photo:https://frieze.com



ĐÀO TRUNG ĐẠO

gilles deleuze: triết học & không triết học

(Kỳ 29)

 

Chương V

DELEUZE và PLATON, KANT, HEGEL

kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10,  kỳ 11,  kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21, kỳ 22, kỳ 23, kỳ 24, kỳ 25, kỳ 26, kỳ 27, kỳ 28, kỳ 29,

 


   Luật không khác với kết án và kết án có nghĩa thi hành án. Theo Kafka, nếu luật là trên hết thì không cách chi phân biệt được sự khác biệt giữa “kết án”, “bào chữa”, và “án lệnh”. “Luật nhập với dấu ấn của nó trên trái tim và da thịt chúng ta. Nhưng nó cũng lại không cho chúng ta ngay cả một sự hiểu biết tối hậu về những lỗi lầm của chúng ta. Bởi cái kim viết trên chúng ta của nó, là: Hành động theo bổn phận (và không chỉ đúng theo bổn phận)…Luật không viết cái gì khác thế. Freud đã chứng minh rằng, nếu bổn phận giả dụ theo nghĩa nếu là sự từ chối những lợi ích và những ý định, thì khi mà sự từ chối của chúng ta càng sâu xa thì luật sẽ tác động càng mạnh mẽ và nghiêm xác hơn. Thế nên, nếu chúng ta càng quan sát luật với sự nghiêm xác thì luật càng thành nghiêm khắc. Luật không miễn trừ những kẻ thánh thiện hơn hết.[206]  Như vậy luật không bao giờ tha bổng chúng ta dù là thánh thiện hay tội lỗi. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao luật có thể hé lộ sự bí mật của nó mà không làm cho sự từ bỏ mà nó nuôi dưỡng thành bất khả? Một sự tha bổng chỉ có thể là được hy vọng nhằm đền bù cho sự bất lực của lý trí tư duy (raison spéculative) không phải ở một lúc nào đó, nhưng ở điểm nhìn của một diễn tiến bất tận càng ngày sự tuân thủ luật càng tang lên. “Con đường này vượt quá những giới hạn của đời chúng ta và đòi hỏi sự bất tử của linh hồn, đi theo một con đường thời gian thẳng băng, con đường không thể thay đổi và không ngừng lại trên đó chúng ta vẫn ở đó trong sự giao tiếp thường trực với luật. Nhưng chính sự kéo dài bất tận này thay vì đưa chúng ta tới thiên đường lại đã đặt chúng ta vào địa ngục trần gian. Thay vì nó báo cho chúng ta sự bất tử nó lại tinh lọc một “cái chết từ từ”, và không ngừng triển hạn sự phán xét của luật.”[207] Như thế khi thời gian trật khỏi bản lề chúng ta phải khước từ chu kỳ những tội lỗi và ăn năn hối cải xưa cũ để đi theo con đường bất tận của cái chết từ từ, của sự phán xét được triển hạn hay của sự nợ nần bất tận. Như trong truyện Án Xử của Kafka chỉ ra thời gian không cho chúng ta chọn lựa nào khác hơn: hoặc “có vẻ tha bổng” (l’acquittement apparent) hoặc “triển hạn không giới hạn” (l’atermoiement illimité).

   Sau khi tóm lược triết học của Kant trong hai quyển Phê bình Lý trí thuần túyPhê bình Lý trí thực hành Deleuze kết thúc với Phê bình Phán đoán (Crtique du Jugement) bằng cách dẫn lời của Rimbaud một lần nữa để tóm lược quyển này: “Đi tới cái không/chưa biết bằng sự xáo trộn tất cả mọi ý nghĩa,…một sự xáo trộn dài, rộng lớn và có hệ thống tất cả mọi ý nghĩa.”[208] Phát biểu này của Rimbaud nói về một thực tập để đảo lộn mọi khả năng. Với Deleuze, trong cả ba quyển Phê bình vấn đề đáng quan tâm nhất trong triết học Kant là về các khả năng (facultés). Trong hai quyển Phê bình đầu, tuy Kant đặt những tương quan giữa những khả năng của chủ thể khác nhau nhưng những tương quan này được điều hợp một cách nghiêm xác trong chừng mực luôn luôn có một khả năng căn bản đứng chủ trì áp đặt qui tắc của nó trên những khả năng khác. Kant cũng định nghĩa rõ ràng những khả năng này: ý nghĩa ngoại giới (sens externe), ý nghĩa nội giới (sens intime), trí tưởng tượng (imagination), tri năng (entendement), lý trí (raison). Trong Phê bình Lý trí thuần túy tri năng đứng chủ vị bởi nó qui định ý nghĩa nội giới thông qua một tổng hợp của trí tưởng tượng (une synthèse de l’imagination) và ngay cả lý trí cũng phải tuân hành vai trò của tri năng. Thế nhưng trong Phê bình Lý trí thực hành thì lý trí lại chủ vị bởi chính nó tạo nên hình thức thuần túy của phổ quát tính của luật pháp và những khả năng khác giữ các vai trò được lý trí chỉ định: tri năng áp dụng luật pháp, trí tưởng tượng nhận lãnh bản án, ý nghĩa nội giới kinh nghiệm những hậu quả hay sự chuẩn thuận. Nhưng Kant trong Phê bình Phán đoán đặt vấn đề: nếu như các khả năng có thể tương quan với nhau trong những tương quan biến thiên (rapports variables) nhưng những tương quan này lại lần lượt bị điều hợp bởi một trong những khả năng thì tất nhiên tất cả những khả năng này có thể có những tương quan tự do và không có sự điều hợp, và nơi những tương quan này mỗi khả năng đều có thể đi đến tận giới hạn của nó, và như vậy cũng cho thấy nó có một khả năng hòa hợp nào đó với những khả năng khác.  Deleuze cho rằng chính việc giải quyết vấn đề này của Kant trong quyển Phê bình Phán đoán mà ta có thể nói Kant đã đặt nền tảng cho chủ nghĩa lãng mạn (romantisme).

   Không như Thẩm Mỹ Học của quyển Phê bình Lý trí thuần túy Kant trong Phê bình Phán đoán coi cái hữu cảm (le sensible) như một phẩm tính khả tương quan (reportable) với một đối tượng trong không gian và thời gian. Trong thẩm mỹ học về Mỹ (le Beau) và về Siêu phàm/Tối thượng (Sublime) cái hữu cảm có giá trị tự tại, và triển khai trong một cảm hứng chủ đạo (pathos) bên ngoài mọi luận lý, nắm bắt thời gian khi thời gian phát sinh ở nguồn cỗi của nó. Đây không phải là Hướng tác (l’Affect) trong Phê bình Lý trí thuần túy cái Ngã (le Moi) được đặt tương quan với cái Tôi (le Je) được điều hợp bởi thời gian, ở đây chính là Cảm hứng Chủ đạo để cho cả hai tiến diễn tự do nhằm hình thành những tổ hợp khác lạ như là những nguồn cỗi của thời gian, “những hình thái tự ý của trực giác khả hữu” (forms arbitraries d’intuitions possibles). Nói thế khác không phải sự xác định của cái Tôi phải kết nối với tính chất khả xác định của cái Ngã để tạo nên nhận thức. Mà nay chính là đơn nhất tính không được xác định (l’unité indéterminée) của mọi khả năng (Linh hồn) đưa chúng ta đi vào cái chưa/không biết.

   Kant giải thích trong Phê bình Phán đoán tại sao một số hiện tượng định nghĩa cái Mỹ lại cho ý nghĩa nội tại về thời gian một kích thước phụ nhưng độc lập, cho trí tưởng tượng một khả năng phản tự do, cho tri năng một sức mạnh khái niệm bất tận. Thêm nữa, những khả năng hòa hợp mà không khả năng nào được xác định bởi một khả năng khác, không có qui luật, hòa hợp tức thời với cái Ngã và cái Tôi dưới những điều kiện của một Tự/Thiên nhiên đẹp (Nature belle). Cái Siêu phàm cũng đi theo ngả này, nó làm cho những khả năng khác nhau tham dự theo cách chúng đối nghịch nhau, khả năng này đẩy khả năng kia tối đa, đến giới hạn và khả năng bị đẩy phản ứng lại bằng cách xô đẩy khả năng kia tới một sự hứng khởi trước đây riêng nó không có được. Các khả năng đi vào sự hòa hợp tại nơi sâu thẳm  nhất của chúng, nơi chúng xa lạ nhau, chúng tương tác ở khoảng cách xa nhau nhất. “Đó là một cuộc đấu tranh khủng khiếp giữa trí tưởng tượng và lý trí, nhưng cũng là của tri năng, ý nghĩa nội tại, một cuộc đấu tranh với những hồi sẽ là hai hình thức Thượng đẳng rồi Thiên tài. Cơn bão táp bên trong một vực thẳm mở rộng trong chủ thể.”[209] Sự khác nhau về khả năng chủ vị giữa hai quyển Phê bình trước với quyển Phê bình Phán đoán nằm ở điểm thay vì khả năng chủ vị được những khả năng khác cung cấp sự hòa hợp thì nay những khả năng khác nhau dù cách xa nhau lại cùng cung cấp cho nhau sự hòa hợp sao cho chúng hình thành những phối hợp thiết yếu bất hòa điệu (accords essentiellement dissonantes). Như vậy sự khám phá lớn lao nhất của Kant trong Phê bình Phán đoán là: giải phóng sự bất hòa, sự phối hợp bất hòa điệu. Đó là sự đảo ngược cuối cùng của Kant.

______________________________________

[206] Freud, Malaise dans la civilization, nxb Denoël, p.63: Tout renoncement pulsionnel devient une source d’énergie pour la conscience, puis tout nouveau renonncement intensifie à son tour la sévérité et l’intolérance de celle-ci (et l’invocation d’Hamlet, p.68).

[207] Giles Deleuze, Critique et Clinique trang 47: Ce chemin qui excède les limites de notre vie, et requiert l’immortalité de l’âme, suit la ligne droite du temps inexorable et incessant sur laquelle nous restons dans un contact  constant avec la loi. Mais justement cette prolongation indéfinie nous mène moins au paradis qu’elle ne nous installe déjà dans l’enfer ici-bas. Elle nous annonce moins l’immortalité qu’elle ne distille une “morte lente”, et ne cesse différer le jugement de la loi.

[208] Arthur Rimbaud: Arriver à l’inconnu par le dérèglement de tous les sens,…un long, immense et raisonné dérèglement de tous les sens (trích dẫn từ cùng một bức thư nêu trên).

[209] Giles Deleuze, Critique et Clinique trang 49: C’est une lute terrible entre l’imagination et la raison, mais aussi l’entendement, le sens intime, lutte dont les épisodes seront les deux formes du Sublime, puis le Génie. Tempêtre à l’intérieure d’un gouffre ouvert dans le sujet.

(còn tiếp)

đào trung đạo

 

2020