photo:https://frieze.com
ĐÀO TRUNG ĐẠO
gilles deleuze: triết học & không triết học
(Kỳ 30)
kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, kỳ 9, kỳ 10, kỳ 11, kỳ 12, kỳ 13, kỳ 14, kỳ 15, kỳ 16, kỳ 17, kỳ 18, kỳ 19, kỳ 20, kỳ 21, kỳ 22, kỳ 23, kỳ 24, kỳ 25, kỳ 26, kỳ 27, kỳ 28, kỳ 29, kỳ 30,
Chương V
DELEUZE và PLATON, KANT, HEGEL
hegel
Trong Pourparlers (1990) Deleuze tuyên bố thẳng thừng: “Cái tôi ghét nhất, chính là chủ thuyết Hegel và biện chứng pháp.”[210] Trước đó trong quyển Nietszche et la Philosophie (1962) Deleuze cho rằng quan niệm của Nietszche về sự đấu tranh giữa những mạnh tương tác nhau vẻ ngoài tưởng như là biện chứng nhưng nếu xét kỹ chúng ta thấy Nietszche là một người dứt khoát chống-Hegel. Hơn nữa quan niệm về Con Người Thượng Đẳng (Surhomme) của Nietszche hướng về việc chống lại quan niệm biện chứng về con người, và quan niệm về hoán chuyển giá trị (transvaluation) chống lại biện chứng về tương thích (appropriation) hay loại trừ sự vong thân của Hegel. “Chống chủ thuyết Hegel chạy suốt trong tác phẩm của Nietszche, như một đường xuyên suốt của sự gây hấn.”[211] Deleuze cũng dành Chương V Le Surhomme: Contre la Dialectique/ Con Người Thượng Đẳng: Chống Biện Chứng để kết thúc quyển này. Trong bài Tựa magnum opus Différence et Répétiton Deleuze sau khi tóm lược những chỉ dấu về chủ đề sự khác biệt và lập lại ở triết học Heidegger, trong thuyết cấu trúc và trong nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại đưa ra tuyên bố: “Tất cả những chỉ dấu này có thể được coi như sự cứu xét của một chủ nghĩa chống Hegel được tổng quát hóa.”[212] Chúng ta cũng thấy tư tưởng chống-Hegel hay thoát khỏi Hegel ở những triết gia cùng thế hệ với Deleuze như Michel Foucault, Jacques Derrida, Jean-François Lyotard… Nhất là chống lối diễn giải Hegel của Alexandre Kojève trong quyển Introducton à la lecture de Hegel.[213] Diễn giải Hegel của Kojève mang màu sắc Mác-xít và hiện sinh tuy có ảnh hưởng lớn đối với Raymond Queneau, Georges Bataile, Jean-Paul Sartre, Jacques Lacan, Maurice Merleau-Ponty…nhưng ảnh hưởng của Hegel cũng như Kojève cho đến thập niên 50 không còn mạnh. Giới triết gia Pháp bắt đầu từ thập niên 60 trở đi quay sang tìm hiểu Nietsche và Heidegger. Sự đổi hướng này cho thấy khuynh hướng từ bỏ “triết học về chủ thể” (philosophie du sujet) hay “siêu hình học về chủ thể tính” (métaphysique de la subjectivité).
Đặt sang một bên vấn đề “yêu, ghét/bạn, thù” cửa miệng mối quan hệ giữa Hegel và Deleuze khá phức tạp và có tầm quan trọng đáng kể trong dự án triết học của Deleuze. Quả thực, ở điểm nhìn lịch sử triết học thật khó “trốn, tránh né” Hegel: trong bài diễn văn nhận ghế giáo sư Collège de France Michel Foucault sau khi ghi nhận công lao của thầy Jean Hyppolite viết: “Nhưng tôi nghĩ rằng món nợ của tôi, một phần rất lớn, là từ Jean Hyppolite. Tôi biết rõ rằng tác phẩm của ông được đặt, dưới con mắt của nhiều người, dưới sự trị vì của Hegel, và rằng tất cả thời đại của chúng ta, dù qua ngả luận lý học hay tri thức luận, dù qua Marx hay qua Nietszche, đều cố trốn thoát Hegel: và điều tôi đã cố gắng nói vừa rồi về diễn ngôn thật rất không trung thành với logos của Hegel.”[214] Về phần Jacques Derrida những phản biện Hegel rải rác trong nhiều tác phẩm La Voix et le Phénomène, Marges de la Philosophie, De la Grammatologie nhưng hình bóng Hegel ám ảnh thấp thoáng ẩn hiện không dứt suốt trong hai tác phẩm khó đọc nên ít được nhắc tới là Glas và La Carte Postale.[215] Derrida cho rằng chống-Hegel là bất khả vì sự chống đối này kết cục lại biến thành động cơ của tư tưởng nghĩa là không thoát khỏi Hegel.
Triết học Gilles Deleuze in đậm dấu ấn của sự tách khỏi triết học Hegel và Hiện tượng luận Husserl là những trào lưu chủ vị trong triết học Pháp sau Thế chiến 2 và hướng về một “métaphysique de la différence/siêu hình học về sự khác biệt”. Siêu hình học của Deleuze là một nỗ lực chống lại cái mà Deleuze gọi là “philosophie de l’identité/triết học về nhất tính” tức là triết học của dung tưởng (représentation) với cao điểm là chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối của triết học Đức thế kỷ 19 với đại diện tiêu biểu nhất là Hegel. Theo Deleuze chủ nghĩa này được hoàn tất bởi Hegel với khởi đầu từ triết học Aristote. Deleuze cho rằng đặt đồng nhất tính ở vị thế ưu đãi dẫn tới một số những bế tắc về những cấu trúc căn bản trong lịch sử triết học. Thế nên chống-Hegel và đưa ra một biện chứng pháp mới như trong Différence et Répétition nằm ở cốt lõi triết học Deleuze. Thế nhưng cả Hegel lẫn Deleuze lại có một điểm hội tụ là nỗ lực vượt qua những giới hạn của triết học Kant và triết học hậu-Kant.
Có nhiều cách khảo sát khác nhau về mối tương quan Hegel-Deleuze. Cách thứ nhất là trực tiếp dựa trên lịch sử triết học để chỉ ra ảnh hưởng của Hegel trên Deleuze. Cách này tuy dễ dàng và hữu dụng nhưng lại có giới hạn là có khuynh hướng coi Hegel như một “bù nhìn” khi chỉ hướng tới diễn giải Deleuze theo Henry Somers-Hall nhận xét.[215] Hơn nữa Deleuze sử dụng phương cách diễn ngôn gián tiếp tự do để diễn giải Hegel nên người đọc khó nhận ra sự khác biệt về từ ngữ, diễn giải, và ý tưởng giữa Hegel và Deleuze. Có lẽ cách tốt hơn cả là xem xét quan niệm của Hegel và của Deleuze về cùng một khái niệm dung tưởng và phản ứng của họ về Kant và triết học hậu-Kant. Phản biện Kant của Deleuze chịu ảnh hưởng của Salomon Maimon. Maimon đã đẩy xa quan niệm của Kant về nội tại (immanence) bằng cách loại bỏ hết những vết tích của siêu vượt trong chủ thể siêu vượt. Kế đó Maimon cho rằng Kant đã thầm chấp nhận có những sự kiện tiên thiên (a priori) của lý trí (sự kiện tri năng trong Phê bình Lý trí thuần túy và sự kiện luân lý trong Phê bình Lý trí thực hành) để tìm ra “điều kiện khả hữu” của những sự kiện này trong siêu nghiệm cho nên đi vào vòng luẩn quẩn khi qui chiếu cái khả hữu từ cái được điều kiện hóa. Maimon cho rằng không thể chỉ đơn giản chấp nhận những sự kiện này mà phải chứng minh được chúng được suy diễn một cách nội tại chỉ từ lý trí. Theo Maimon, triết học phê bình không thể hài lòng với phương pháp đặt điều kiện nhưng phải dùng phương pháp truy tầm nguyên ủy (method of genesis). Hệ quả của phương pháp đặt điều kiện là quan niệm của Kant về những phạm trù (categories) có thể áp dụng vào kinh nghiệm khả hữu nhưng lại không đích xác chỉ ra được phạm trù có thể áp dụng được vào những đối tượng nào. Khái niệm nhân quả của Kant có thể là một khái niệm thiết yếu của kinh nghiệm khả hữu nhưng chính khái niệm này lại không cho phép phân biệt trong kinh nghiệm khả hữu đâu là những liên hệ (connections) thiết yếu và phổ quát và những liên hệ chỉ là những liên hợp (conjuctions) thường hằng tình cờ. Sau hết, quan niệm về nhị nguyên (duality) nổi tiếng của Kant lại cho rằng khái niệm và trực giác là không thể kết nối. Theo Maimon, chỉ thể vượt qua nhị nguyên này bằng nguyên lý của sự khác biệt trong đó nhất tính là điều kiện khả hữu của tư tưởng nói chung và chính sự khác biệt tạo thành điều kiện nguyên ủy của tư tưởng thực.
Những triết gia hậu-Kant chẳng hạn Fichte tuy chịu ảnh hưởng của Maimon nhưng vẫn đặt nguyên lý về sự khác biệt tùy thuộc vào nguyên lý nhất tính khi coi nhất tính như đặc tính của chủ thể tư tưởng còn sự khác biệt chỉ là giới hạn ngoại tại. Về phần Hegel phản bác Fichte và đặt sự khác biệt và nhất tính đối nghịch nhau trong biện chứng nhưng sự mâu thuẫn (contradiction) có khả năng tự hóa giải và hóa giải sự khác biệt bằng cách đặt sự khác biệt liên hệ với một nền tảng trong chuyển động luận lý biện chứng của nhất tính, khác biệt, khác biệt hóa (différentiation), đối nghịch, mâu thuẫn, nền tảng như trong quyển Đại/Khoa học Luận lý (Wissenschaft der Logik) cho thấy. Deleuze không đồng tình với quan niệm của Hegel về sự khác biệt: nguyên lý về sự khác biệt trong chính nó phải tác hành như một yếu tố nguyên ủy của kinh nghiệm thực sự, chính nó là nguyên lý của mọi tương quan như nhất tính, tương tự (analogie), giống nhau (ressemblance), đối nghịch, mâu thuẫn và phủ định (négation). Quan niệm này cho thấy ảnh hưởng của Nietszche: Chính bằng phương pháp phả hệ (méthode généalogique) Nietszche chỉ ra Kant không có khả năng đi tới nguyên ủy của tri thức và luân lý nhất là giá trị của chính chân lý. Quan trọng hơn phương pháp phả hệ đã giúp Nietszche coi nguyên lý về khác biệt như điều kiện của thực tại khi phân biệt sự khác nhau giữa những cách thế hiện hữu tích cực và tiêu cực được coi như nguyên lý của mọi giá trị.
Phê bình phép biện chứng Hegel của Deleuze có thể tóm lược ở ba điểm: thứ nhất biện chứng của Hegel bắt đầu bằng những khái niệm được coi như những tổng quát tính (généralités) như Cái Một tổng quát, Đa phức (Multiplicité) tổng quát, Vô hữu (Non-être) tổng quát và rồi thực tại được cấu tạo bằng những trừu tượng hóa (abstractions); thứ nhì, để bù đắp cho tính chất tổng quát của khái niệm Hegel cầu cứu tới phương pháp mâu thuẫn: Deleuze đặt câu hỏi như vậy thì phương pháp biện chứng có ích lợi gì khi mà nó tin rằng có thể tái nhập với thực tại, nó đã bù đắp sự bất toàn của khái niệm vì nó quá rộng bằng cách viện đến khái niệm đối nghịch hẹp hơn; sau hết chuyển vận của mâu thuẫn được kéo đi bằng phương tiện của lao động của cái phủ định. Deleuze tóm lược những ý này trong Différence et Répétition: “Điều họ [Kierkegard và Nietszche] trách cứ Hegel, chính là ông ấy vẫn ở trong chuyển vận giả, ở chuyển vận luận lý trừu tượng, nghĩa là ở “trung gian.”[216] Những phê bình Hegel của Deleuze này làm cơ sở cho Deleuze chủ trương một biện chứng pháp mới: biện chứng pháp là nghệ thuật đặt ra hay tạo lập những vấn đề được diễn tả trong những Ý niệm.
______________________________________
[210] Gilles Deleuze, Pourparlers trang 14: Ce que je détestait avant tout, c’était le hégélianisme et la dialectique.
[211] Gilles Deleuze, Nietszche et la Philosophie trang 9: L’anti-hégélianisme traverse l’œuvre de Nietszche , comme le fil de l’agressivité.
[212] Gilles Deleuze, Différence et Répétition, trang 1 Avant-Propos: Tous ces signes peuvent être mis au compte d’un anti-hégélianisme genéralisé.
[213] Alexandre Kojève, Introduction à la lecture de Hegel, nxb Gsllimard 1947
[213] Michel Foucault: L’ordre du discours nxb Gallimard trang 74: Mais je pense que ma dette, pour une très grande part, va à Jean Hyppolite. Je sais bien que son œuvre est placé, aux yeux de beaucoup, sous le règne de Hegel. Et que toute notre époque, que ce soit par la logique ou par l’épistémologie, que ce soit Marx ou par Nietszche, essaie d’echapper à Hegel: et ce que j’ai essayé de dire tout à l’heure à propos du discours est bien infidèl au logos hegelien.
[214] Jacques Derrida, GLAS nxb Denoël/Gonthier và La Carte Postale (một thứ nhật ký triết học) nxb Flammsrion.
[215] Henry Somers-Hall, Hegel, Deleuze and the Critic of Representation: Dialectics of Negation and Difference. Sunny Press 2012.
[216] Gilles Deleuze, Différence et Répétition trang 16: Ce qu’ils reprochent à Hegel, c’est d’en rester au faux mouvement, au mouvement logique abstrait, c’est-à-dire à la “médiation.”
(còn tiếp)
đào trung đạo
2020