photo:https://frieze.com



ĐÀO TRUNG ĐẠO

gilles deleuze: triết học & không triết học

(Kỳ 31)


kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10,  kỳ 11,  kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21, kỳ 22, kỳ 23, kỳ 24, kỳ 25, kỳ 26, kỳ 27, kỳ 28, kỳ 29, kỳ 30, kỳ 31,

 

Chương VI

KHÁC BIỆT và LẬP LẠI

   Đọc, tìm hiểu triết học của Deleuze bắt đầu bằng Différence et Répétition [DF] /Khác Biệt và Lập Lại tuy cần thiết nhưng lại có thể là một trở ngại lớn đối với những người đọc không chuyên về Triết hoặc chỉ chuyên về Văn như phần đông những học giả của truyền thống đại học Mỹ-Anh-Úc…viết sách về Deleuze.  James Williams giáo sư Triết Tây ở đại học Dundee đưa ra nhận xét: “Nhiều nhà diễn giải Deleuze dùng Anh ngữ vốn ở trong những khoa văn chương hay chính trị thay vì thuộc khoa khoa học hay triết học."[1] DR là một quyển sách tương đối khó chính vì lý do này triết học của Deleuze buổi đầu từ thập niên 70s không mấy phổ biến ngoài Pháp. DR (409 trang) là luận án chính Tiến sĩ Quốc gia (Docteur d’État) Deleuze trình năm 1968 ở Sorbonne (luận án phụ là quyển Spinoza et le Problème de l’Expession/Spinoza và Vấn đề về Biểu Lộ) với giáo sư bảo trợ là Maurice de Gandillac. Ngày trình luận án này trùng hợp thời điểm Cuộc Nổi Dậy Tháng 5 của sinh viên. Trong Abécédaire Deleuze kể lại chi tiết khá khôi hài về việc chọn phòng họp trình luận án: chủ khảo và các giám khảo phân vân không biết nên chọn phòng họp tầng dưới hay trên lầu lý do vì nếu họp ở tầng dưới phòng họp tuy có hai cửa nghĩa là có lối tháo chạy trong trường hơp sinh viên tràn vào nhưng họp ở tầng dưới lại có thể sinh viên dễ tràn vào, còn phòng trên lầu có thể sinh viên không tới nhưng chỉ có một cửa do đó không có lối tháo chạy. Khi Claire Parnet gặng hỏi tên vị chủ khảo Deleuze một cách hóm hỉnh nhất định giữ bí mật! Trước DR Deleuze đã là một tên tuổi được giới Triết biết tới qua những quyển Empirisme et Subjectivité (1953) viết về Hume, Nietszche et la Philosophie (1962), La Philosophie de Kant (1963), Proust et les Signes (1964), Le Bergsonisme (1966) và bài thuyết trình La Méthode de Dramatisation (khi đó Deleuze là giáo sư đại học Lyon) đăng trên Bulletin de la Societé française de Philosophie số 3 tháng 7-9, 1967. Theo Deleuze “DR là nỗ lực đầu tiên tôi đã thực hiện để ‘làm triết học.’ Mọi thứ tôi đã làm kể từ đó hầu như là một sự nối dài của quyển sách này, ngay cả những quyển Guattari và tôi đã viết chung (ít ra là theo cái nhìn của tôi.)[2].

   Người ta thường ví DR với Sein und Zeit/Hữu và Thời của Martin Heidegger vì cả hai có tầm vóc lớn trong triết học thế kỷ 20: tầm vóc này do tư tưởng mới mẻ và một phương pháp tạo nền móng cho thực hành triết học. Deleuze gợi ý người đọc về hai khái niệm “khác biệt” và “lập lại”: “Bất kỳ khi nào chúng ta nghĩ về sự khác biệt, chúng ta có khuynh hướng phụ thuộc khác biệt vào nhất tính (xét từ quan điểm của khái niệm hay của chủ thể: chẳng hạn, sự khác biệt đặc biệt giả thiết một loại như khái niệm nhất tính.) Chúng ta cũng có khuynh hướng phụ thuộc nó vào sự tương tự (xét từ quan điểm tri giác), với sự đối nghịch (xét từ quan điểm những thuộc tính), và vào sự giống nhau (xet từ quan điểm của phán đoán.) Nói thế khác, chúng ta không hề tư tưởng về sự khác biệt trong chính nó.”[…] Lập lại có lẽ cũng trong tình trạng chẳng khá hơn. Dù theo một cách khác, chúng ta cũng có khuynh hướng nghĩ về sự lập lại theo cái đồng nhất, cái tương tự, cái bằng nhau, hay cái đối nghịch. Trong trường hợp này, chúng ta tạo ra sự khác biệt không có một khái niệm: một sự vật này là một sự lập lại một sự vật khác bất kỳ khi nào chúng khác nhau dù cho chúng có cùng một khái niệm. Kể từ đó, bất kỳ cái gì xảy đến làm cho sự lập lại biến thiên thì dường như đồng thời cũng phủ kín hay dấu kín nó. Một lần nữa, cũng như với khác biệt, một khái niệm về lập lại đã vuột khỏi tầm tay chúng ta.” [3]  Chỉ cần nhìn Index des Noms et des Matières/Mục Lục Tên và Những Chất liệu (khoáng 11 trang) của Deleuze đặt cuối sách đủ thấy DR là một quyển sách bao trùm một số lượng khá lớn các triết gia và những chủ đề trong lịch sử triết học.[4]

   Différence et Répétition ngoài bài Mào Đầu (Avant-Propos) ngắn kế đến là Nhập đề (Introduction) luận về Lập lại và Khác biệt, Chương I: Sự khác biệt trong chính nó, Chương II: Sự khác biệt với chính nó, Chương III Hình ảnh Tư tưởng, Chương IV Tổng hợp niệm ý về khác biệt, Chương V Tổng hợp không đối xứng của cái duy cảm, và Chương Kết Khác biệt và Lập lại. Đọc Différence et Répétition cách nào tốt nhất? Vì quyển sách có tầm cỡ lớn, phức tạp, dễ làm người đọc thiếu kiên nhẫn nản chí nên trong Avant-Propos Deleuze khuyên người đọc nên đọc chương Kết Luận trước kèm lời khuyến dụ khôi hài: đọc chương kết xong rất có thể việc đọc phần còn lại của quyển sách thành vô ích! Quả thực trong Chương Kết Luận khá dài Deleuze tóm lược những “vấn đề” triết học về khác biệt và lập lại phải đối mặt như đã trình bày trong những chương trên.  

   Trước hết là về khác biệt. Như chúng ta biết Deleuze chủ trương chống lại triết học đặt cơ sở trên hình dung/tượng (représentation): chừng nào mà khác biệt còn bị đặt dưới những bó buộc của hình dung thì khác biệt không tư tưởng trong chính nó và không thể còn là khác biệt. Câu hỏi: phải chăng và tại sao khác biệt “luôn luôn” bị đặt dưới những bó buộc này? Người ta ly luận: chính sự khác biệt dường như loại bỏ mọi tương quan của cái khác biệt (le différent) với cái khác biệt làm cho nó có thể tư tưởng được. Muốn được tư tưởng sự khác biệt phải được chế ngự bởi hình dung. Nghĩa là thành nhất tính (identité) trong khái niệm, đối nghịch trong thuộc tính (prédicat), tương đồng trong phán đoán, tương tự trong tri giác. Như Foucault đã chỉ ra thế giới hình dung cổ điển được định nghĩa bởi bốn chiều kích (dimensions) nêu trên. Đó cũng là bốn nguồn gốc của nguyên lý của lý trí (principle de raison): nhất tính của khái niệm (l’identité du concept), sự đối nhau của thuộc tính (l’opposition du prédicat), phép loại suy của phán đoán (l’analogie du jugement) và sự giống nhau của tri giác. Vì thế mọi sự khác biệt nào khác không bắt nguồn từ nguyên lý này đều bị coi là ngoại khổ (démesurée), không phối hợp (incoordonnée), không cơ bản, ngoại lai (inorganique): quá lớn hay quá nhỏ, không chỉ để được tư tưởng nhưng còn để hiện hữu. “Không còn được tư tưởng, sự khác biệt tan vào vô-hữu.”[5] Vì vậy triết học xưa nay đã không ngừng nỗ lực làm cho hình dung sự khác biệt thành vô tận từ thật lớn đến thật nhỏ, thêm vào sự hình dung một viễn tượng không thể nghi ngờ được, phát minh những kỹ thuật thần học, khoa học, thẩm mỹ học cho phép hợp nhất chiều sâu của khác biệt vào chính nó, khiến sự hình dung chiếm hữu sự tăm tối, làm biến đi sự khác biệt nhỏ nhất và chặt nhỏ sự khác biệt lớn nhất, cho phép hình dung chiếm được sức mạnh của sự chóng mặt, của sự say sưa, của sự tàn bạo, ngay cả của cái chết. Hai cao điểm của nỗ lực này được thấy ở Leibniz và ở Hegel. Ở Leibniz hình dung chiếm hữu sự vô tận nhờ một kỹ thuật khiến sự nhỏ vô tận đón nhận sự khác biệt nhỏ nhất và việc biến đi của nó. Ở Hegel, ngược lại một kỹ thuật của lớn bất tận  đón nhận sự khác biệt lớn nhất và chặt nhỏ nó. Hai kỹ thuật này đồng thuận, tương đồng. Khác nhau chỉ ở chỗ kỹ thuật của Hegel là chuyển vận của mâu thuẫn nhằm đưa cái không thiết yếu (l’inessentiel) vào yếu tính và chinh phục bất tận bằng những vũ khí  của một nhất tính tổng hợp hữu hạn (identité synthéthique finie). Còn kỹ thuật của Leiniz là một chuyển vận tạo yếu tính từ cái không thiết yếu, chinh phục hữu hạn bằng nhất tính phân giải vô hạn (l’identité analytique infinie). Deleuze nêu câu hỏi: Làm cho sự hình dung thành vô hạn để làm gì? Trả lời: Để nó duy trì được tất cả những bó buộc của nó. “Cái được khám phá ra chính chỉ là một nền tảng, nền tảng này là đẩy sự quá độ và sự thiếu hụt của khác tới cái nhất tính, tới cái giống nhau, tới cái tương tự, tới cái đối nghịch: lý trí trở thành nền tảng, nghĩa là lý trí túc lý không để cái gì thoát đi. Thế nhưng chẳng có gì thay đổi hết, sự khác biệt vẫn bị nguyền rủa, người ta chỉ khám phá ra những phương tiện phong phú hơn và siêu phàm hơn để làm cho nó chuộc tội, hay để cứu rỗi nó, và đặt nó dưới những phạm trù của hình dung.”[6] Deleuze phê phán Hegel: mâu thuẫn của Hegel có vẻ như đẩy sự khác biệt đến cùng tận nhưng đây là một con đường bế tắc, chỉ dẫn đến nhất tính và khiến cho nhất tính đủ để cho khác biệt hiện hữu và được tư tưởng. Chỉ đối với cái nhất tính, theo chức năng của nhất tính mà sự mâu thuẫn là sự khác biệt lớn nhất. Deleuze cho rằng việc làm cho hình dung thành bất tận là vô bổ, nó không đạt được sức mạnh xác định cả sự phân biệt (divergence) lẫn sự di/giải tâm (décentrement.) Lý trí túc lý hay nền tảng không là gì khác hơn phương tiện để cái nhất tính cai trị chính cái vô hạn và đưa vào trong cái vô hạn tính liên tục của sự giống như, tương quan của sự tương tự, và sự đối nghịch nhau của những thuộc tính. Có thể nói toàn bộ sự chọn lựa hoặc hữu hạn hoặc vô hạn đem áp dụng vào khác biệt là không thích hợp bởi nó chỉ tạo nên sự tương phản của hình dung (antinomie de la représentation) mà thôi.

   Do mô-típ nào mà khác biệt lại bị cho phụ thuộc vào hình dung hữu hạn và vô hạn? Theo Deleuze định nghĩa siêu hình học theo chủ thuyết Platon thì đúng nhưng định nghĩa chủ thuyết Platon bằng sự phân biệt yếu tính với sự hiện ra (apparence) thì bất cập vì sự phân biệt thứ nhất Platon đưa ra là giữa kiểu mẫu (modèle) với bản sao (copie), nhưng bản sao lại không hề chỉ là sự hiện ra bởi sự hiện diện nơi Ý niệm như kiểu mẫu một tương quan nội giới tinh thần, có tính khoa học tinh thần (noologique) và hữu thể luận, phân biệt thứ nhì là giữa chính bản sao với ảo ảnh (phantasme): Platon rõ ràng chỉ muốn phân biệt hay đối nghịch kiểu mẫu với bản sao để có được một tiêu chí chọn lựa giữa những bản sao và loại bỏ những giả tượng (simulacres), vì bản sao được đặt trên tương quan với kiểu mẫu còn giả tượng bị loại bởi giả tượng không qua được sự thử thách của bản sao và sự bó buộc của kiểu mẫu. “Chính ý chí xua đuổi giả tượng này của Platon đưa đến việc khuất phục sự khác biệt. Bởi kiểu mẫu chỉ thể được định nghĩa do một vị thế của nhất tính như yếu tính của cái Cùng Một (αύτò καθ’ αύτò /auto kath’ hauto), và bản sao, do sự tác động của sự giống nhau (ressemblence) nội tại như một phẩm tính của cái Giống Như (Semblable). Và bởi sự giống như là nội tại, nên bản sao chính nó phải có một tương quan bên trong với hữu và cái đúng thực đối với nó phải tương tự như đối với kiểu mẫu. Sau hết, bản sao cần phải được tạo nên theo một phương pháp lấy hai thuộc tính đối nghịch, gán cho nó cái gì hợp với kiểu mẫu.”[7]. Chính Platon là người khởi xướng lý thuyết về Ý niệm và lý thuyết này có động cơ luân lý làm cho hình dung/tượng khả hữu rồi từ đó loại bỏ những giả tượng hay những ảo ảnh. Platon cho chủ thể tư tưởng (sujet pensant) có yếu tính nhất tính, đặt sự khác biệt dưới nhất tính của khái niệm và chủ thể tư tưởng.

   Theo Deleuze, hình dung là mảnh đất của bốn hình thức ảo tưởng siêu nghiệm kết chặt nhau tương ứng với: tư tưởng, cái khả cảm (le sensible), Ý niệm, và hữu. Ảo tưởng thứ nhất: Tư tưởng bị “hình ảnh” che phủ gồm những giả định (postulats) làm cho tư tưởng hoạt động mất tự nhiên. Giả định này đạt đỉnh điểm trong giả định về vị trí của một chủ thể tư tưởng đồng nhất, như nguyên lý nhất tính cho khái niệm nhất tính nói chung. Có một sự trượt từ thế giới của Platon sang thế giới của hình dung. Deleuze khẳng định : “Khi sự khác biệt được chủ thể tư tưởng đặt phụ thuộc vào nhất tính của khái niệm (nhất tính này có tính tổng hợp), cái biến mất, chính là sự khác biệt trong tư tưởng, cái khác biệt của việc tư tưởng với tư tưởng, tính chất sản sinh của việc tư tưởng, sự đứt gãy sâu xa của cái Tôi dẫn nó tới việc chỉ tư tưởng trong khi tư tưởng sự đam mê và cả cái chết của chính mình trong hình thức thuần túy và trống rỗng của thời gian. Phục hồi sự khác biệt trong tư tưởng, chính là tháo gỡ cái nút thắt đầu tiên này, nó chính yếu nằm ở chỗ hình dung sự khác biệt dưới nhất tính của khái niệm và của chủ thể tư tưởng.”[8] Ảo tương thứ nhì: sự phụ thuộc của khác biệt vào giống nhau. Khi được phân phối trong hình dung sự giống nhau không cần đúng y như bản sao hay kiểu mẫu nhưng được qui định như giống nhau với cái khả cảm sao cho có thể áp dụng được nhất tính của khái niệm và nhận được một khả năng làm chuyên biệt. Vì vậy ảo tưởng thứ nhì này có hình thức như sau: rằng khác biệt thiết yếu có khuynh hướng tự hủy trong phẩm tính nó bao phủ, đồng thời cái không đồng đẳng (l’inégal) hướng đến tự đồng đẳng trong sự nối dài nó tự phân phối. Ảo tưởng này cũng chính là “lương năng” (bon sens) phụ cho ảo tưởng thứ nhất và “ý nghĩa chung” (sens commun) của nó. Deleuze giải thích ảo tưởng siêu nghiệm này: “bởi vì bản chất của khác biệt không phải trong phẩm tính bao phủ nó cũng không trong bề rộng giải thích nó. Khác biệt là có cường độ (intensive), nó trùng với chiều sâu như spatium không cường độ và không phẩm tính, cái dạ con của cái không đồng đẳng và cái khác biệt. Thế nhưng cường độ không hữu cảm, nó là hữu của hữu cảm ở đó cái khác biệt tương quan với cái khác biệt. Phục hồi sự khác biệt trong cường độ, như hữu của cái hữu cảm, chính là tháo bỏ nút thắt thứ nhì, nút này làm sự khác biệt phụ thuộc vào cái giống như trong tri giác và chỉ làm nó cảm giác dưới điều kiện của một sự đồng hóa của cái khác nhau được coi như chất liệu của khái niệm đồng nhất.”[9]

_______________________________________________

 

[1] James Williams, Difference and Repetition trong The Cambridge Companion to Deleuze trang 43: Many English-langage interpreters of Deleuze are based in literature or politics departments, rather than in the sciences or philosophy.

[2] Gilles Deleuze, Deux Regimes de Fous, Textes et entretiens 1975-1995. Bản tiếng Anh Two Regimes of Madness trang 300 Preface to the American Edition of Difference and Repetition: Difference and Repetition was the first attempt I made “to do philosophy.” Everything I have done since then seems an extension of this book, even the books Guattari and I wrote together (at least from my point of view.)

[3] Sđd trang 301: Whenever we think difference, we tend to subordinate it to identity (from the point of view of the concept or the subject: for example, specific difference presupposes a genus as the concept of identity.) We also tend to subordinate it to resemblance (from the point of view of perception), to opposition (from the point of view of  predicates), and to the analogous (from the point of view of judgment.) In other words, we never think difference in itself. […] Repetition has perhaps fared no better. Though in different way, we also tend to think of repetition in terms of the identical, the similar, the equal, or the opposite. In this case, we create difference without a concept: one thing is a repetition of another whenever they differ though they have the same concept. From then on, whatever arrives on the scene to vary the repetition seems at the same time to cover or hide it. Again, as with difference, a concept of repetition has eluded our grasp.

[4] Index des Noms et des Matières có ba cột từ trái sáng phải: cột đầu là tên tác giả, cột thứ nhì tương ứng là tên tác phẩm, và cột thứ ba chỉ một cách chính xác chủ đề liên hệ tới DR trong tác phẩm được qui chiếu. Nhờ vậy không khó nhận ra những tác giả quan trọng, chẳng hạn Aristote về luận lý học và hữu thể luận về khác biệt, Bergson về lập lại vật lý, thu rút, thay đổi và lập lại và ký ức…Duns Scot về độc nghĩa, phân biệt hình thức và khác biệt theo cá thể, Freud về sự lập lại trong vô thức và mối liên hệ giữa lập lại với Eros và bản năng của cái chết, Hegel với luận lý học và hữu thể học về khác biệt, Heidegger với biệt phân hữu thể luận (Hữu, khác biệt và tra vấn), Hume với lập lại vật lý…vấn đề thói quen, Kant với khác biệt nội tại và nội giới, Leiniz với Luận lý học và hữu thể học về khác biệt, Nietszche với Hữu thể luận vè khác biệt và lập lại: ý chí hướng lên sức mạnh và qui hồi vĩnh cửu, …Spinoza với độc nghĩa, phân biệt hình thức và cá biệt hóa v.v…

[5] Gilles Deleuze, DR trang 337: Cessant d’être pensée, la différence se dissipe dans le non-être.

[6] Sđd trang 338: Ce qui est découvert, c’est seulement un fondement qui rapporte l’excès et le défaut de la différence à l’identique, au semblable, à l’analogue, à l’opposé: la raison est devenue fondement, c’est-à-dire raison suffisante, qui ne laisse plus rien échapper. Mais, rien n’a changé, la différence reste frappée de malédiction, on a seulement découvert des moyens plus subtils et plus sublimes de la fair expier, ou de la soumettre, de la racheter sous les catégories de la représentation.

[7] Sđd trang 340: C’est cette volonté platonicienne d’exorciser le simulacre qui entraîne la soumission de la différence. Car le modèle ne peut être definie que par une position d’identité comme essence du Même (αύτò καθ’ αύτò); et la copie, par une affection de ressemblance interne comme qualité du Semblable. Et parce que la resemblance est intérieure, il faut que la copie ait elle-même un rapport intérieur avec l’être et le vrai qui soit pour son compte analogue à celui du modèle. Il faut, enfin, que la copie se contruise au cours d’une méthode qui, de deux prédicats opposés, lui attribue celui qui convient avec le modèle.

[8] Sđd trang 341-342: Quand la différence se trouve subordonnée par le sujet pensant à l’identité du concept (cette identité fût-elle synthétique), ce qui disparaît, c’est la différence dans la pensée, cette différence de penser avec la pensée, cette genitalité de penser, cette profonde fêlure du Je qui le conduit à ne penser qu’en pensant sa propre passion et même sa propre mort dans la forme pure et vide du temps. Restaurer la différence dans la pensée, c’est défaire ce premier nœud qui consiste à représenter la différence sous l’identité du concept et du sujet pensant.

[9] Sđd trang 342: …car la nature de la différence n’est ni dans la qualité qui la recouvre ni dans l’étendue qui l’explique. La différence est intensive, elle se confond avec la profondeur comme spatium inextensif et non qualité, matrice de l’inégal et du différent. Mais l’intensité n’est pas sensible, elle est l’être du sensible où le différent se rapporte au différent. Restaurer la différence dans l’intensité, comme être du sensible, c’est défaire le second nœud, qui subordonnait la différence au semblable dans la perception et ne la faisait sentir que sous la condition d’une assimilation du divers pris comme matière du concept identique.

(còn tiếp)

đào trung đạo

2020