photo :htv.com.vn

 

 

PHẠM THÙY NHÂN


THIÊN ĐƯỜNG ĐÃ MẤT !

 

(kì 1)

 

hồi ký

 

Lê Cung Bắc, Tôi Và Thày Vũ Khắc Khoan

Từ Sân Khấu Đến Giảng Đường (1)

Từ Sân Khấu Đến Giảng Đường (2)

 

BƯỚC NGOẶT ĐỊNH MỆNH

  Bấy giờ là cuối năm 1974. Tôi đang học năm thứ 4 (năm cuối) Ban Cử nhân giáo khoa Việt văn tại Viện Đại học Đà Lạt. Mọi chuyện có vẻ như đang diễn ra một cách yên ả đối với tôi thì một “biến cố” xảy ra đã xoay cuộc đời tôi sang một hướng khác mà tôi không nghĩ đến trước đó.

Bấy giờ tôi đang học môn Tiểu thuyết với giáo sư Lê Hữu Mục. Năng lực chuyên môn của thày rất đa dạng và phong phú: thày là một chuyên viên về chữ Nôm có tầm cỡ, đã biên dịch, hiệu đính nhiều tác phẩm Văn chương Quốc âm thuộc tủ sách cổ văn của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá; thày cũng là một trong số hiếm hoi các giáo sư bảo trợ có uy tín của nhiều sinh viên học bậc Cao học sau khi tốt nghiệp Cử nhân Ban Hán Nôm, Việt văn thuộc ngành Văn khoa tại các đại học tên tuổi: Đại học Huế, Đại học Sài Gòn, Đại học Đà Lạt…

Tại Văn khoa Đà Lạt, thày rất quý tôi dành cho tôi nhiều cảm tình bởi trong số các sinh viên Ban Việt văn thì có thể nói tôi là người tỏ ra khá thông thạo về chữ Nôm, có thể xử lí nhiều văn bản chữ Nôm, hiểu được sự cấu tạo của thứ chữ cổ này và những quy luật ngữ học chi phối cách đọc nó. Trong khi đó ngược lại có nhiều bạn rất vất vả, căng thẳng khi học môn này và là nỗi ám ảnh không rời trước mỗi kì thi lên lớp, và nếu phải tổng kết thì có thể nói Hán-Nôm là môn khiến nhiều bạn sinh viên Việt văn phần lớn là nữ phải lưu ban! Thế là năm thứ 3 thày phân công tôi phụ đạo giúp cho họ việc này! Vì vậy các bạn trong lớp vui miệng gọi tôi là “phụ khảo”! Không ngờ chẳng bao lâu sau sự vui đùa vô tư kia lại là “cái điểm”  nó vận vào mình! Thôi thì…

 

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách gẫm Trời gần Trời xa!

                             (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

         

Nếu mối quan hệ học vấn giữa tôi và thày Lê Hữu Mục chỉ dừng lại ở lãnh vực Hán-Nôm thì có lẽ chẳng có gì phải nói. Song ở năm cuối thày lại dạy thêm môn Tiểu thuyết. Các môn học ở năm cuối này rất thú vị: Kịch nghệ, Tiểu thuyết, Thi ca, Phê bình Văn học… Nó giúp cho trí tuệ của mình bay lên thăng hoa vượt qua những giới hạn của những môn học có tính cách nhập môn, khuôn mẫu … Song chính sự khai phóng này đã khiến chàng trai trẻ yêu chủ nghĩa hiện sinh và khát vọng tự do như tôi lại cả tin lao vào những lời hứa hẹn để rồi cái gì đến thì lại quá bất ngờ!

 

Lỗi của tôi, lỗi của tôi, lỗi của tôi mọi đàng.

                                      (Kinh Cáo Mình)

 

Đó là buổi sáng cuối cùng chấm dứt môn Tiểu thuyết của thày Lê Hữu Mục. Tác phẩm Hồn bướm mơ tiên của nhà văn Khái Hưng, Tự lực văn đoàn được thày dựa vào để phát triển luận đề tình yêu cao thượng mà thày rất trân trọng, vinh danh. Sau khi chấm dứt bài giảng, thày hỏi cả lớp ai có ý kiến gì thì mạnh dạn phát biểu bởi tình yêu là một điều hệ trọng, thiêng liêng của con người! Cả lớp đều im lặng kể cả các anh chị lớn tuổi phần lớn là giáo viên, công chức đi học thêm. Có lẽ họ biết phát biểu cũng chẳng lợi lộc gì, không khéo lại rước hoạ vào thân!

Nhưng tôi thì lại khác. Thú thật tôi không cho rằng “cái gọi là tình yêu” giữa chú tiểu Lan và anh chàng Ngọc trong tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên là tình yêu đích thực! Bằng cảm xúc của tuổi trẻ về tình yêu, phân tâm học và những khắc khoải về thân phận, nỗi cô đơn và sự nối kết liên ngã vị hiện sinh… tôi cho rằng chẳng có cái gọi là “cao thượng” trong mối quan hệ giữa Lan và Ngọc ! Toàn bộ hành động mà tác giả dẫn dắt người đọc trong tiểu thuyết chỉ là quá trình : khởi đầu, diễn tiến và cuối cùng lên đến cao trào – thoả mãn sự hiếu kì của “phái nam” khi khám phá ra đối tượng là “phái nữ”! Mục đích cuối cùng đã được thực hiện, khát vọng khám phá đã được thoả mãn thì thử hỏi “cao thượng” ở chỗ nào! Đây thực sự chỉ là một quá trình khám phá về dục vọng trên nền tảng quả dục của Phật giáo.

Trong khi tôi sôi nổi phát biểu bằng tất cả nhiệt tình, sự trung thực của tuổi trẻ thì tôi thấy trên bục giảng thày Lê Hữu Mục đang đổi khác, khuôn mặt thày đỏ bừng! Và lúc tôi vừa chấm dứt lời phát biểu thì thày quát lên bằng tiếng Pháp: “C’est l’amour des animaux!” (Đó là tình yêu thú vật!). Sự giận dữ của thày khiến tôi bối rối, không hiểu tại sao thày lại có thái độ cực đoan như vậy! Nhưng tôi không có thì giờ nghĩ ngợi nữa vì thày đã chỉ tay ra cửa quát tiếp cũng bằng tiếng Pháp: “Va t’en!” (Đi ra!).

Tôi lẳng lặng mở cửa giảng đường Minh Thành 3 đi ra. Những đôi mắt ái ngại, chia sẻ nhìn theo nhưng chẳng làm gì khác được! Tôi ra khỏi giảng đường Minh Thành, đang giờ học nên hầu như sân Viện Đại học vắng tênh. Tôi bước xuống bậc cấp rồi đứng lại giữa ngã ba đường: ra cổng, xuống Chính trị Kinh doanh, qua Khoa học! Đi đâu? Tôi chẳng biết đi đâu nữa! Tôi cảm thấy cô đơn! Bất chợt, bằng một phản ứng vô thức, đôi chân tôi quay lại bước lên bậc tam cấp nhưng không phải vô giảng đường Minh Thành hoặc thư viện mà men theo con đường nhỏ bên cạnh thư viện đi tắt lên câu lạc bộ sinh viên nơi Kịch đoàn Thụ Nhân đang chờ tôi đến tập vở - chính là con đường mà thày Vũ Khắc Khoan vẫn thường đi và để lại trong kí ức nhiều thế hệ sinh viên hình ảnh rất đẹp về một “quý ông” (gentlemen) rất phong cách, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ bay bay theo gió.

Hai người thày mỗi người một phách, cả hai đều xuất chúng trong lãnh vực của mình khiến tôi và nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng những gì mà họ tiếp tục đối xử sau đó với tôi được xem như là liều thuốc thử thực sự họ là ai?

 

“TÌNH YÊU CAO THƯỢNG” TRONG…

Không bao lâu sau việc tôi bị thày Lê Hữu Mục đuổi ra khỏi lớp là kì thi khoá 1 (mỗi lớp thi 2 khoá / năm; sinh viên hỏng khoá 1 sẽ thi khoá 2 để lấy điểm cuối cùng được lên lớp hay không). Tôi đến phòng thi lúc nào cũng trong một tâm trạng rất thoải mái, thong dong vì tôi tin vào kiến thức của mình ở hầu hết các môn có tính chất khai mở như: Kịch nghệ, Thi ca, Tiểu thuyết, Phê bình Văn học, Thẩm mĩ học, Hán văn, Pháp văn… Nhưng thật bất ngờ khi tôi gặp một tình huống “khó xử”, “tiến thoái lưỡng nan” xảy ra: buổi sáng hôm ấy – mà đối với tôi là một buổi sáng định mệnh – chúng tôi thi môn Tiểu thuyết của giáo sư Lê Hữu Mục. Tôi hoàn toàn không có một áp lực, một ám ảnh gì về vụ đã bị thày đuổi ra khỏi lớp cách đó không lâu vì tuổi trẻ không chấp nhứt và nhất là vì tôi quá bận cho công tác đạo diễn và biểu diễn của Kịch đoàn Thụ Nhân! Niềm say mê Kịch nghệ khiến tôi quên cơn thịnh nộ của thày! Bấy giờ tôi đang dàn dựng vở Ga xép của thày Vũ Khắc Khoan!

Nhưng khi mở phong bì bài thi thì tôi cảm thấy cả người tôi chợt nóng bừng và như thấy khuôn mặt giận dữ, đỏ lừng của thày Lê Hữu Mục đang nheo mắt nhìn tôi, miệng nhếch mép cười khiêu khích! Vì trên tờ giấy in đề thi chỉ có duy nhất một đề : “Tình yêu cao thượng trong Hồn bướm mơ tiên”! Không có đề thi thứ 2 (mà lẽ ra phải có theo thông lệ để sinh viên chọn 1 trong 2 đề!). Trong khi các bạn sinh viên khác cắm cúi làm bài thi thì tôi lại ngồi thừ ra nghĩ ngợi giữa 2 chọn lựa: một là làm bài theo như quan điểm của thày trong cua giảng được in thành sách làm tài liệu học tập cho sinh viên mà các bạn tôi sử dụng; hai là làm theo ý mình đã phát biểu hôm đó, bị thày mắng là “tình yêu thú vật” và đuổi tôi ra khỏi lớp!

Tôi nghĩ nếu làm theo ý thày thì dễ thôi, cứ việc chép lại y chang lời thày giảng là được điểm cao, chẳng sợ gặp rắc rối gì! Nhưng danh dự của tôi không cho phép tôi làm như vậy! Vì trước đó tôi đã phản bác lại quan điểm “tình yêu cao thượng” của thày một cách sòng phẳng và bình đẳng trên “tinh thần đại học” rồi! Nhưng thày lại phản ứng gay gắt đuổi tôi ra khỏi lớp! Dĩ nhiên tôi phải đi ra thôi. Nhưng thú thật tâm tôi không phục, lòng tôi bất tuân! Tôi rời khỏi giảng đường Minh Thành mà cảm thấy cô đơn lắm! Tôi nghĩ đến mẹ tôi mà lòng dạ rối bời, nếu mẹ tôi biết được việc này thì sao? Chắc chắn mẹ tôi sẽ lo lắng cho cậu con trai duy nhất của mình bà không bao giờ tin rằng tôi đã làm sai! Nhưng rồi tôi lại thấy hình ảnh thày Lê Hữu Mục ngồi ở chiếc bàn trên bục giảng, miệng phì phèo điếu thuốc lá mắt nheo nheo nhìn về hướng tôi như thách thức: “Nào! Có giỏi thì bảo vệ lí lẽ của cậu đi! Hôm ấy cậu hùng hồn lắm mà, sao bây giờ lại ngồi im thin thít thế? Thay đổi quan điểm rồi à? Biết vậy là tốt! Biết thì cứ làm bài y như cua giảng của tôi nhé! Hừ! Tưởng cậu khí khái lắm, hoá ra cũng thuộc loại “miệng hùm gan sứa” thôi! Nghĩ đến đó tôi thấy máu nóng bốc lên như vừa bị lăng mạ, sỉ nhục. Lập tức tôi quyết định không nghĩ ngợi gì nữa mà viết ra những gì tôi đã nói và sau đó bị đuổi ra khỏi lớp! Va t-en! Cụm từ đó tôi còn nhớ cho đến bây giờ!

 

03/20: ĐIỂM LIỆT!

Và tôi chắc chắn bị rớt khoá 1 thực sự khi thày Nguyễn Hồng Giáp – Phó Khoa trưởng Văn khoa gặp tôi tại khoảng sân giữa giảng đường Minh Thành và thư viện nghiêm giọng thông báo bài thi môn Tiểu thuyết của tôi bị thày Lê Hữu Mục cho điểm liệt 03/20! Thày Nguyễn Hồng Giáp rất quý tôi vì từ khi thày ở Pháp về tham gia giảng dạy môn Sử và làm phó khoa trưởng Văn khoa (thày đỗ Tiến sĩ đệ tam cấp ngành Sử học tại Đại học Sorbonne Paris) đặc biệt thày rất thích xem kịch Thụ Nhân và từ đó gắn bó mật thiết với chúng tôi. Trong những dịp Kịch đoàn Thụ Nhân về diễn tại Đại học Vạn Hạnh và Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, thày được Viện phân công làm trưởng đoàn vừa đối ngoại vừa đối nội nên có điều kiện tiếp xúc mật thiết với sinh viên. Thày khoái anh em Kịch đoàn Thụ Nhân đến mức khi chúng tôi diễn vở Ngộ Nhận (Le Malentendu, Albert Camus) tại Đại học Vạn Hạnh, trên sân khấu giảng đường 18 nhìn xuống khán phòng là bắt gặp cặp mắt kính của thày ở những vị trí khác nhau nhìn lên sân khấu, nhưng không bao giờ chúng tôi bắt gặp thày ở hàng ghế VIP cùng với các Thượng toạ, Đại đức hay quan khách mà thường ở cuối khán phòng, cửa thoát hiểm nhìn lên, ánh sáng khiến mắt kính thày loá sáng mỗi khi cử động. Rồi khi màn hạ hết hồi hoặc vãn tuồng, lại thấy thày lao vào bắt tay khen ngợi hoặc góp ý diễn xuất của vai này, vai kia rất hào hứng!

Nhưng việc tôi bị điểm liệt của thày Lê Hữu Mục khiến cho thày Nguyễn Hồng Giáp ngạc nhiên tại sao lại có thể như thế được! Và thày lưu ý tôi tìm cách trả lời với giáo sư Nguyễn Khắc Dương – Khoa trưởng Văn khoa, bởi thày Dương hoàn toàn không chấp nhận kết quả này! Thày Khoa trưởng còn đổ thừa có thể vì tôi mê kịch thày Khoan quá nên lơi lỏng môn Tiểu thuyết của thày Mục khiến thày Mục giận chăng?

Cho nên khi gặp tôi thày Khoa trưởng nhăn mặt khó chịu hỏi:

-Cậu đã làm hỏng kế hoạch của Văn khoa rồi! Chúng tôi định giữ cậu lại làm phụ khảo Việt văn, nhưng với kết quả học tập như thế này thì làm sao? Cậu trả lời thành thật với tôi, tôi muốn biết tại sao đề thi đó không có gì là khó mà cậu lại làm hỏng để bị điểm liệt! Rồi tôi sẽ ăn nói với Cha Viện sao đây! – Chợt xua tay, nghiêm giọng: - Bỏ kì một, thi lại kì hai!

Tôi cũng nghiêm túc thưa với thày:

-Thưa thày, thi lại cũng vô ích thôi!

Thày Nguyễn Khắc Dương trố mắt nhìn tôi:

-Cậu nói gì lạ vậy! Sao lại vô ích? Chúng tôi sẽ lấy điểm kì hai!

-Nhưng thưa thày, em tin chắc nếu thày Mục biết được bài thi kì hai đó của em thì em sẽ bị điểm liệt ngay cho dù có làm hoàn hảo cỡ nào!

-Tôi không tin thày Mục tệ như vậy! Đó chẳng qua là do cậu bị thành kiến với thày Mục thôi!

-Thưa thày em không thành kiến! Em đã bị thày Mục đuổi ra khỏi lớp khi phát biểu ngược lại ý thày!

Giáo sư Nguyễn Khắc Dương đăm đăm nhìn tôi:

-Thày Mục đuổi cậu! Tại sao? Cậu nói rõ tôi nghe!

Tôi điềm tĩnh kể:

- Trong giờ tiểu thuyết, thày Mục giảng tình yêu giữa Ngọc và Lan trong Hồn bướm mơ tiên của nhà văn Khái Hưng là “tình yêu cao thượng” còn em thì không! Tại sao? Ngọc khát khao phát hiện cái bí mật phái tính của Lan được che giấu dưới lớp áo nâu sồng, cuối cùng thì anh ta đã biết được Lan là nữ khi chiếc áo nâu của Lan bung ra bày cả ngực bị nịt chặt lúc Ngọc kéo Lan nhảy qua mương nước! Mức độ yêu cầu của Ngọc chỉ dừng lại ở đó, chớ không có yêu cầu gì khác! Nhìn ở góc độ tình dục học thì dục vọng bản năng của người nam đã được thoả mãn! Cho nên em cho rằng không có “cao thượng” gì ở đây!

Thày Nguyễn Khắc Dương tỏ vẻ bối rối rồi trầm ngâm nói:

-Nhưng nếu cậu không thi lại kì hai theo quy chế thì Khoa biết lấy gì đánh giá năng lực của cậu?

-Em cám ơn thày! Nhưng em nói thật, ngày nào thày Lê Hữu Mục còn dạy Ban Việt văn ở Đại học Văn khoa Đà Lạt thì em đừng hòng tốt nghiệp Cử nhân!

Thày Nguyễn Khắc Dương im lặng rồi quay đi mà không nói gì thêm. Tôi nhìn theo thày, lòng bối rối, hoang mang không biết phải làm gì!

 

  Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!

                                      (kinh Cáo mình)

 

Tôi về phòng trọ ở số 62 đường Hoàng Diệu – căn phòng này thuộc dãy nhà ngang của một ngôi biệt thự cũ mà tôi đã thuê từ năm thứ nhất liên tục đến năm thứ tư. Tôi nằm dài trên giường nghĩ ngợi vẩn vơ đủ chuyện. Nếu tôi không tốt nghiệp đại học thì ông nội tôi sẽ vô cùng thất vọng vì đứa cháu nội đích tôn mà ông đặt quá nhiều kì vọng lại cũng chỉ khiến cái giấc mơ khoa bảng của dòng họ ông tan thành mây khói! Còn bà nội tôi thì sẽ rất giận dữ khi cuối cùng thằng cháu nội mà bà dạy dỗ, uốn nắn từ khi còn bé theo cung cách truyền thống Huế lại tiếp tục là con ngựa chứng bất kham! Chỉ có mẹ tôi là không kết tội tôi, nhưng bà chỉ sợ nếu tôi không tốt nghiệp thì tôi cũng như bao nhiêu thanh niên khác sẽ bị lùa ra chiến trường! Bà rất sợ tôi chết! Nghĩ đến đó tôi giật mình ngồi bật dậy, tôi phải chiến đấu để tự cứu lấy mình “không để giáo sư Lê Hữu Mục giết tôi”!

 

THÀY ƠI, CỨU EM!

Thế là trưa hôm sau tôi đã có mặt tại nhà thày Vũ Khắc Khoan số 7 Duy Tân quận 1 – Cư xá Giáo sư Đại học Sài Gòn, nơi nhiều giáo sư và gia đình trú ngụ kể cả thày Lê Hữu Mục! Thày Vũ Khắc Khoan tiếp tôi ở phòng khách và ngạc nhiên khi thấy sự xuất hiện có phần bất thường của tôi mà thày linh cảm thấy. Thế là tôi đi ngay vào vấn đề. Thày im lặng ngồi nghe với vẻ nghiêm trọng sau đó thày nói:

-Tối nay cậu đến tôi nhé! Tôi muốn gặp một vài thày khác để tham khảo!

7 giờ tối thày và tôi ngồi trên xích lô máy rời khỏi cư xá giáo sư. Bình thường một mình thì thày đi xích lô đạp chớ không đi xích lô máy! Tự nhiên tôi cảm thấy rất vui khi được cùng đi với thày trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế này! Chiếc xích lô máy chạy xình xịch qua nhiều con phố mà ban đêm tôi không định vị được. Bỗng thày kêu xe dừng lại rồi nói tôi ngồi đợi thày một lát. Một lúc thày trở ra. Ngồi trên xe về thày nói:

-Người tôi vừa gặp là thày Phạm Văn Diêu!

Tôi buột miệng lo lắng hỏi:

-Thày Diêu có nói gì về em không? Em và thày Diêu “kị giơ” nhau lắm đó thày! Sinh viên sợ thày Diêu lắm, họ kháo nhau thày Diêu là cái “máy chém” đó thày!

Thày nhếch miệng cười:

-Nhưng ông ấy không chém cậu đâu mà sợ! Ngược lại thày Diêu khen cậu chữ Hán, chữ Nôm khá, bài thi trên trung bình!

Khi về đến cư xá, chúng tôi xuống xe thày nói:

-Không vướng chỗ thày Diêu là được rồi! Cậu cứ yên tâm về lại trên ấy nhé!

Tôi cúi đầu thưa:

-Nếu không có thày ra tay em chết mất!

-Tôi chỉ làm những gì lương tâm tôi yêu cầu!         

-Em cám ơn thày!  

Tôi chờ thày quay đi lên cầu thang rồi mới ra về. Lòng tôi nhẹ tênh…

Sau đó không lâu Hội đồng Văn khoa họp và vấn đề của tôi cũng đã được giải quyết, thày Nguyễn Hồng Giáp cho biết như sau: tôi dư điểm đậu nhưng nếu kẹt điểm liệt (03/20) thì vẫn rớt để chờ điểm thi kì 2 môn Tiểu thuyết của thày Lê Hữu Mục thế nào! Nhưng, như tôi đã nói với thày Khoa trưởng Nguyễn Khắc Dương, ngày nào thày Lê Hữu Mục còn dạy Ban Việt văn ở Đại học Văn khoa Đà Lạt thì tôi đừng hòng tốt nghiệp Cử nhân! Thày quyết “triệt buộc” tôi bằng điểm liệt! Nhận thức được hoàn cảnh của tôi Hội đồng Khoa áp dụng một phương thức khác: cắt bớt 02 điểm của một môn có điểm số cao để sớt qua điểm liệt 03 cho thành 05 điểm. Vị chi môn Tiểu thuyết của thày Lê Hữu Mục tôi được 05 điểm (chớ không phải 03)! Vậy là với 05 điểm điều chỉnh này tôi vượt qua được kì thi tốt nghiệp Ban Cử nhân giáo khoa Việt văn. Chắc chắn đó không phải là sự chờ đợi của thày Lê Hữu Mục rồi!

Nhưng sau “chiến thắng” đó tôi bỗng nhận ra một sự thật khắc nghiệt đối với con đường học vấn của tôi: mối quan hệ thày-trò tốt đẹp giữa tôi và thày Lê Hữu Mục trước đó đã tan vỡ không còn có thể hàn gắn được nữa! Điều đó có nghĩa con đường học lên bậc Cao học Việt văn với một đề án cao học đặt nền tảng trên việc nghiên cứu về chữ Nôm hoặc một tác phẩm Văn chương Quốc âm như thày Nguyễn Thanh Châu đã làm là Thạch Sanh – sẽ không thể thực hiện được vì không có giáo sư bảo trợ! Bởi có thể nói tại Viện Đại học Đà Lạt thày Lê Hữu Mục là giáo sư “độc quyền” có uy tín trong lãnh vực Hán Nôm! Nói tóm lại suốt 4 năm trời mỗi mùa nghỉ hè tôi đều đi điền dã miệt mài sưu tầm, nghiên cứu ở nhiều địa phương khác nhau suốt một dãi từ Bình Thuận đến Huế. Hể nghe nói ngôi chùa, ngôi đình nào còn lưu giữ những văn bản chữ Nôm là tôi tìm đến để xin được chụp ảnh, đọc qua, thậm chí thấy tôi còn trẻ, có vẻ ngoài “dân chơi” nhiều người không tin và bày trò thử thách xem thực hư thế nào, đến khi nhìn thấy thực lực họ vui vẻ trao tặng hoặc cho tôi mượn văn bản chữ Nôm để chụp hình lại làm tài liệu! Nhưng bây giờ tất cả đều là công cốc khi mối quan hệ giữa tôi – sinh viên và thày Lê Hữu Mục – giáo sư bảo trợ (duy nhất) coi như “không đội trời chung”!

Và để giúp tôi dứt khoát thái độ, một hôm tôi đến thăm thày Nguyễn Thanh Châu mà tôi đã học môn Hán – Nôm trong những năm đầu Ban Cử nhân Việt văn - chúng tôi rất thích thày vì thày tính tình ôn nhu, dáng vẻ tao nhã, viết chữ Hán rất đẹp trong khi tôi viết xấu lắm! - Tôi hỏi thày về một “bí mật” mà trước đó tôi không dám hỏi vì ái ngại: “Sao hồi đó thày làm luận văn Cao học với truyện Nôm Thạch Sanh mà lâu quá không thấy trình?” Thày mỉm cười nhỏ nhẹ nói: “Vì khi tôi đang làm nửa chừng thì ông Lê Hữu Mục đề nghị tôi đem cuốn Thạch Sanh đi bán! Tôi thất vọng không tiếp tục làm nữa!” Chúa ơi! Chuyện như đùa ra nước mắt!

Bấy giờ tôi cảm thấy chán nản và thất vọng! Quỹ thời gian còn quá ngắn ngủi, tôi phải làm gì đây? Và tôi chợt nhớ tới thày Vũ Khắc Khoan. Bữa nay thày từ Sài Gòn lên có giờ dạy ở năm thứ ba. Một chị giáo viên cho biết như vậy hôm qua. Thế là tôi đến nhà thày ở số 14 Nguyễn Tri Phương gặp bác Thức – bạn thân của thày trông nhà giùm mỗi khi thày về Sài Gòn. Bác Thức cho biết thày vừa lên, thế là tôi mừng rỡ chạy vào. Thày ngồi một mình ở phòng khách hút tẩu nhìn ra tươi cười:

-Cậu có chuyện gì mà mặt mũi bơ phờ thế? Thi cử đã xong rồi mà!

-Dạ! Thày lên đúng lúc, may quá! Em đang bối rối chưa biết phải giải quyết chuyện học hành của em sau Cử nhân như thế nào?

-Sao cậu nói với tôi là đã chuẩn bị từ lâu đề tài về chữ Nôm?

-Nhưng thưa thày, tình hình quan hệ giữa em với thày Mục bây giờ tệ hại như thế này gặp mặt còn không xong nói gì chuyện bảo trợ! Em rất dị ứng khi nghe nói đến ông ấy! Em đã bị thày Mục xuống tay “hạ thủ bất hoàn” hiểm độc như vậy thì có chuyện gì mà thày không làm được! Đã là thày sao có thể nhẫn tâm với học trò mình như vậy vì không cùng quan điểm!

Thầy Vũ Khắc Khoan chậm rãi nhả khói. Mùi Seventy nine thơm dịu thoang thoảng bên mũi. Rồi thày chậm rãi hỏi:

-Lúc trước tại sao cậu lại có ý định làm luận văn Cao học với đề tài Hán-Nôm?

-Vì em thấy mình có khả năng thưa thày? Hơn nữa lúc đó mối quan hệ giữa em và thày Mục rất tốt. Thày cử em làm phụ khảo chữ Nôm thay thày giúp các bạn yếu trong lớp! Không hiểu sao chỉ vì Hồn bướm mơ tiên mà thày lại xử em không “cao thượng” chút nào!

-Đừng nghĩ tới ông Mục nữa nhé! Nghĩ tới ông ấy nhiều cậu sẽ bị “tẩu hoả nhập ma” đấy!

-Dạ!

-Cậu xem trong các môn học chính cậu còn có khả năng về môn nào nhất?

-Dạ... Kịch nghệ, thưa thày!

-Chính xác!

-Nhưng em chỉ làm đạo diễn và diễn viên thôi!

-Vậy những tài liệu Hát Bả trạo tại Phan Rí Cửa mà cậu đã ghi chép và thuyết trình trên lớp thì sao?

-Em chỉ viết chơi thôi ạ! Em không nghĩ đó là sự nghiên cứu sâu rộng như khi em tiếp xúc với Hán-Nôm!

-Đó là cậu mới tiếp xúc với Văn chương Quốc âm! Thế cậu có đọc những vở tuồng của cụ Đào Tấn viết bằng chữ Nôm chưa? Vở Trầm hương các, vở Tân Dã Đồn chẳng hạn...

-Dạ chưa ạ!

-Vậy thì nên giữ cái vốn Hán-Nôm của cậu có lúc mà dùng. Còn trước mắt cậu đừng lo nghĩ gì, hãy viết lại đề tài Hát Bả trạo tại Phan Rí Cửa một cách kĩ lưỡng, chi tiết để làm Cao học, tôi nhận bảo trợ đề tài này!

-Ôi, thày! Đơn giản vậy sao?

Thày mỉm cười chậm rãi nói:

-Cuộc sống vốn đơn giản chỉ do con người làm phức tạp ra thôi!

-Cám ơn thày!

-Hai vở kịch Thành Cát Tư Hãn Ga xép của tôi là hai vở khó dựng hoàn toàn khác nhau về mặt thẩm mĩ – một là bi kịch cổ điển, hai là kịch phi lí hiện đại. Nhưng trong một chừng mực nào đó cậu đã giữ được khán giả suốt buổi diễn. Tôi nghĩ là còn khó hơn viết một luận văn Cao học đấy! Phải có người nghiên cứu và phát huy nền kịch nghệ truyền thống của Việt Nam chứ! Cậu đã thử thách mình trong lãnh vực đạo diễn rồi, bây giờ tiếp tục phát huy năng lực mình trong lãnh vực nghiên cứu nhé!

-Dạ!

-Nhưng tôi không thể làm gì được nếu cậu đã hành xử sai! Trong vụ vừa rồi Hội đồng Khoa đã đứng về phía cậu!         

-Cám ơn thày ạ!

Bất chợt thày trầm ngâm rồi nói:

-Hôm cậu xuống khẩn cấp báo cho tôi vụ bị điểm liệt của ông Mục, tôi đã nghĩ đến giải pháp cuối cùng đó! Để an toàn tôi đã cho bài thi của cậu 16 điểm vì đến lúc đó tôi vẫn chưa chấm bài của lớp cậu!

Rồi thày chợt nghiêm giọng nhìn ra xa vừa chậm rãi nói tiếp:

-Trong cuộc đời dạy học của tôi từ Hà Nội vào đến Sài Gòn, tôi chưa hạ bút cho ai 16 điểm cả! Đó là điểm số cao nhất của tôi!

Tôi xúc động nhìn thày. Chỉ tới lúc đó tôi mới biết được sự khó khăn của thày khi quyết định. Rồi thày nói tiếp:

-Nhưng cậu xứng đáng!

Mãi đến bây giờ mỗi khi nhớ lại sự việc đó, nước mắt tôi cứ ứa ra không biết bao nhiêu lần rồi!

Thày ơi!

 

  Duyên trăm năm đứt đoạn

  Tình một thuở còn hương.

                   (Đoàn Phú Tứ)

 

(còn tiếp)

 

Mùa Vu Lan Kỉ Hợi (15-08-2019)

PHẠM THUỲ NHÂN

(Nhà biên kịch phim truyện điện ảnh & truyền hình)