Phạm Thuỳ
Nhân
photo: www.giaoduc.edu.vn
PHẠM THUỲ NHÂN
TỪ SÂN KHẤU ĐẾN GIẢNG ĐƯỜNG
(kỳ 2)
hồi ký
http://www.gio-o.com/Phạm Thuỳ Nhân - Vũ Khắc Khoan - Lê Cung Bắc
http://www.gio-o.com/VuTienLap/Từ Sân Khấu Đến Giảng Đường (1)
SÀI GÒN – TRƯỜNG QUỐC GIA ÂM NHẠC & KỊCH NGHỆ
Từ Nha Trang trở về chưa kịp nghỉ ngơi và chăm lo bài vở chuẩn bị kì thi học kì, chúng tôi được Sinh viên vụ thông báo Kịch đoàn Thụ Nhân và Thành Cát Tư Hãn sẽ tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ! Nhiệm vụ gì vậy? Một số anh em trong kịch đoàn đã có vẻ oải! Họ là sinh viên, nhiệm vụ chính là đi học, thi đậu để kiếm việc làm và quan trọng nhất là khỏi bị ném vào quân trường, chớ đâu phải họ là nghệ sĩ, nhân viên đoàn cải lương chuyên nghiệp đem lời ca tiếng hát rày đây mai đó tìm kiếm cuộc mưu sinh! Rõ ràng anh em đang bị chi phối bởi cuộc chiến tranh đang lởn vởn bên ngoài vòng rào – thậm chí cả bên trong khuôn viên Viện Đại học!
Dẫu vậy, một lần nữa Kịch đoàn Thụ Nhân lại khăn gói lên đường cùng với Đại Hãn Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn và Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan đến với Liên hoan Giao lưu các Đại học Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn.
Vì quỹ thời gian rất eo hẹp nên khi xe của Viện Đại học Đà Lạt vừa đến Trung tâm Sinh viên số 4 Duy Tân để làm thủ tục tham dự - trong khi các bạn khác xuống xe nhận chỗ lưu trú của đoàn và tranh thủ nghỉ ngơi - thì tôi yêu cầu Ban tổ chức đưa đến Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn trên đường Nguyễn Du với 2 hàng cây me lãng mạn. Cùng đi với tôi còn có: Vi Cường (Vi Văn Cường), Hữu, Hiệp… phải thấy rằng các bạn rất nhiệt tình và say mê kịch, việc gì cũng làm từ diễn viên đến công tác hậu đài, thiết kế cảnh trí… trong số đó Vi Cường (dân tộc Tày) là người có khiếu diễn xuất nhất. Vai diễn anh để lại dấu ấn và khẳng định khả năng diễn hài của mình là vai ông chủ nhà đòn Đức Bảo trong vở Ga xép.
Chúng tôi được người của BTC và nhân viên phụ trách sân khấu của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn đưa thẳng vào sân khấu – nơi trình diễn kịch nghệ và âm nhạc của nhà trường. Và tôi được BTC thông báo chính thức đây cũng là nơi trình diễn vở kịch Thành Cát Tư Hãn của đơn vị Viện Đại học Đà Lạt. Vừa nghe qua tôi và anh em hậu đài liếc nhìn nhau “lạnh gáy”! Bởi nếu so với sân khấu Spellman VĐH Đà Lạt thì sân khấu Trường QGÂN – KNSG lớn gấp 3 lần cả chiều ngang lẫn chiều sâu! Chúng tôi đã quen làm việc ở sân khấu Spellman nên không khỏi lúng túng chưa biết phải xử lí thế nào! Sau đó một người trong BTC nói cần gặp đạo diễn! Tôi cho biết đạo diễn là tôi! Người đại diện hỏi tôi cần những gì thì nói hết, nói cụ thể cho ông ta biết để cùng phối hợp giải quyết vì thời gian trình diễn chỉ còn trống một buổi chiều nay để thiết kế sân khấu theo yêu cầu của vở diễn! Đối với Thành Cát Tư Hãn điều tôi cần nhất là vải, gỗ để “cắt gọt” lại sân khấu cho gọn hơn, đồng thời loại ra khỏi tầm mắt khán giả những bộ phận quen mắt của sân khấu như cánh gà! Cuối cùng mô hình căn lều của Thành Cát Tư Hãn – thiết kế duy nhất của vở kịch – đã được tổ công tác thuộc BTC phác thảo, ghi chú tỉ mỉ. Rồi họ rời đi và hẹn 2 giờ sẽ trở lại bắt tay vào việc.
Còn lại tôi và anh em hậu đài! Nhìn sân khấu mênh mông, trống trải và những lời hứa hẹn chẳng có gì chắc chắn, tôi cảm thấy cái gánh nặng trách nhiệm đang đặt lên vai tôi! Tôi chợt nhớ đến câu kinh Cáo mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Tôi là đạo diễn, “tổng chỉ huy” của Kịch đoàn. Nếu việc tổ chức sân khấu không xong thì lấy gì chạy đường dây ánh sáng, âm thanh, tổng duyệt! Thôi thì… cái gì đến sẽ đến! Qu’est sera sera! Bất ngờ một bóng dáng thân thuộc xuất hiện từ ngoài cửa sân khấu xăm xăm đi vào. Chúng tôi mừng rỡ nhất loạt reo lên: Thành Cát Tư Hãn đến! Sự xuất hiện của thày Vũ Khắc Khoan khiến chúng tôi rất an tâm và lập tức báo cho thày những gì xảy ra trước đó, thày bảo thế là ổn rồi! Đó là những người trong BTC chuyên trách về sân khấu, nhiệm vụ của họ là thực hiện theo yêu cầu của Kịch đoàn. Quả nhiên, như đã hẹn, 2 giờ họ trở lại. Nhưng lần này không chỉ có người mà còn có cả một xe tải chở đầy vật tư, thiết bị sân khấu! Và rồi chẳng mấy chốc căn lều của Đại Hãn đã hiện ra với cửa ra vào, tấm màn che và cả một cái ngai chiến thắng cách điệu màu vàng nhũ kim loại! Tôi như ngất ngây trước những gì đang xảy ra. Tôi cám ơn thày đã dành thì giờ đến với chúng tôi, khích lệ chúng tôi trong công việc. Thày bảo ngược lại chính nhiệt tình và sự sáng tạo nghệ thuật của Kịch đoàn Thụ Nhân đã làm sôi động lại trong lòng thày tình yêu sân khấu! Thày cho tôi biết trước kia thày từng phụ trách bộ môn kịch nói tại trường. Cho nên chẳng mấy chốc nhiều sinh viên và các thầy đã đến hỏi han thày rôm rả.
Đến xế chiều sân khấu đã xong. Tôi yêu cầu toàn bộ các thành phần trong kịch đoàn có mặt để chạy đường dây và làm quen với sân khấu mới. Sự có mặt của thày Vũ Khắc Khoan khiến tất cả đều lên tinh thần. Vì danh dự Viện Đại học Đà Lạt và Kịch đoàn Thụ Nhân, mọi người quyết cống hiến hết sức mình cho vở kịch!
Đêm xuống, trong khi các bạn đang chuẩn bị công việc của mình thì tôi nấp sau tấm màn nhung vén màn lén nhìn xuống sân khấu sau khi đã hoá trang, phục trang vai diễn Đại tướng Dương Bân xong chỉ chờ diễn. Sở dĩ tôi nhìn lén như vậy vì một số lí do: quan sát tình hình khán giả để đo lường mức độ tham dự của họ như thế nào: bình thường, sôi nổi, lạnh nhạt… cũng như họ thuộc về tầng lớp xã hội nào: trí thức, doanh nhân, lao động, sinh viên- học sinh…
Giờ kéo màn rồi cũng đến. Với tư cách đạo diễn, tôi hội tất cả diễn viên chính, phụ và kĩ thuật đến giữa sân khấu động viên tinh thần mọi người trước giờ ra trận. Ai nấy đều hào hứng xúc động. Sau 3 tiếng gõ của chiếc gậy đạo diễn trên sàn gỗ sân khấu, bức màn từ từ mở ra, đèn sân khấu bắt đầu hừng lên từng ngọn.
Thành Cát Tư Hãn trạc 70 tuổi (Lê Kim Ngữ) ngồi trên chiếc ngai đang ngắm nghía mấy cuốn sách rồi đặt xuống bàn vừa hỏi ông già Tây Hạ râu tóc bạc phơ (Nguyễn Thanh Long).
THÀNH CÁT TƯ HÃN
Sách… sách này… để làm gì?
ÔNG GIÀ
Muôn tâu Đại Hãn, sách ghi lời thánh nhân.
THÀNH CÁT TƯ HÃN
Thánh nhân là ai?
ÔNG GIÀ
Muôn tâu Đại Hãn, thánh nhân là những bậc đại hiền thuở trước như Khổng Tử…
THÀNH CÁT TƯ HÃN
Tên đó có biết cỡi ngựa bắn cung không?
ÔNG GIÀ
Muôn tâu Đại Hãn, phu tử chỉ viết sách và truyền đạo.
THÀNH CÁT TƯ HÃN
Đạo dạy gì?
ÔNG GIÀ
Đạo dạy điều nhân nghĩa, khắp hang cùng ngõ hẻm nơi Trung nguyên, không ai là không biết tới.
THÀNH CÁT TƯ HÃN
Vì thế nên người Trung nguyên mới thua người Mông Cổ. Người Mông Cổ không cần nhân nghĩa.
(THÀNH CÁT TƯ HÃN, NXB Quan Điểm, Sài Gòn, 1962, tr 31-32)
Sau khi vở diễn chấm dứt, toàn thể chúng tôi đứng trên sân khấu cúi chào khán giả trong tiếng vỗ tay giòn giã, tôi thấy thày ở hàng ghế đầu nhìn lên vừa vỗ tay mỉm cười với vẻ hài lòng. Sau đó thày lên sân khấu bắt tay từng người. Tôi biết rằng chúng tôi đã thành công! Các sinh viên khoa kịch nghệ đang theo học tại trường xúm lại chúc mừng và xin chữ kí Thành Cát Tư Hãn (Lê Kim Ngữ), Công chúa Giang Minh (Diệu Hằng), Sơn Ca (Nguyễn Văn Xuyên) và dĩ nhiên cả Đại tướng Dương Bân kiêm đạo diễn Phạm Thuỳ Nhân nữa chớ!
Sau buổi diễn đầy ấn tượng, tạo được nhiều cảm tình cho quan khách và đại diện của các đại học bạn, thái độ chung là sự thán phục trước một Kịch đoàn gồm toàn các sinh viên nghiệp dư tập hợp từ các phân khoa khác nhau: Chính trị kinh doanh, Văn khoa, Khoa học, Sư phạm… không được đào tạo chính quy về diễn xuất, đạo diễn, hoá trang, phục trang, kĩ thuật sân khấu… như các sinh viên của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Trong số đó tôi gặp một vài bạn rất nhiệt tình và có nhiều thiện cảm với Kịch đoàn Thụ Nhân mà sau này tôi gặp lại khi cùng hoạt động trong lãnh vực sân khấu và điện ảnh: Nguyễn Xuân Cường (ĐD), Trần Hải Đệ (ĐD), Nguyễn Thị Minh Ngọc (ĐD + BK)…
ảnh
soạn: Phạm Văn Lại
VỞ KỊCH “GA XÉP” - KỊCH PHI LÍ!
Thành công của Kịch đoàn Thụ Nhân trong chuyến lưu diễn tham dự Liên hoan Giao lưu các Dại học Việt Nam càng làm uy tín và thiện cảm của mọi người đối với chúng tôi tăng cao. Nhưng đồng thời cũng đặt ra trong chúng tôi một vấn đề lớn: hầu hết chúng tôi là những sinh viên năm cuối sắp thi tốt nghiệp ra trường nên chắc chắn không có thì giờ tham gia vào một dự án mới là vở kịch Ga xép – cũng là một vở kịch nổi tiếng khác của giáo sư Vũ Khắc Khoan.
Tôi đã nghe nói nhiều về kịch bản Ga xép nhưng chưa in thành sách như Thành Cát Tư Hãn (1961) hoặc Những người không chịu chết (1972). Kịch bản tôi đọc lúc ấy (1974) chỉ là bản thảo đánh máy in ronéo với màn giáo đầu, màn vĩ thanh và 3 hồi ở giữa – bố cục quen thuộc của Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan. Bảng phân vai cụ thể sau: Vi Cường (Đức Bảo), Ngọc Ánh (Nghiêm), Diệu Hằng (cô áo tím), Duy (người thanh niên), Thanh Thuỷ (Ngà), Phạm Thuỳ Nhân (người quân nhân), Nguyễn Thanh Long (ông Tư đờn cò), Hiệp (ông nông dân)…
Để dàn dựng vở này mà khâu thiết kế sân khấu theo tôi là khá phức tạp khi tái tạo lại phần nội thất và ngoại cảnh của một căn ga xép lẻ loi, hoang phế, ma quái trong khu rừng. Khâu này ở vở Thành Cát Tư Hãn thì đơn giản hơn nhiều: một căn lều và một cái ngai của Đại Hãn Mông Cổ! Cho nên chúng tôi không đủ kinh phí để thực hiện! Số tiền 20.000đ hỗ trợ của Sinh viên vụ theo quy định chẳng thấm vào đâu mà làm đơn xin bổ sung thêm thì lại không được duyệt cho dù trên cửa miệng Kịch đoàn là “đứa con cưng” của Viện! Song, bằng cả lòng say mê kịch nghệ và ánh đèn sân khấu, tôi quyết định phải làm cho bằng được vở kịch mới lạ này của trường phái kịch phi lí (théâtre de l’Absurde) rất thịnh hành ở phương Tây nhất là Pháp với những đại biểu xuất sắc như: Samuel Beckett (En attendant Godot, Trong khi chờ Godot); Eugène Ionesco (Le Rhinocéros, Con tê giác)… Thế là tôi lập tức về quê tôi (Phan Rí Cửa – Tuy Phong – Bình Thuận) để thực hiện 2 việc quan trọng: thứ nhất xin người khán giả mê kịch không từ bỏ bất kì vở kịch nào do tôi dựng tại Viện Đại học Đà Lạt là mẹ tôi tài trợ! Dĩ nhiên là bà duyệt ngay cho cậu con trai một số tiền cũng bằng số Sinh viên vụ đã chi cho kịch đoàn: 20.000đ kèm theo lời dặn dò khi nào diễn phải báo cho bà biết trước một tuần để bà thu xếp lên Đà Lạt xem như những vở trước! Thứ hai, có tiền rồi tôi lên ga Sông Mao cách Phan Rí Cửa 10km để nghiên cứu, tham quan nhà ga Sông Mao đã bị bỏ hoang phế từ lâu qua đó thu thập được những dữ liệu cần thiết cho việc thực hiện makét sân khấu. Tôi quyết định mở rộng không gian sân khấu xuống khán giả. Toàn bộ màn giáo đầu sẽ được diễn ra ở giữa khán phòng với một hàng cột điện xập xệ, gãy đổ dẫn vào căn ga xép. Và một số nhân vật sẽ xuất hiện tại đây đi lên vừa giao lưu với khán giả. Chắc chắn sẽ tạo nên một hiệu quả tương tác tích cực giữa khán giả và vở kịch!
Tôi đem bản vẽ makét Ga xép đến gặp thày Vũ Khắc Khoan tại nhà thày ở số 14 Nguyễn Tri Phương, TP. Đà Lạt – đó là một ngôi nhà gỗ đơn sơ nhưng thi vị mà điều khiến người ta chú ý nhất chính là phòng khách khá rộng , chủ và khách ngồi trên những băng ghế tựa vào vách ván ở giữa là một lò sưởi bằng tôn, khung cảnh thật ấm cúng và thích hợp cho những buổi mạn đàm văn nghệ, triết học… bên tách trà nóng, chung rượu nồng. Tôi đưa thày cuốn kịch bản Ga xép in ronéo giấy vàng lườm, chỉ có 2 tờ bìa là giấy trắng, ở bìa 1 có vẻ nguyệch ngoạc căn ga xép và những cây cột điện bằng thân cây và các dòng chữ: Ga xép, tác giả Vũ Khắc Khoan, Kịch đoàn Thụ Nhân Viện Đại học Đà Lạt năm 1974. Và ở bìa 4 tôi vẽ chi tiết bối cảnh bên ngoài căn ga xép cùng với những cây cột điện, những thân cây, bảng hướng dẫn chỉ đường cho khách đi tàu. Thày có vẻ chú ý và thích thú trước sự mở rộng không gian sân khấu của tôi – với tư cách đạo diễn. Tôi bèn chộp lấy cơ hội hỏi ngay:
- Ý kiến của thày thế nào với makét sân khấu này?
Thày bình thản, chậm rãi nói:
- Đó là việc của cậu, cậu là đạo diễn!
Tôi bối rối, lúng túng đáp:
- Dạ em biết! Nhưng vì thày là tác giả còn sống và thêm nữa thày là thày của em nên em không dám mạo muội qua mặt thày mà không thỉnh giáo! Em cần biết thày muốn thấy vở kịch của mình đến với khán giả như thế nào! Em nghĩ đó là lòng tôn trọng đối với bậc sư phụ và một kịch tác gia nổi tiếng như thày!
- Cậu làm khó tôi quá đấy! - Thày chợt mỉm cười nửa miệng.
- Dà… - Tôi bối rối – Nhưng đó là điều cần thiết! Thày là thày, trò là trò!
- Nhưng trước một tác phẩm nghệ thuật - ở đây là vở kịch mà tôi là tác giả còn cậu là đạo diễn – thì không nên câu nệ thứ bậc thày-trò trên dưới, mà cần phải bình đẳng thì mới mong vở diễn (của đạo diễn) vượt qua trước tác (của tác giả) được! Cần phải có sự độc lập sáng tạo và sự khác biệt cá nhân thì mới mong làm nghệ thuật ra hồn được. Nếu không chỉ là một sự sao chép vụng về!
- Dạ, em hiểu ý thày! Nhưng… thú thực vở Ga xép này khán giả không thể tư duy theo cái lôgic thông thường của luận lí học Thành Cát Tư Hãn! Vậy thực ra tác giả muốn gì ?
Thày trầm ngâm một lát rồi nói :
- Là đạo diễn cậu làm sao là chuyện của cậu ! Nhưng sau khi xem xong Ga xép rời khỏi nhà hát người ta chẳng hiểu mẹ gì cả! Họ sẽ kháo nhau: Bạn có hiểu vở kịch Ga xép nói gì không? Chẳng hiểu gì cả!
-Théâtre de l’Absurde! Kịch phi lí! – Tôi nhấn mạnh.
-Cậu “hiểu” tôi muốn gì rồi đấy! Cứ mạnh dạn làm đi!
Khoảng một tháng sau vở Ga xép ra mắt lần đầu tiên tại sân khấu Spellman Viện Đại học Đà Lạt. Vì là đạo diễn và diễn viên (vai người quân nhân) nên tôi có điều kiện quan sát vở kịch từ trên sân khấu và cả khán phòng. Tính trào lộng đã được khai thác tốt ở hai nhân vật: ông Đức Bảo chủ nhà đòn Đức Bảo (Vi Cường đóng) và người quân nhân (Phạm Thuỳ Nhân) khiến những tràng cười nổi lên liên tục từ phía khán giả qua diễn xuất của các diễn viên. Khán giả nêm chặt khán phòng trên 500 chỗ trước một vở kịch ở đó mộng và thực, ma và người đã lẫn vào nhau tại căn ga xép hoang phế cứ khi trời chập choạng tối là lại hiện ra nói tới nói lui mãi hoài một câu chuyện bâng quơ, vớ vẩn, để rồi khi tiếng gà gáy sáng là họ lại biến đi… và rồi đêm sau lại tiếp tục gặp nhau với ngần ấy người, với chừng ấy câu chuyện đời…
Thời gian này quan hệ giữa thày và tôi đã rất khăng khít. Có thể nói chính Kịch nghệ đã nối kết chúng tôi với nhau một cách mật thiết trên nhiều góc độ khác nhau:
Tôi là đạo diễn và diễn viên những vở kịch lớn của thày như: Thành Cát Tư Hãn - vai Đại tướng Dương Bân và cả Thành Cát Tư Hãn; Ga xép - vai người quân nhân.
giảng
đường Minh Thành trước 1975 (nguồn ảnh : không rõ)
GIẢNG ĐƯỜNG MINH THÀNH – VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT
Song, có thể nói chính mối quan hệ thày - trò đặc biệt hiếm có giữa thày và tôi mới khiến cho tôi gắn bó tình cảm với thày một cách sâu sắc. Tại quê tôi (Phan Rí Cửa - Tuy Phong - Bình Thuận) có một sinh hoạt văn nghệ dân gian trong các vạn chài thu hút sự quan tâm của bà con ngư dân, được xem là nét đẹp văn hoá vùng miền (Nam Trung Bộ) đặc sắc trong mỗi dịp lễ cầu ngư, tế xuân cầu an để xin Ông Nam Hải (Nam Hải Đại Tướng Quân) tức Cá Ông Voi độ trì ngư dân trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy ghe, tai qua nạn khỏi. Trong những dịp tế lễ mang dấu ấn tín ngưỡng dân gian này tại các lăng vạn (mỗi thôn có một lăng vạn riêng của mình), các ngư dân kết hợp giữa tế lễ và trình diễn ca hát tự biên tự diễn. Lối hát đó được gọi là Hát Bả trạo (hát cầm chèo) hoặc Hát Chèo (hát với mái chèo, không phải là “Hát Chèo” miền Bắc). Từ lâu tôi đã muốn làm một cái gì đó về Hát Bả trạo ở quê hương mình, nên năm thứ tư Ban Việt văn sắp tốt nghiệp Cử nhân tôi làm một nghiên cứu tương đối tỉ mỉ về lối hát này lấy tên Hát Bả trạo tại Phan Rí Cửa và sau đó đăng kí với giáo sư bộ môn Kịch nghệ Vũ Khắc Khoan thuyết trình cho toàn lớp. Thày chấp thuận.
Thế là tuần sau tại giảng đường Minh Thành 3 của Văn khoa, trước đông đảo các sinh viên năm thứ 4 Ban Cử nhân giáo khoa Việt văn, sinh viên Phạm Thuỳ Nhân đã thuyết trình đề tài Hát Bả trạo tại Phan Rí Cửa trước sự háo hức của mọi người. Trên bục gỗ tôi vừa nói vừa hát vừa minh hoạ các động tác biểu diễn. Tiếc rằng vào thời đó tôi không có điều kiện để thu hình và thu âm đồng bộ buổi trình diễn mà chỉ có thể chụp ảnh, thu âm từng tấm ảnh, từng bài hát để minh hoạ! Tôi vẫn tiếc giá mà có điều kiện tài chánh phong phú hơn thì tôi dám làm “ông bầu” mang luôn cả gánh Bả trạo lên Viện Đại học Đà Lạt để trình diễn rộng rãi hơn cho sinh viên Văn khoa như đã từng đưa cả Kịch đoàn Thụ Nhân xuống Sài Gòn, Nha Trang trình diễn Thành Cát Tư Hãn!
Có một chi tiết khiến tôi đặc biệt chú ý: trong suốt buổi thuyết trình, giáo sư Vũ Khắc Khoan ngồi ở chiếc bàn cuối lớp cứ nhìn tôi đăm đăm, dường như thày đang rất quan tâm đến nội dung bài thuyết trình của tôi. Sau khi tôi thuyết trình xong – cũng đầy cảm xúc như khi diễn trên sân khấu Kịch đoàn Thụ Nhân - tôi cúi chào thày và các bạn đã chú ý lắng nghe, điều đó khiến cho tôi rất cảm kích. Mọi người vui vẻ thưởng cho tôi một tràng pháo tay rôm rả khiến tôi rất xúc động cứ tưởng giảng đường Minh Thành 3 là giảng đường Spellman, nhất là khi giáo sư Vũ Khắc Khoan đang đĩnh đạc tiến lại bắt tay tôi như sau khi xem buổi trình diễn vở Ga xép vừa diễn trước đó không lâu! Nhưng hôm nay thày không mỉm cười góp ý về diễn xuất của tôi (vai người quân nhân) không nên ngồi còng lưng, xấu mà thày nghiêm sắc mặt nói:
- Tôi có thể làm việc với cậu trong vòng ba mươi phút được chứ?
- Dạ được thày!
Tôi hào hứng đáp ngay vì linh cảm thấy có một điều gì đó quan trọng sắp xảy ra. Thày và tôi đi vào một căn phòng nhỏ sát cạnh giảng đường Minh Thành 3 cũng có bố trí một ít bàn ghế theo kiểu một phòng học mini. Tôi trình cho thày xem những bằng chứng mà tôi đã thu thập được trong quá trình khảo sát điền dã tại quê tôi: hình ảnh, băng ghi âm, những ghi chú, những bài phỏng vấn tại thực địa… Thày đặc biệt chú ý đến 4 kịch bản của 4 vở chèo mà tôi đã chép tay từ nguyên bản được trước tác bởi ông Bảy Lô – một nghệ nhân Hát Bả trạo tại thôn Hải Tân, xã Phan Rí Cửa lúc đó. 4 vở chèo gồm: Chèo Cầu ngư; Chèo Đưa linh; Chèo Quốc tổ; Chèo Chiến sĩ trận vong. Trong đó đáng chú ý về giá trị văn học và trình diễn, tín ngưỡng dân gian và phong tục truyền thống có 2 vở: Chèo Cầu ngư và Chèo Đưa linh. Sau này giáo sư Vũ Khắc Khoan đã in nguyên văn vở Chèo Đưa linh vào phần phụ lục cuốn sách biên khảo của thày: Tìm hiểu sân khấu chèo (An Tiêm, Sài Gòn, 1974)
Trong cuộc nói chuyện, thày “xin phép” tôi được sử dụng bài thuyết trình còn “nóng hổi” của tôi để làm tư liệu in trong cuốn sách biên khảo Tìm hiểu sân khấu chèo ở phần giải thích về nguồn gốc Hát chèo miền Bắc mà hiện nay thày chỉ mới ngờ ngợ, linh cảm song chưa có “bằng chứng” cụ thể. Thì đây, theo đánh giá của thày, khi ngồi nghe phần thuyết trình của tôi về Hát Bả trạo tại Phan Rí Cửa thì thày thấy sáng lên cái phần còn mù mờ trong linh cảm của thày. Trước lời đề nghị chân thành, khiêm tốn của thày tôi rất xúc động!
Khi quyển Tìm hiểu sân khấu chèo được NXB An Tiêm xuất bản vào năm 1974, trong đợt giảng bài chấm dứt môn Kịch nghệ, thày tặng tôi một bản với lời đề tặng trang trọng cho học trò mình. Và tôi – một sinh viên chưa tốt nghiệp ra trường – đã cảm thấy xúc động và hãnh diện khi trong cuốn sách in đầy đủ các chi tiết về Hát Bả trạo tại Phan Rí Cửa. Tôi tin rằng những người dân lao động biển lam lũ ở quê tôi sẽ rất vui khi họ đã được tôn vinh trên giảng đường đại học, trên sách vở… Sau đó thày cũng chấp thuận bảo trợ luận văn Cao học Việt văn cho đề tài Hát Bả trạo tại Phan Rí Cửa của tôi sau khi tôi huỷ bỏ dự án Cao học Hán – Nôm với một vị giáo sư vì lí do riêng!
giảng
đường Minh Thành hiện nay (nguồn ảnh : https://www.oscarhouse.net)
Cầu Kiều Minh Thành hiện nay (nguồn ảnh
: wikipedia)
11-08-2019
PHẠM THUỲ NHÂN
(Nhà biên kịch điện ảnh & phim truyện truyền hình)