PHẠM THUỲ NHÂN

 

TỪ SÂN KHẤU ĐẾN GIẢNG ĐƯỜNG

 

(kỳ 1)

 

hồi ký

 

SÂN KHẤU

 

GIẢNG ĐƯỜNG 18 - ĐẠI HỌC VẠN HẠNH

 

Năm 1973, để chọn một hoạt động văn nghệ hoặc thể thao giao lưu với Viện Đại học Vạn Hạnh sau khi Vạn Hạnh đã cử một lực lượng thể thao hùng hậu lên thăm, Ban Kịch Thụ Nhân đã được Viện Đại học Đà Lạt chọn vì là sinh hoạt văn nghệ độc đáo, khác biệt mà không một viện đại học nào tại miền Nam có được, vào thời điểm đó: tổ chức và quản lí tốt một ban kịch nói mà các nghệ sĩ, chuyên viên kĩ thuật đều là sinh viên song lại rất chuyên nghiệp! “Mang chuông đi đấm xứ người” thế nào cũng tạo được tiếng vang!

 

Vậy là chúng tôi mang cả bầu đoàn thê tử về Sài Gòn với 2 vở kịch: Thành Cát Tư Hãn (Vũ Khắc Khoan) và Ngộ Nhận (Le Malentendu, Albert Camus). Chúng tôi diễn 2 đêm tại giảng đường 18 – được xem là hiện đại nhất tại miền Nam lúc bấy giờ do CHLB Đức tài trợ với trang thiết bị truyền hình trực tiếp phục vụ cho việc giảng dạy. Nhưng sân khấu của giảng đường 18 lại không phải được thiết kế để diễn kịch mà chỉ giảng dạy hoặc trình diễn ca nhạc vì chiều sâu của nó khá nông trong khi chiều cao của phần sau sân khấu (lointain) lại thấp! Bù lại nó được trang bị một hệ thống ánh sáng và âm thanh rất hiện đại khiến cho chúng tôi không khỏi choáng ngợp khi tiếp xúc lần đầu tiên! Được sự hỗ trợ của các kĩ thuật viên về ánh sáng và âm thanh của Đại học Vạn Hạnh những bối rối bước đầu đã nhanh chóng được khắc phục.

 

Đêm đầu tiên chúng tôi diễn vở Thành Cát Tư Hãn của Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan (ĐD: Phạm Thuỳ Nhân). Giáo sư đến dự cùng với các thượng tọa, đại đức trong ban lãnh đạo và giảng huấn của Viện cùng đông đảo các sinh viên và khách mời. Đêm diễn rất thành công và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả với những tràng pháo tay bất chợt nổi lên chia sẻ cho một câu thoại hay, một nét diễn xuất tinh tế của diễn viên.

 

Đêm thứ hai chúng tôi diễn vở Ngộ Nhận (ĐD: Lê Kim Ngữ). Giáo sư Vũ Khắc Khoan tiếp tục đến dự để động viên tinh thần các kịch sĩ – sinh viên khiến chúng tôi rất khích lệ! Sau lời giới thiệu, cả khán phòng và sân khấu tối đen tạo nên bầu không khí bí mật, hoang mang cho khán giả đối với những ai đã đọc qua vở kịch nổi tiếng này của Albert Camus thậm chí có người tưởng mất điện! Rồi bất ngờ vang lên giọng đọc trầm ấm như của một linh mục đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” trong Phúc âm theo Thánh Luca: “Con thưa cùng cha rằng: Cha ơi, tôi đã đặng tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa. Nhưng người cha bảo đầy tớ rằng: Hãy mau mau lấy áo tốt nhứt mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chân. Hãy bắt con bò mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được”.

 

Khi đoạn Phúc âm - do bạn Năm Lửa sinh viên CTKD đọc trong hậu trường - vừa kết thúc lập tức cả khán phòng vang lên tiếng vỗ tay vang dội khi bắt được “tư tưởng” của vở diễn mang tinh thần Kinh Thánh (Tân Ước) đến giao lưu cùng Bát Nhã Ba La Mật Đa! Thế là sợi chỉ đỏ đã được nối kết một cách thông tuệ, tinh tế giữa hai cội nguồn tâm linh vi diệu! Trong tác phẩm của Albert Camus không có đoạn intro vô đề này. Đây là sáng tạo của Ban Kịch Thụ Nhân!

 

Thày Vũ Khắc Khoan rất thích thú khi xem Thành Cát Tư Hãn Ngộ Nhận với cách dàn dựng và cách “đọc” mới của chúng tôi, khiến cho việc thưởng thức các kịch phẩm mới mẻ hơn, sâu sắc hơn. Và đây cũng là những cố gắng của chúng tôi nhằm mang lại cho Ban Kịch Thụ Nhân Viện Đại học Đà Lạt một diện mạo riêng không lẫn vào những nhóm kịch khác tại Sài Gòn lúc đó!

 

 

 

TỪ GIẢNG ĐƯỜNG SPELLMAN ĐẾN CÂU LẠC BỘ SINH VIÊN

 

Sau 2 đêm diễn tại Đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn phục vụ cho giới trí thức và sinh viên yêu kịch nghệ, Ban Kịch Thụ Nhân trở về Đà Lạt với tư thế mới. Chúng tôi được Ban lãnh đạo Viện Đại học Đà Lạt tin tưởng vì đã tạo được tiếng vang lớn không chỉ trong giới đại học và báo chí mà còn trong quần chúng yêu kịch. Bởi sự xuất hiện của Ban kịch Thụ Nhân đã góp phần làm một cuộc “thay máu” sinh hoạt kịch nghệ tại miền Nam ngoài sân khấu ca kịch cải lương vốn được xem là đặc sản cây nhà lá vườn. Và, Giáo sư Vũ Khắc Khoan đã khẳng định vai trò tiên phong của mình trên sân khấu kịch nói (thoại kịch), trên giảng đường đại học với những vở kịch có giá trị nghệ thuật và tính tư tưởng như: Thằng cuội ngồi gốc cây đa (1948), Hậu trường (1949), Giao thừa (1949), Thành Cát Tư Hãn (1961), Ngộ nhận (1969), Những người không chịu chết (1972), Ga xép (1974) cũng như những công trình biên khảo về sân khấu truyền thống: Vở chèo Quan Âm Thị Kính, Tìm hiểu sân khấu chèo (1974)… nhất là ảnh hưởng của thày về nhân cách, về phong cách, về kiến thức và sự tài hoa đối với các sinh viên của thày trong đó có tôi!

 

Ban Kịch Thụ Nhân được Ban lãnh đạo Viện Đại học Đà Lạt cũng như các sinh viên dành cho một tình cảm thương yêu trân quý đặc biệt; bằng tài năng, niềm say mê nghệ thuật và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ đã tạo nên uy tín và sự mến mộ của mọi người đối với ngôi trường của mình. Có thể nhìn thấy những ánh mắt thân thiện, những nụ cười sẻ chia tình cảm dành cho các kịch sĩ – sinh viên của Ban Kịch Thụ Nhân sau những gì họ đã làm được trên sân khấu của một viện đại học Phật giáo nổi tiếng như Viện Đại học Vạn Hạnh!

 

Thế là khởi đầu quy mô của ban kịch được “nâng cấp” thành Kịch đoàn: Kịch đoàn Thụ Nhân Viện Đại học Đà Lạt gọi tắt là Kịch đoàn Thụ Nhân! Trưởng đoàn được toàn thể các bạn trong Kịch đoàn bầu lên là bạn Nguyễn Thanh Long (Long râu) - sinh viên Khoa học. Có Kịch đoàn thì phải có trụ sở làm việc, giao dịch với bên ngoài và ban điều hành. Trụ sở thì Sinh viên vụ của Viện giao cho Kịch đoàn một căn phòng rộng rãi, tươm tất có thể tiếp khách và họp hành nội bộ hoặc đọc kịch bản, triển khai tập vở mới. Căn phòng này nằm trong toà nhà câu lạc bộ sinh viên mới xây dựng toạ lạc giữa khu nhà nguyện Năng Tĩnh, khu học xá Bình Minh và khu giảng đường của Trường Chính trị Kinh doanh, Trường Chính trị Xã hội… Dĩ nhiên công năng chính của toà nhà này là phục vụ nhu cầu ẩm thực (ăn sáng, ăn trưa) cũng như gặp gỡ trao đổi, hàn huyên giữa các sinh viên với nhau. Đây cũng là nơi Kịch đoàn Thụ Nhân họp mặt bàn bạc, giao lưu, thư giãn trước hoặc sau khi tập kịch.

 

Ngoài ra, mỗi khi dựng vở mới (dài 2 giờ - 2g 30) Sinh viên vụ sẽ cấp cho ban kịch một khoản tiền 20.000đ (dư dã cho 5 tháng cơm thịnh soạn ở tiệm cơm sang ngoài khu Hòa Bình) để trang trải chi phí dựng vở. Tất nhiên là chúng tôi phải chạy vạy thêm!

 

Toà nhà câu lạc bộ sinh viên này còn là nơi để lại cho tôi nhiều kỉ niệm ngọt ngào và cay đắng của quảng đời sinh viên mà đối với tôi là quảng thời gian huy hoàng nhất tại thành phố Đà Lạt.

 

Nơi đây tôi đã cùng anh em Kịch đoàn Thụ Nhân thường xuyên lui tới sôi nổi bàn bạc, tranh luận bên li cà phê những vấn đề nghệ thuật của vở kịch: tư tưởng, đường dây phát triển hành động kịch, tính cách và tâm lí nhân vật, đối thoại, ánh sáng, âm nhạc và đề co… Các xơ dòng Tận Hiến phục vụ nấu nướng, pha chế thức ăn, thức uống nghe chúng tôi thao thao bất tuyệt cứ tưởng chúng tôi là sinh viên ngành kịch nghệ! Nhưng thực ra hoàn toàn không phải vậy! Phạm Văn Lại, Ngọc Quỳnh, Nguyễn Văn Xuyên, Hà Văn Đính, Nguyễn Xuân Thành (Tư Cầy), Ngọc Ánh, Trần Đại Hùng, Nguyễn Thanh Toại, Yến, Vi Cường, Hữu, Hiệp… là sinh viên Chính trị Kinh doanh; Nguyễn Thanh Long tức Long râu (Khoa học); Lê Kim Ngữ, Phạm Thuỳ Nhân, Diệu Hằng, Lê Hữu Khanh (Văn khoa); và nhiều bạn khác mà hơn 30 năm qua mất còn với biết bao tang thương dâu bể!

 

 

 

VAI THÀNH CÁT TƯ HÃN

 

Có thể nói tại miền Nam vở kịch Thành Cát Tư Hãn của Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan là vở kịch kinh điển trên sân khấu kịch nói (thoại kịch) được tác giả viết rất đường bệ, trang trọng, hoàn hảo theo trường phái cổ điển của kịch nghệ phương Tây gồm: luật Tam duy nhất của kịch Pháp thế kỉ 17: Duy nhất hành động, Duy nhất địa điểm, Duy nhất thời gian và được bố cục theo 5 phần của kịch Hi Lạp cổ đại gồm: Màn Giáo đầu + Hồi thứ nhất + Hồi thứ hai + Hồi thứ ba + Màn Vĩ thanh (Prologue + Act1 + Act2 + Act3 + Epilogue). Trong khi đó đường dây hành động và hệ thống nhân vật được sắp xếp, bố trí khéo léo, nhiều kịch tính; đối thoại trau chuốc, hấp dẫn… tạo nên một hiệu quả sân khấu đầy tính thẩm mĩ và thanh lọc (catharsis) theo quan niệm của triết gia Hi Lạp cổ đại Aristote về  Bi kịch!

 

Việc được đóng vai Thành Cát Tư Hãn trong vở diễn này cũng là điều đáng nói. Về mặt kịch bản, đó là một trong những vai nam chính dài nhất trên sân khấu Việt Nam, xuất hiện liên tục không rời sàn diễn suốt gần 3 giờ không nghỉ! Hầu như diễn viên nào đã đóng vai Thành Cát Tư Hãn thì đều bị ấn tượng, ám ảnh nặng nề và sâu sắc về tâm sinh lí như ai đã đóng qua vai Hamlet – chàng hoàng tử Đan Mạch giả điên để che mắt kẻ thù đã giết cha mình, cướp ngai vàng và lấy mẹ mình mà không bị để lộ thân phận – trong vở kịch kinh điển Hamlet của William Shakespeare! Do vở Thành Cát Tư Hãn được diễn ở nhiều nơi tại Sài Gòn và miền Nam kể cả ở nước ngoài, nên có không ít diễn viên nam đã thể hiện nhân vật này. ĐD kiêm giáo sư Mĩ Dun Hauch (tên Việt là Đoàn Hùng) từng giảng dạy về kịch nghệ tại Viện Đại học Đà Lạt, Thể hình tại Đại học Tri Hành và Ballet tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn trước 1975, đã dựng vở Thành Cát Tư Hãn tại Đại học Honolulu (Hawaii, Mĩ, 1974).

 

Ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn trước kia, những nhân vật trong vở kịch Thành Cát Tư Hãn như: Sơn Ca, Thúc Bột Đào, Ông già Tây Hạ, Đại tướng Dương Bân, Công chúa Giang Minh, người đàn bà Tây Hạ… nhất là nhân vật Thành Cát Tư Hãn đã được các kịch sinh chọn làm đề tài tốt nghiệp phần thi diễn xuất của mình. Và diễn viên gạo cội Trần Quang đã tốt nghiệp qua vai Thành Cát Tư Hãn với số điểm cao nhất của trường được xem là đại thụ đứng chắn giữa sân trường mà không ai có thể vượt qua suốt nhiều năm dài! Hình tượng bi hùng (tragi – épique) của Thành Cát Tư Hãn qua diễn xuất của ngôi sao sân khấu – màn ảnh Trần Quang tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn đã định hình khuôn mẫu thẩm mĩ và triết học trong việc dàn dựng vở Thành Cát Tư Hãn suốt hơn thập niên 1960!

 

 

 

Ban Kịch Thụ Nhân Viện Đại học Đà Lạt, vào năm 1972, với việc dàn dựng mới vở kịch này theo cái nhìn hiện sinh về thân phận con người (ĐD: Phạm Thuỳ Nhân) ở đó Thành Cát Tư Hãn – qua thể hiện của Lê Kim Ngữ kịch sĩ – sinh viên Cử nhân văn chương Pháp, với ngoại hình mảnh khảnh, gầy gò hoàn toàn khác hẳn với chất “anh hùng” của Trần Quang, đã mang đến cho khán giả những năm 1970 một hình tượng mới của Thành Cát Tư Hãn: băn khoăn, xao xuyến, hồ nghi, thao thức về tồn tại của mình, cuối cùng chẳng còn gì ngoài tan rã, sụp đổ, hư vô và cô đơn trong buổi chiều nắng quái giữa thảo nguyên mênh mông vô tận của kiếp người chông chênh, hụt hẫng…

 

Khi xem Thành Cát Tư Hãn “tân truyện” của chúng tôi tại Viện Đại học Đà Lạt, thày Vũ Khắc Khoan tỏ ra thích thú: Tôi thích “Thành Cát Tư Hãn” của các cậu hơn!  Tôi hiểu câu nói đó của thày vì Thành Cát Tư Hãn thực ra là thày, là tôi, là chúng ta trên hành trình hiện thế…   Suy cho cùng, như một câu thoại trong Màn Giáo đầu của vở kịch, Thành Cát Tư Hãn chỉ là một cái cớ… Một cái cớ để… “lập ngôn”!

 

Còn trước đó cũng ở sân khấu giảng đường Spellman, khi xem Ban kịch sinh viên CTKD K4 - với Uông Bình Minh đóng vai Thành Cát Tư Hãn – thày Vũ Khắc Khoan cũng dành cho ban kịch những lợi khen ngợi cho rằng các bạn diễn còn hay hơn sinh viên của thày ở trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn!

 

 

 

NHỮNG CHUYẾN LƯU DIỄN NHA TRANG

 

Cũng trong thời gian này sau khi chúng tôi từ Viện Đại học Vạn Hạnh biểu diễn trở về chưa được bao lâu chuẩn bị nghỉ tết, thì Sinh viên vụ nhận được thư mời của Viện Đại học Thủy sản Nha Trang về diễn vở Thành Cát Tư Hãn cho khán giả gồm sinh viên của trường đại học này và học sinh cấp 3 của một vài trường trung học lớn tại thành phố Nha Trang. Rõ ràng giờ đây tiếng tăm của Kịch đoàn Thụ Nhân và sự hấp dẫn của vở kịch Thành Cát Tư Hãn đã vượt ra khỏi phạm vi cao nguyên Lâm Viên mà bay xa, rất xa thậm chí tôi còn nghe phong phanh kịch đoàn và vở kịch sẽ còn đi biểu diễn ở nước ngoài! Điều đó cũng trùng hợp với sự kiện kịch sĩ Lê Cung Bắc – một trong những thành viên cốt cán thành lập Ban Kịch Thụ Nhân – được mời dự Đại hội Sân khấu Thanh niên Quốc tế tại Canada năm 1974. Tôi còn nhớ một chi tiết vui mắt, vui tai khi thấy trên đường phố Nha Trang có chiếc xe quảng cáo mang tấm băng-rôn với nội dung nhấn mạnh: “Ban Kịch Thụ Nhân Viện Đại học Đà Lạt và vở kịch Thành Cát Tư Hãn đã từng lưu diễn tại Canada, Hoa Kì, Pháp…” Tiếng loa vang vang làm nức lòng chúng tôi dù biết rằng đó chỉ là chuyện cường điệu của người làm quảng cáo. Nhưng nếu cho chúng tôi cơ hội thì chuyện đó có gì là không làm được!

 

Song trước khi về Nha Trang một tình huống “thảm hoạ” đã xảy ra: Lê Kim Ngữ bị cảm lạnh nên khan tiếng! Kịch nói mà tắt tiếng không “thảm hoạ” thì là gì nhất là khi lại rơi trúng diễn viên chính đóng vai Thành Cát Tư Hãn! Thế là Sinh viên vụ Viện Đại học Đà Lạt và Ban điều hành Kịch đoàn Thụ Nhân lập tức họp khẩn vì chỉ còn… một ngày là lên đường không thể dời, hoãn cách nào được! Và tôi với tư cách là đạo diễn “thuộc” tuồng nhất được anh em chỉ định đóng vai Thành Cát Tư Hãn thế Lê Kim Ngữ!

 

Chiếc xe ca chở nguyên Kịch đoàn xuống đèo Ngoạn Mục. Vẫn một tấm băng-rôn lớn căng ngang hông xe với dòng chữ Kịch đoàn Thụ Nhân Viện Đại học Đà Lạt như lần đầu tiên về diễn tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Song ngày đó chúng tôi chỉ là những cô cậu sinh viên hồn nhiên chẳng hề vướng bận gì, còn bây giờ hình như những ưu tư về cuộc sống đã hằn lên khuôn mặt, đôi mắt. Sẽ làm gì đây khi ra trường? Chiến tranh! Tháng chạp đèo Ngoạn Mục vắng tênh, lá vàng rơi đầy con đường nhựa ngoằn ngoèo. Mọi người đang thư giãn chợp mắt thiu thiu ngủ, riêng tôi vẫn lẩm bẩm đọc câu thoại của Thành Cát Tư Hãn – một trong những câu thoại hay mà tôi -với tư cách đạo diễn – yêu cầu diễn viên phải thuộc thoại nằm lòng không được nhắc tuồng:

 

          … San phẳng một thành, đánh bại một nước,

              rồi ngay giữa đêm chiến thắng, giữa máu còn

             nồng cháy và lửa trận sáng ngời, giữa hai bát

             rượu khao quân, ngồi chính giữa chiếc ngai

             vàng của vua chiến bại, tự chọn lấy một

             người đẹp nhất trong đám đàn bà đẹp nhất

             của dân chiến bại, một người đẹp nhưng kiêu

             căng và dữ tợn như một chiếc ngựa nòi Mông Cổ.

             Để rồi dần dần nhận thấy, giữa máu nồng

             chảy và lửa trận sáng ngời, người đẹp dần

             dần yên lặng, yên lặng và phục tùng, cũng

             lại như một chiếc ngựa nòi mông cổ dưới đôi

             vế sắt của người chiến sĩ Mông Cổ…

(THÀNH CÁT TƯ HÃN, NXB Quan Điểm, Sài Gòn, 1962, tr 35-36)

 

Tôi báo cho thày về chuyến lưu diễn Thành Cát Tư Hãn ở Nha Trang, thày rất vui và sôi nổi bàn về những dự án mới về sân khấu… Thày cũng hé lộ về một hoạt động đặc biệt của giới sinh viên đại học toàn quốc sẽ được tổ chức tại Sài Gòn sắp tới, song cụ thể lúc nào thì còn phải đợi. En Attendant Godot!

 

(còn tiếp)

 

PHẠM THUỲ NHÂN

(Nhà biên kịch điện ảnh & phim truyện truyền hình)

 

http://www.gio-o.com/Phạm Thuỳ Nhân - Vũ Khắc Khoan - Lê Cung Bắc

 

(hình ảnh: từ một Youtube về lễ tốt nghiệp văn bằng Cử Nhân Đại Học Đà Lạt năm 1974, khóa sinh viên Phạm Thuỳ Nhân tốt nghiệp. Cám ơn người thực hiện Youtube này.)