photo:https://frieze.com



ĐÀO TRUNG ĐẠO

gilles deleuze: triết học & không triết học

(Kỳ 21)

 

Chương IV

NHÂN VẬT KHÁI NIỆM

 

kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10,  kỳ 11,  kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21,

 

 

   Deleuze quan niệm có sự tương tác giữa triết học và không-triết học. Những nhân vật khái niệm trong triết học cũng có thể trở thành những nhân vật của văn học nghệ thuật và ngược lại. Chẳng hạn nhân vật Don Juan trong nhạc kịch trở thành nhân vật khái niệm trong triết học của Kierkegaard, nhân vật Zarathoustra của Nietszche đã trở thành một diện mạo trong âm nhạc và trong kịch. Có thể thấy có sự thay thế nhau giữa nhân vật khái niệm và nhân vật văn học nghệ thuật. Vì khái niệm có thể là khái niệm của tác hướng (concept d’affect) và  tác hướng là tác hướng của khái niệm (affect de concept) nên mặt phẳng sáng tác của nghệ thuật và mặt phẳng nội tại của triết học có thể luồn cái này vào cái kia, nghĩa là những gì nơi mặt phẳng bên này cũng được cho sang những mặt phẳng bên kia. Thật thế, trong mỗi trường hợp mặt phẳng và cái trú ngụ trên đó có thể coi như những phần tương đối phân biệt và không đồng nhất. Triết gia khi lập ra một hình ảnh tư tưởng mới, một mặt phẳng nội tại, thay vì phải sáng tạo những khái niệm mới có thể sử dụng những thứ lấy từ văn chương nghệ thuật, hay văn chương nghệ thuật có thể dùng những nhân vật khái niệm trong việc sáng tạo. Chẳng hạn nhân vật khái niệm Igitur được chuyển từ mặt phẳng nội tại sang mặt phẳng sáng tác văn học nghệ thuật hay được kéo từ mặt phẳng sáng tác sang mặt phẳng nội tại. Trong những trường hơp này triết gia hay văn nghệ sĩ trở thành “nửa”. Deleuze đưa ra một danh sách dài những thi sĩ, nhà văn như Hölderlin, Kleist, Rimbaud, Mallarme, Kafka, Michaux, Pessoa, Artaud và nhiều nhà văn Anh Mỹ từ Melville tới Miller mà độc giả rất ngưỡng mộ vì họ đã viết quyển tiểu thuyết của chủ thuyết Spinoza. Tuy nhiên, những nhà văn không làm một tổng hợp nghệ thuật với triết học. “Họ chia ngả và không ngừng chia ngả. Đó là những thiên tài lai giống, họ không xóa bỏ sự khác biệt về bản chất, không đổ đầy sự khác biệt, nhưng ngược lại đem sử dụng tất cả những tài nguyên của “môn điền kinh” của họ để trụ vững trong chính sự khác biệt, là những tay đu dây bị tùng xẻo trong một thao diễn thể lực hoài hủy.”[150]

   Tuy nhiên Deleuze cho rằng những nhân vật khái niệm cũng như những diện mạo thẩm mỹ không thể thu giảm vào những mẫu tâm lý-xã hội  (types psycho-sociaux) dù rằng có những thẩm nhập nhau không ngừng. Để lý giải Deleuze sử dụng lại những khái niệm như tạo lãnh địa (terriorialiser), giải lãnh địa (déterriorialiser) và tái tạo lãnh địa ((reterriotorialiser) đã được Deleuze và Guattari đưa ra trong quyển sách viết về Franz Kafka “Kafka: Pour une littérature mineure, 1975.” Một trường xã hội (champ social) gồm những cấu trúc và những chức năng nhưng không trực tiếp chỉ cho chúng ta biết những chuyển động ảnh hưởng lên con người xã hội. Tuy chúng ta đã biết được sự quan trọng của những sinh hoạt này gồm có việc tạo nên những lãnh thổ/địa (territoires), bỏ hay đi khỏi những lãnh địa này, và ngay cả làm lại lãnh địa trên một vật nào đó có bản chất khác. Với loài hữu nhũ, sau khi được sinh ra là giải lãnh địa (déterritorialiser) chân trước, buông chân trước xuống đất để làm thành một cái tay, và rồi giải lãnh địa cái tay này trên những cành cây hay những dụng cụ. Rồi lại đến lượt một cái gậy vốn là một cành cây đã được giải lãnh thổ. Ai cũng vậy, ở mọi lứa tuổi, trong những chuyện nhỏ hay lớn đều kiếm cho mình một lãnh địa, mang theo mình những giải lãnh địa và tái tạo lãnh địa trên bất cứ cái gì như kỷ niệm, thần vật (fétiche) hay giấc mơ. “Những nhặt khoan trầm bổng khi đến lúc biểu lộ những năng động mạnh mẽ này. […] Người ta cũng chẳng thể nói cái gì là trước, và mọi lãnh địa/thổ có lẽ giả thiết một sự giải lãnh địa trước đó; hay tất cả cùng một lúc. Trường xã hội là những nút thắt không thể tháo gỡ ra được ở đó ba chuyển động trộn lẫn vào nhau; vậy cần phải, để tách rời chúng ra, chẩn đoán những loại hay những nhân vật đúng thực. Nhà buôn mua hàng trong một lãnh địa, nhưng giải lãnh địa những sản phẩm thành những món hàng, và tái lập lãnh địa trên những chuỗi bán hàng. Trong chủ nghĩa tư bản, tư bản hay của cải giải lãnh địa, thôi không còn là tư liệu, và tái lãnh địa trên những phương tiện sản xuất, trong khi lao động về phần nó trở thành lao động “trừu tượng được tái lãnh địa trong lương bổng.”[151] Deleuze cho rằng nếu như muốn tìm ra sự độc đáo của thế giới Hy Lạp thì phải hỏi xem người Hy Lạp tạo dựng thứ lãnh địa nào, họ giải những lãnh địa này ra sao, họ tái lập lãnh địa trên cái gì để rút ra những mẫu đúng là Hy Lạp. Không phải luôn luôn dễ chọn ra những mẫu tốt ở một lúc sẵn có, trong một xã hội sẵn có. Người nô lệ đã vượt qua như một mẫu của giải lãnh địa trong đế quốc thời nhà Chu ở Trung Quốc, một diện mạo của kẻ Ngoài lề mà nhà trung quốc học Tökei đã đưa ra cái chân dung chi tiết. “Chúng ta tin rằng những mẫu tâm lý-xã hội chính xác có nghĩa này: trong những hoan cảnh thật vô nghĩa hay thật quan trọng, làm cho những tạo hình của lãnh địa, những mũi vêc-tơ của giải lãnh địa, những diễn tiến của tái lãnh địa có thể thấy được.[152]

   Deleuze nêu câu hỏi: Ngoài những lãnh địa và sự giải lãnh địa vật lý và tâm trí ra thì sau này có thể xác định được những lãnh địa và giải lãnh địa tinh thần (spirituelles) không chỉ tương đối mà tuyệt đối không? “Tổ Quốc (Patrie) và Bản Quán (le Natal) nào mà nhà tư tưởng, triết gia hay nghệ sĩ nêu ra? Tuy triết học không thể tách khỏi một Bản Quán như cái tiên thiên (a-priori), tính chất bẩm sinh (innéité) hay hồi ức (réminiscence) cho thấy nhưng tại sao cái tổ quốc này lại bất tri (inconnue), đã mất, bị quên lãng làm cho nhà tư tưởng trở thành Kẻ Lưu Đầy? Cái gì sẽ lại cho hắn một cái tương đương với lãnh địa/thổ, như thể một nhà-mình (chez-soi)? Những bổng trầm nhặt khoan triết học nào? Tư Tưởng và Trái Đất có mối tương quan nào? Socrate, dân Athène kẻ không thích du hành, được Parmenide dân Elée dẫn dắt khi ông ta còn trẻ, được thay thế bằng Kẻ Lạ khi về già, như thể chủ thuyết Platon cần ít nhất hai nhân vật khái niệm. Trong triết gia có thứ kẻ lạ nào, với dáng điệu trở về từ xứ của những kẻ đã chết? Những nhân vật khái niệm có vai trò đó, thể hiện những lãnh thổ/địa, những giải lãnh địa và tái lập lãnh địa tuyệt đối của tư tưởng.”[153] Deleuze khẳng định: Những nhân vật khái niệm là những nhà tư tưởng, chỉ những nhà tư tưởng mà thôi. Và những nét nhân vật của họ kết hợp chặt chẽ với những nét họa đồ (traits diagrammatiques) của tư tưởng và của những nét cường lực (traits intensifs) của những khái niệm. Một nhân vật khái niệm nào đó có thể không hiện hữu trước chúng ta nhưng tư tưởng nơi chúng ta, chẳng hạn nếu người ta nói rằng một nhân vật khái niệm nói lắp, cà lăm thì đó không phải là là một mẫu người cà lăm trong một tiếng nói, nhưng là một nhà tư tưởng làm cho tất cả ngôn ngữ nói  lắp, cà lăm, và nhà tư tưởng cũng làm việc nói lắp là nét của chính tư tưởng khi tư tưởng như thể là ngôn ngữ vậy.

_________________________________

[150] Sđd trang 65: Ils bifurquent et ne cessent de bifurquer. Ce sont des génies hybrids qui n’effacent pas la différence de nature, ne la comblent pas, mais font server au contraire toutes les ressources de leur “athlétisme” à s’installer dans cette diffeérence même, acrobats ecartelés dans un perpetuel tour de force.

[151] Sđd trang 66: Les ritournelles expriment ces dynamismes puissants […] On ne peut même pas dire ce qui est premier, et tout territoire suppose peut-être une déterriorilisation préalable; ou bien tout est en même temps. Les champs sociaux sont d’inextricables nœuds où les trois mouvements se mêlent; il faut donc, pour les démêler, diagnostiquer de véritables types ou personnages. Le commerçant achève dans un territoire, mais déterriorialise les produits en marchandises, et se reterriorialise sur les circuits commerciaux. Dans le capitalisme, le capital ou la propriété se déterriorialisent, cessent d’être fonciers, et se reterriorialisent sur les moyens de production, tandis que le travail de son côté devient travail “abstrait” reterriorialise dans le salaire.

[152] Sđd trang 67: Nous croyons que les types psycho-sociaux ont précisement ce sens: dans des circonstances les plus insignifiantes ou les plus importantes, rendre perceptibles les formations de territoires, les vecteurs de déterriorialisation, les procès  de reterriorialisation.

[153] Sđd trang 67: Quelle est la Patrie ou le Natal invoqués par le penseur, philosophe ou artist? La philosophie est inséparable d’un Natal dont temoignenent aussi bien l’a-priori, l’innéité ou la réminiscence. Mais pourquoi cette patrie est-elle inconnue, perdue, oubliée, faisant du penseur un Exilé? Qu’est-ce qui va lui redonner un équivalent de territoire, comme valant un chez-soi? Quelles seront les ritournelles philosophiques? Quel est le rapport de la pensée avec la Terre? Socrate, l’Athénien qui n’aime pas voyager, est guidé par Parmenide d’Élée quand il est jeune, remplacé par l’Étranger quand il a veilli, comme si le platonisme avait besoin de deux personnages conceptuels au moins. Quelle sorte d’étranger y a-t-il dans le philosophe, avec son air de revenir du pays des morts? Les personnages conceptuels ont ce rôle, manisfester les territoires, déterriorialisations et reterriorialisations absolues de la pensée.

(còn tiếp)

đào trung đạo

 

2020