photo:https://frieze.com

 

ĐÀO TRUNG ĐẠO

giles deleuze: triết học & không triết học



(kỳ 4)


kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4,

Chương 1

Hình ảnh Tư tưởng




Deleuze đưa ra ánh sáng những giả thiết của hình ảnh tư tưởng trong triết học truyền thống bằng cách sử dụng phân tích phả hệ (généalogie) học được từ Nietszche và tái dựng lịch sử triết học theo kiểu cắt dán (collage) để chỉ ra những vấn đề triết học, hay đứng sau lưng triết gia đọc/nghe những gì triết gia viết/nói để tìm những điều triết gia không nói hay viết ra hay cái “chưa/không được tư tưởng” (impensé) nói như Heidegger. Trong bài phỏng vấn với Jean-Noël Vuarnet năm 1968 nhân khi nói về làm mới trong văn chương và nghệ thuật hiện đại Deleuze nói về làm mới triết học “Bắt đầu bằng những việc nho nhỏ. Thí dụ dùng lịch sử triết học như một “cắt dán” (vốn đã là một kỹ thuật cũ trong hội họa) hẳn sẽ chẳng làm suy giảm chút nào những triết gia tầm vóc của quá khứ  làm một việc cắt dán nơi ngay tâm điểm của một bức tranh đúng là triết. Làm thế có lẽ sẽ tốt hơn là “những trích tuyển”, nhưng sẽ đòi hỏi những kỹ thuật riêng biệt.”[28]  Những kỹ thật này được rút ra từ việc sáng tạo những khái niệm (création des concepts).

   Sau “mảng” Descartes đến “mảng” Kant. Mục tiêu của Deleuze là diễn giải thế giới của hình dung/tưởng nói chung (le monde de réprésentation en géneral) nhằm xóa bỏ triết học dung tưởng. Phản bác Kant của Deleuze chính yếu đặt trên quan niệm về sự nhìn nhận (récognition) của Kant. Trước hết: “Chúng ta đã nói rằng Hình ảnh tư tưởng phải được phán xét trên cơ sở của cái nó tuyên bố có quyền trên nguyên tắc, chứ không trên những phản bác dựa trên sự kiện. Thế nhưng, điều phê phán hình ảnh tư tưởng này, chính vì nó đã đặt nguyên tắc được giả định của nó trên việc lượng định một số những sự kiện, và trên những sự kiện vô nghĩa một cách đặc biệt, như sự tầm thường hàng ngày nơi con người, sự Nhận biết, như thể tư tưởng chẳng phải tìm kiếm những kiểu mẫu trong những phiêu lưu lạ lủng nhất hay đầy hứa hẹn nhất.”[29]  

   Theo Deleuze, Kant là người đã khai phá phạm vi có qui mô lớn của siêu nghiệm làm cơ sở cho sự nhận biết. Trong quyển Phê bình Lý trí Thuần túy lần xuất bản thứ nhất Kant đưa ra mô tả một cách khá chi tiết ba tổng hợp (synthèses) tương ứng với sự đóng góp của ba khả năng suy tưởng, cả ba khả năng này đạt đỉnh điểm trong khả năng thứ ba là sự nhận biết. Nhận biết biểu hiện trong hình thức của đối tượng nào đó như tương hệ (corrélate) của cái Tôi tư tưởng nơi tất cả mọi khả năng qui về. Nhưng khi làm như thế rõ ràng Kant đã in vạch những cấu trúc gọi là siêu nghiệm theo những hành vi kinh nghiệm của ý thức tâm lý. Nói cách khác tổng hợp siêu nghiệm (la synthèse transcendantale) của việc nắm bắt được trực tiếp rút ra từ sự nắm bắt trong kinh nghiệm. Hơn nữa, sự nhận biết chỉ vô nghĩa dưới dạng thuần suy (spéculatif) nhưng lại có ý nghĩa khi nó sử dụng những phương tiện và dẫn dắt tới những cứu cánh. Cái được nhận biết không những là một đối tượng mà còn là những giá trị trên đối tượng. Nếu sự nhận biết tìm được cứu cánh thực tiễn của nó trong “những giá trị được thiết định” thì toàn thể hình ảnh tư tưởng như Cogitato natura cho thấy một sự tuân hành bất an dưới kiểu mẫu này. Deleuze trích dẫn Nietszche cho rằng Chân lý rất có thể là “một sinh vật yếu đuối và ưa thích những sự thoải mái của nó, nó không ngừng cho tất cả những quyền lực được thiết định sự bảo đảm mà sự bảo đảm  sẽ chẳng bao giờ gây ra cho ai chút bối rối nào bởi vì, chung cuộc, nó chỉ là khoa học thuần túy[30] Deleuze đặt câu hỏi: Một tư tưởng không làm hại ai, không làm hại người tư tưởng, không làm hại bất kỳ ai khác là tư tưởng gì vậy? Chỉ dấu của sự nhận biết nổi danh của những kết hôn quỉ dữ, ở đó tư tưởng “tìm thấy lại” Nhà Nước, tìm thấy lại “Giáo Hội”, tìm thấy lại tất cả những giá trị đương thời nó đã chuyển tới một cách phong phú dưới hình thức thuần túy của một đối tượng vĩnh cửu nào đó, được ban phước một cách vĩnh cửu. Khi Nietszche phân biệt sự sáng tạo những giá trị mới và sự nhận biết những giá trị đã được thiết định, thì sự phân biệt này chắc chắn không phải được hiểu là có liên hệ tới lịch sử một cách tương đối, như thể những giá trị đã được thiết định đã là mới mẻ trong thời đại của chúng, và như thể những giá trị mới chỉ đơn giản cần thời gian để tự thiết định. Thật ra vấn đề ở đây là sự khác biệt về hình thức và về bản chất, và cái mới mãi mãi vẫn là cái mới, trong sức mạnh của sự khởi đầu và khởi đầu lại của nó, giống như cái được thiết định đã là được thiết định ngay từ đầu, kể cả nếu như nó cần chút thời gian để được nhận biết. Cái tự thiết định trong cái mới đúng ra không phải là cái mới. Bởi tính chất riêng của cái mới, nghĩa là sự khác biệt, là kích thích những sức mạnh trong tư tưởng không phải là những sức mạnh của sự nhìn nhận, không hôm nay không mai mốt, nhưng là những sức mạnh của một kiểu mẫu hoàn toàn khác, trong một terra incognita chẳng bao giờ được nhìn nhận, cũng không có thể nhìn nhận được.”[31]  Deleuze nêu câu hỏi: Cái mới này đặt trên tư tưởng những sức mạnh nào, nó bật lên từ bản chất xấu xa và ý chí bệnh hoạn nằm ở trung tâm ngầm sâu nào bóc trần tư tưởng  khỏi tính chất “bẩm sinh” của nó, và đối xử với nó mỗi khi như một cái gì đó không luôn hiện hữu, nhưng lại bắt đầu, cưỡng bách và bị cưỡng ép? Ngược lại, những đấu tranh tự ý cho sự nhìn nhận là rất tạm bợ. Chỉ có sự đấu tranh xoay quanh những giá trị đã được thiết định theo nghĩa thông thường để đạt tới những giá trị đang lưu hành như danh dự, sự giầu có, quyền lực. Còn sự đấu tranh của ý thức để chinh phục chiến tích của sự nhìn nhận và dung tưởng thuần túy do Cogitatio nature universalis lập nên thì thật là kỳ lạ. Vì triết học của Kant cũng như của Hegel vẫn mang dấu ấn của cái kiểu mẫu không thể tẩy xóa được của sự nhìn nhận này nên Nietszche gọi họ một cách riễu cợt là những “thợ triết.”

   Kant muốn lật đổ Hình ảnh tư tưởng khi thay thế khái niệm về sự lầm lẫn (concept d’erreur) bằng khái niệm ảo tưởng (concept d’illusion). Những ảo tưởng nội giới ở bên trong lý trí trong khi những sai lầm đến từ ngoại giới và chúng sẽ chỉ là hiệu ứng của tính nhân quả trên cơ thể. Kant cũng thay thế cái tôi bản thể (le moi substantiel) bằng cái tôi bị đường thời gian bị làm đứt gẫy sâu xa. Và cũng trong một chuyển vận tương tự Thượng đế và cái tôi đã chạm mặt với cái chết do suy tưởng (la mort spéculative), trừu tượng. Tuy nhiên Kant vẫn duy trì những giả định ngầm trong những diễn giải trong ba quyển Phê bình của ông ta: tư tưởng tiếp tục có bản chất ngay thẳng, và triết học không thể đi theo con đường nào khác con đường của ý nghĩa chung (lẽ thường, sens commun) hay “lý trí bình dân chung” (la raison populaire commune). Kant cũng bội nhân những ý nghĩa chung tùy theo con số những lợi ích tự nhiên của lý trí hữu lý, đứng trên quan điểm luật pháp tự nhiên để ban nhân quyền cho những trạng thái tư tưởng. Bởi quả thực nếu ý nghĩa chung một cách tổng quát luôn ngầm chứa một sự hợp tác của những khả năng trên hình thức của cái Cùng là (le Même) hay một hình thức của nhìn nhận thì chắc hẳn một khả năng sinh động nào trong số những khả năng phải được trao nhiệm vụ tùy từng trường hợp để cung cấp hình thức hay kiểu mẫu này với sự hỗ trợ của những khả năng kia. Như vậy cho nên Kant đi đến kết luận trí tưởng tượng, lý trí, tri năng (entendement) hợp tác với nhau trong tri thức (connaissance) để tạo nên “một ý nghĩa luận lý chung” (sens commun logique) trong đó tri năng đóng vai trò lập pháp cung cấp kiểu mẫu tư duy để trí tưởng tượng và lý trí hợp tác. Cũng vậy kiểu mẫu nhận biết thực hành lại được lập qui bởi chính lý trí trong ý nghĩa luân lý chung. Kiểu mẫu thứ ba là kiểu mẫu thẩm mỹ trong đó những khả năng đạt tới một sự hòa hợp tự do trong ý nghĩa chung thẩm Chúng ta dễ dàng nhận thất Kant đã đồng hóa tư tưởng với lý trí (raison). Deleuze nhận định: “Nếu quả thực tất cả những khả năng hợp tác nhau trong sự nhận biết nói chung, thì những công thức của sự hợp tác này lại khác nhau theo những điều kiện của cái được nhận biết, là đối tượng của nhận thức, giá trị luân lý, hiệu ứng thẩm mỹ…Thay vì lật đổ hình thức của ý nghĩa chung, Kant chỉ bội nhân.[…] Khắp nơi [trong cả ba quyển Phê bình của Kant] kiểu mẫu biến thiên của nhận biết qui định việc sử dụng tốt, trong hình thức của một sự hòa hợp những khả năng được qui định bởi một khả năng chủ trì nằm dưới một ý nghĩa chung. Đó là lý do tại sao việc sử dụng không chính đáng (ảo tưởng) chỉ được giải thích bởi điều này: rằng tư tưởng, trong trạng thái tự nhiên của nó, lẫn lộn những lợi ích của nó và để cho những phạm vi của nó cái nọ lấn sang cái kia. Điều này không ngăn cản tư tưởng có một bản chất tốt trong nền tảng, một luật tự nhiên, mà Phê bình  đặt trên luật này sự thừa nhận dân sự của nó, và rằng những phạm vi, những lợi ích, những giới hạn và những đặc tính là không thiêng liêng, là được đặt trên một quyền không thể  chuyển nhượng. Khắp trong Phê bình có một tòa án công lý hòa bình, một phòng ghi danh, một bản ghi danh – ngoại trừ cái sức mạnh của một chính trị mới lật đổ hình ảnh tư tưởng. Ngay cả Thượng đế đã chết và cái Tôi đứt gẫy cũng chỉ là một thời khắc sẽ qua đi, thời khắc suy tưởng; chúng được tái sinh  toàn hợp và chắc chắn hơn bao giờ hết, tự tin vào chúng, nhưng trong một lợi ích khác, trong lợi ích thực tiễn và đạo đức.”[32]

   Thế giới hình dung/tưởng thường gồm bốn yếu tố: nhất tính trong khái niệm (l’identité dans le concept), sự đối nghịch trong xác định khái niệm (l’opposition dans la détérmination du concept), phép loại suy trong phán đoán (l’analogie dans le jugement), và sự giống nhau trong đối tượng (la ressemblance dans l’objet). Hinh dung/tượng được đặt trên nguyên lý Tôi tư duy/tưởng vì Tôi tư tưởng là nguồn gốc của những yếu tố nêu trên và là đơn nhất tính của những khả năng như quan nhận, phán đoán, tưởng tượng và hồi ức, tri giác. Những khả năng này giống như như cành của thân cây Tôi tư tưởng. Deleuze nhận định: “Và chính trên những cành này sự khác biệt bị đóng đinh trên thánh giá. Cái cùm bốn đế/chạc ở đó, duy nhất, có thể xem là khác biệt cái gì đồng nhất, tương tự, tương đồng và đối nghịch; “sự khác biệt trở thành một đối tượng của hình dung/tưởng luôn luôn trong tương quan với một nhất tính được quan niệm, với một loại suy được phán đoán, với một sự đối nghịch tưởng tượng, và với một sự tương tự được tri nhận.[33] Tóm lại, vì người ta cùng lúc cho sự khác biệt một lý đủ (raison suffisante) như principium comparationis (nguyên lý so sánh) dưới bốn hình cành này. Và cũng chính vì vậy thế giới của hình dung/tưởng được định tính bởi sự bất lực tư duy/tưởng sự khác biệt trong chính nó và đồng thời cũng bất lực trong việc tư tưởng sự hình dung/tượng cho chính hình dung/tượng bởi nó chỉ được nắm bắt qua sự nhận biết, sự phân bổ, sự sản xuất, sự tương tự trong trường hợp chúng xa lánh được cái tiếp đầu ngữ “RE” trong những tính chất tổng quát của hình dung/tượng. Vì thế giả thiết về sự nhận biết là bước thứ nhất đi tới giả thiết về hình dung/tượng tổng quát hơn.

______________________________________________

[28] Giles Deleuze, On Nietszche and the Image of Thought trong Desert Islands trang 141: It begins with little things. For example, using the history of philosophy as a “collage” (already an old technique in painting) would not in the least diminish the great philosophers in the past – making a collage at the heart of a properly philosophical picture. That would be better than “selections,” but it would require particular techniques.

[29] Sđd trang 176: Nous disions qu’il fallait juger l’Image de la pensée sur ses prétentions de droit, non pas d’après les objections de fait. Mais justement, ce qu’il faut reprocher à cette image de la pensée, c’est d’avoir fondé son droit supposé sur l’extrapolation de certain faits, et de faits particulièrement insignifiants, la banalité quotidienne en personne, la Récognition, comme si la pensée ne devait pas chercher ses modèles dans des aventures plus étranges ou plus compromettantes.

[30] Nietszche, Considerations intempestives, Schopenhauer educateur, §3.

[31] Sđd trang 177: Le signe de la récognition célèbre des fiançailles monstrueuses, ou la pensée “retrouve” l’État, retrouve “l’Église”, retrouve toutes les valeurs du temps qu’elle a fait passer subtilement sous la forme pure d’un éternel objet quelconque, subtilement beni. Quand Nietszche distingue la création des valeurs nouvelles et la récognition des valeurs établies, cette distinction ne doit, certes, pas être comprise d’une manière relative historique, comme si les valeurs établies avaient été nouvelles en leur temps, et comme si les nouvelles valeurs demandaient simplement du temps pour s’établir. Il s’agit en verité d’une différence formelle et de nature, et le nouveau reste pour toujours nouveau, dans sa puissance de commencement et de recommencement, comme l’établi était établi dès le début, même s’il fallait un peu de temps empirique pour le reconnaître. Ce qui s’établit dans le nouveau n’est precisément pas le nouveau. Car le propre du nouveau, c’est-sà-dire la différence, est de solliciter dans la pensée des forces qui ne sont pas celles de la récognition, ni aujourd’hui ni demain, des puissances d’un tout autre modèle, dans une terra incognita jamais reconnue ni reconnaissable.

[32] Sđd trang 178-179: S’il est vrai que toutes les facultés collaborent dans la récognition en géneral, les formules de cette collaboration difèrent suivant les conditions de ce qui est à reconnaître, objet de connaissance, valeur morale, effet esthétique…Loin de renverser la forme du sens commun, Kant l’a donc seulement multiplié. […] On remarque à quel point la Critique kantienne est finalement respectueuse: jamais la connaissance, la morale, la reflexion, la loi ne sont mises elles-mêmes en question, étant censées correspondre à des interêts naturels de la raison, mais seulement l’usage des facultés qu’on declare légitime ou non d’après tel out tel de ces interêts. Partout le modèle variable de la récognition fixe le bon usage, dans une concorde des facultés determinée par une faculté dominante sous un sens commun. C’est porquoi l’usage illégitime (l’illusion) s’explique seulement par ceci: que la pensée, dans son état de nature, confond ses interêts et laisse ses domains empièter les uns sur les autres. Ce qui n’empêche pas qu’elle ait une bonne nature dans le fond, une bonne loi naturelle à laquelle la Critique apport sa sanction civile; et que les domains, interêts, limites et proprietés ne soient sacrés, fondés sur un droit inaliénable. Il y a tout dans la Critique, un tribunal de juge de paix, une chambre d’enregistrement, un cadaster – sauf la puissance d’une nouvelle politique qui renverserait l’image de la pensée. Même le Dieu mort et le Je fêlé ne sont qu’un mauvais moment à passer, le moment spéculatif; ils ressuscitent plus integrés et certains que jamais, plus sûrs d’eux-mêmes, mais dans un autre interêt, dans l’interêt pratique ou moral.

[33] Sđd trang 180: Et précisment, sur ces branches, la diférence est crucifiée. Quadruple carcan où, seul, peut-être pensé comme différent ce qui est identique, semblable, analogue et opposé; c’est toujours par rapport à une identité conçue, à une analogie jugée, à une opposition imaginée, à une similitude perçue que la différence devient l’objet de la représentation.

(còn tiếp)

đào trung đạo

­­­­­­­­­ http://www.gio-o.com/DaoTrungDao

 

2019