ý niệm của Platon cái trước nhất (premier) có ý nghĩa chính xác khác hẳn cái trước nhất nơi Descartes vì nó sở hữu một cách khách quan một phẩm tính thuần túy (qualité pure) tức là cái không là gì khác chính nó. Chẳng hạn chỉ Công lý là công lý, chỉ Can đảm là can đảm: Công lý và Can đảm chính là những Ý niệm vậy. Thế nhưng những sự vật trái lại luôn là cái khác chính nó, chỉ hướng đến (prétendre à) phẩm tính, và chỉ có phẩm tính khi tham dự vào Ý niệm. Như vậy khái niệm về Ý niệm có những thành tố sau đây: phẩm tính đã sở hữu hay sẽ sở hữu; Ý niệm trước nhất (en premier) sở hữu phẩm tính như không thể chia sẻ còn cái gì hướng tới phẩm tính chỉ có thể sở hữu phẩm tính ở hạng nhì, hạng ba, hạng tư…; Ý niệm được tham dự, phán quyết những hướng đến (prétentions). Ý niệm có những sắp xếp cao độ (ordonnées intensives) và một sự hướng đến chỉ có cơ sở do một cái gần kề, tức là có sự kề cận (proximité) ít nhiều với cái đã có tương quan với Ý niệm và trong sự bay lên cao của một thời gian luôn luôn và thiết yếu là trước đó. “Thời gian dưới hình thức của sự trước đó này thuộc về khái niệm, nó ở đó như vùng.”[115]
Để có thể sáng tạo khái niệm tôi tư duy Descartes đã đặc biệt thay đổi ý nghĩa của “cái trước nhất” bằng cách cho nó một ý nghĩa chủ quan và sau đó cho rằng mọi sự khác biệt về thời gian giữa ý tưởng và tâm hồn bị triệt tiêu tạo sự khác biệt thành như chủ thể (Descartes chống lại hồi ức (reminiscence) khi nhấn mạnh rằng ý niệm bẩm sinh (idées innées) không có trước nhưng đồng thời với tâm hồn). “Sẽ phải tiến đến một thời khắc của khái niệm và Thượng đế sáng tạo ra cả những chân lý. Sự hướng đến sẽ cũng phải thay đổi bản chất.”
Điều gì sẽ xảy ra khi thêm một thành tố vào một khái niệm? Rất có thể khái niệm này sẽ nổ tung hay cho thấy một sự biến đổi hoàn toàn ngầm chứa một mặt phẳng khác, những vấn đề khác như cái tôi suy tư theo Kant (le cogito kantien) cho thấy. Kant đưa ra một mặt phẳng “siêu nghiệm” để loại bỏ sự nghi ngờ và cũng để thay đổi bản chất của những giả thiết. Nhưng cũng chính nhờ mặt phẳng này mà Kant có thể tuyên bố rằng nếu như “tôi tư duy” là một qui định (une détermination) ngầm chứa một hiện hữu không được qui định (une existence indéterminée) (“tôi hiện hữu/je suis”) thì như thế người ta không biết tại sao cái không được qui định này lại là có thể được qui định (déterminable), hay cái hình thức nó hiện ra như cái được qui định. Kant phê phán cái tôi hiện hữu như một bản thể tư duy nhưng thực ra không có cái gì làm cơ sở cho một sự hướng tới của cái Tôi cả. Vì vậy Kant cho vào cái tôi suy tư một thành tố mới là thời gian, điều mà Descartes bỏ ra ngoài. Lý chứng: chính chỉ có trong thời gian mà sự hiện hữu không được qui định của tôi thành có thể được qui định. Tuy vậy, tôi chỉ được qui định như một cái tôi thụ động thiết yếu biểu trưng hoạt tính tư duy riêng của tôi như một Người Khác gây ảnh hưởng trên hoạt tính này. Với lối vặn xoáy (torsion) và đảo nghịch Deleuze kết luận về việc Kant “phê bình” Descartes: “Đó không phải là một chủ thể khác, đúng ra là chủ thể trở thành một chủ thể khác…Đó có phải là con đường của sự lật ngược của cái tôi thành tha nhân không? Một chuẩn bị của “Tôi là một người khác”? Đó là một cú pháp mới, với những trật tự khác, những vùng của sự không phân biệt được bảo đảm bởi giản đồ, rồi bởi hấp lực của ngã với ngã, chúng làm cho cái Tôi và Tôi Bản Ngã thành bất khả phân ly.”[116]
Phê bình Descartes của Kant chỉ có nghĩa là Kant đã dựng lên một mặt phẳng và tạo một vấn đề cả hai đều không thể ảnh hưởng tới cái tôi tư duy của Descares. Descartes đã sáng tạo cái tôi suy tư như một khái niệm nhưng trục xuất thời gian như hình thức của cái có trước (une forme d’antériorité) để làm cho hình thức này thành một kiểu tiếp diễn đơn giản dẫn đến sự sáng tạo liên tục. Nhưng Kant trong việc sáng tạo khái niệm lại đưa thời gian vào cái tôi suy tư nhưng là một thứ thời gian khác hẳn với tính chất có trước theo Platon. Trong khi làm cho thời gian như một thành tố của cái tôi suy tư mới nhưng với điều kiện phải cung cấp một khái niệm thời gian mới: thời gian trở thành hình thức nội giới (forme d’interiorité) với ba thành tố là tiếp diễn (succession), tính đồng thời (simultanéité), và sự thường trực (permanence). Điều này lại có nghĩa một khái niệm về không gian mới không thể được định nghĩa bởi tính chất đồng thời và trở thành hình thức của tính chất ngoại giới (forme d’extériorité). Deleuze cho rằng đó là một cuộc cách mạng đáng kể. Ba khái niệm Không gian, thời gian, và tôi suy tư nguyên ủy được nối với nhau bằng những cây cầu như những ngã tư. Điều này cho thấy lịch sử triết học không đơn giản chỉ là việc đánh giá sự mới mẻ lịch sử của những khái niệm đã được một triết gia sáng tạo mà còn là sức mạnh của sự trở thành của chúng khi chúng qua lại nhau.
Deleuze nhận xét: khắp nơi chúng ta đều thấy: một tính đa phức (une multiplicité), một mặt phẳng hay một thể tích tuyệt đối, tự qui chiếu (auto-référents), kết tập một số biến thiên cao độ không thể tách biệt nào đó, và được đi xuyên qua bởi một điểm trong trạng thái bay lên cao. Deleuze kết thúc diễn giải khái niệm: “Khái niệm là cái đường vòng, hình thể, kết chùm của một sự kiện vị lai. Những khái niệm theo nghĩa này hoàn toàn có quyền thuộc về triết học, bởi chính triết học sáng tạo ra chúng, và không ngừng sáng tạo ra chúng. Hiển nhiên khái niệm là tri thức, nhưng là tri thức về chính nó, và cái khái niệm biết, chính là sự kiện thuần túy không lẫn lộn với trạng thái của những sự vật nó nhập vào. Luôn mở ra một sự kiện của những sự vật và của những hữu, đó chính là công việc của triết học khi triết học sáng tạo những khái niệm, những thực thể. Dựng lên sự kiện mới của những sự vật và những hữu, luôn luôn cho chúng một sự kiện mới: không gian, thời gian, vật chất, tư tưởng, cái khả hữu như những sự kiện…”[117]
Deleuze cho rằng thật vô bổ khi gán khái niệm cho khoa học vì ngay cả khi khoa học nghiên cứu cùng những đối tượng nhưng khoa học không cứu xét chúng dưới dạng thức khái niệm trong khi sáng tạo khái niệm về những đối tượng này. Không thể cho đây là vấn đề dùng từ ngữ. nhưng chỉ là vấn đề thuần túy của việc dùng từ ngữ nếu như người ta đã quyết định dành khái niệm cho khoa học chưa kể phải tìm ra một từ khác để chỉ công việc của triết học. Nhưng thường người ta lại không làm như vậy mà lại bắt đầu bằng cách gán sức mạnh của khái niệm cho khoa học, rồi định nghĩa khái niệm bằng những phương thức sáng tạo của khoa học, đo đạc khái niệm với khoa học rồi tự hỏi liệu triết học đến lượt nó còn có thể tạo những khái niệm thuộc vào vùng thứ nhì không, những khái niệm này bổ túc cho chính những bất túc của chúng bằng một sự kêu gọi mù mờ cái trải nghiệm (le vécu). Deleuze phê phán Gilles-Gaston Granger trong quyển Pour la connaissance philosophique là đã bắt đầu bằng cách định nghĩa khái niệm như một mệnh đề hay một chức năng khoa học, rồi lại thừa nhận cũng có thể có những khái niệm triết học thay thế cho sự qui chiếu vế đối tượng bởi liên hệ hỗ tương (le corrélat) của một cái “toàn thể của trải nghiệm” (totalité du vécu). Nhưng thực ra, hoặc triết học không biết mọi khái niệm, hoặc triết học biết khái niệm với toàn thể quyền hành và trước hết ở mức độ không để gì lại cho khoa học vốn không có nhu cầu về khái niệm, khoa học chỉ quan tâm tới những trạng thái của sự vật và những điều kiện của chúng. Những mệnh đề hay những chức năng đã là đủ cho khoa học, trong khi triết học về phần mình không cần phải viện tới một trải nghiệm rồi ra sẽ chỉ cho một đời sống ma và ngoại lai đối với khái niệm thứ cấp mà chính chúng đã xuất huyết. Khái niệm triết học không qui chiếu về cái trải nghiệm nhưng, do sự sáng tạo riêng của nó, bao gồm việc dựng lên một sự kiện vượt lên trên mọi trải nghiệm cũng như mọi trạng thái của sự vật. “Mỗi khái niệm đo cắt sự kiện, đo cắt lại theo cách của nó. Tầm vóc lớn của một triết học được đánh giá theo bản chất những sự kiện mà những khái niệm của chúng kêu gọi ta, hay nó làm cho chúng ta có thể khai mở trong những khái niệm.[…] Khái niệm thuộc về triết học và chỉ thuộc về triết học mà thôi.”[118]
_________________________________
[115] Sđd trang 34: Le temps sous cette forme d’antériorité appartient au concept, il en est comme la zone.
[116] Sđd trang 35: Ce n’est pas un autre sujet, c’est plutôt le sujet qui devient un autre…Est-ce la voie d’une conversion du moi à autrui? Une préparation du “Je est un autre”? C’est une nouvelle syntaxe, avec d’autres ordonnées, d’autres zones d’indiscernabilité assurées par le schème, puis par l’affection de soi par soi, qui rendent inséparables le Je et le Moi.
[117] Sđd trang 36: Le concept est le contour, la configuration, la constellation d’un événement à venir. Les concepts en ce sens appartiennent de plein droit à la philosophie, parce que c’est elle qui les crée, et ne cesse d’en créer. Le concept est evidemment connaissance, mais connaissance de soi, et ce qu’il connaît, c’est le pur événement, qui ne se confond pas avec l’état des choses dans lequel il s’incarne. Dégager toujours un événement des choses et des êtres, c’est la tâche de la philosophie quand elle crée des concepts, des entités. Dresser le nouvel événement des choses et des êtres, leur donner toujours un nouvel événement: l’espace, le temps, la matière, la pensée, le possible comme événements…
[118] Sđd trang 37: Le concept appartient à la philosophie et n’appartient qu’à elle.
(còn tiếp)
đào trung đạo
2020