photo:https://frieze.com

 

ĐÀO TRUNG ĐẠO

 

giles deleuze: triết học & không triết học

 

Michel Foucault trong bài Theatrum philosophicum/Diễn trường Triết học viết năm 1970 khi nói về hai quyển sách của Deleuze Différence et RépétitionLogique du Sens cho rằng tuy đó là hai tác phẩm lớn nhưng lại khó nói về và rất ít người đã nói về chúng. Sau đó Foucault đưa ra lời tiên đoán “Tôi tin rằng, công trình này sẽ quần quần trên đầu chúng ta trong một thời gian dài, […] Nhưng rồi mai mốt, có thể, thế kỷ sẽ là thế kỷ Deleuze.”[1]  Nhận định và cũng là lời xưng tụng này của Foucault khá mập mờ và Deleuze tìm cách diễn giải trong Pourparlers/Mạn đàm:“Tôi không biết Foucault muốn nói gì, tôi chẳng bao giờ hỏi ông ta cả. Ông ấy vốn có óc khôi hài quỉ quái. Rất có thể ông ấy muốn nói rằng trong những triết gia thuộc thế hệ chúng tôi thì tôi là kẻ hồn nhiên nhất.”[2] Tiên đoán của Foucault đã được chứng nghiệm tuy ở thời điểm Foucault viết bài này hai tác phẩm lớn khác Giles Deleuze viết chung với Felix Guattari là L’Anti-Œdipe ((1972-3) và Mille Plateaux ((1980) chưa xuất bản: Kể từ hai thập niên cuối thế kỷ trước và kéo dài trong những thập niên đầu thế kỷ 21 ảnh hưởng của triết học Giles Deleuze (1925-1995) không chỉ lan tỏa trong giới trí thức và nghiên cứu triết ở Pháp mà còn cả ở nhiều nước khác ớ Âu châu như Đức, Ý, nhất là ở Bắc Mỹ, tới những châu lục khác như Bresil, Nhật, Canada, Netherlands, Australia, và cả Hàn Quóc… Triết học Deleuze đã được nhiều sinh viên viết luận án tiến sĩ, các sách viết về Deleuze càng ngày càng nhiều. Deleuze không những chỉ được giới nghiên cứu triết ngưỡng mộ mà còn được giới viết luận thuyết văn chương, hội họa, chính trị, và điện ảnh tham khảo. Nhiều hội thảo, thuyết trình về triết học Deleuze đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là từ hai thập niên đầu thế kỷ 21.

 

   Tháng 11, 1995 Jacques Derrida trong bài ai điệu vinh danh Giles Deleuze than thở “Rồi ra tôi sẽ phải lang thang một mình” (Il me faudra errer tout seul)[3] Câu nói này của Derrida có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Một trong những nghĩa này theo Jean-Luc Nancy, là do việc Nancy vào mùa Xuân 1995 đề nghị với Deleuze và Derrida cùng trả lời song song một số câu hỏi, nhưng vào mùa Hè tình trạng sức khỏe của Deleuze đã là bất khả. Hơn nữa Nancy cũng hối tiếc vì đã quá chậm trễ trong việc soạn thảo những câu hói nên dự án này không thực hiện được và rối cuộc chỉ còn lại Derrida và dự án của Nancy vì vậy không được thực hiện.[4] Từ thời trẻ tuổi Deleuze đã mắc bệnh phổi và trải qua nhiều cuộc chữa trị nhưng trong những năm cuối đời bệnh trở thành quá trầm trọng nên vào ngày 4 tháng 11 Deleuze đã tự sát. Như vậy “lang thang một mình” cũng có thể hiểu là chỉ còn một mình là người “cùng thế hệ” vì cả Foucault lẫn Deleuze đều đã qua đời. Với Derrida, có quá nhiều điều phải nói về “biến cố” (événement) cái chết của Deleuze như một hình ảnh không thể tưởng tượng được. Derrida dùng từ “biến cố” vì Deleuze là triết gia về biến cố/sự. “Trên hết thảy, Deleuze nhà tư tưởng là nhà tư tưởng về biến cố và luôn luôn đặc biệt về cái biến cố này. Từ đầu đến cuối, ông ta vẫn là một nhà tư tưởng về biến cố này. Tôi đã đọc lại điều ông nói về biến cố, từ năm 1969, ở một trong những quyển sách vĩ đại nhất của ông, quyển Logique du Sens/Luận lý của Ý nghĩa.”[5] Với Derrida, những tác phẩm của Deleuze (nhất là các quyển Nietszche et la Philosophie, Différence et Répétition, Logique du Sens) không những là những khích động mạnh mẽ cho việc tư tưởng  mà còn là sự xáo động của kinh nghiệm về sự gần gũi với những chủ đề Deleuze đưa ra, nhất là chủ đề liên quan bất khả thu giảm trong việc chống đối sự đối nghịch biện chứng, một sự khác biệt “sâu xa hơn” một mâu thuẫn, một sự khác biệt nằm trong khẳng định được lập lại một cách khoái trá (vâng, vâng), một tính đến xem xét cái giả tượng/hình (simulacre). Derrida cũng nhận xét tuy giữa mình và Deleuze có những dị biệt nhưng Deleuze vẫn cứ là người gần gũi nhất trong số những người cùng một thế hệ. Tuy Derrida không thường gặp gỡ Deleuze trong những năm sau này nhưng vẫn cảm thấy bên tai vẳng nghe riếng cười của Deleuze: “Deleuze là một trong tất cả những người của “thế hệ này” “làm” triết học tươi vui nhất, hồn nhiên nhất.”[6] (xem chú thích #2)

 

   Phản bác triết học về chủ thề (philosophie du sujet) hay siêu hình học về chủ thể (métaphysique de la subjectivité) cổ điển xoay quanh ý niệm chủ thể phổ quát (Descartes, Kant, Husserl) từ những thập niên đầu thế kỷ 20 khởi đầu với Sigmund Freud đã “di-trung-tâm” (décentrer) chủ thể và thay vào đó bằng “ego” như một thành tố trong sự phát tán những vị trí của vô thức, Martin Heidegger trong Sein und Zeit đặt cơ sở hữu thể luận trên Dasein/Tại thể thay vì chủ thể, cấu-trúc-luận (structuralisme) loại bỏ vai trò chủ thể trong việc chỉ nghĩa, và sau đó là Georges Bataille, Jacques Lacan, Maurice Blanchot, Loouis Althusser…lần lượt đưa ra những quan niệm mới về chủ thể. Từ thập niên 60 thế kỷ trước chủ đề “chủ thể” chiếm vai trò quan trọng trong triết học của Giles Deleuze, Michel Foucault, và Jacques Derrida. Thay vì dùng ý niệm chủ thể Giles Deleuze dùng ý niệm cá biệt hóa (individuation) xét trên mặt phẳng nội tại (plan d’immanence). René Scheber nhận định hậu quả của việc này như một bài học: “Bởi chính từ cái “ngã-tôi” sự ngu xuẩn (bêtise) hình thành, sự ngu xuẩn này có bộ mặt vớicặp mắt trừng trừng, tin chắc về chính mình, nổi lên từ đáy cùng khắp, những ý tưởng được tiếp nhận, những vấn đề giả. Và chắc chắn, điều Deleuze dạy chúng ta, điều khó nhất, và cũng là điều luôn phải lập lại và xác quyết thêm nữa, phải chăng đó chính là việc thoát ra khỏi sự cố định đầu tiên trên cái tôi, ra khỏi sự cám dỗ của một chủ thể tính chung phần quá phổ biến; một chủ thể tính nơi việc tìm kiếm thể tính và tổng quát tính rỗng tuếch hợp nhất bế tắc hơn cả. Phải chăng chính việc xuyên thủng màn sương hay cái màn che chủ thể tính này là để giải phóng, từ phía sau hay xuyên qua, cái không gian vô tận của cái Deleuze gọi là hiện sinh không thể nghi ngở được, là những đa thể tính (multiplicitiés) và những cá thể tính (singularités), rằng chúng là cái nền duy nhất vững vàng.” [7]

 

   Michel Foucault làm rõ nghĩa cụm từ “cái chết của con người” tức “cái chết của chủ thể” được nêu ra trong quyển Les Mots et les Chose/Từ và Vật: “[…]: cái chung cuộc của con người chỉ là một trường hợp riêng lẻ […] một trong những hình thức nhìn thấy được của một đám tang rộng lớn hơn rất nhiều. Tôi không hiểu cụm từ này nghĩa là cái chết của Thượng đế, nhưng là cái chết của chủ thể, của Chủ thể viết hoa, của chủ thể như nguồn gốc và nền tảng của Hiểu biết (Savoir), của Tự do, của Ngôn ngữ và của Lịch sử.”[8]  Theo Foucault, không có chủ thế tuyệt đối (sujet absolu) nếu ta phân tích chủ thể trong những điều kiện nó vận hành.

 

   Trong khung cảnh triết học về chủ thể như sơ lược ở trên câu hỏi đặt ra là: như vậy chủ thể đã bị “thanh toán” (liquider) chưa? Hai quan niệm sau đây có thể là câu trả lời: Althusser mới chỉ tìm cách tước bỏ một phần quyền hạn nào đó của chủ thể nhưng vẫn giữ lại một chỗ không thể thu giảm của chủ thể trong hệ thống tư tưởng (idéologie) của mình, Foucault tuy phức tạp hơn qua những giai đoạn triển khai diễn ngôn về chủ thể nhưng tựu trung khi nói về lịch sử chủ thể tính (histoire de la subjectivité) Foucault cho thấy chủ thể không những không bị thanh toán mà còn được duy trì trong ý niệm chủ thể đạo đức. Trong một chiều hướng song hành phân tích hủy tạo ý niệm chủ thể của Derrida cũng hướng tới trách nhiệm (responsabilité) là cái vốn không thể tách rời chủ thể.

 

   Một vấn đề khác khá quan trọng trong triết học Deleuze: mối quan hệ đi lại giữa triết học và không-triết học. Giles Deleuze đã khẳng định ngay từ khởi nghiệp triết gia trong Différence et Répétition (1968): “Việc truy tìm những phương tiện biểu đạt triết học mới đã được Nietszche khai mào, và ngày nay phải được tiếp nối trong quan hệ với việc làm mới của một số nghệ thuật, kịch nghệ hoặc điện ảnh chẳng hạn.[9] Chính vì vậy xuyên suốt trong quá trình “làm triết học” Deleuze không ngừng khảo sát phần “không-triết học” (non-philosophie). Hơn hai mươi năm sau Deleuze trở lại vấn đề “không-triết học”: “Có thể “cái không-triết học” còn nằm ở trung tâm triết học hơn chính triết học; và điều này có nghĩa rằng triết học, từ trong yếu tính của nó, không thể nào chỉ hài lòng với việc được hiểu theo cách triết học hay ý niệm, nhưng cũng phải đối thoại với những người không là triết gia.”[10] Deuleuze lập lại phát biểu này trong những dòng cuối quyển Qu’est-ce que la philosophie/Triết học là gì?: “Triết học cần một không-triết học hiểu nó, triết học cần một sự hiểu không-triết học, cũng như nghệ thuật cần không-nghệ thuật, và khoa học cần không-khoa học.”[11] 

 

_____________________________________________________

[1] Michel Foucault, Dits et Écrits I trang 945: Longtemps, je crois, cette œuvre tournera au-dessus de nos têtes […] Mais un jour, peut-être, le siècle sera deleuzien. Bài này lần đầu đăng trên tạp chí Critique số 282 tháng 11 năm 1970.

[2] Giles Deleuze, Pourparlers, nxb Minuit trang 122: Je ne sais pas ce que Foucault voulait dire, je ne lui ai jamais demandé. Il avait un humour diabolique. Peut-être voulait-il dire ceci: que j’était le plus naïf parmi les philosophes de notre génération.  Bản Anh văn Negotiations của Martin Joughin nxb Columbia University Press trang 88-89.

[3]Jacques Derrida, Chaque fois unique la fin du monde, nxb Gallilee 2003. Có thể đọc bản dịch Anh văn I’m  going to have to wander all alone trong Jacques Derrida The Work of Mourning nxb Chicago University Press 2001 trang 194.

[4] Jean-Luc Nancy, Les différences parallèles: Deleuze et Derrida trong Deleuze Épars, Approches et Portraits nxb Hermann 2005 do André Bernold và Rochard Pinhas thu tập trang 8.

[5] Jacques Derrida, I’m  going to have to wander all alone trong The Work of Mourning trang 194: More than anything else, Deleuze the thinker is the thinker of the event and always of this event in particular. From beginning to end, he remained a thinker of this event. I reread what he said concerning the event, already in 1969, in one of his greatest books, The Logic of Sense.

[6] Sđd trang 193: Yes, we will have all loved philosophy, who can deny it? But, it is true – he said it – Deleuze was the one among all of this “generation” who “was doing” philosophy the most gaily, the most innocently.

[7] René Schérer, Un mysticism athée trong Deleuze, épars trang 23.

[8] Michel Foucault, Dits et Écrits trang 816:  Il n’y a pas à s’émouvoir particulièrement de la fin de l’homme: elle n’est que le cas particulier d’un décès beaucoup plus général. Je n’entend pas par cela la mort de Dieu, mais celle du sujet, du Sujet majuscule, du sujet comme origine et fondement du Savoir, de la Liberté, du Langage et de l’Histoire.

[9] Giles Deleuze, Différence et Répétition, PUF trang 4: La recherche de nouveaux moyens d’expression philosophique fut inaugurée par Nietszche, et doit être aujourd’hui poursuivie en rapport avec le renouvellement de certains autres arts, par exemple le théâtre ou le cinéma.

[10] Giles Deleuze & Felix Guattari, Qu’est-ce que la philosophie, nxb Minuit 1991 trang 43: Le non-philosophique est peut-être plus au cœur de la philosophie que la philosophie même; et signifie que la philosophie ne peut pas se contenter d’être comprise seulement de manière philosophique ou conceptuelle, mais s’adresse aussi aux non-philosophes, dans son essence.

[11] Giles Deleuze & Felix Guattari, Qu’est-ce que la philosophie? trang 205: La philosophie a besoin d’une non-philosophie qui la comprend, elle a besoin d’une compréhension non-philosophique, comme l’art a besoin de non-art, et la science de non-science.

 

(còn tiếp)

đào trung đạo