bích chương vở Thành Cát Tư Hãn
 của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan được diễn vào năm 1976
tại rạp Twin Cities Theatre, thành phố Minneapolis bang Minnesota ***
tài liệu của: http://www.theatreintheround.org/

 

PHẠM THUỲ NHÂN

 

 

RẰNG TRĂM NĂM CŨNG TỪ ĐÂY ...

 

Lê Cung Bắc, Tôi Và Thày Vũ Khắc Khoan

Từ Sân Khấu Đến Giảng Đường (1)

Từ Sân Khấu Đến Giảng Đường (2)

Thiên Đường Đã Mất (1)

Thiên Đường Đã Mất (2)

 

GIẤC MƠ KHÔNG TRỌN!

Về Sài Gòn tôi nhanh chóng hoà vào môi trường mới tại Đại học Tri Hành - ngôi trường nằm xế phía trước mặt Việt Nam Quốc Tự trên đường Trần Quốc Toản (3 Tháng 2), quận 10. Ông Huỳnh Thanh Thiên – hiệu trưởng của ngôi trường đại học tư thục này – vốn tốt nghiệp ngành thương mại tại Học Viện Cao đẳng Thương mại ở Paris, đã nhanh chóng về Sài Gòn sau Hiệp Định Paris (tháng 1-1973) để nắm bắt cơ hội mới mở ra hoạt động đào tạo về ngành thương mại vốn dĩ hãy còn mới mẻ tại Việt Nam lúc ấy. Và rồi sau một năm phát triển, ông tiếp tục mở rộng hoạt động sang một lãnh vực mới mẻ khác: điện ảnh! Bấy giờ tại Sài Gòn chỉ có một cơ sở đào tạo về điện ảnh tư thục duy nhất là Đại học Minh Đức, trong khi Trung tâm Quốc gia Điện ảnh trực thuộc chính quyền chủ yếu làm các phim thời sự, tài liệu tuyên truyền là chính, thảng hoặc mới có một vài phim truyện cũng cùng mục đích trên.

Ông Huỳnh Thanh Thiên đã biết đến danh tiếng của Giáo sư Vũ Khắc Khoan trong lãnh vực Kịch nghệ từ lâu trên cương vị nhà văn, kịch tác gia và nhà giáo dục nghệ thuật – trưởng bộ môn Kịch nói tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn! Và ông đã hào hứng mời thày Vũ Khắc Khoan cáng đáng phần việc khá quan trọng tại Đại học Tri Hành hãy còn non trẻ: Khoa trưởng phân khoa Kịch nghệ & Điện ảnh!

Bây giờ công việc trước mắt của tôi là làm phụ khảo cho thày tại phân khoa Kịch nghệ & Điện ảnh tập trung vào việc xây dựng một đội ngũ giảng viên trẻ có năng lực nghiên cứu, giảng dạy về kĩ thuật sân khấu, lí thuyết, lịch sử kịch nghệ Việt Nam và thế giới... Cũng như tôi, các học trò cũ của thày được tập hợp lại và chúng tôi được thày giới thiệu với nhau để tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp, thân tình.

Người lúc nào cũng bận bịu, cái “chân chạy” của cả nhóm là anh Nguyễn Hà Bay – anh vốn quen biết nhiều trong giới nghệ sĩ và từng tốt nghiệp diễn viên Trường Quốc gia Âm nhạc & Kịch nghệ Sài Gòn với vai ông già Tây Hạ đối đầu với Thành Cát Tư Hãn (Trần Quang) ở hồi thứ nhất vở kịch Thành Cát Tư Hãn.

Rồi anh Vũ Hiệp – nhà nghiên cứu về lịch sử kịch nói Việt Nam. Đây cũng là đề tài Cao học của anh với thày Vũ Khắc Khoan và là môn học mà anh sẽ truyền đạt cho các sinh viên khoa Kịch nghệ năm thứ nhất.

Chị Đỗ Anh cũng tốt nghiệp diễn viên cùng với anh Hà Bay, chị có kĩ thuật diễn xuất và khả năng biểu cảm rất tốt được thày rất quý mến! Sau này tại Hội Việt Mĩ Sài Gòn, tôi và chị Đỗ Anh cùng với các sinh viên khoa Kịch nghệ của Đại học Tri Hành tham gia đóng trong vở kịch kinh điển Mĩ mang tên Desire Under The Elms (Dục vọng dưới tàn du, bản tiếng việt: Lê Tuấn) của kịch tác gia nổi tiếng Eugene O’Neil và do đạo diễn người Mĩ Dun Hauch (Đoàn Hùng – tên Việt) dàn dựng. Ông cũng dạy môn Hình thể tại Đại học Tri Hành; Ballet tại Trường Quốc gia Âm nhạc & Kịch nghệ Sài Gòn; Kịch nghệ Anh tại Viện Đại học Đà Lạt, nhất là đã dựng vở Thành Cát Tư Hãn tại Đại học Honolulu (Hawaii, Hoa Kì)...





bản tin tiếng Anh nói về vở Thành Cát Tư Hãn của nhà văn Vũ Khắc Khoan
được diễn tại Southern Illinois University, thành phố Carbondage, bang Illinois, Hoa Kỳ năm 1971
(theo tài liệu này thì vở kịch Thành Cát Tư Hãn đã được sinh viên tiến sĩ Duane Hauch thuộc đại học - University of Hawaii
nghiên cứu và dịch sang tiếng Anh. Còn phần trình diễn thì tại đại học Southern Illinois University năm 1971 - chú thích của Lê Thị Huệ)
tài liệu của: Benton Harbor News Archives, Michigan


Tôi thấy thày Vũ Khắc Khoan rất vui khi năm thứ nhất sinh viên theo học khá đông kín cả phòng. Bên phân ban Điện ảnh – do các đạo diễn trẻ như Đặng Trần Thức, Nguyễn Phú Hữu... đều tốt nghiệp ở Pháp phụ trách – tình hình cũng khả quan. Và lần đầu tiên tôi nghe thày nói đến việc thày sẽ tham gia vào điện ảnh với vai trò biên kịch (scénarist). Một nhà sản xuất (tôi không rõ) đã đề nghị thày chuyển thể vở kịch Những người không chịu chết thành kịch bản phim. Và một hôm thày nhờ tôi lấy chiếc Vespa Super của tôi chở thày ra đường Hàn Thuyên cạnh Nhà Thờ Đức Bà. Rồi thày bảo tôi dừng xe lại cho thày xuống nhìn ngó các góc, sau đó thày ngoắt tôi đến sát bức tường nhà thờ vừa nói:

-Cảnh sát đuổi theo Sơn chạy trên đường Hàn Thuyên trong đêm đến bức tường nhà thờ thì Sơn bị bức tường chặn lại! Cậu ta bị dồn vào bước đường cùng, trước mặt là cảnh sát sau lưng là bức tường nhà thờ, tiến thoái lưỡng nan!

Sau đó việc triển khai kịch bản phim Những người không chịu chết như thế nào thì tôi không nghe thày tiếp tục. Nhưng tôi thấy thày lại tập trung nhiều cho vở kịch Ngoạ triều (gọi tắt của Ngoạ triều Hoàng Đế Lê Long Đỉnh triều Tiền Lê). Trên tay thày lúc nào cũng có một cuốn sổ bìa xanh dương trang đầu có 2 chữ Ngoạ Triều được viết bằng bút nỉ cũng màu xanh dương – Tôi thấy thày dùng bút nỉ để viết chớ không dùng bút mực hay bút bi! Tôi không dám hỏi thày đang viết gì vì không nên tò mò như vậy, sáng tạo là một bí mật, tôi đã từng trải qua cảm giác sáng tạo (lúc đó tôi chưa viết mà đạo diễn sân khấu) vì vậy mỗi khi thấy thày kè kè cuốn bản thảo Ngoạ Triều trên tay là tôi thấy vui vui vì biết đâu một ngày nào đó không xa tôi sẽ có được niềm vinh hạnh được đạo diễn vở Ngoạ Triều như đã dàn dựng vở Ga xép tại Viện Đại học Đà Lạt cách đó không lâu!

Nhân nói đến việc dựng kịch một hôm thày mời anh Hà Bay và tôi đến nhà thày để bàn việc dựng vở kịch Kim tiền vừa gây quỹ giúp Kịch tác gia tiền bối Vi Huyền Đắc – tác giả vở Kim tiền, vừa ra mắt Ban kịch Chúng Ta mà thày từng hoài bão. Ban kịch cũng đồng thời quy tụ các thế hệ kịch sinh học trò thày từng học ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Anh Hà Bay vốn là người thân tín của thày được giao nhiệm vụ đi tiếp xúc với các bạn nghệ sĩ để dàn xếp công việc. Nhưng như người ta thường nói “đời không như là mơ”, một thời gian sau khi họp lại anh Hà Bay cho biết học trò thày đều kính mến thày nhưng để biên chế hẳn vào một ban kịch mà vấn đề kinh tế chưa được đảm bảo chắc chắn, rõ ràng thì chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” vẫn là nỗi ám ảnh hàng đầu! Đó là chưa kể chủ nghĩa ngôi sao luôn luôn ngự trị trong mối quan hệ của giới showbiz! Dự án Kim tiền không khả thi vì nhiều yếu tố không chủ động được: diễn viên, thù lao, kinh phí thực hiện quá cao không đáp ứng được yêu cầu từ thiện!

Và để giảm bớt chi phí anh Hà Bay đề nghị nên chọn một vở kịch vừa nổi tiếng lại gọn nhẹ về số lượng diễn viên và kinh phí thực hiện, anh giới thiệu luôn vở Những người không chịu chết của thày đã có tiếng vang trong công chúng như Thành Cát Tư Hãn nhưng chắc chắn kinh phí dàn dựng sẽ ít hơn rất nhiều. Gợi ý ấy được chấp thuận ngay nhưng để bán vé được thì thời điểm đó nhất thiết phải có Tú Trinh đóng vai nữ chính (vì Tú Trinh rất hợp với vai cô gái, nhất là tên cô đang “hot” ở các quầy vé!), vấn đề là cô có đồng ý tham gia hay không thôi! Anh Hà Bay lại phóng chiếc Lambretta màu trắng “dân chơi” của anh lao đi. Nhưng cũng ngay trong sáng đó, anh Hà Bay uể oải, nặng nhọc lê đôi chân “chạy” của anh trên cầu thang lên nhà thày ở Cư xá giáo sư số 7 Duy Tân và xuất hiện trước cửa. Vẫn khuôn mặt xương xẩu, bộ dạng cổ quái đó, anh ngồi xuống ghế lắc đầu nói:

-Thua rồi thày ạ! Em không nghĩ cát-sê của Tú Trinh cho mỗi đêm diễn lại cao ngất ngưởng như vậy!

-Bao nhiêu vậy anh? – Tôi hỏi.

-50 nghìn!

-Dữ vậy! Tôi dựng vở Ga xép của thày mới đây ở Đại học Đà Lạt chi phí toàn bộ chỉ khoảng 40 ngàn!

-Cậu so sánh như vậy không được! Về đây làm kịch trở thành một kịch sĩ, đạo diễn, sinh hoạt trong giới showbiz cậu phải hiểu sự phức tạp của họ như thế nào! Cát-sê, thù lao của các ngôi sao sân khấu, điện ảnh, ca nhạc cũng như cá tính của họ là chuyện mà cậu phải đau đầu khi tham gia vào công tác quản lí một ban kịch. Không thể quan niệm Ban kịch Chúng Ta như Kịch đoàn Thụ Nhân của cậu được! Ở Đà Lạt các cậu là sinh viên “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chỉ lo mỗi việc làm nghệ thuật và nhận lại những lời khen thưởng, ca ngợi về mặt tinh thần, học thuật; còn ở đây là khác, nghệ thuật phải gắn với tiền bạc, người nghệ sĩ phải có bản lĩnh để đối phó với những thứ trò phi nghệ thuật!

Anh Hà Bay nói với tôi nhiều lắm, tôi lắng nghe và ghi nhận vì anh là người từng trải, nhiều kinh nghiệm cả trong kịch trường lẫn trường đời! Khi thày mới đưa tôi chân ướt chân ráo về Sài Gòn, thày nói sẽ giới thiệu với tôi một người học trò mà thày rất quý mến, anh ấy không phải là người học rộng hiểu nhiều nhưng sẽ là người bạn tốt của tôi vì sự trung thực và lòng trượng nghĩa. Người đó chính là anh Nguyễn Hà Bay “đôi chân chạy” của thày! Anh từng nói những lời tâm huyết về tôi mỗi khi chúng tôi gặp nhau ở văn phòng Khoa Kịch nghệ & Điện ảnh Đại học Tri Hành:

-Cậu chỉ đáng tuổi thằng em nhỏ của tôi, nhưng cậu biết tại sao tôi nể cậu không? Tôi đã nghe ông thày nói hết về cậu! Cậu dám bảo vệ danh dự mình mà không chịu nhục dù biết có thể rước lấy tai hoạ. Cậu giống tôi, tôi cũng vậy. Hà hà…

Hà Bay cười thoải mái vừa vỗ vai tôi.

Sau những dự án trình diễn vở kịch Kim Tiền và tổ chức Ban kịch Chúng Ta không thành, anh Hà Bay ít lui tới Đại học Tri Hành, thỉnh thoảng mới ghé qua khi được thày gọi đến để lo một công việc gì đó của thày. Cho đến khi trường đóng cửa vào những ngày cuối tháng 4.1975 tôi không có dịp gặp lại anh. Phải hơn 40 năm sau Hà Bay mới trở về Việt Nam và một trong những lần đó anh đã giã từ mãi mãi cuộc đời này! Vĩnh biệt anh, Hà Bay – Ông già Tây Hạ của Thành Cát Tư Hãn!

Công việc ở Đại học Tri Hành vẫn trôi qua một cách bình thường. Thày Vũ Khắc Khoan đã dành nhiều thì giờ để chăm chút cho “tác phẩm” giáo dục của mình. Bên điện ảnh, thày trông mong vào những tên tuổi trẻ mới nổi được đào tạo ở Pháp về điện ảnh (đạo diễn Đặng Trần Thức), quay phim và nhiếp ảnh (nhiếp ảnh gia Nguyễn Phú Hữu). Điều đó cho thấy thày đặt trọng tâm vào lực lượng trẻ nhằm mang lại cho sáng tác điện ảnh một sinh khí mới.

Trong khi đó tôi vẫn âm thầm dõi theo vở kịch Ngoạ triều thày viết tới đâu rồi. Câu chuyện về vua Lê Long Đĩnh vốn đã trở nên quen thuộc trong lịch sử Việt Nam như là ông vua cùng hung cực ác, hoang dâm vô độ đến nỗi phát bịnh không ngồi được mà phải nằm mỗi khi thiết triều! Con quái vật lịch sử ấy dưới ngòi bút của Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan sẽ như thế nào? Chắc chắn theo tôi đó cũng sẽ là một tiêu bản lịch sử để biến thành “cái cớ” triết học như Thành Cát Tư Hãn từng là. Song tôi không tò mò hỏi thày về điều này. Sáng tạo là một bí mật và riêng tư! Cho đến khi vở kịch Thành Cát Tư Hãn hoàn thành vào năm 1962, nhân vật Thành Cát Tư Hãn vẫn luôn luôn vận động cùng đời sống để mang lấy những diện mạo khác nhau tùy theo những góc nhìn khác nhau. Và tôi chờ đợi “Ngoạ triều Hoàng đế” sẽ đến với nhân gian như thế nào với tư cách là một “cái cớ”!

Năm 2010 nhân Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long tôi được Đài Truyền hình Thành Phố (HTV) + Hãng phim Giải Phóng (GPF) + M&T pictures mời viết bộ phim lịch sử Về đất Thăng Long (40 tập/45 phút/tập) đề cập đến vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) và sự sụp đổ của nhà Tiền Lê (980 – 1009). Khi viết kịch bản này tôi nhớ đến thày – “ông Bụt của đời tôi” - mặc dù thày đã phiêu diêu vào miền thiên cổ! Tôi không biết sau ngần ấy năm thày đã viết xong tác phẩm Ngoạ triều hay chưa? Cái gì trong cuốn bản thảo ấy? Một kịch phẩm còn đồ sộ hơn cả Thành Cát Tư Hãn hay chỉ là Vô tự chân kinh của Đường Huyền Trang mà khi giở ra chỉ là những trang giấy trắng! Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách. Xá lợi tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thi không, không tức thị sắc; thọ, tướng, hành, thức, diệc phục như thị. (Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh).

 

CỦA TIN CÒN MỘT CHÚT NÀY…

Mùa mưa 1975 bắt đầu bằng những cơn mưa mây thoạt đến thoạt đi, nước không ướt đất khiến cho bầu không khí Sài Gòn trở nên hết sức ngột ngạt; cộng vào đó tình hình chiến sự ở các nơi với những mất mát chỗ này, thất thủ chỗ kia ngày đêm dội về thành phố cụ thể bằng những tiếng nổ của đạn pháo 120 li cùng với những bản tin của Đài BBC, Đài VOA… khiến cho sự ngột ngạt càng lúc càng gia tăng áp lực lên Sài Gòn.

Sự bất ổn, lo âu lan truyền vào mọi sinh hoạt của toàn thành phố, của mỗi gia đình, mỗi người dân… Người ta mơ hồ cảm nhận một cái gì đó to lớn, bao trùm đang dần dần hiện lên và nuốt chửng Sài Gòn đang bắt đầu hỗn loạn với bao nhiêu tin đồn không thể kiểm chứng được!

Ngày 28 – 4 – 1975 tôi không đến Đại học Tri Hành vì phải ra Vũng Tàu, đến các trại tị nạn ở Chí Linh để dò danh sách người thân di tản được tàu Hải quân chở vào từ miền Trung. Suốt cả ngày tìm kiếm ròng rã nhưng bóng chim tăm cá không tìm thấy gì, tôi thất vọng quay về! QL.50 Sài Gòn – Vũng Tàu đầy rẫy các công sự chống tăng và binh sĩ VNCH di chuyển rầm rộ chuẩn bị cho trận chiến ác liệt một mất một còn!

Khi tôi về đến nhà thì thành phố đã lên đèn, tôi thật bất ngờ khi nghe người nhà nói lại là vào khoảng 5 giờ chiều thày có đến tìm tôi. Thày hỏi tôi đi Vũng Tàu bao giờ về. Sau đó thày có ý nán lại đợi với vẻ nôn nóng trong lòng khi thời gian cứ càng lúc càng trôi qua nhưng chưa thấy tôi về! Bởi xe khách tôi đi di chuyển khó khăn, chậm chạp trên đoạn xa lộ Biên Hoà – Sài Gòn bị các chướng ngại vật và dây thép gai rào kín! Cuối cùng không thể chờ được thày đưa cho người nhà tôi một tập giấy và nói khi nào tôi về thì đưa tận tay cho tôi!

Tôi lập tức giở tập giấy ra xem có gì trong đó, thì ra bên trong thày đã soạn sẵn chương trình học 4 năm từ năm thứ nhất đến năm thứ tư niên khoá 1974 – 1978 của phân khoa Kịch nghệ & Điện ảnh Đại học Tri Hành! Tôi hỏi người nhà tôi thày có nói gì, dặn dò gì không, câu trả lời là thày không nói gì nhưng buồn lắm! Tôi nghĩ là thày sẽ ra đi… Sài Gòn những ngày cuối tháng 4 đó vô cùng hỗn loạn, tình trạng hôi của, cướp bóc diễn ra nhan nhãn tại những cửa hàng, trung tâm thương mại, kho hàng quân tiếp vụ… Tôi phải bán chiếc Vespa Super đầy kỉ niệm một thời trai trẻ đi để chuẩn bị cho cuộc hồi hương chắc chắn sẽ đến không xa… Và giữa những tiếng đạn pháo 120 li, tiếng máy bay trực thăng quần đảo bầu trời Sài Gòn, tôi vẫn có những phút giây tĩnh lặng để giở tập chương trình Cử nhân phân khoa Kịch nghệ & Điện ảnh Đại học Tri Hành mà thày Vũ Khắc Khoan đã soạn và giao lại cho tôi với niềm hi vọng le lói cuối cùng rằng cái sự nghiệp Kịch nghệ của thày vẫn sẽ còn sống mãi!

 

Rằng trăm năm cũng từ đây

Của tin còn một chút này làm ghi.

          (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

 

Nhưng đó chỉ mãi mãi là giấc mơ – một giấc mơ không trọn – thôi thày ạ! Hiện thực không bao giờ toàn vẹn nên Tạo Hoá mới ban cho con người giấc mơ để sửa chữa những lỗi lầm! Em đã không thực hiện được “Của tin” mà thày đã trân trọng trao vào tay em “làm ghi” trước lúc ra đi, em xin lỗi thày, ngàn lần xin lỗi thày mong hương hồn thày chứng giám! Thày hi vọng những xáo trộn rồi sẽ qua đi và con người ta phải sống, sống để ước mơ cho dù có rơi vào một hoàn cảnh tệ hại đến mức nào! Nhưng không phải giấc mơ nào cũng trở thành hiện thực vì có những giấc mơ đã nhanh chóng tan biến ngay từ trong trứng nước, bởi nó không đủ điều kiện để có thể sinh tồn! Nhưng em có thể hứa với thày sẽ mãi mãi là người học trò “tôn sư trọng đạo” không làm cho thày phải hổ thẹn vì mang danh là học trò thày cho dù thế sự có đổi thay thế nào đi chăng nữa! Cái “Của tin” đó em nghĩ mới thực sự “trăm năm” ghi tâm khắc cốt trong cái “Đạo Làm Người”!

 

KỈ VẬT

Tờ mờ sáng ngày 30.4.1975 khi tiếng máy bay trực thăng cuối cùng không còn nghe vang vọng trên bầu trời Sài Gòn, khi ánh bình minh vừa loé lên đủ cho người ta có thể thấy cuộc sống đang đến, tôi ra khỏi ngõ hẻm nhà tôi nhìn về phía Ngã Bảy và thấy mọi người đang xúm tụm bàn tán, chỉ trỏ lên tượng đài ở vòng xoay Ngã Bảy nơi đó là một lá cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã được treo từ lúc nào!

Rồi không bao lâu sau, những tiếng reo hò của quần chúng ở phía Việt Nam Quốc Tự khiến tôi quay lại và thấy quân Cách Mạng đang tiến vào trên đường Trần Quốc Toản (3 Tháng 2). Ngay lập tức tôi nghĩ đến thày Vũ Khắc Khoan nên vào nhà lấy xe máy PC vọt đi với một mục đích duy nhất: nếu thày còn ở nhà thì tôi sẽ là người thân giúp thày ổn định được tinh thần!

Để được nhanh tôi phải đi ngược chiều đường Hiền Vương (Võ Thị Sáu) đến ngã tư Duy Tân rẽ trái là Cư xá giáo sư số 7 Duy Tân nhà thày. Thật bất ngờ Hiền Vương là đại lộ một chiều cho xe cộ lưu thông từ miền Đông vào Sài Gòn, ngày thường tấp nập, nhộn nhịp là thế mà bây giờ hoàn toàn không một bóng xe, bóng người ngoài tôi và chiếc xe máy PC cà rịch cà tang của tôi! Tôi phải chạy xe len lách giữa những đôi giày lính, những bộ quần áo lính, nón sắt, áo thun vứt la liệt trên đường! Thật là một cảnh tượng kinh hoàng và mĩ lệ của Nghệ thuật sắp đặt về chiến tranh và hoà bình không dễ gì nhìn thấy!

Tôi đến Cư xá giáo sư số 7 Duy Tân quận 1, bỏ xe dưới cầu thang chạy lên. Không một bóng người! Linh cảm có điều gì đó không hay xảy ra, tôi phóng những bước dài bỏ qua các bậc cầu thang để đi cho nhanh. Và rồi tôi đã đến trước nhà thày. Cửa đóng kín mít. Tôi cảm thấy hồi hộp và lo lắng đưa tay lên gõ cửa. Một lúc. Bất ngờ tôi nghe có tiếng chân người đi và tiếng mở khoá lách cách. Tôi vui mừng thầm nhủ: “Có thể là Tuấn, chị Thơ hoặc Gấm – những người con của thày!”. Nhưng khi cánh cửa mở ra thì không phải mà là 2 chị người làm! Nhận ra tôi là người quen họ ngoắt tôi vào trong và cho biết thày và cả nhà đã đi rồi! Tôi cảm thấy tuyệt vọng vì thời điểm đó ra đi là vĩnh viễn chia li không hi vọng sẽ có ngày gặp lại! Ôi!

 

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du

          (Thôi Hiệu, Hoàng Hạc Lâu)

 

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?

Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!

Hạc vàng đi mất từ xưa,

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

          (Tản Đà dịch)

 

Tôi hỏi chị người làm trẻ:

-Có ai tới nhà thày chưa?

-Dạ chưa thấy! – Chị nói. – Chú là người đầu tiên!

-Vậy à! Hai chị có gặp khó khăn gì không?

-Dạ không! – Chị lớn tuổi hơn thấp giọng – Trước khi đi thày có dặn tụi tui…

-Dặn gì? – Tôi chăm chú.

Chị người làm lớn tuổi nghiêm giọng:

-Thày nói trong số các học trò của thày ai đến sớm nhất thì sẽ nhận tủ sách của thày để lại. Chú tới sớm nhất nên chú sẽ đem tủ sách đi nghen!

Tôi xúc động nói:

-Được! Tôi sẽ làm theo ý thày! – Với 2 chị người làm: - Còn hai chị?

Chị người làm lớn tuổi ngậm ngùi:

-Tụi tui chờ ông hoạ sĩ Thái Tuấn tới để giao lại mấy bức tranh của ổng, sau đó sẽ về quê sinh sống!

Tủ sách của thày cũng gọn gàng thôi, chủ yếu là một số sách về Kịch nghệ bằng tiếng Pháp, đặc biệt tôi thích nhất là cuốn Kinh Thánh (Cựu ước và Tân ước) ấn hành lần thứ 5 tại Hong Kong vào năm 1955, cho tới nay vẫn hãy còn tốt như ngày thày tặng tôi trước lúc ra đi vĩnh viễn! Mỗi khi nhìn cuốn Kinh Thánh luôn luôn ở trên bàn viết trước mặt tôi là tôi lại nhớ đến thày mà bồi hồi…

 

Nhân sinh bất tương kiến

Động như Sâm dữ Thương

          (Đỗ Phủ, Tặng Vệ bát xử sĩ)

 

Ở đời không gặp gỡ

Như cách vời Sâm Thương

          (Trần Trọng San dịch)

 

MỘNG LÀ THỰC!

3 ngày sau (2.5.1975), cũng như 2 chị người làm nhà thày tôi trở về quê (Phan Rí Cửa – Tuy Phong – Bình Thuận) đem theo trong hành trang số sách kỉ vật của thày. Ban đầu, do thiếu giáo viên và theo lời kêu gọi của ban giám hiệu, tôi xin dạy Pháp văn tại ngôi trường cũ (Trường trung học Bán công Phan Rí Cửa) mà tôi đã theo học hồi nhỏ (1963-67). Nhưng sau khi nộp lí lịch tôi bị từ chối (có lẽ do từng làm kịch tại Hội Việt Mĩ Sài Gòn!) dù gia đình tôi được xếp loại “gia đình cách mạng”! Thế là tôi nhanh chóng hoà nhập vào cái số phận chung của một bộ phận người dân miền Nam giương cao khẩu hiệu “lao động là vinh quang”! Trong hoàn cảnh đó tôi đã gặp lại thày Khoa trưởng Văn khoa Nguyễn Khắc Dương khi tình cờ đi chung một tuyến đường lao động cải tạo ở vùng rừng núi Sông Mao!

Từ đó tôi hoàn toàn không có tin tức gì về thày Vũ Khắc Khoan và bị xô vào công việc chân lấm tay bùn của người nông dân trên đồng ruộng. Nhưng một hôm điều kì diệu đã xảy ra:

Hôm ấy, sau khi “theo nước” về ruộng cho đầy vì lúa đang trổ đòng đòng, tôi nằm nghỉ dưới gốc cây quao trên bờ ruộng nghĩ đến thân phận mình mà không khỏi buồn bã tự nhủ: “Cuộc đời mình chấm dứt ở đây sao!”. Bất chợt có cơn gió ập đến. Nhìn đồng lúa đang dập dờn, xạc xào bỗng tôi nghe lẫn vào đó những thanh âm, giai điệu của nhạc phẩm quen thuộc: Symphony số 5 của nhạc sĩ thiên tài người Đức Ludwig Van Beethoven! Đúng rồi Giao hưởng khúc Định mệnh mà tôi đã dùng làm nhạc nền cho vở kịch Thành Cát Tư Hãn của thày Vũ Khắc Khoan! Tôi ngồi bật dậy. Gió thổi càng lúc càng lớn, cả đồng lúa dập dờn lượn sóng như những chiến sĩ Mông Cổ đang rạp mình trên lưng ngựa ào ào phi tới trên thảo nguyên mênh mông. Âm nhạc ma mị của Beethoven có sức lay động và khơi gợi mạnh mẽ khiến cho tôi nhớ đến sân khấu Giảng đường Hồng y Spellman và Viện Đại học Đà Lạt, nhớ đến Kịch đoàn Thụ Nhân và các bạn, nhớ đến vở kịch Thành Cát Tư Hãn – mối tình đầu say đắm của tôi với Kịch nghệ nói riêng và Nghệ thuật nói chung! Và bất chợt tôi thấy thày Vũ Khắc Khoan đang đứng cách tôi không xa – vẫn với phong thái của một “quý ông” ngày nào – thày nhìn tôi mỉm cười nửa miệng rồi biến đi!

Bất chợt gặp lại thày dù chỉ là “mộng tưởng” nhưng do tôi quan niệm MộngThực chỉ là hai Thể của Vật tức Mộng là Thực, nên trong tôi cái cảm xúc về thày rất dạt dào, rưng rưng ngấn lệ! Thày ơi!

 

Kiều rằng những đấng tài hoa

Thác là thể phách, còn là tinh anh.

          (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

 

Nói vậy tức là thày đã không còn trên đời này nữa hay sao? Ôi! Quan san điệp điệp, biển cả trùng trùng, lòng người li tán biết lúc nào gặp lại nhau đây!

Đúng là giữa núi rừng, ruộng rẫy xa xôi cách trở tôi không thể làm sao biết được thày còn hay mất! Nhưng sau lần gặp gỡ đó một bước ngoặt lại đến với cuộc đời tôi: tình cờ tôi nhận được lá thư của Lê Hữu Khanh – trước là giáo viên học thêm Việt văn trên Viện Đại học, tham gia phụ trách ánh sáng trong Kịch đoàn Thụ Nhân, nay đang làm việc tại Thành Phố cùng với Lê Kim Ngữ, Đoàn Đại Oanh! – Khanh cho biết anh em đã cố gắng truy tìm tôi từ sau khi họ rời Đà Lạt về Sài Gòn sau 1975 nhưng không gặp! Họ tin rằng tôi đã theo thày Vũ Khắc Khoan ra nước ngoài mà không mảy may ngờ rằng tôi “sáng đạp xe đi, tối đạp về” trên quảng đường hơn 15km từ Phan Rí Cửa, qua trại cải tạo Sông Mao (nơi tôi bất ngờ gặp thày Nguyễn Khắc Dương), lên Châu Khâm để làm ruộng cùng với bà con người Chăm – nhờ vậy mà sau này (1991) tôi có được cảm hứng và thực tế để viết nên kịch bản điện ảnh Xương rồng đen (với Nguỵ Ngữ) về vấn đề phân li đi - ở đầy biến động của xã hội miền Nam sau chiến tranh!

Lá thư đó đến sau khi tôi gặp lại thày Vũ Khắc Khoan! Một cách tâm linh tôi nghĩ thày không muốn tôi chỉ nằm dưới gốc cây quao mà nhớ về Thành Cát Tư Hãn với ngấn lệ đoanh tròng mà phải bay lên cung Quảng như Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (một vở kịch nổi tiếng khác của thày).

Thế là, sau khi đã theo nước 3 mẫu ruộng cho đầy đủ tôi bàn giao mọi việc lại cho mẹ tôi và thưa với bà: “Nước ngoài ruộng con đã theo đầy đủ rồi, lúa đã trổ đòng đòng rồi chỉ chờ lúa chín má kêu thợ gặt thôi! Bây giờ con phải đi, con không thể để mình mục rã như cái cây khô ngoài đồng được! Má ở lại giữ gìn sức khoẻ nha!

Mùa thu năm 1976, tôi trở lại Sài Gòn bắt đầu một bước ngoặt mới của cuộc đời…

10 năm sau, năm 1986, bất ngờ tôi nghe đạo diễn Lê Cung Bắc báo tin buồn: “Nhân ơi! Thày mất rồi! Ngày 12-9 ở Hoa Kì! Đến tôi nhé!”

Tôi lập tức đến nhà anh Lê Cung Bắc. Anh đã lập một chiếc bàn thờ nhỏ gắn vào vách đặt cạnh bàn thờ của gia đình, trên đó di ảnh của thày được anh lấy từ tấm ảnh thày ngồi trên ghế bành in trên bìa cuốn tuý bút Mơ Hương Cảng! Chúng tôi thành kính thắp hương tưởng niệm thày… Thày ơi!

 

Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

          (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

 

Thày mất đi nhưng những kỉ niệm cuộc đời với thày vẫn mãi mãi khắc ghi trong kí ức tôi không phai! Và điều quan trọng là giấc mơ kịch nghệ đã được thày chuyển hoá vào thế giới điện ảnh giúp cho tôi nguồn nội lực để bước tới trên con đường nghệ thuật!

 

TỪ SÂN KHẤU ĐẾN SÂN QUAY

Năm 1980, tôi đang làm công tác sân khấu quần chúng tại Nhà Nghệ Thuật quần chúng Thành phố. Sáng hôm ấy anh Huỳnh Bá Thành (hoạ sĩ Ớt) bất ngờ chạy chiếc Vespa Standard đến vui vẻ nói với tôi: “Tao đã giới thiệu mày cho anh Lê Dân, ảnh chịu rồi, mày tới gặp ảnh ngay!”. Tôi rất mừng vì có cơ hội được làm việc với nhà đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Sài Gòn với những bộ phim như: Nhà tôi, Trường tôi, Loan mắt nhung… Lúc đó đạo diễn Lê Dân đang chuẩn bị thực hiện bộ phim Đứa con bị từ chối, hoạ sĩ Ớt vốn có khuôn mặt và đôi mắt đẹp được anh mời đóng vai chiến sĩ du kích Trực trong phim này. Cơ duyên là vậy! Không ngờ cuộc gặp gỡ đó là sự mở đầu cho một cuộc hợp tác lâu dài  trên nhiều cương vị khác nhau.

Bấy giờ tại Xí nghiệp Phim Tổng hợp (sau là Hãng phim Giải Phóng) đạo diễn Lê Dân đã thực hiện các phim: Cánh đồng mơ ước (BK: Lê Văn Thảo, 1978), Trang giấy mới (BK: Xuân Mai, 1979) và Đứa con bị từ chối (BK: Nguyễn Kế Nghiệp, 1980) là bộ phim thứ ba của anh sau ngày đất nước thống nhất. Cũng từ bộ phim này, với sự giới thiệu của đạo diễn Lê Dân tôi chuyển từ Nhà Nghệ Thuật quần chúng Thành phố về Xí nghiệp Phim Tổng hợp với vai trò phó đạo diễn. Tôi chính thức từ giã kịch nghệ từ đó để gắn bó với điện ảnh nhờ sự dẫn dắt, chỉ bảo từ trên sách vở đến hiện trường quay rồi cả trong giai đoạn hậu kì của người thày mới: đạo diễn Lê Dân! Khi biết tôi là học trò của thày Vũ Khắc Khoan và đã từng dàn dựng những vở kịch lớn của thày: Thành Cát Tư Hãn, Ga xép… đạo diễn Lê Dân bày tỏ lòng kính trọng với thày mà theo đạo diễn là kịch tác gia kiệt xuất của Việt Nam! Nhờ vậy mà tôi càng được chiếu cố hơn!         

Mối quan hệ này gắn bó chúng tôi trong suốt nhiều năm sau đó. Tại Xí nghiệp Phim Tổng hợp thày Lê Dân tiếp tục là đạo diễn 2 kịch bản đầu tay của tôi: Con mèo nhung (1981), Tiếng sóng (1983). Còn tôi tiếp tục theo học nghề đạo diễn với thày trong vai trò phó đạo diễn với ước mơ trở thành đạo diễn điện ảnh như tôi đã làm trước kia trên sân khấu với các vở kịch nổi tiếng của thày Vũ Khắc Khoan!

Nhưng rồi… tôi đã không làm đạo diễn mà theo con đường biên kịch. Tại sao? Hẳn phải có lí do gì đó rất quan trọng mới khiến tôi từ bỏ cái ước mơ mà tôi đã ấp ủ từ khi còn làm công tác đạo diễn sân khấu ở Kịch đoàn Thụ Nhân khi còn theo học tại Viện Đại học Đà Lạt (1970-1974), nhất là giờ đây tôi đang có được cái “cơ hội ngàn vàng” là làm việc chung với người thày đã từng học một cách bài bản về điện ảnh tại Học viện Cao đẳng Điện ảnh IDHEC (Institut Des Hautes Etudes Cinéma tographiques) ở Paris, Pháp vào những năm 1950.

Mọi việc đã trở nên êm đềm chẳng có gì khuấy đảo cuộc đời tôi nếu như cùng thời gian đó (1982) tôi không gặp Hồ Quang Minh. Minh là Việt kiều Thuỵ Sĩ về nước với học vị tiến sĩ tin học nhưng lại muốn làm đạo diễn điện ảnh hơn! Anh về VN để tìm kiếm cơ hội làm phim sau khi đã nghiền ngẫm, học hành về công tác đạo diễn một cách kĩ lưỡng ở Pháp và Thuỵ Điển. Về nước, Hồ Quang Minh đem theo cả một “kho tàng” quý giá về tư liệu điện ảnh thông qua những bộ phim kinh điển của các nhà điện ảnh nổi tiếng của điện ảnh thế giới mà ở VN – do chỉ tiếp xúc với dòng phim xã hội chủ nghĩa - nên không phải ai cũng được xem! Và trong số các tên tuổi đó tôi bị mê hoặc bởi một người: đạo diễn Nhật Bản Kenji Mizoguchi với những phim như Quan Khâm sai Sansho (1954) nhất là Ugetsu Monogatari (Câu chuyện dưới ánh trăng mờ sau cơn mưa, giải Sư tử Bạc LHP Venise 1953). Sự ma mị của phim Kenji Mizoguchi nằm ở hình ảnh trong đó những cú xử lí máy quay thần kì đã tạo nên cái gọi là trường đoạn cảnh (plan-séquence) – ghi khắc tên tuổi bậc thày Nhật Bản trên bảng vàng điện ảnh thế giới! Nói đến trường đoạn cảnh còn là nói đến một kĩ thuật và phong cách dựng phim độc đáo không theo việc nối từng cảnh riêng rẽ (cut-to-cut) mà điện ảnh Mĩ đã khai sáng và đã trở thành cổ điển (classique). Từ đó tôi bị ngất ngây, mê hoặc vì Kenji Mizoguchi và tự nhủ tôi không thể bao giờ được như ông nếu làm đạo diễn trong điều kiện Việt Nam! Điều đó dằn vặt tôi nhiều đêm, ngày và cuối cùng tôi quyết định không theo đuổi công tác đạo diễn nữa! Lúc đó tôi có trao đổi với thày Lê Dân về điều hệ trọng này để thày có thể cho tôi một ý kiến nào đó. Và thày nói nếu tôi đã chọn lựa thì nên đi theo sự chọn lựa của mình! Những nẻo đường Tự do! Les chemins de la Liberté!

Tôi nghĩ tôi có thể viết một kịch bản với những con chữ và những ý tưởng riêng tư của tôi và tự tin rằng nó có thể “hay hơn” một kịch bản nào đó của Kenji Mizoguchi! – Có sự tác động tâm linh nào chăng của thày Vũ Khắc Khoan vào sự lựa chọn định mệnh này? Tôi tin là có như Thúy Kiều với Đạm Tiên: Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa! (N.D) Và tôi đã dứt khoát chuyển hướng sang thế giới của những con chữ như thày với kịch bản điện ảnh đầu tiên đầy sóng gió: Trò ảo thuật (1987) mà sau này Cục Điện ảnh Việt Nam kiểm duyệt đổi thành Gánh xiếc rong!

Bất giác tôi nhớ đến thày Vũ Khắc Khoan và tự nhủ: “Em cám ơn thày! Những gì mà em có được ngày hôm nay là nhờ vào những hành vi mà thày đã tác động vào cuộc đời em, giúp cho em nhận ra những giá trị nhân bản đích thực của Nghệ thuật mà thày đã làm chứng! Nghệ thuật giúp cho con người sống đẹp, nhân ái và bao dung…”

 

*** http://www.theatreintheround.org/new-homepage/about-trp/trp-facts/helping-build-local-theatre/

Bấm vào đây xem thêm một số hình ảnh về buổi trình diễn vở Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan)
của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan vào năm 1976 tại rạp hát Twin Cities theatre ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota

 

Sài Gòn, 9 - 2019

PHẠM THUỲ NHÂN

(Nhà biên kịch phim truyện điện ảnh & truyền hình)