PHẠM  THUỲ  NHÂN



MÊ THẢO – THỜI VANG BÓNG



TỪ

CHÙA ĐÀN

 ĐẾN

MÊ THẢO – THỜI VANG BÓNG

 

(trích đoạn hồi ký)

 

Lê Cung Bắc, Tôi Và Thày Vũ Khắc Khoan

Từ Sân Khấu Đến Giảng Đường (1)

Từ Sân Khấu Đến Giảng Đường (2)

Thiên Đường Đã Mất (1)

Thiên Đường Đã Mất (2)

Rằng Trăm Năm Cũng Từ Đây

Câu Chuyện Nhỏ Của Tôi

Mê Thảo - Thời Vang Bóng

 

MỘT CÕI THẾ GIAN ĐẦY ĐAU ĐỚN, ĐAM MÊ!

Phan Tấn Hải, Orange County, California, USA

Đó là lời cảm thán của nhà văn Phan Tấn Hải khi bước ra khỏi rạp Edwards Westminster 10 Cinema, Orange County, California hôm chủ nhật 21-8-2005 (Google, 26-8-2005) sau khi xem bộ phim Mê Thảo - Thời vang bóng do nữ đạo diễn NSƯT Việt Linh thực hiện theo kịch bản của nhà biên kịch Phạm Thuỳ Nhân và Việt Linh chuyển thể dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân. Phan Tấn Hải viết:

Khi phim chạy lên hàng chữ kết thúc, khi đèn trong rạp bật sáng, khi những tràng vỗ tay vang lên khen ngợi, và khi khán giả đứng dậy chờ bước ra, tôi vẫn còn ngồi đó kinh ngạc, thấy mình như tơi tả - sau gần hai giờ đồng hồ xem một cuốn truyện mà mình mê thích từ nhỏ được chuyển thành phim, nhìn các hình ảnh hiếm hoi ở quê nhà từ cả thế kỉ trước, chứng kiến những mối tình dị thường trong “Mê Thảo – Thời vang bóng”, theo dõi những đam mê nhan sắc và âm nhạc của các nhân vật, và các mê loạn điệp trùng…

Đó là một cuốn phim hiếm gặp, không dễ làm, và cũng để lại các vết kí ức thật sâu, hệt như tiểu thuyết “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân, cuốn truyện mà phim mô phỏng và dựa vào. Phim “Mê Thảo – Thời vang bóng” do nữ đạo diễn Việt Linh thực hiện, đang chiếu ở Quận Cam, California, nói tiếng Việt, phụ đề tiếng Anh. Phim đã được nhiều báo Việt Ngữ ở Nam Cali khen ngợi, trong đó có lời của nhà phê bình phim CNN Nguyễn Ngọc Chấn rằng: “Một phim có thừa tiêu chuẩn quốc tế. Mê Thảo có nhiều yếu tố chiếm Oscar cho phim ngoại quốc…”. Thực tế, phim đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Bông hồng vàng tại Liên hoan phim Bergamo (Ý) và giải nhì của Quỹ Cổ động phát hành Quốc tế (Promotion Internationale des Films du Sud).

Toàn bộ phim xoay quanh một số nhân vật, giữa các xung động trong ấp Mê Thảo, một xã hội Việt Nam thu nhỏ thời thực dân Pháp. Một nhân vật chính tuy vắng mặt trong phim, nhưng lại phủ trùm bóng tối lên toàn bối cảnh: vị hôn thê của ông Nguyễn. Cô chết vì tai nạn, khi ngồi trên chiếc xe hơi ông Nguyễn tặng làm quà cưới. Đó cũng là lí do làm ông Nguyễn căm thù tất cả những gì gọi là văn minh hiện đại: từ chỗ căm thù chiếc xe hơi mang tai hoạ, tới chỗ buộc dân toàn ấp đốt sạch tất cả những gì thuộc về văn minh Tây phương, cả đồng hồ, sách vở, giấy mực, vân vân… và làm dân trong ấp khổ sở vì ông chủ quái dị này. Không ai thấy mặt cô chủ này trong phim, nhưng uy lực của cô hiện diện khắp nơi, làm ông chủ Nguyễn quay quắt thương nhớ, làm dân cả ấp kiệt sức với các lệnh “xoá sổ văn minh” mà ông chủ ấp ban xuống. Nhiều người dân phải bỏ ấp mà đi… Cô thiếu nữ vắng mặt đó biểu tượng cho những gì và vì sao cái chết của cô lại làm tiếc nhớ tới điên loạn cho ông chủ Nguyễn. Có phải cô là một mảnh hồn đất nước Việt Nam đã bị nền văn minh thực dân Đại Pháp giết chết? Không ai có câu trả lời, vì cả truyện và phim đều để lửng tất cả mọi nan đề… Hình ảnh cực kì đẹp. Với bối cảnh truyện là thời đầu thế kỉ 20, hình ảnh lạ lùng của một ấp Mê Thảo nơi miền trung du Bắc Việt, của thơ mộng ở một số góc phố Hà Nội, của đậm đà kỉ niệm nơi một số bến đò, núi đồi, góc rừng, và của văn minh nước bảo hộ Đại Pháp. Nhưng dị thường nhất là hình ảnh ngọn đồi dưới ánh lửa các ngọn đuốc, nơi ông Nguyễn cho chôn các vò rượu và rồi trở thành nơi xác của ông và của Tam, người nghệ sĩ đàn đáy tài hoa, nằm giữa các vũng rượu và bị thiêu cháy.

Một điều cũng hiếm gặp trong đời thường, đặc biệt với khán giả hải ngoại. Đó là nhạc ả đào, với giọng hát thu hồn của cô Tơ và tay đàn của Tam. Hai người là bạn tình, một mối tình tội lỗi vì cô Tơ đã có chồng. Cô Tơ tự dằn vặt, và nhiều lần muốn dứt bỏ vương víu sai trái để trở về với người chồng bệnh nan y. Nhưng định mệnh cô đã bị âm nhạc buộc lấy, cả sau khi người chồng từ trần. Và cây đàn cô thờ trên bàn thờ người chồng cũng là cây đàn ma quái. Đó là cây đàn mà Tam nài nỉ xin đàn dù biết rằng người sử dụng đàn sẽ chết, khi dứt bản nhạc, Tam đã dùng sinh mạng và tiếng đàn của mình để hi vọng cứu bệnh cho ông chủ, ông Nguyễn, người chủ ấp Mê Thảo, và là người một thời cứu mạng anh. Khi máu ứa ra nơi các đầu ngón tay đang bấm đàn, Tam vẫn say mê đàn, đôi mắt say sưa trong lúc tay vẫn bấm không rời các dây trên khuôn đàn. Đôi mắt cô Tơ nhìn anh đau đớn, biết rằng anh sắp gục chết giữa tiếng hát của cô, nhưng cô vẫn trân trọng cái giây phút cuối này, để giọng hát của cô vẫn đuổi theo tiếng đàn của anh Tam… Và khi sức mạnh huyền bí đã làm rung chuyển cây đàn, chỉ là để phản ứng lại các chuyển biến trong tâm của người muốn cầm chiếc đàn. Thế gian biết bao nhiêu là nghiệt ngã! Trần gian biết bao nhiêu là mê đắm! Hết mối tình này buộc, tới món nợ ân tình mang theo tận phút từ trần… Các tiếng đàn, giọng hát này chắc chắn sẽ đuổi theo họ tới bao nhiêu kiếp sau nữa.

Phim đã ghi lại được cái sức mạnh hiếm hoi như thế. Nhưng, hãy nhìn cho kĩ, hãy xem cho kĩ hơn: có phải chàng nghệ sĩ kia cũng là chính chúng ta, và mỗi người chúng ta đều mang sẵn trong hồn một cây đàn cầm riêng, để tới khi bấm cạn các nốt nhạc nghiệp lực thì rồi gục ngã… Đó không chỉ là nghiệp của người nghệ sĩ, mà còn là nghiệp của cõi người. Vui, buồn, cười, khóc, dốc ra cho cạn các đam mê vào dây đàn đời mình, tìm say đắm cho đời nhau, rồi khi các đầu ngón tay cạn máu thì gục ngã lên đàn mà chết. Đó là nghiệp của cõi người!

Một phim rất đáng xem. Rất đáng trân trọng. Không chỉ để nhìn các hình ảnh quê nhà đầu thế kỉ 20, hay chỉ để quan sát cách chuyển từ một cuốn truyện xuất sắc của Nguyễn Tuân, hay chỉ để thưởng ngoạn nghệ thuật thuần tuý, mà thực ra, còn để nhìn lại lòng mình, khi sôi nổi khóc cười cùng với các chuyển biến và nhân vật… Một cõi thế gian đầy đau đớn, đam mê…

 

THÂN PHẬN CỦA TÌNH YÊU

Nguoi thang long. Worldpress.com, Paris, Pháp

Lần đầu tiên đặt chân đến rạp chiếu phim Reflet Mediscis III tôi không hề có ấn tượng gì đặc biệt, ở Paris có biết bao nhiêu rạp kiểu thế này, mà điều thú vị hơn có lẽ là ngồi trong quán cà phê Le Reflet đối diện ngay cửa rạp, uống một li expresso và chờ đến giờ xem phim. Vé chỉ bán trước giờ chiếu 30 phút và trong rạp không có chiếu quảng cáo. Điều bất ngờ thú vị bắt đầu vào khoảng hơn 19h30 khi bỗng nhiên có rất đông người đến xếp hàng mua vé cho suất chiếu lúc 20 giờ. Tối nay nữ đạo diễn Việt Linh sẽ giao lưu cùng khán giả. Thủ sẵn chiếc vé trong túi tôi ung dung vào rạp lúc 19h55 phút và bất chợt thấy mình chỉ còn sự lựa chọn chỗ ngồi trong vài chiếc ghế còn trống ngay hàng đầu tiên! Rạp chật kín 128 chỗ, hơn một phần ba là người Việt Nam, còn lại là người nước ngoài. Có khá nhiều người đến chậm đành phải ngậm ngùi ra về. Như thế là sự kiện ở Paris đối với một bộ phim đến từ châu Á! - Nguoi thang long. Worldpress.com, Paris, Pháp (ngày 14-12-2004, Google) đã chia sẻ sau khi xem “Mê Thảo – Thời vang bóng”.

Nếu bạn đã từng yêu thích Nguyễn Tuân thì sẽ có thể dễ dàng nhận ra phong cách viết văn của ông, mà “Chùa Đàn” là tiểu thuyết duy nhất sáng tác vào khoảng 1940, được Việt Linh thể hiện lại khéo léo trong phim. “Mê Thảo” vẫn luôn nằm trong khuôn khổ của xã hội phong kiến nhưng không quá nặng nề và luôn mang một mầu sắc rất lãng mạn. Trong câu chuyện về một nơi chốn hoàn toàn không có thật đạo diễn Việt Linh lại đưa chúng ta trở về với những điều rất thật, với cuộc sống của muôn ngàn số phận không giống nhau, với những niềm vui và nỗi buồn, với tâm linh và thể xác. “Mê Thảo” là một bộ phim nói về tình yêu hay chính xác hơn là nói về thân phận của tình yêu.

Tuy không cực kì gây ấn tượng về các cảnh quay nói chung nhưng đạo diễn Việt Linh đã chọn được cho mình những khuôn hình rất đẹp, rải rác suốt chiều dài bộ phim, tạo nên ấn tượng thẩm mĩ tốt. Điều hay nhất là thông qua những góc nhìn rất thật ấy chị đã tái tạo lại cho chúng ta một thời đã qua ngay cả với những tông mầu hoàn toàn tự nhiên và không gian ngập tràn ánh sáng nhẹ nhàng.

Và âm nhạc chính là nền móng của “Mê Thảo”, với những làn điệu ca trù và chầu văn được soạn lại lời cho thích hợp với nội dung của phim, đạo diễn Việt Linh đã thành công trong việc tạo nên nét đặc trưng văn hoá của người Việt. Điều mà không phải bộ phim nào cũng làm được. Từ suốt hàng thế kỉ nay âm nhạc chính là tâm hồn của người Việt Nam. Tất cả mọi cung bậc của tình cảm đều có thể được tìm thấy ở trong ấy. “Mê Thảo” đã khai thác triệt để yếu tố này, dùng âm nhạc như một lời tự sự, như một cách diễn đạt tâm tư tinh tế nhất. Âm nhạc truyền thống đưa ta vào phim, đi suốt chiều dài cảm xúc và gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh vào cuối phim. Tôi thích câu nói của Tam trong cái đêm trăng ngồi uống rượu một mình: “Ta thà như cây đàn được rung lên một lần rồi tan nát vì thanh âm còn hơn là chết trong mục rỉ”. Điều khao khát ấy rất nghệ sĩ, rất con người và chỉ khi ta đã đi qua tất thảy mọi dục vọng đời thường mới có thể cảm nhận được nó một cách nguyên vẹn nhất.

Có thể nói “Mê Thảo” là một bộ phim đẹp, không những chỉ trong hình ảnh mà trong cả từng chi tiết được đạo diễn Việt Linh trau chuốt. Chính yếu tố này đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của bộ phim. Cuộc sống bình dị của làng quê Việt Nam được tái hiện lại nguyên vẹn rất hiền hoà và thỉnh thoảng lại mang đến cho khán giả những tiếng cười nho nhỏ, thư giãn suốt chiều dài bộ phim. Cảnh cô Cam vác mẹt tằm ra ao rửa, cảnh bến sông lúc giao hàng, cảnh doi đất chôn rượu, cây gạo hoa đỏ, cảnh thả đèn trời… và rất đặc biệt những cảnh hát chầu văn, ca trù… có thể nói là những hình ảnh tiêu biểu của “Mê Thảo”. Một trong những cảnh đẹp của phim khi Tam cho mang cây gạo từ bờ sông về trồng tại sân nhà.

Kết cục của bộ phim đã được dự báo trước ngay từ trong những sự kiện của nó. Sự điên loạn đến cùng quẫn của Nguyễn, cuộc sống bị cô lập trong những rào cản vô hình và hữu hình của ý thức hệ và trong những hủ tục, thói quen truyền thống của ấp Mê Thảo sẽ dẫn đến một kết cục tất yếu của bùng nổ. “Mê Thảo” chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Việt Nam thời ấy. Sự có mặt của những ông Tây làm nghề “công chính” là sự thật lịch sử nhưng trong “Mê Thảo” nó lại hoàn toàn chỉ mang tính tượng trưng cho một nền văn minh khác, cho một thế giới bên ngoài mà thôi. Bài học thu được trong “Mê Thảo” đã mất đi tính thời sự và cả giá trị sâu xa của nó cho dù cá nhân bạn có thể suy diễn theo khá nhiều khía cạnh.

Tôi nhìn nhận “Mê Thảo” đơn giản như một kí ức và những câu chuyện tình. Sự thật là cho đến tất cả những cảnh quay cuối cùng thì chủ đề tình yêu đã thật sự thống lĩnh linh hồn của phim. Cảm xúc mạnh duy nhất trong phim, rờn rợn như những câu chuyện ma của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, lại nằm trong cuộc gặp mặt đầy oan trái của Tam và Tơ. Nó chính là cây đàn bất hạnh được làm từ ván gỗ quan tài của một người con gái còn trinh. Thế nhưng nó lại chính là mấu chốt để làm bùng nổ tất cả, để xoá nhoà đi ranh giới mong manh giữa cái thực và cái ảo, giữa sự sống và cái chết. Con người ta không thể lựa chọn cái chết cho chính mình nhưng có thể định hướng để đi tới nó. Và Tam đã lựa chọn, một quyết định mang nặng cảm tính và không kém phần lí trí. Đạo diễn Việt Linh đã khéo léo thể hiện những trạng thái tình cảm rất bức xúc và đầy tinh tế này. Chị đã thành công trong việc diễn tả lại những gì Nguyễn Tuân đã cảm thấy vào thời ấy, trong tình yêu đôi lứa rất đam mê và vô cùng kính trọng lẫn nhau. Bên cạnh đó ta cũng phải nói tới tài năng diễn xuất của Đơn Dương đã góp phần kết thúc bộ phim một cách hoàn hảo nhất. Trên những phím đàn và những cung bậc rướm máu của năm đầu ngón tay ấy chính tình yêu đã trở thành bất tử.

 

“CHÙA ĐÀN” - THEO DÒNG LỊCH SỬ…

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến, Paris, Pháp

Đọc qua những dòng cảm xúc ở trên có thể thấy được sức hấp dẫn của tác phẩm Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân như thế nào! Mê Thảo – Thời vang bóng là bộ phim mà kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết vốn cũng rất “lạ” hoặc “chưa nghe nói” trong không ít đọc giả nhất là giới trẻ. Do vậy việc nhận dạng Chùa Đàn theo dòng lịch sử thiết tưởng cũng là việc cần thiết. Nhà phê bình văn học Đặng Tiến đã viết về điều này trên Google năm 2003 - khi ông xem bộ phim Mê Thảo – Thời vang bóng tại  LHPQT Deauville, Pháp:

“Chùa Đàn” xuất bản giữa năm 1946, trong một hoàn cảnh đặc biệt căng thẳng, giữa Hiệp ước sơ bộ Việt Pháp, tháng ba, và ngày Toàn quốc kháng chiến, tháng Chạp. Sau này tái bản khó khăn nên ít người biết. Chuyên gia về Nguyễn Tuân là Nguyễn Đăng Mạnh, năm 1981, làm tuyển tập, cũng chỉ lướt qua, cho đến 1989 anh mới có bài viết nghiêm túc và chính xác (…)

Tổng luận về Nguyễn Tuân, Nguyễn Đăng Mạnh đã dùng chữ “phức tạp” nhiều nghĩa mà Nguyễn Tuân tâm đắc theo một nghĩa nào đó. Vì ở Nguyễn Tuân, những khái niệm thông dụng ngày nay như chính diện, phản diện, tích cực, tiêu cực, duy mĩ, vị nghệ thuật, không thể quy chiếu đơn giản.

“Chùa Đàn” gồm ba phần. Phần II là chính truyện, khoảng 30 trang, có tên riêng: “Tâm sự của nước độc”. Viết ở ngôi thứ ba, kể chuyện xảy ra hồi đầu thế kỉ, tại ấp Mê Thảo, một địa danh tưởng tượng, chuyên nghề nuôi tằm dệt tơ, miệt trung du.

Chủ ấp, Lãnh Út, yêu một cô gái và chuẩn bị đám cưới thì cô dâu tử nạn vì xe bị lật. Từ nỗi tuyệt vọng vì tình, Lãnh Út đâm ra căm thù văn minh cơ khí, chìm đắm vào men rượu, tách mình ra khỏi thực tại, sống trong kỉ niệm, tuyệt vọng và hoang tưởng. Việc trang trại hoàn toàn giao phó cho quản gia là Bá Nhỡ, nguyên bị án tử hình, dù chỉ phạm tội ngộ sát trong một vụ án mạng.

Bá Nhỡ được chủ ấp bao che, nên tận tuỵ lo cho sức khoẻ của ân nhân và công việc trang trại. Bá Nhỡ là một tay đàn cự phách, đã từng đệm đàn cho Tơ, một đào hát lừng danh; anh muốn mời cô Tơ lên ấp hát, may ra điệu nhạc lời ca giải khuây và đưa Lãnh Út trở về thực tại. Nhưng từ ngày chồng chết, cô Tơ đã giải nghệ, và phát nguyện chỉ hát theo cung bậc của cây đàn người chồng quá cố để lại. Nhưng đây lại là cây đàn thiêng: ai đụng vào là có nguy cơ mất mạng. Bá Nhỡ chấp nhận cơ nguy dùng cây đàn thiêng: một là để cứu mạng ân nhân, hai là để thử thách lòng mình, trong tâm trạng tuyệt vọng: “Ta còn đợi gì nữa ở cuộc đời ta? Ta không chờ mong gì ai. Và tất cả các thứ tàu và chuyến tàu của cuộc đời này không chở một kẻ hành khách cô độc” (TT I, tr.396). Rồi Lãnh Út đánh trống, cô Tơ hát, Bá Nhỡ đàn, cho đến khi “bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay, xuất huyết và chết trên cây đàn oan nghiệt”!

Lãnh Út và đoàn tuỳ tùng đưa xác Bá Nhỡ về ấp. Rồi đốt cháy hết những vò rượu “vô cố nhân” và xây chùa tưởng niệm bạn xưa, gọi là Chùa Đàn. Cô Tơ xuất gia, giữ phần kinh kệ.

Cốt truyện “Tâm sự của nước độc” – cốt lõi của “Chùa Đàn” – tác phẩm văn học chấm dứt ở đây.

Sau đó, là sinh mệnh chính trị của nó.

Tác phẩm được sáng tác năm 1945 tại Bần Yên Nhân, ngoại thành Hà Nội, tại nhà bà Chu Thị Năm, chủ nhà hát cô đầu...

Năm 1941, Nguyễn Tuân bị Pháp bắt, còng tay, đưa đi trại tập trung Vụ Bản, Hoà Bình, cũng tại nhà bà Chu Thị Năm, theo lời kể của Tô Hoài.

“Tâm sự của nước độc”, tức là toàn văn “Chùa Đàn”, viết năm 1945, nhưng Nguyễn Tuân xếp cùng với các truyện huyền ảo mà ông đặt tên chung là Yêu ngôn, như “Xác Ngọc Lam”, “Lửa nến trong tranh”, ‘Loạn Âm”, “Bố Ô” (Rượu bệnh) viết trước đấy, khoảng 1943, cùng với những trang ghi lại những cảm giác và cảm tưởng hoang mang, kinh loạn của suốt một thời kì khủng hoảng (Tựa am Sông Tô, trong Tuỳ Bút II, 1943).

Cũng năm 1945, Nguyễn Tuân xuất bản tập truyện Nguyễn với lời đề đầu sách “Kính tặng tôi”, thì xảy ra cuộc Cách mạng tháng Tám, với đường lối văn nghệ ghi trong Đề cương Văn hoá 1943. Những trước tác kiểu “Yêu ngôn”, “Chùa Đàn” dĩ nhiên là bị xem như lỗi thời, sa đoạ, thần bí, ngược lại với ba tiêu chuẩn dân tộc, khoa học, đại chúng mà Đề cương đã vạch ra.

Thời kì này, Nguyễn Tuân hăm hở tham dự những cuộc xuống đường, giữa những “phố Hàng Cờ”, nhưng còn e ngại với cách mạng, chưa thật sự theo Việt Minh (TT III, tr. 509), cho đến khi Tố Hữu yêu cầu gặp, đầu 1946. Nguyễn Tuân trái khoáy, hẹn gặp ở nhà Thuỷ Tạ, bờ Hồ, một địa điểm “phức tạp”, chốn ăn chơi, đi lại của nhiều phe phái. “Không ngờ anh Lành (Tố Hữu) lại nhận lời. Tôi thấy anh Lành có bản lĩnh, chịu chơi, tôi bắt đầu nể anh, từ chỗ có cảm tình với anh Lành, tôi có cảm tình và theo cách mạng” (TT III, tr. 510).

Trong bối cảnh chính trị và tâm lí như thế “mùa xuân một năm tuổi” tức năm 1946, Bính Tuất – Nguyễn Tuân sinh 1910, Canh Tuất – ông đã thêm một cái đầu cách mạng và một cái đuôi Mác Xít cho “Chùa Đàn”.

Phần I – Dựng, làm dẫn nhập, viết ở ngôi thứ nhất, biến Lãnh Út thành một cán bộ cách mạng cộng sản tên Lịnh, gặp trong trại tập trung Vụ Bản. Lịnh là một nhân vật gương mẫu dứt khoát không động đến rượu và không nghe hát ả đào, và cuối cùng giải thích lí do khiến mình đoạt tuyệt với hai món đó, trong một nhật kí riêng, “Tâm sự của nước độc” - sau này sẽ là phần II của “Chùa Đàn” -viết 1932, trên con tàu biển, trên đường viễn dương truy tìm cách mạnh ở ngoài xứ.

Phần III – “Mưỡu Cuối”, cũng ở ngôi thứ nhất, chủ yếu kêu gọi cô Tơ – đã trở thành sư Tuệ Không – bỏ kiếp nâu sồng trở lại với đời sống dân dã, vì tu hành là một chuyến đánh bạc gian, ăn cắp gạo và vải của cuộc đời. Trở lại cuộc đời để cao giọng hát vì (câu kết): “Cho tới ngày nay, chưa có cuộc cách mạnh nào của con người mà bỏ được tiếng hát” (TT I, tr. 414).

Vá víu như vậy rõ là đầu Ngô mình Sở, không ra cái thống chế pê - tanh - đơ - gôn gì. Nguyễn Đăng Mạnh đã ghi nhận “sự vá víu khiên cưỡng, chắp đầu chắp đuôi với những lời thuyết lí ồn ào”, và còn thêm: “Bây giờ đọc lại những trang viết này chúng ta không khỏi bật cười: “Nguyễn Tuân sao mà nông nổi đến vậy!”

Hoàn cảnh trớ trêu: năm 1946, khi Nguyễn Tuân thêm phần I Dựng và phần III “Mưỡu Cuối”, là để cứu vãn phần II “Tâm sự của nước độc” sáng tác trước đó, bị xem như là suy đồi, sa đoạ. Nhưng bản án phần II có phần nhẹ: nó sa đoạ trong một xã hội sa đoạ, vì chưa được ánh sáng cách mạng rọi chiếu. Phần I và III, sáng tác dưới ánh sáng của “trời thu tháng Tám” bị cái án nặng hơn: xuyên tạc cách mạng, hạ thấp lãnh đạo. Sau đợt chỉnh huấn 1953, vào tháng 7, Nguyễn Tuân phải viết bản kiểm điểm “nhìn rõ sai lầm” như sau:

“Tự kiêu và chưa tự giác cách mạng của tôi còn biểu hiện cụ thể trong việc in “Chùa Đàn” giữa năm 1946. “Chùa Đàn” nguyên là một chuyện thần bí quái dị, rút ở tập “Yêu ngôn” phản khoa học, phản tiến bộ. Chuyện ấy là chuyện một địa chủ điên loạn trong hưởng lạc, muốn sống một cách dâm bạo, như cái kiểu của Musset “Máu, khoái cảm, và chết”. Tôi thêm vào chuyện ấy một đoạn đầu và một đoạn cuối, đưa tên địa chủ đó vào hoạt động cách mạng, sau khi nó đã đi tìm phiêu lưu trong mọi hưởng lạc. In “Chùa Đàn” năm 1946, tôi cũng tự cho là mình cũng hiểu cách mạng, nói được cách mạng và dựng được chuyện những người làm cách mạng. Thực ra tôi ngu dốt, không hiểu cách mạng là gì nên “Chùa Đàn” đã nói sai về thực chất của cách mạng, đã nói sai về chiến sĩ cách mạng vô sản. “Chùa Đàn” đã xuyên tạc Cách mạng Việt Nam giữa lúc Cách mạng tháng Tám đang có những khó khăn buổi đầu trong việc xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, giữa lúc một số địa chủ phản động đang chui vào các tổ chức đảng phái phản động để âm mưu phá hoại Cách mạng tháng Tám. Sáng tác vô chính trị “Chùa Đàn” là một tội lớn đối với Cách mạng tháng Tám”

(…)

Trong một bài tự phê “Nhìn rõ sai lầm” khác, viết ngày 8/4/1958, ông thừa nhận chịu ảnh hưởng “một số sách và tiểu thuyết của những tác giả tờ - rốt - skít hoặc có quan điểm tờ - rốt - skít về tư tưởng nghệ thuật (…) có thể nói rằng tôi vẫn còn kéo dài cuộc sống phiêu lưu ngay cả sau thời kì Cách mạng tháng Tám đã thành công rồi, và sự cải tạo tư tưởng của tôi chỉ mới bắt đầu có từ ngày kháng chiến” nghĩa là 1947.

Tôi dài dòng để nhấn mạnh ở một điểm: Phải dè dặt khi sử dụng chính trị, chính kiến để giải thích một tác phẩm văn học. Khi khẳng định Nguyễn Tuân viết “Tâm sự của nước độc”, năm 1945, tôi (Đặng Tiến) đã phải khảo sát tư liệu và dò hỏi dư luận. Và đã bị khuyến cáo, răn đe: Nói 1945 thì phải xác định trước hay sau Cách mạng tháng Tám! Làm như là ngày 19/8, hay bất cứ một ngày nào khác, có thể “lột xác” con người, tựa con bướm, con rắn, mặc dù năm 1945, Nguyễn Tuân đã ngông nghênh viết ra như thế.

 

VÀ… MÊ THẢO THỜI VANG BÓNG!

Năm 1986, khi còn làm phó đạo diễn cho NSƯT Việt Linh phim Phiên toà cần chánh án, tại một bìa rừng thuộc tỉnh Tây Ninh, trong khi nghỉ ngơi chờ đợi cảnh quay mới, tôi đã kể cho Việt Linh nghe nội dung tiểu thuyết Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân mà tôi rất thích do đạo diễn Hồ Quang Minh (Việt kiều Thuỵ Sĩ) đem bản photocopy từ Hà Nội về giới thiệu khi tôi làm phó đạo diễn cho anh ở phim Con thú tật nguyền (KB: Nguỵ Ngữ - Hồ Quang Minh, 1985). Minh cho biết bản photocopy này do nhà văn Lê Phương (Hãng phim truyện VN) chụp từ thư viện Viện Khoa học xã hội tại Hà Nội. Bấy giờ anh Lê Phương cũng mê tiểu thuyết này và có hẹn với Hồ Quang Minh nếu Minh làm đạo diễn thì anh sẽ viết kịch bản.

Và thật bất ngờ, khi nghe sơ qua câu chuyện Việt Linh vô cùng thích thú và yêu cầu tôi viết ngay kịch bản! Nhưng vào lúc đó, do lời hứa của đạo diễn Hồ Quang Minh với nhà văn Lê Phương cho nên tôi không thể bắt tay vào việc mặc dù trong thâm tâm tôi vẫn muốn làm một cái gì đó dựa trên tác phẩm này!

8 năm sau (1993), trước khi lên đường tham dự LHPQT Tokyo (1992) với phim Gánh xiếc rong và sau buổi chiếu chiêu đãi nhân bộ phim Dấu ấn của quỷ mới hoàn thành (1993), NSƯT Việt Linh nhắc khéo tôi: “Anh phải chuẩn bị ngay đề cương “Chùa Đàn” để sang Paris chào hàng. Nếu được thì anh em lại cùng cộng tác…”. Vậy mà đã 8 năm trôi qua!

Nữ đạo diễn bèn đi thẳng một mạch, còn biên kịch thì bắt đầu tự nhủ với mình: “Ờ… Cũng đã lâu rồi, không đợi được nữa, phải làm một cái gì đó về “Chùa Đàn” bởi Hồ Quang Minh cũng chẳng thấy động tĩnh gì sau chừng ấy năm!”. Sau này Minh cho biết anh và Lê Phương vẫn chưa mua bản quyền tiểu thuyết Chùa Đàn để làm phim! Điều đó có nghĩa là về mặt pháp lí Chùa Đàn vẫn hãy còn thuộc quyền sở hữu của gia đình cụ Nguyễn Tuân! Và tôi cảm thất yên tâm để bắt đầu cho cuộc “phiêu lưu”!

Từ khi còn đi học, nhất là khi học Việt văn tại Viện Đại học Đà Lạt ( 1970 – 1974), tôi luôn giữ trên kệ sách tập truyện ngắn Vang bóng một thời của nhà văn  Nguyễn Tuân do nhà xuất bản Cảo Thơm ấn hành tại Sài Gòn rất trang trọng! Tôi mê không khí Nguyễn Tuân kể từ những truyện ngắn đó. Cụ là một trong những bóng cây đại thụ che mát giấc mơ của tôi, một khi có dịp được thơ thẩn bước vào cái thế giới vô cùng thanh tao, diệu vợi đã làm nên cuộc sống tinh thần người Việt.

Vào thời điểm đó tôi chưa biết rằng cụ Nguyễn Tuân còn có Chùa Đàn! Phải đến khi được đọc cuốn tiểu thuyết này sau 1975 do đạo diễn Hồ Quang Minh đem bản photocopy từ Hà Nội về thì tôi mới biết đến “dung nhan” của Chùa Đàn như thế nào! Và tôi thật sự bị quyến rũ bởi cái không khí siêu thực, huyền ảo của những Yêu ngôn mà chỉ có Bồ Tùng Linh mới có thể mang lại được. Song Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh chỉ cuốn hút người ta bằng phần lớn những câu chuyện tình lãng mạn, ma mị pha lẫn kinh dị và say đắm dục tình giữa người và “ma”!

“Chùa Đàn” thì cũng vậy không phải vậy! Vậy vì cũng tạo nên không khí ma mị, huyền hoặc, hừng hực lửa dục vọng cháy bỏng lòng người; nhưng không phải vậyLiêu trai là chuyện giữa người với ma, còn Chùa Đàn là chuyện giữa người với người!

Tôi đã không mong tìm kiếm trong Chùa Đàn những con người có thật ngoài xã hội để làm hình mẫu cho phản ánh nghệ thuật. Nhưng, cuộc sống “phi thực” của những Út Lãnh, Bá Nhỡ, cô Tơ, Chánh Thú,… và cái ấp Mê Thảo kia với cái tửu phần (mộ rượu) có một không hai đã tạo nên một sức quyến rũ mạnh mẽ, kì bí, khiến cho lúc nào chúng cũng cựa quậy trong tôi như một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Vậy là, vô hình trung, cũng như Bồ Tùng Linh, cụ Nguyễn Tuân đã làm được cái việc biến giấc mơ bềnh bồng kia thành nguồn cảm xúc có thể chạm tới được, nhưng vẫn cứ xa khơi, chợt đến chợt đi… trong cuộc giao hoan chưa trọn…

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa!

(Truyện Kiều,Nguyễn Du)

Tôi cứ bị ám ảnh bởi Chùa Đàn sau khi đọc xong tiểu thuyết. Suốt nhiều ngày tôi cứ bị giục giã, hối thúc phải làm một cái gì đó trên nền tảng văn học, triết học mà tác giả đã xây dựng nên. Lúc đó (1985) tôi hoàn toàn không nghĩ tới việc đạo diễn Hồ Quang Minh sẽ mời ai chuyển thể Chùa Đàn cho anh (mà thực ra Minh đã hứa với nhà văn Lê Phương ở Hãng phim truyện Việt Nam rồi!) Tôi chỉ nghĩ rằng nếu như tôi chuyển thể tiểu thuyết Chùa Đàn thì tôi sẽ phải làm những gì! Và thế là trong một thời gian ngắn tôi đã có những “giải pháp của tôi” để “thay da đổi thịt” Chùa Đàn từ “bên ngoài” đến “bên trong” khi đã suy nghĩ kĩ lưỡng và cân nhắc thiệt hơn để không làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp ma mị của cuốn tiểu thuyết được xem là Nguyễn Tuân nhất của Nguyễn Tuân!

Suốt trong thời gian đọc Chùa Đàn (bản photocopy) năm 1985, tôi luôn luôn “dị ứng” vì cái Phần I Dựng và Phần III Mưỡu Cuối được gắn vào phía trước và phía sau của Phần II Tâm sự của nước độc. Tôi thấy chúng được tác giả “gắn” vào một cách khiên cưỡng, vì tôi tin là cụ Nguyễn Tuân không hề muốn phải làm cái việc phi nghệ thuật, phi thẩm mĩ này! Nhưng cụ không thể không làm vì sẽ ảnh hưởng đến bản thân cụ và tác phẩm Chùa Đàn một cách nặng nề! Cho nên, hơn 40 năm sau, trong một hoàn cảnh khác, nếu phải làm một cái gì đó đầu tiên trên Chùa Đàn thì tôi xin lỗi hương hồn cụ Nguyễn cho phép tôi được loại bỏ ra khỏi “cơ thể” Chùa Đàn 2 “khối u”  Phần IPhần III Mưỡu Cuối, để chỉ còn lại Tâm sự của nước độc cũng chính là “tâm sự” của cụ Nguyễn với cuộc đời này!

Việc thứ hai mà tôi xin được cụ cho phép là phát triển mối quan hệ tình yêu giữa Bá Nhỡ và cô Tơ một cách sâu sắc theo hướng: mối tình của hai người quả là oan nghiệt vì cô Tơ đã có chồng (ông Chánh Thú)! Nhưng tuy biết vậy mà họ vẫn yêu nhau tha thiết, để rồi “nửa đường đứt gánh”! Vì cố bảo vệ cô Tơ bị tên côn đồ sàm sỡ mà can tội ngộ sát, được Út Lãnh đưa về ấp Mê Thảo để thoát khỏi sự truy bắt của Sở Cẩm. Bá Nhỡ và cô Tơ bịn rịn chia tay nơi bến đò, hẹn ngày trăng tròn tháng sau cô Tơ sẽ lên ấp Mê Thảo thăm Bá Nhỡ. Nhưng rồi, số phận nghiệt ngã đã khiến Bá Nhỡ không thể gặp lại người yêu dấu! Lo lắng cho nàng, Bá Nhỡ muốn lén về Thành Nam (Nam Định) để tìm nàng nhưng thân phận của một kẻ sát nhân đang bị truy nã khắp nơi khiến cho Bá Nhỡ không thể thực hiện ý định của mình.

Cho đến khi tình trạng sức khỏe của ông chủ Út Lãnh quá suy sụp, bạc nhược bất ngờ muốn nghe lại giọng hát cô Tơ, thế là Bá Nhỡ tình nguyện giả trang thành một ông già lên đường về Thành Nam tìm lại cố nhân. Ông coi đây là sự trả ơn của mình đối với ân nhân. Nhưng trong sâu thẳm của tâm hồn chính là khát vọng gặp lại người xưa…

Khi về hỏi Liễu Chương Đài

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay?

                   (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Tất cả phần “thêm vào” của tôi trong kịch bản so với bản gốc Chùa Đàn là nhằm dẫn đến cái cao trào bi thương mà diễm lệ của Bá Nhỡ khi gặp lại cô Tơ, biết đàn vào cây đàn của ông Chánh Thú là gục chết nhưng với ông được chết bên cạnh người tình chung là thoả được ước nguyện duy nhất cả một đời bất hạnh của mình: tự quyết định đời mình bằng một hành động tự do!

Tất cả những dự phóng quan trọng đó về Chùa Đàn tôi ấp ủ trong lòng suốt từ phim Con thú tật nguyền năm 1985 (tôi làm phó đạo diễn cho Hồ Quang Minh) cho đến khi bộ phim Dấu ấn của quỷ hoàn thành vào năm 1993. 8 năm chờ đợi và đã đến lúc tôi sẽ ra tay là “một cái gì đó” về Chùa Đàn theo thúc giục của đại diễn Việt Linh trước khi chị sang Paris!

Và tôi đã bắt tay vào việc viết đề cương kịch bản này trong một tâm trạng như thế. Có những chi tiết của nguyên bản được giữ lại, có những chi tiết được lược bớt hoặc bỏ đi, những chi tiết mới được thêm vào …Tôi viết liền một mạch trong một thời gian ngắn vài tuần rồi gởi sang Paris cho Việt Linh. Sau đó đạo diễn đóng góp thêm vào nhân vật cô Cam…

Ban đầu, kịch bản tôi viết mang tên Thời vang bóng do lưu luyến cái tựa sách Vang bóng một thời! Sau Việt Linh thêm vào tên ấp Mê Thảo để thành ra Mê Thảo – Thời vang bóng! Tên tác giả cũng vậy. Ban đầu chỉ mỗi mình tôi như ở Gánh xiếc rong Dấu ấn của quỷ (vì tôi không muốn viết chung) nhưng ở phim này thì khác: trong kịch bản gởi về cho tôi từ Paris, tôi thấy có tên Việt Linh đồng tác giả với tôi. Tôi ngạc nhiên về việc này khi không được báo trước ngay từ đầu! Bởi như hồi Gánh xiếc rong Dấu ấn của quỷ tôi luôn luôn nhấn mạnh chịu   hoàn toàn chịu trách nhiệm về kịch bản của tôi dù gặp bao sóng gió! Việc đạo diễn sau đó có muốn bổ sung, sửa chữa gì là chuyện của đạo diễn trên bộ phim (dĩ nhiên có sự trao đổi với biên kịch)! Đó là nguyên tắc của tôi!

Khi viết kịch bản tôi chỉ dựa trên văn bản của Chùa Đàn và Vang bóng một thời để mặc cho trí tưởng tượng bay đi trong sáng tạo. Và tôi đã mạnh dạn “cởi trói” cho cụ Nguyễn! Lúc đó tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất: làm sao trung thành được với tinh thần, với những đường nét mĩ học mà nhà văn đã dựng nên trong nguyên tác. Có thể là tôi chưa đủ sức vươn tới được để có thể nắm bắt trọn vẹn điều đó. Nhưng, dù sao tôi cũng có cái “thế giới tinh thần” của mình!

Hơn 2 năm sau (1995) từ Hà Nội chúng tôi (Việt Linh, tôi và Franck –nhà sản xuất người Pháp đại diện hãng phim Le Bureau) đi Sơn Tây, Hà Bắc… ghé qua nhiều địa danh nổi tiếng mà trước kia tôi đã chỉ có thể mơ tưởng qua thơ văn: Bất Bạt, Ba Vì, sông Thương, sông Đuống, Bắc Ninh… Hầu như mỗi người yêu Hà Nội theo cái cách khác nhau. Phú Quang có Em ơi Hà Nội phố, có lẽ vì anh sinh ở thành phố có 36 phố phường này. Còn tôi? Tôi yêu Hà Nội qua Tự Lực văn đoàn, qua những câu thơ của Quang Dũng: Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ trong bài thơ Tây Tiến sau này! Từ làng cổ Đường Lâm bước ra, đi trên lối nhỏ với hai vòng tường bằng đá ong, tôi nói với người bạn cùng đi chọn cảnh đạo diễn phim tài liệu là tại sao Sơn Tây gần Hà Nội thế! Tôi nghĩ là phải xa hơn, đúng như không khí Tây Tiến, ở đó nhà thơ nhìn về Hà Nội mà bồi hồi: Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm. Anh bạn đạo diễn cười: “Bây giờ ngồi ô tô thì khác, nhưng hồi đó sơ tán thì… xa thật! Đêm đêm nhìn về Hà Nội thấy cái quầng sáng ánh điện hắt lên bầu trời là khóc”.

Song chúng tôi thật thất vọng khi Mê Thảo –Thời vang bóng (tựa tiếng Pháp il fut un temps) bị “trục trặc” không triển khai được sau khi Franck trở về Pháp một thời gian. Giấy phép đã không được Bộ Văn hoá Thông tin cấp!

Giá như lúc đó mọi chuyện đều hanh thông thì tôi tin chắc rằng chúng ta đã có một bộ phim được đầu tư đầy đủ từ kinh phí đến phương tiện kĩ thuật chắc chắn sẽ phong phú hơn nhiều! Thôi thì… cứ coi như lần đó chúng tôi chưa có cái duyên! Tôi nghĩ một khi trà còn, đàn đáy còn, rượu còn, phở còn, ma quỉ còn… thì đến một lúc nào đó Út Lãnh, Bá Nhỡ, Cô Tơ… sẽ lại tích tịch tình tang cùng chúng ta. Anh A, anh B có thể chết đi nhưng đã là cái tinh văn hoá thì không bao giờ chết được. Và tôi tin rằng một ngày nào đó Chùa Đàn sẽ lên phim nếu không phải là Mê Thảo – Thời vang bóng của chúng tôi thì cũng là của người khác. Ai cũng được miễn tôn vinh văn hoá Việt Nam là quý hoá rồi!

5 năm sau (2000), đúng vào dịp kỉ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân, thật kì diệu, Hãng phim Giải phóng đã nhận được tin vui: giấy phép của Bộ VHTT cho sản xuất bộ phim đáng chờ đợi này với kinh phí hoàn toàn VN như một sự trân trọng nhà văn Nguyễn Tuân nhân kỉ niệm 90 năm ngày sinh của ông.

3 năm sau (2003), phim Mê Thảo – Thời vang bóng được trao giải Bông hồng vàng (La Rosa Camuna) tại Liên hoan phim Bergamo, Italia, lần thứ 21, năm 2003.

          Tháng 9 - 2019

          PHẠM THUỲ NHÂN

(Nhà biên kịch phim truyện điện ảnh & truyền hình) 

 

http://www.gio-o.com/PhamThuyNhan