photo:https://frieze.com



ĐÀO TRUNG ĐẠO

gilles deleuze: triết học & không triết học

(Kỳ 18)

 

Chương III

MẶT PHẲNG [của] NỘI TẠI

 

kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10,  kỳ 11,  kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18,

 

 

   Mặt phẳng nội tại bị những ảo tưởng vây quanh: đó là những ảo ảnh của tư tưởng. Thật ra đó không phải là những nghịch lý trừu tượng hay những những áp lực ngoại tại. Có thể giải thích những ảo ảnh này bằng sức nặng của bộ óc chúng ta, bằng lối mòn của ý kiến chủ trì, bởi chúng ta có thể chịu đựng nổi những chuyển động bất tận hay làm chủ được những vận tốc bất tận của những chuyển động làm cho chúng ta bị gãy vụn không? Thế nhưng, chính chúng ta là những kẻ đi lại trên mặt phẳng nội tại, chúng ta đang ở trên đường chân trời tuyệt đối. Hẳn ít ra những ảo tưởng này phải phát sinh từ chính mặt phẳng tựa như khói bay lên từ cái hồ hay như những hơi hướm vương vất từ thời cổ đại Hy Lạp thoát ra từ sự biến đổi của những yếu tố luôn luôn có sẵn trên mặt phẳng. Antonin Artaud chẳng đã từng cho rằng mặt phẳng ý thức hay mặt phẳng nội tại vô giới hạn cũng phát sinh ra những ảo giác, những tri giác sai lạc, những tình cảm xấu xa. Deleuze theo chân Nietszche đã lập bảng “bốn sai lầm to lớn” nhưng cho rằng phải làm bảng liệt kê vô tận và không ngừng đo lường những ảo tưởng chứ không chỉ ngừng lại ở “bốn” với ảo tưởng về siêu vượt (l’illusion de transcendance) đứng đầu bảng dẫn trước mọi ảo tưởng khác. Sau đó là ảo tưởng về những cái phổ quát (l’illusion des universaux) khi người ta lẫn lộn những khái niệm với mặt phẳng vì người ta đặt nội tại vào một sự vật nào đó bởi sự vật này, chẳng hạn cái phổ quát, thiết yếu là khái niệm: “người ta tin rằng cái phổ quát giải thích, trong khi chính nó phải được giải thích, và người ta rơi vào ba ảo tưởng, là ảo tưởng của việc trầm tư, hay của phản tư, hay của thông giao. Rồi lại còn ảo tưởng về vĩnh cửu nữa, khi người ta quên rằng những khái niệm phải được sáng tạo ra. Lại thêm ảo tưởng về luận giải, khi người ta lẫn lộn những mệnh đề với những khái niệm…Chính xác ra, không thể cứ tin rằng tất cả những ảo tưởng này kết nối nhau một cách hữu lý như những mệnh đề, nhưng thật ra chúng cộng hưởng hay phản hồi nhau, và tạo thành một màn sương dầy dặc quanh mặt phẳng.”[138]

   Giải thích lý do tại sao triết học đưa ra nhiều mặt phẳng Deleuze cho rằng giữa mặt phẳng nội tại và hỗn mang có mối quan hệ mật thiết: mặt phẳng nội tại vay mượn những qui định từ hỗn mang để làm ra những chuyển động bất tận hay những nét giản đồ (traits diagrammatiques). Vì không một mặt phẳng nội tại nào có thể bao gồm toàn thể hỗn mang mà không lại rơi vào hỗn mang cho nên phải có nhiều mặt phẳng và mỗi mặt phẳng chỉ thể giữ lại những chuyển động có thể cùng gấp lại. Cùng còn có một lý do của sự khác nhau này: vì có nhiều ảo tưởng khác nhau. Hơn nữa cũng còn bởi mỗi mặt luôn có cách thức luôn luôn bắt đầu lại riêng trong việc lại để cho siêu vượt đi vào nó, hay đó cũng chính là cách nó làm cho nó thành nội tại một cách sâu xa. Nhưng lý do chính yếu nhất là: mỗi mặt phẳng có một cách chọn lựa cái gì có quyền đi tới tư tưởng một cách khác nhau. “Mỗi mặt phẳng nội tại là Một-Tất Cả: nó không là thành phần, như một tập hợp khoa học, nó cũng không đoạn rời như những khái niệm, nhưng là phân phát (distributif), đó là một “mỗi một”. Mặt phẳng nội tại được xếp trang. Và tất nhiên thật khó mà lượng định xem trong mỗi trường hợp đem so sánh có phải chỉ có cùng một mặt phẳng hay có nhiều mặt phẳng khác nhau không; có phải những triết gia tiền-Socrate cùng có một hình ảnh tư tưởng chung mặc dù có những khác biệt giữa Héraclite và Parménide? Liệu người ta có thể nói đến một mặt phẳng nội tại hay một hình ảnh tư tưởng gọi là cổ điển, và nó đã tiếp tục từ Platon đến Descartes không? Cái biến thiên không chỉ là những mặt phẳng, mà là cách phân phối chúng. Liệu có những điểm nhìn ít nhiều xa hay gần, những điểm nhìn này có cho phép xếp nhóm những tờ khác nhau của một giai đoạn khá dài, hay ngược lại tách riêng những tờ trên một mặt phẳng có vẻ chung – và những điểm nhìn này sẽ đi về đâu, dù cho chân trời tuyệt đối có thế nào đi nữa? Liệu ở đây người ta có thể nào hài lòng với một chủ thuyết duy sử, một chủ thuyết tương đối được tổng quát hóa không? Đối với tất cả những mặt này, vấn đề của cái đơn hay cái đa sẽ lại trở thành quan trọng hơn nữa khi đưa vào mặt phẳng.”[139]

   Deleuze tự hỏi: Phải chăng mỗi triết gia tầm cỡ đều vạch ra một mặt phẳng nội tại mới vì thế sẽ không có hai triết gia tầm cỡ trên cùng một mặt phẳng? Nhắc lại lời Foucault cho rằng một triết gia là tầm cỡ vì đã thay đổi ý nghĩa của việc tư tưởng, “đã tư tưởng khác đi.” Nhưng khi người ta thấy ở một triết gia lại có nhiều triết học liệu có phải vì triết gia này đã thay đổi mặt phẳng và đã tìm ra một hình ảnh tư tưởng khác? Cũng có triết gia khi đã về già, cận kề cái chết, như trường hợp Maine de Biran, không còn muốn tái thiết một mặt phẳng hay một hình ảnh tư tưởng nữa. Nếu cho rằng mỗi mặt phẳng là một “tờ” trong lịch sử triết học thì tại sao những tờ này khi thì dính liền nhau khi thì tách rời nhau, có phải khi một triết gia có ý định vạch ra một mặt phẳng của riêng mình nhưng không biết mặt phẳng mình vạch ra sẽ có trùng với những mặt phẳng nào đã được một triết gia thời trước vạch ra thì liệu có bị lên án không? Đó phải chăng là lại tạo ra một thứ hỗn mang khác không? Deleuze lý giải: “Đó chính là lý do mỗi mặt phẳng không chỉ được lật sang trang khác, mà còn bị đục lỗ, để cho những sương mù vây quanh nó đi qua và trong những đám sương mù này triết gia kẻ đã vạch ra mặt phẳng thường lại là kẻ đầu tiên bị tiêu hủy.”[140] Còn về việc tại sao lại có quá nhiều sương mù dâng lên Deleuze cho rằng có hai cách giải thích: trước hết vì tư tưởng không thể không diễn giải nội tại như nội tại ở một vật gì đó, tư tưởng coi đó là Đối tượng vĩ đại của suy tư, Chủ thể của phản tư, Chủ thể khác của thông giao: đó là tai họa của việc đưa siêu vượt vào; sau nữa nếu như người ta vì không thể tránh làm như trên nên mỗi mặt phẳng nội tại dường như không thể coi là duy nhất khi tái tạo hỗn mang thế nên người ta phải chọn hoặc siêu vượt hoặc hỗn mang.

   Thật ra có quá nhiều vấn đề đặt ra cho cả triết học lẫn lịch sử triết học. Chẳng hạn những “tờ” của mặt phẳng nội tại khi thì tách rời nhau khi thì đối nghịch nhau và mỗi mặt phẳng thích hợp với một triết gia này hay một triết gia khác, ngược lại có khi chúng kết lại để ít ra che phủ lên những giai đoạn khá dài. Hơn nữa, giữa việc thiết lập một mặt phẳng tiền-triết học và việc sáng tạo những khái niệm mới nhưng lại vẫn ở trên cùng một mặt phẳng, một hình ảnh tư tưởng của triết gia thời trước được coi là bậc thày, chẳng hạn Platon và những triết gia-tân Platon (néo-platoniciens), Kant và những triết gia tân-Kant (néo-kantiens). Trong mọi trường hợp, không phải là thôi không kéo dài mặt phẳng nguyên thủy bằng cách gán vào những đường cong mới khi có một sự nghi ngờ rằng liệu đó có phải là một mặt phẳng khác được dệt vào mặt phẳng đầu tiên không. “Vấn đề tìm hiểu xem trong những trường hợp nào thì những triết gia là “những đệ tử” của một triết gia khác và đệ tử tới mức độ nào, ngược lại trong những trường hợp nào thì những đệ tử từ đó đưa ra phê bình bằng cách thay đổi mặt phẳng, bằng cách dựng lên một hình ảnh khác, tức ngầm chứa những đánh giá phức tạp và tương đối mà chẳng bao giờ những khái niệm cư ngụ trên một mặt phẳng để được suy diễn một cách đơn giản. Những khái niệm kéo đến ngụ trên cùng một mặt phẳng, dù ở những thời điểm rất khác nhau và dưới những kết nối đặc biệt, người ta sẽ gọi chúng là những khái niệm của cùng một nhóm; ngược lại với những khái niệm dẫn tới những mặt phẳng khác. Sự khớp nhau của những khái niệm được sáng tạo và của mặt phẳng được lập nên là nghiêm xác, nhưng được làm ra dưới những tương quan gián tiếp, những tương quan náy sẽ được qui định sau.”[141]

   Về câu hỏi một mặt phẳng này có “hơn”(meilleur) một mặt khác không hay ít nhất nó có đáp ứng được những bó buộc của thời đại không, Deleuze cho rằng trước hết phải hỏi đáp ứng những bó buộc có nghĩa là gì, và có mối tương quan nào giữa những chuyển động hay những nét lược đồ (traits diagrammatiques) của một hình ảnh của tư tưởng không, với những chuyển động hay nét xã hội-lịch sử của một giai đoạn không? Deleuze cho rằng những câu hỏi này chỉ thể có giải đáp nếu như người ta chịu từ bỏ quan điểm lịch sử chật hẹp về trước (avant) và sau (après) để xét thời gian của triết học hơn là xét từ lịch sử triết học. Thời gian của triết học là thời gian kết tầng (stratigraphique) trong đó trước và sau chỉ đánh dấu một trật tự của những chồng chất (superpositions). Một số chuyển động lại chỉ đi theo đường tắt hay chạy quanh những những đường đã bị xóa, một đường cong biến thiên chỉ thể xuất hiện như sự biến đổi của một hay những đường khác, một xấp hay một tờ của mặt phẳng nội tại sẽ không thiết yếu ở trên hay ở dưới đối với một mặt phẳng khác, và những hình ảnh tư tưởng chẳng thể hiện ra trong một trật tự bất kỳ bởi chúng hàm chứa  những đổi hướng, những đổi hướng này chỉ thể được đánh dấu trực tiếp trên một hình ảnh có trước, cũng vậy đối với những khái niệm điểm kết tụ qui định chúng khi là sự bật dậy của một điểm khi lại là sự liên kết của những điểm trước. Phong cảnh tâm trí không thay đổi bất kỳ qua những thời đại mà cần có một một quả núi mới được dựng lên ở đó hay có một con sông mới chảy qua để cho mặt đất đang khô và phẳng có được sự lôi cuốn, mịn màng nào đó. Chúng ta thấy ở đây Deleuze vẫn nhất quán trong quan điểm ta chỉ tư tưởng khi chạm mặt trở ngại đã nêu ra trong quyển sách viết về Proust. Đúng là những tầng (couches) thật cổ xưa có thể lại nổi lên, dọn một con đường xuyên qua những kết tầng nó đã phủ lên và tràn chảy trực tiếp vào tầng hiện thời và thông giao bằng một đường cong mới. Hơn nữa, tùy theo những vùng ta xem xét, những sự chồng chất không buộc phải như nhau và không có một trật tư như nhau. “Như vậy thời gian triết học cũng là một thời gian đồ sộ của sự cùng hiện hữu, thời gian này không loại trừ cái trước và cái sau, nhưng chồng chất chúng trong một thứ tự chồng lên nhau. Đó là một sự trở thành bất tận của triết học, nó cắt ngang nhưng không trùng với lịch sử của nó.”[142] Cuộc đời của những triết gia, nhất là triết gia nào càng ở ngoài tác phẩm của mình, tuy tuân theo những luật lệ của sự kế tiếp thông thường nhưng tên họ cùng hiện hữu hoặc nổi bật như những điểm sáng chạy qua chúng ta bởi những yếu tố tạo thành một khái niệm, hoặc như những điểm chuẩn của một tầng hay một lá không ngừng trở lại tận chúng ta, như những ngôi sao đã chết nhưng ánh sáng lại sống động hơn bao giờ. Theo Deleuze, triết học là sự trở thành chứ không phải là lịch sử của nó, và triết học cũng là sự cùng hiện hữu của những mặt phẳng chứ không phải là sự tiếp nối những hệ thống.

   Các mặt phẳng nội tại khi thì tách rời nhau khi thì hợp lại cùng nhau, điều này đúng cả với mặt phẳng tốt nhất lẫn mặt phẳng tệ nhất. Điểm chung của chúng là không thể không tái thiết sự siêu vượt và ảo tưởng, nhưng chúng cũng chiến đấu ngoan cường với cả siêu vượt lẫn ảo tưởng theo cách riêng của mình. Tuy Deleuze gián tiếp nghiêng về phía mặt phẳng “khá hơn” (meilleur) nhưng vẫn đặt câu hỏi  liệu có mặt phẳng nào không trao tính chất nội tại cho Một cái gì đó = x (Quelque chose = x) và mặt phẳng này cũng không ngậm chút gì của cái siêu vượt không? Dựa trên quan niệm của Maurice Blanchot về “Cõi ngoài” (le Dehors) và cái không được tư tưởng trong tư tưởng (l’impensé dans la pensée) của Michel Foucault cùng với quan niệm của Henri Michaux về “cõi xa nội tại” (lointain intérieur) Deleuze viết: “Người ta nói rằng CÁI mặt phẳng nội tại vừa là cái phải được tư tưởng và cũng là cái không thể tư tưởng. Chính nó, nó là cái không-tư tưởng trong tư tưởng. Đó là cái bệ của tất cả mọi mặt phẳng, nội tại nơi mỗi mặt phẳng có thể tư tưởng được sẽ không tư tưởng về nó. Nó là cái sâu thẳm hơn hết trong tư tưởng, song cũng lại là cái bên ngoài tuyệt đối. Một cõi ngoài xa hơn toàn thể ngoại giới, bởi nó là một cái ở trong sâu thẳm hơn tất cả nội giới: đó chính là cái nội tại, “ẩn mật như Cõi Ngoài, bên ngoài trở thành cái xâm nhập làm nghẹt thở và là sự đảo nghịch của cái này và của cái kia.”[143] Chuyển động bất tận của mặt phẳng nội tại không ngừng đi đi lại lại hoài hủy. Để kết luận Deleuze nêu câu hỏi nhưng cũng là một xác định quan điểm: Phải chăng đó là cử chỉ tối thượng (le geste suprême) của triết học: không phải là chỉ tư tưởng về CÁI mặt phẳng nội tại, nhưng chứng minh rằng nó ớ đó, như cõi trong và cõi ngoài của tư tưởng? Sau hết Deleuze ngợi ca Spinoza, triết gia của trở thành-triết gia bất tận, kẻ đã chỉ ra, đã dựng lên, đã tư tưởng mặt phẳng nội tại “tốt nhất” (le “meilleur”) hiểu theo nghĩa thuần túy nhất vì không nạp mình cho cái siêu vượt. 

____________________________

[138] Sđd trang 51: […] on croit que l’universel explique, alors que c’est lui qui doit être expliqué, et l’on tombe dans une triple illusion, celle de la contemplation, ou de la réflexion, ou de la communication. Puis encore l’illusion de l’éternel, quand on oublie que les concepts doivent être crées, Puis l’illusion de la discursivité, quand on confond les propositions avec les concepts…Précisément, il ne convient pas de croire que toutes ces illusions s’enchaînent logiquemant comme des propositions, mais elles résonnent ou réverbèrent, et forment un épais brouillard autour du plan.

[139] Sđd trang 51-52: Chaque plan d’immanence est Un-Tout: il n’est pas partiel, comme un ensemble scientifique, ni fragmentaire comme les concepts, mais distributif, c’est un “chacun”. Le plan d’immanence est feuilleté. Et sans doute il est difficile d’estimer dans chaque cas comparé s’il y a un seul et même plan, ou plusieurs différents; les présocratiques ont-ils une image commune de la pensée, malgré les différences entre Héraclite et Parménide? Peut-on parler d’un plan d’immanence ou d’une image de la pensée dire classique, qui se continuerait de Platon à Descartes? Ce qui varrie, ce ne sont pas seulement les plans, mais la manière de les distribuer. Y a-t-il des points de vue plus ou moins lointains ou rapprochés, qui permetent de grouper des feuillets différents sur une période assez longue, ou au contraire de séparer des feuillets sur un plan qui paraissait commun – et d’où viendraient ces points de vue, malgré l’horizon absolu? Peut-on se contenter ici d’un historicisme, d’un relativisme generalisé? À tous ces égards, la question de l’un ou du multiple redevient la plus importante en s’introduisant dans le plan.

[140] Sđd trang 52: Et c’est la raison pour laquelle chaque plan n’est pas seulement feuilleté, mais troué, laissant passer ces brouillards qui l’entourent et dans lesquels le philosophe qui l’a tracé risque souvent d’être le premier à se perdre.

[141] Sđd trang 57-58: La question de savoir dans quels cas des philosophes sont “disciples” d’un autre et à quel point, dans quels cas au contraire ils en mènent la critique en changeant de plan, en dressant une autre image, implique donc des évaluations d’autant plus complexes et relatives que jamais les concepts qui occupent un plan ne se laissent simplement déduire. Les concepts qui viennent peupler un même plan, même à des dates très différentes et sous des raccordements spéciaux, on les appellera concepts du même groupe; au contraire ceux qui renvoient à des plans différents. La correspondance de concepts créés et de plan instauré est rigoureuse, mais se fait sous des rapports indirects qui restent à determiner.

[142] Sđd trang 58: Le temps philosophique est ainsi un temps grandiose de coexsistence, qui n’exclut pas l’avant et l’après, mais les superpose dans un ordre stratigraphique. C’est un devenir infini de la philosophie, qui recoupe mais ne se confond pas avec son histoire.

[143] Sđd trang 59: On dirait que LE plan d’immanence est à la fois ce qui doit être pensé, et ce qui ne peut pas être pensé. Ce serait lui, le non-pensé de la pensée. C’est le socle de tous les plans, immanent à chaque plan pensable qui n’arrive pas à le penser. Il est plus intime dans la pensée, et poutant le dehors absolu. Un dehors plus lointain que tout monde exterieur, parce qu’il est un dedans plus profond que tout le monde extérieur: c’est l’immanence “l’intimité comme Dehors, l’extérieur devenu l’intrusion qui étouffe et le renversement de l’un et de l’autre. (Blanchot, L’Entretien infini, p.65. Sur l’impensé dans la pensée, Foucault, Les Mots et les Choses, Gallimard, p.333-339. Et le “lointain intérieur” de Michaux.

(còn tiếp)

đào trung đạo

 

2020